Ký Linh

Chương 44



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“Tạm biệt ở đây, sau này… mong mọi người bình an, thuận lợi.” Nam Ngọc chắp tay ôm quyền vừa lưu luyến lại vừa có phần bất lực kiểu “đến chịu mọi người”.

Chàng còn bận chức vụ của mình, không thể ở mãi ở nhân gian đi cùng mọi người, cùng lắm là thấy gặp nạn thì trộm xuống giúp một tay.

“Cảm… Thôi, đã cùng nhau chém yêu thú rồi còn khách sáo gì nữa,” Phùng Bất Cơ tính xuề xòa, hết lạ liền thân, câu nào câu nấy đều là những lời gan ruột, “chúng tôi sẽ cố gắng không gây phiền phức cho huynh nhưng đi dọc Trần Thủy, khó tránh gây chút ồn ào, nếu huynh thấy không ổn thì phải nhắc chúng tôi ngay, đừng để hại đến huynh.”

Nam Ngọc không nói được hiện giờ mình và đám người này có quan hệ gì nhưng được nghe một câu như vậy vẫn thấy ấm lòng: “Mọi người cũng vậy, có cần hỗ trợ gì thì cứ nói một tiếng.”

“Nói là giúp à?” Bạch Lưu Song còn lâu mới tin.

Nam Ngọc hơi méo mặt: “Đương nhiên không thể là yêu cầu vô lý.”

Bạch Lưu Song xùy một tiếng: “Thế thế nào là có lý, thế nào là vô lý đều không phải do huynh nói cả sao. Nếu mà muốn giúp thật thì cần gì hỏi nguyên do, cứ lên luôn thôi!”

Nam Ngọc: “…”

Bạch Lưu Song: “Nhìn tôi cũng không ích gì đâu. Tiên phách tôi đã trả cho rồi, giờ hai ta không thiếu nợ nhau!”

Nam Ngọc: “Cáo từ!”

Nhìn theo bóng lưng hậm hực bỏ đi của Trần Hoa thượng tiên, Ký Linh, Đàm Vân Sơn và Phùng Bất Cơ thấy đau lòng thay.

“Sao cô cứ làm khó huynh ta thế?” Ký Linh bực mình dở khóc dở cười véo mặt Bạch Lưu Song, “Người ta là thượng tiên, vì mấy người xa lạ chúng ta mà dám chia cả tiên phách cho cô, thế mà còn chẳng đổi được một câu dễ nghe từ miệng cô à?”

“Cho rồi đòi lại mà cũng gọi là chia cho tôi à?” Bạch Lưu Song thấy mình mới là người bị oan, rõ ràng chẳng hời được chút gì mà tự dưng lại mắc nợ người ta, “Tôi ghét cái thói động tí là ra vẻ ta đây là thần tiên của hắn, thần tiên thì ghê gớm lắm, mở miệng ra là yêu quái các cô, yêu quái thì sao nào? Yêu quái có hút tinh khí của hắn hay là chiếm động phủ của hắn à?”

Ký Linh thấy thật giống trẻ con giận lẫy, nàng mỉm cười: “Huynh ấy đâu có cố ý, nếu thực sự như cô nói thì người ta đã chẳng chia tiên phách cho cô, tạm thời cũng không chia đâu.”

Bạch Lưu Song im.

Ký Linh chờ một lúc không thấy nàng ấy cãi lại thì tưởng là đối phương đã bị mình thuyết phục, đang định yên lòng thì nàng ấy lại lẩm bẩm một câu: “Chính bởi không cố ý nên mới đáng ghét.”

Chuyện đầu tiên Nam Ngọc làm khi về tới Cửu Thiên Tiên Giới là cảm ơn bạn mình.

“Huynh với tôi đâu cần phải nói mấy câu khách sáo này.” Chử Chi Minh hờ hững xua tay, tính đứng dậy quay về bờ sông Vong Uyên.

Nam Ngọc ngăn huynh ấy lại nhưng chỉ nhìn chứ không nói năng gì.

Chử Chi Minh hiểu rõ mười mươi: “Lần này mất bao lâu?”

Nam Ngọc cười khì khì: “Lần này không xuống phàm, đi Bồng Lai, tí thôi!”

Trần Hoa thượng tiên biết bạn sẽ không trách mình nên nói xong liền vội vàng lao tới Bồng Lai, để mình Uyên Hoa thượng tiên đứng ngơ ngác bên bờ Trần Thủy ngoài Cửu Thiên Môn hứng gió tiên mát mẻ.

