Kiều Nương Xuân Khuê

Chương 5: "Mệnh tốt"



Triệu Yến Bình nói hắn không đặc biệt chú ý đến cháu gái Chu tú tài sát vách, Triệu lão thái thái tin ngay.

Tôn tử có khả năng thích ca nhi, làm gì chú ý đến cô nương mỹ mạo?

Triệu lão thái thái chẳng qua chỉ mớm ý, làm tôn tử nhớ sát vách có mỹ nhân từng vào thanh lâu, sau đó tiếp tục dong dài: “Cô nương kia có mệnh khổ, thật vất vả ra khỏi nơi đó, lại ở chung với người Mợ chanh chua, mỗi ngày nghĩ cách tra tấn nàng, hôm nay lại lớn tiếng vu oan nàng quyến rũ biểu ca, giọng to như vậy, nguyên cả con phố đều nghe được.”

Triệu Yến Bình thản nhiên uống trà, vẫn như mọi ngày nghe lão thái thái nói xấu người khác, biểu tình chẳng có gì khác biệt.

“Con đã gặp Chu Thời Dụ rồi đó, cao chưa đến vai con, ốm như con khỉ, Thúy Nương còn chê, ai thèm dụ dỗ hắn? Ta nghe người ta nói, cháu gái Chu tú tài đẹp như tiên, Chu Thời Dụ tám phần là bị sắc làm mờ mắt đi khi dễ người ta, bị tố giác nên trả đũa, bôi nhọ biểu muội dụ dỗ hắn, biểu muội của hắn thật đáng thương, từng vào nơi kia, cho dù phẩm hạnh đoan chính thì người ta cũng không tin.”

Triệu Yến Bình uống hết chén trà, đặt chén lên bàn, nhìn vào viện hỏi: “Cơm nấu xong chưa? Ăn cơm thôi.”

Triệu lão thái thái đi vào bếp nhìn.

Tối nay Thúy Nương nướng vài cái bánh, nấu một nồi cháo, cháo và bánh đã làm xong, đậu phộng trong nồi chỉ cần xào sơ là dọn ăn được.

Nhìn thấy Triệu lão thái thái, Thúy Nương càng ra sức nhanh tay, sợ lão thái thái lại mắng nàng.

Triệu lão thái thái tâm tình không tồi, giục nàng nhanh tay rồi đi ra.

Ăn cơm tối xong, Triệu lão thái thái đi tây phòng ngủ, Triệu Yến Bình ở đông phòng sát vách Chu gia.

Có lẽ do trước khi về nhà có đi uống mấy bát rượu với đám bộ khoái, ngủ đến nửa đêm, Triệu Yến Bình cần đi giải quyết.

Vừa mới lập thu, trời chưa lạnh đến độ phải đem bô để trong phòng, Triệu Yến Bình khoác thêm trung y xuống giường, lặng lẽ mở cửa đi nhà xí. Giải quyết xong, Triệu Yến Bình ngước nhìn bầu trời đêm, mùng 6 tháng 8, trăng như lưỡi liềm, trời đầy sao rải khắp nơi, người ta nói người chết sẽ biến thành ngôi sao, nhưng nhiều sao như vậy, biết tìm nơi đâu?

Triệu Yến Bình không muốn tìm, hắn muốn muội muội còn sống, cho dù khổ cực, còn sống thì còn hy vọng.

Yên lặng đứng đó một lát, Triệu Yến Bình chuẩn bị về phòng.

Nhưng lúc này, Chu gia sát vách đột nhiên truyền một âm thanh rất nhẹ, tựa như có người mở cửa viện.

Là đạo tặc sao?

Với chức trách của mình, Triệu Yến Bình nghiêm mặt, lặng lẽ leo lên bờ tường của chuồng gà, chậm rãi đứng dậy, lướt mắt qua đầu tường liền nhìn thấy một thân ảnh mảnh khảnh rời khỏi Chu gia, nhờ ánh trăng nhàn nhạt Triệu Yến Bình nhận ra người này đúng là A Kiều, cháu gái của Chu tú tài, mà lúc chạng vạng tổ mẫu có nhắc tới.

Đêm khuya tĩnh lặng, cửa thành đã đóng, nàng là nữ tử yếu đuối tay trói gà không chặt, đang định đi đâu?

_ _ _

Khánh Hà chỉ cách Chu gia một con phố, A Kiều chẳng mấy chốc đã tới bờ sông.