Bồng Lai? Người bạn này của huynh ta, lúc mới lên tiên thì ở Phương Hồ, sau khi thành thượng tiên thì ở Viên Kiệu, sư phụ kính yêu nhất thì tại Canh Thần Cung ở Đại Dư, cho nên bất kể là tìm bạn cũ, đồng nghiệp hay ân sư thì đều không đi Bồng Lai. Đang yên đang lành tự nhiên tới đấy làm gì?

Chử Chi Minh làm việc gì cũng vững vàng, chắc chắn, nghiêm túc, ngoại trừ do tính cách thì còn bởi tâm tư thiếu mẫn tiệp, lanh lợi. Mãi tới khi bạn đã đi được một lúc lâu, huynh ấy mới nhớ ra Vũ Dao thượng tiên vừa hùng hổ đi khỏi đài gương Trần Thủy ban nãy hình như là ở Bồng Lai.

Nhưng, Nam Ngọc đi tìm Vũ Dao thượng tiên vốn không qua lại gì để làm gì?

Chử Chi Minh không nghĩ ra được.

Huynh ta không phải người thích làm khó mình nên không nghĩ ra thì thôi, chỉ hơi tiếc vì đầu óc mình không đủ nhanh nhẹn, không kịp nói cho bạn biết Vũ Dao thượng tiên vừa mới nổi cáu ở đây. Nếu đúng là bạn mình đi tìm vị ấy thì e là sẽ bị dính cơn giận của người ta.

Nam Ngọc đi tìm Lạc Mật thật. Lý do rất đơn giản: nói lời cảm ơn cho chuyện ở Tiên Chí Các. Bất kể động cơ của Lạc Mật là gì thì lúc ấy nàng ta cũng đã thực sự giúp chàng. Hơn nữa, ngoài sư phụ nhà chàng, đây là người duy nhất biết chuyện chàng đột nhập cấm địa, dẫu rằng là “đồng phạm” nhưng “uy hiếp, dọa dẫm” không bằng “đồng tâm hiệp lực”, cứ gây dựng quan hệ tốt đẹp thì vẫn hơn.

Tất nhiên, Nam Ngọc cũng có lòng riêng muốn thăm dò thử xem rốt cuộc bí mật Lạc Mật ẩn giấu là gì.

Có điều, cả cơn giận mà Chử Chi Minh lo bạn bị dính phải lẫn lời cảm tạ mà Nam Ngọc muốn nói cộng thêm lòng riêng muốn tìm hiểu bí mật đều không thành hiện thực. Bởi vì Vũ Dao Cung đóng cửa, từ chối tiếp khách.

Hỏi tiên tì nguyên do thì đáp là không biết, chỉ biết Vũ Dao thượng tiên căn dặn như vậy, không gặp ai hết, trừ khi là Thiên Đế đến.

Thiên Đế bận rộn công việc ở Cửu Thiên Bảo Điện, chắc chắn không có khả năng tới Bồng Lai tiên đảo nhưng mới rồi Đế Hậu có tới. Tin này Nam Ngọc phải mất cả núi lời hay ý đẹp mới khai thác được từ chỗ tiên tì. Có điều, Đế Hậu đến để làm gì, vì sao vừa đi khỏi thì Lạc Mật lại đóng cửa không gặp ai, Nam Ngọc vắt hết óc suy nghĩ cũng không ra được manh mối gì.

Trên trời, Trần Hoa thượng tiên bị người ta đóng cửa không gặp. Dưới đất, bộ tứ cũng không được thuận lợi.

Lúc tới Vụ Lĩnh, vì phải tìm Dị Bì nên đi khá vất vả; giờ Dị Bì đã đền tội, họ chỉ cần đi đại một đường nào đó xuống được núi, rời được Vụ Lĩnh là được, bất kể có đi tới đâu thì cũng đều có thể tìm được thôn xóm, thành trấn để mượn xe ngựa đi tiếp.

Họ tìm được một lối để xuống núi nhưng càng đi càng thấy bất an, càng đi càng thấy kỳ lạ: lẽ ra càng xuống tới gần chân núi thì tầm nhìn phải càng tốt nhưng tình hình hiện tại thì ngược lại, sương mù còn dày hơn so với lúc mới rời hang, lúc đó còn nhìn thấy được chân núi và loáng thoáng thấy thôn làng, còn giờ thì chẳng nhìn thấy gì nữa, dõi mắt trông xa chỉ toàn mây mù lượn lờ.

“Tôi bảo này,” Phùng Bất Cơ cúi nhìn đất vàng trơ trọi dưới chân rồi lại ngẩng lên nhìn lối đi đâm thẳng vào biển sương mù phía trước, sống lưng ớn lạnh, “chúng ta đang xuống núi hay là lên núi ấy nhỉ? Sao càng ngày tôi càng thấy có vấn đề…”

“Đúng là hơi lạ,” Ký Linh nhíu mày bước chậm lại, “mặc dù lúc đến cũng có sương nhưng không đến mức không nhìn thấy đường, hơn nữa ít nhất chúng ta đi được hơn một canh giờ,” nói rồi nàng ngẩng đầu lên xem trời, trời đầy mây, “chắc là mặt trời đã lên cao rồi, tại sao…”

Ký Linh không tìm được từ thích hợp, tóm lại là rất lạ.

“Tôi còn cho là sương trên Vụ Lĩnh là trò ma trò quỷ của Dị Bì cơ, hóa ra là do chỗ này vốn đã ma quái như vậy…” Bạch Lưu Song chẳng thèm quan tâm một con yêu quái thì có tư cách khinh bỉ một chỗ nào đó là ma quái không, nàng cực kỳ không thích chỗ này, nếu không phải muốn đi với chị thì nàng đã hóa thành tinh phách bay xuống núi từ lâu rồi.

Đàm Vân Sơn đi ở tít đầu đột ngột dừng bước, Phùng Bất Cơ đi sát không kịp dừng, suýt va phải người chàng: “Ôi, sao đệ…”

Vế còn lại bị Phùng Bất Cơ nuốt ngược vào trong bụng.

Đằng trước cách chỗ họ mấy trượng đã là đường cùng. Dường như quả núi bỗng vỡ làm hai tạo ra hai bên hai vách núi dựng đứng, ở giữa là vực sâu, một cây cầu treo nối bờ này vách núi chạy thẳng vào mất hút trong biển mây mù.

*hình một cây cầu treo qua sông Pô Kô:

cau-treo-2_gdds

Bộ tứ lại gần đầu cầu xem, bên dưới là vực sâu muôn trượng, trước mặt là cây cầu hẹp dài hiểm trở.

Cầu treo hẹp dài chỉ gần bằng hai người đứng bắc ngang miệng vực, lắc lư nhè nhẹ theo cơn gió thổi qua, lại thêm không nhìn thấy bờ bên kia khiến nhìn vào khó mà yên lòng.

“Sao bảo không có ai dám lên Vụ Lĩnh cơ mà, sao còn có người mất công bắc cầu?” Bạch Lưu Song không hiểu, “Chẳng lẽ bên kia có người ở?”

Ký Linh lắc đầu. Tuy hiện thời không rõ họ đã đi tới đâu nhưng rõ ràng là Vụ Lĩnh rất hoang vắng: “Bên này không có cỏ cây, chim muông. Cho dù bên kia có người ở thì người ta cũng chỉ làm đường xuống núi bên đó thôi chứ bắc cây cầu dài như thế này sang đây để làm gì?”

Phùng Bất Cơ vò đầu bức bối: “Rừng hoang núi vắng, cây cầu treo kỳ lạ, chỉ còn thiếu nước không cắm sẵn cái biển ghi rõ hai chữ “cạm bẫy” ở đầu cầu mà thôi. Đừng nói với tôi mọi người vẫn nghĩ chuyện này là bình thường!”

Đương nhiên là chuyện này trông chẳng ổn chút nào, nếu không họ đã chẳng đứng ở đầu cầu nói qua nói lại nãy giờ.

Cảm giác bất an tích tụ trong lòng Đàm Vân Sơn suốt dọc đường cuối cùng lên tới đỉnh điểm, chàng gần như lập tức quyết định quay đầu: “Đổi đường.”

Ký Linh: “Đồng ý.”

Bạch Lưu Song: “Hú…”

Phùng Bất Cơ: “Đang chờ đệ nói câu này đấy!”

Đầu cầu bên kia có gì, mọi người đều tò mò. Song, nếu cái giá phải trả để thỏa trí tò mò là khá đắt thì thôi vậy.