Bờ sông chỗ nông chỗ sâu, A Kiều đi dọc theo bờ, từng bước hướng tới chỗ mực nước sâu.

Gió đêm lạnh lẽo, nhưng không lạnh bằng cõi lòng nàng.

Hôm nay là mùng 6 tháng 8, cũng là sinh nhật A Kiều.

Cậu muốn mừng sinh nhật, sáng sớm dặn Mợ đến chỗ đồ tể mua hai cân thịt, rồi ra bờ sông tìm người đánh cá mua đầu cá, buổi tối cả nhà ăn một bữa ngon. A Kiều không muốn phô trương như vậy, nhưng Cậu cứ nhất quyết, Mợ dĩ nhiên không vui, nàng kiên trì từ chối nhưng không đổi được chủ ý của Cậu, cũng không làm Mợ thoải mái được chút nào.

A Kiều chẳng nói gì, giống cái bóng an tĩnh.

Cậu đi dạy tư thục, Mợ không muốn mua thịt, cứ nhì nhằng, đến chiều không trì hoãn được nữa Mợ mới dẫn biểu muội đi ra ngoài, kêu nàng nhóm lửa nấu cơm.

A Kiều ở trong bếp, ngày thường biểu ca Chu Thời Dụ đều ở trong phòng vùi đầu đọc sách, nay đột nhiên tới nhà bếp, rút ra chiếc khăn lụa nói là quà sinh nhật tặng nàng. A Kiều đã sớm biết biểu ca có tâm tư với nàng, nhưng nàng đối với biểu ca vô tình, Mợ thà chết cũng sẽ không đồng ý cho nàng và biểu ca dây dưa, A Kiều từ chối quà tặng của biểu ca.

Biểu ca lại kiên trì tặng nàng, A Kiều không nhận, biểu ca liền nhét vào tay nàng, A Kiều nhận thấy động tác của biểu ca không hợp lễ nên muốn rời nhà bếp, biểu ca đột nhiên chặn ngang ôm nàng, đẩy nàng tựa cửa có ý đồ khinh bạc.

Đến giây phút đó, A Kiều hoảng sợ phát hiện ra biểu ca tuy không cao hơn nàng nhiều nhưng sức lực lại mạnh hơn, lúc bị hắn chặn lại, A Kiều không tránh ra được.

A Kiều thấy ghê tởm, nàng cố hết sức đẩy biểu ca ra, lao ra khỏi nhà bếp, gặp được Cậu vừa về.

Không cần nàng mở miệng, Cậu đã đoán được chuyện gì xảy ra, lửa giận ngút trời, Cậu chụp biểu ca lại, hung hăng tát một bạt tai, mặt biểu ca sưng vù, Mợ mua thịt về thấy vậy, vì bênh biểu ca nên đổ oan rằng nàng dụ dỗ hắn.

A Kiều biết Cậu tin nàng, nhưng Mợ la to như vậy, trái phải lân cận đều nghe được, những người đó sẽ tin sao?

Thanh danh nàng đã không tốt, hiện tại lại thêm tội dụ dỗ biểu ca, về sau làm sao gặp người được?

Ở nhà Cậu, Mợ và biểu muội luôn nói lời lạnh nhạt với nàng, Cậu bị kẹp ở giữa nàng và Mợ nên ít khi tươi cười, biểu ca nhìn khô khan thấp bé, kỳ thật có rắp tâm với nàng…

A Kiều cảm thấy vô vọng.

Nàng dừng lại ở bờ, nơi này nước rất sâu, nghe nói từng có hài tử ham chơi nên bị chết đuối.

Bờ biển có cây hòe già cong cong, cành lá rậm rạp che khuất ánh trăng sáng, mặt nước âm trầm nhìn rất đáng sợ.

A Kiều nhìn thoáng qua, liền nắm vạt áo lui về sau hai bước.

Nàng nhát gan, vẫn luôn nhát gan, lúc bị Mợ bán vào thanh lâu, trong lâu còn có vài người mới, có tiểu nha đầu bảy tám tuổi ngây thơ mờ mịt, cũng có đại cô nương mười lăm, mười sáu tuổi đòi chết đòi sống. A Kiều xen lẫn trong đó, tận mắt thấy tiểu nha đầu ngoan ngoãn thì có cơm ăn, đại cô nương đòi chết đòi sống chẳng những bị bỏ đói còn bị đòn roi, A Kiều liền chọn nghe lời.