Đi lòng vòng một hồi không rõ là bao lâu, có thể là một canh giờ, cũng có thể là hai canh giờ, dù sao, tóm lại là đến người to khỏe như Phùng Bất Cơ cũng đã thấy hai chân mỏi nhừ. Có câu “lên núi dễ, xuống núi khó” nhưng khó hơn cả xuống núi chính là mãi mãi không xuống được núi: Bất kể có đi theo hướng Đông, Tây, Nam hay là Bắc để xuống núi thì cuối cùng họ đều bị quay lại chỗ đầu cầu bắc qua vực này.

*lên núi dễ, xuống núi khó: câu này có một nghĩa là chỉ việc mọi người đều có thể leo được lên núi nhưng không phải ai cũng tìm được đường xuống, lạc đường trong núi và cuối cùng mất mạng. Ngoài ra, nó còn dùng để ẩn dụ cho việc khi địa vị xã hội tăng thì vui vẻ sung sướng, khi bị hạ xuống thì xấu hổ, buồn bã. Một nghĩa nữa là chỉ việc khi lên núi, tuy dốc khó đi nhưng ít nguy hiểm hơn, khi xuống núi tuy dễ đi hơn nhưng cũng dễ bị tai nạn hơn. Bởi vì người lao động khi lên núi thường đi người không, khi xuống núi thường cõng theo đồ nặng, trọng tâm lại bị đổ về trước, cộng thêm tư thế khớp gối dùng để leo lên và đi xuống khác nhau và thể lực cũng không bằng lúc leo lên nên dễ bị ngã.

“Đừng phí sức nữa,” Đàm Vân Sơn hiểu ra, “chúng ta bị người ta cầm chân ở đây rồi.”

Ký Linh im lặng, lòng rất nặng nề. Từ lúc nào? E là từ sau khi từ biệt Nam Ngọc thì đã bắt đầu bị sa bẫy.

Phùng Bất Cơ bực bội sút mạnh một cú vào thân cột trụ đầu cầu: “Rốt cuộc là ai làm khó chúng ta vậy!”

Bạch Lưu Song vịn cây cầu treo nghển cổ ngó sang thấy đầu bên kia chỉ toàn là biển sương mịt mù: “Cứ sang đó xem đi cho rồi, dù sao cũng không còn đường nào khác. Thay vì loanh quanh ở đây sầu não thì cứ đối mặt đi. Tôi lại muốn xem thử xem nó ghê gớm cỡ nào!

Ký Linh nhìn Đàm Vân Sơn: Thấy thế nào?

Đàm Vân Sơn trầm ngâm một lúc rồi gật đầu: Được.

Đến tận khi bốn người đã nối đuôi nhau đặt chân lên cầu, cầu treo lúc lắc vì có thêm người đứng lên nó nên phải dang hai tay ra túm dây thừng hai bên mới vững, Phùng Bất Cơ vẫn không kịp hiểu tại sao họ lại “biết thừa trên núi có hổ mà vẫn còn đâm đầu lên núi”.

Ai quyết định vậy? Đã hỏi huynh ta câu nào chưa? Từ nhỏ huynh ta đã sợ nhất là đi qua cầu treo, vì sao không có đồng đội nào để ý tới huynh ta chứ!!!

Cầu rất dài, đi được quá nửa cầu thì cả trước lẫn sau đều là mây mù, trước không thấy đích tới, sau không thấy điểm bắt đầu, chỉ có từng cơn gió thổi qua vực sâu, nếu cầu bị đứt vào lúc này thì họ thực sự chẳng thể làm gì được.

May mà dù lắc lư nhưng cầu vẫn khá là chắc chắn.

Suốt thời gian đi qua cầu, họ luôn phải đề cao cảnh giác, chú ý dưới chân, bốn phía xung quanh và các đồng đội. Thế cho nên, lúc sang tới đầu cầu bên kia, người nào người nấy đều bủn rủn, mồ hôi đầm đìa.

Cả bọn đều cảm thấy không thể tin nổi.

Phùng Bất Cơ: “Thế là… qua rồi à? Không bị làm sao cả hả?”

Bạch Lưu Song: “Sao sương vẫn không tan vậy…”

Quả là sương vẫn không tan, không nhìn được xa nhưng bốn chung quanh thì vẫn thấy được đại khái. Cỏ cây tươi tốt, dòng nước uốn quanh, mái đình lấp ló không xa, lắng tai nghe còn thấy có cả tiếng chim kêu ríu rít, so với cảnh hoang vắng bên đầu Vụ Lĩnh thì…

Khoan khoan.

Cầu đâu rồi?

Ký Linh nhìn quanh bốn phía, nhìn tới sau lưng mới giật nảy mình. Đâu còn cây cầu treo nối hai bờ vực thẳm nữa. Trảng cỏ xanh ngát lấm chấm hoa dại, ong bướm vờn quanh sinh động, giàu sức sống.

Nàng bất giác muốn gọi Đàm Vân Sơn, đưa mắt tìm mới biết người ta đã đi về phía mái đình lấp ló đằng kia rồi.

Ký Linh vội rảo bước đuổi theo, Đàm Vân Sơn cũng đang kinh ngạc không thua gì nàng. Chàng mở to hai mắt nhìn chằm chằm mái đình trước mặt, vẫn chưa phát hiện chuyện cây cầu treo đã biến mất.

“Sao vậy?” Chỉ là một mái đình lục giác cực kỳ bình thường, Ký Linh nhìn đi nhìn lại mấy lượt vẫn không tìm ra có gì đặc biệt.

“Có Trần Thủy tiên duyên đồ đây không?” Đàm Vân Sơn vẫn nhìn chằm chằm mái đình, thái độ rất nghiêm túc.

Ký Linh không đáp, thò luôn tay vào tay nải lấy tiên duyên đồ đưa cho chàng: “Đây.”

Đàm Vân Sơn không đưa tay nhận, lạnh nhạt nói: “Tìm Nịnh Phương đi.”

Mặc dù Ký Linh không nắm rõ tiên duyên đồ như lòng bàn tay giống chàng nhưng vẫn nhớ chỗ của năm yêu thú, nhanh chóng rà được vị trí của Nịnh Phương, sau đó đến lượt nàng tròn mắt không dám tin.

Ngẩng đầu xem ngôi đình, cúi đầu xem bản đồ, nhìn tới nhìn lui mấy lượt, Ký Linh vẫn không tin nổi: “Đây là… đình Cảnh?”

Đình Cảnh không phải tên địa danh mà là một ngôi đình nằm ngay chỗ Trần Thủy tiên duyên đồ đánh dấu vị trí của Nịnh Phương. Ngôi đình được vẽ khá giản lược nhưng vẫn có thể nhận ra là một đình lục giác.

Ngôi đình trước mặt cũng là đình lục giác, lại cũng có đề hai chữ “Đình Cảnh”. Trên đời này đúng là có vô số đình lục giác nhưng cùng tên là “Đình Cảnh” thì liệu có thể có bao nhiêu cái? Nếu vừa trùng tên mà lại vừa khéo nằm ở một chỗ chim hót hoa thơm giữa mùa đông nữa thì sao?

Chỉ có Di Châu mà Nịnh Phương ở mới có thời tiết dạt dào sắc xuân vào mùa này.

Thế nhưng, chỗ ấy ở phía nam Trần Thủy, cách Hoàng Châu gần vạn dặm! Họ thì sao? Từ lúc ra khỏi hang đến giờ, tính kỹ ra chẳng qua chỉ mới đi được mấy canh giờ!

“Chị ơi chị, cầu mất rồi…” Tiếng Bạch Lưu Song cuống quýt vang lên sau lưng.

Ký Linh quay người lại, Bạch Lưu Song nhào vào lòng nàng, may mà nàng đã giơ tiên duyên đồ lên cao nên bản đồ mới không bị rách.

Phùng Bất Cơ đi sau Bạch Lưu Song thấy nàng cầm bản đồ liền giật mình: “Sao lại lấy bản đồ ra? Xảy ra chuyện gì thật rồi à?”

Câu hỏi này thực ra không được đúng cho lắm, kể từ lúc họ ý thức được mình đã bị cầm chân thì đấy là đã xảy ra chuyện rồi. Song, có rơi vào bẫy cũng không sao, nước dâng cao tới đâu, núi dâng cao tới đấy. Nhưng nếu có liên quan tới tấm Trần Thủy tiên duyên đồ thì tính chất của vụ việc này lại trở nên nghiêm trọng.

“Có lẽ chúng ta đã tới Di Châu rồi.” Đàm Vân Sơn quay người lại thở dài.

“Di Châu?!” Mắt Phùng Bất Cơ trợn lên như mắt trâu, chẳng hiểu chuyện này là thế nào, “Nói mớ gì thế, chỗ này phải cách Di Châu tới vạn dặm!”