A Kiều nghe lời đổi lấy niềm vui của tú bà, tú bà thích nhéo cằm nàng, khen nàng là hạt giống tốt, tú bà đối với nàng ngập tràn chờ mong, những kỹ nữ khác trong lâu gió chiều nào theo chiều ấy, chưa bao giờ khi dễ nàng, cho nên A Kiều không trải qua những khuất nhục mà nhóm phụ nhân bàn tán.

Nghĩ đến tú bà, A Kiều lại nhớ ngày nàng rời Hoa Nguyệt Lâu.

Đó là ngày mạo hiểm nhất mà nàng đã vượt qua, ít nhiều danh kỹ đều bị bộ khoái cầm thú bỡn cợt, nàng mệnh tốt, gặp được Triệu quan gia.

Mệnh tốt…

A Kiều bỗng bật cười, ngẩng đầu lên nhìn xuyên cành lá rậm rạp, nàng thấy lưỡi hái phía chân trời dường như là vầng trăng non.

Gió mát lạnh, ánh trăng cũng lành lạnh, tâm A Kiều từng chút ấm lại.

Cậu nói trải qua đại nạn, nàng không chết tất sẽ có hạnh phúc cuối đời, Mợ mỉa mai khen nàng mệnh tốt, ngay cả những phụ nhân giặt quần áo nơi bờ sông thích tám chuyện cũng nói nàng mệnh tốt, có thể thoát khỏi ổ sói Hoa Nguyệt Lâu.

Vì hai chữ “mệnh tốt”, A Kiều không muốn chết.

Dựa vào cái gì muốn chết?

Trước khi cha mẹ bệnh qua đời đã đem tiền bạc trong nhà giao hết cho Cậu Mợ, tuy không nhiều nhưng đủ nuôi nàng, nàng ở nhà Cậu không phải ăn không uống không. Không chỉ thế, Mợ còn bán nàng một lần, không có nàng thì biểu ca đã chết từ lâu, làm gì còn sức lực để khi dễ nàng? Dựa vào cái gì nàng chịu uất ức lại còn bị mấy tiểu nhân chiếm tiện nghi bức tử nàng?

Nàng càng muốn sống, muốn sống cho tốt, nàng không có lỗi với ai, chỉ có Mợ và biểu ca mới không có mặt mũi nào gặp nàng!

Lau nước mắt trên mặt, A Kiều dứt khoát xoay người, theo đường cũ trở về nhà.

Từ đầu đến cuối, A Kiều không hề phát hiện có người âm thầm theo sau.

– – –

Sáng hôm sau, tựa như hôm qua không có gì xảy ra, thần sắc A Kiều như bình thường đối diện bốn người Chu gia, nàng chỉ không dậy sớm phụ quét sân, sau khi ăn xong nàng cũng không thu dọn chén đũa như trước kia.

Ai nấy đều thấy được, nàng âm thầm phản kháng.

Chu Thời Dụ rũ thấp đầu, mau chóng trở về phòng đóng cửa đọc sách.

Kim thị cũng chột dạ, hôm qua bà rống to vì muốn giữ thể diện cho nhi tử, muốn cắn chết A Kiều, nếu A Kiều khóc lóc bà còn có thể ý thế hiếp người, hiện tại A Kiều tỏ thái độ bọn họ đều có lỗi với nàng, nếu Kim thị còn dám sai nàng, trượng phu Chu Sưởng liền là người đầu tiên mắng người.

“Song Song, dọn bàn.” Kim thị muốn đi cho heo ăn, sai nữ nhi của mình.

Chu Song Song nhìn bóng dáng A Kiều đang đi về đông sương phòng, bĩu môi nói: “Vì sao con phải dọn, trước đây không phải đều do biểu tỷ làm sao?”

Kim thị chưa kịp mở miệng, Chu Sưởng đen mặt dạy nữ nhi: “Con câm miệng cho ta, từ nay về sau việc nhà đều do con phụ trách, con không làm thì tìm nương làm.”

Mặc dù la con, Chu Sưởng cũng nói rất nhỏ, không muốn cho cháu gái nghe thấy sẽ cảm giác ngột ngạt.

Mắng xong nữ nhi không hiểu chuyện, Chu Sưởng đến đông sương phòng, vén rèm thấy cháu gái ngồi trên ghế cạnh cửa sổ, chuẩn bị thêu thùa.

“Cậu” A Kiều đứng lên nhìn Cậu cười.

Chu Sưởng rất chua xót, cúi đầu thở dài, nói đầy áy náy: “Con không hiểu chuyện là lỗi của cha, do Cậu không dạy dỗ biểu ca tốt, để nó bị mỡ heo che tâm làm ra chuyện gièm pha, tối hôm qua Cậu đã mắng nó, nó lấy công danh ra thề về sau sẽ không khi dễ con, Kiều Kiều an tâm ở nhà, không cần sợ hãi, Cậu hứa với nương con sẽ chăm sóc cho con thì tuyệt đối không nuốt lời.”

A Kiều kéo cổ tay áo, rũ mắt gật đầu.

Chu Sưởng đứng hồi lâu chỉ chờ được lời đáp như vậy, đoán được cháu gái còn không thoải mái trong lòng, Chu Sưởng cũng không làm được gì, đi ra ngoài nói: “Cậu đi dạy trước, về lại nói chuyện với con.”

A Kiều dạ một tiếng.

Chu Sưởng đi rồi, nhìn qua cửa sổ của sương phòng, ông thấy cháu gái cúi đầu thêu thùa, thần sắc cực kỳ chuyên chú.

– – –

Trung thu sắp tới, trường cho học trò nghỉ năm ngày, Chu Sưởng cũng muốn cùng Kim thị đến nhà mẹ đẻ của Kim thị tặng quà.

Sáng sớm ngày 14 tháng 8, Chu Sưởng lén đưa A Kiều một ít bạc vụn, kêu A Kiều buồn thì đi dạo mua đồ hay trang sức gì đó.

“Đừng cả ngày lủi thủi một mình, đi ra ngoài cho vui.” Chu Sưởng thương tiếc nói.

A Kiều nhận bạc, nhẹ giọng nói: “Đa tạ Cậu, con sẽ đi, Cậu mau xuất phát, đừng để Mợ chờ sốt ruột.”

Nàng vừa nói xong, ngoài cửa Chu gia vang lên tiếng Kim thị thúc giục: “Chàng xong chưa, rốt cuộc có đi hay không?”

Chu Sưởng nhíu mày, nhìn cháu gái ngoan ngoãn hiểu chuyện, Chu Sưởng đi ra ngoài cùng vợ con hội hợp, nhìn thấy Kim thị không tránh khỏi mệt mỏi.

Một nhà bốn người ngồi xe lừa, sau khi họ xuất phát, A Kiều đóng cửa chính, tiếp tục về phòng thêu thùa.

Ở sát vách Chu gia, Thúy Nương chạy vô nhà, đôi mắt sáng rỡ nhìn Triệu lão thái thái nói: “Lão thái thái, cả nhà tú tài xuất phát rồi, xe lừa đã ra khỏi ngõ rồi!”

Triệu lão thái thái đang đóng đế giày cho tôn tử, nghe vậy thì nhàn nhạt ừ một tiếng, tỏ vẻ đã biết.

Thúy Nương hoa mắt, đợi chốc lát thấy Triệu lão thái thái còn đóng đế giày, Thúy Nương khó hiểu: “Lão thái thái, không phải ngài muốn xem mặt A Kiều tỷ tỷ sao?” Nhiều ngày qua, lão thái thái cứ hỏi nàng A Kiều tỷ tỷ rốt cuộc đẹp cỡ nào, còn kêu nàng canh chừng xem khi nào cả nhà tú tài đi qua nhà mẹ đẻ Kim thị ăn Tết, nàng tưởng rằng lão thái thái đợi lúc không có Kim thị ở nhà thì qua xem dung nhan A Kiều.

Triệu lão thái thái may vài đường kim, lúc này mới ngẩng mặt, vô cùng ghét bỏ liếc Thúy Nương một cái: “Mắng ngươi ngốc ngươi còn giận dỗi, người ta mới đi liền qua, chẳng phải chứng tỏ là qua nhìn mặt à?”

Thúy Nương cắn môi, nhỏ giọng thì thầm: “Thì ngài đúng là đi nhìn người ta mà.”

Triệu lão thái thái bó tay, không muốn giải thích với nha đầu ngốc, tiếp tục đóng đế giày của mình, làm xong một đôi cũng là đến lúc nấu cơm trưa, Triệu lão thái thái mới đứng lên xoa eo, sai Thúy Nương: “Đi vào bếp lấy cái chén to cho ta.”

Thúy Nương hỏi: “Ngài cần chén để làm gì?”

Triệu lão thái thái hơi mỉm cười: “Đi tìm A Kiều mượn gạo!”