Đàm Vân Sơn hỏi hắn: “Chỗ này? Chỗ này là chỗ nào?”

Phùng Bất Cơ đáp đầy chắc chắn: “Hoàng Châu chứ đâu.”

Đàm Vân Sơn lắc đầu: “Từ lúc qua cầu treo, mảnh đất dưới chân chúng ta đã không còn thuộc địa phận Vụ Lĩnh, Hoàng Châu nữa rồi.”

Bạch Lưu Song hiểu ra nhưng lại càng rối hơn: “Đi qua một cây cầu là vượt luôn được vạn dặm? Còn nhanh hơn cả tinh phách nữa ư? Sao có thể vậy được!”

Phùng Bất Cơ: “Hơn nữa, nếu như nơi này thật sự là Di Châu, thế thì vụ giam chân chúng ta khi nãy không phải là bẫy mà là có người giúp chúng ta?”

Ký Linh: “Giả như quả thật là giúp chúng ta, vậy thì hoàn toàn có thể ra mặt nói rõ, thẳng thắn biểu đạt thiện ý. Tại sao lại không dám mà lại đi dùng sương mù ép chúng ta phải qua cầu?”

Đàm Vân Sơn: “…”

Đi cùng ba đội hữu nóng tính quả là mệt.

“Tôi không nói chỗ này chắc chắn là chỗ đó nhưng ít nhất là tạm thời thấy giống.” Đàm Vân Sơn thở hắt ra, thong thả nói, “Muốn biết rốt cuộc người đứng sau muốn giúp chúng ta hay muốn hại chúng ta, chỉ có một cách…”

Bạch Lưu Song, Phùng Bất Cơ: “Gì?”

Ký Linh: “Xem xem có thể tìm được Nịnh Phương không.”

Đàm Vân Sơn: Xem xem có thể tìm được Nịnh Phương không.”

Ký Linh: “…”

Đàm Vân Sơn: “…”

Phùng Bất Cơ: “Có cảm thấy hai ta rất dư thừa không?”

Bạch Lưu Song: “Hú ú…”

Bỗng một cơn gió lốc nổi lên, đám sương mù vốn đang loãng dần lập tức dày lên, còn dày hơn lúc ở Vụ Lĩnh!

Trong gió có cuốn theo đất đá, Đàm Vân Sơn bị mất tầm nhìn, không mở nổi mắt ra, chỉ loáng thoáng nghe thấy tiếng Phùng Bất Cơ trách móc…

“Sói trắng, đang yên đang lành cô tru cái gì mà tru!”

Sau đó chỉ nghe được đứt quãng, tiếng nói ngày càng xa, Bạch Lưu Song bực mình cãi lại: “Bị ngốc hả… Gió tôi gọi tới luôn luôn kèm theo tuyết…”

Sau đó, gió và mọi âm thanh dần xa, trời đất tĩnh lặng trở lại.

Cát trong mắt dường như cũng hết, không còn đau nữa, Đàm Vân Sơn ngỡ ngàng mở mắt ra nhìn rồi ngẩn ra.

Đình Cảnh, bãi cỏ, các đồng đội, tất cả đã cùng nhau biến mất. Chàng đang ở một chốn không người, ngẩng đầu lên không thấy trời, bên dưới chân không thấy đất, nhìn quanh tứ bề chỉ có ánh sáng tươi đẹp.

Đằng trước dường như có ánh sáng bảy màu, cứ như thể bị một lực thần bí nào đó lôi kéo, Đàm Vân Sơn đi về phía chỗ sáng đó.

Đi được nửa đường, một hồ nước hiện ra trước mặt, hành lang gấp khúc thấp thoáng mây bay nằm trên mặt hồ, dưới mái ngói cong, cây cầu lát ngọc lưu ly dẫn lối sang tới bờ bên kia. Bên kia bờ là một căn gác không biết cao bao tầng, ánh sáng bảy màu được tỏa ra từ đó, rạng rỡ loá mắt.

Đây là Cửu Thiên Tiên Giới.

Không biết vì đâu nhưng Đàm Vân Sơn biết là vậy.

Đi qua cây cầu lưu ly, tiếp tục đi về phía trước, cuối cùng bước đến dưới gác lầu. Đàm Vân Sơn ngẩng đầu lên đếm từ trên xuống dưới. Có cả thảy bảy tầng.

Chung quanh không có người. Không, dường như toàn bộ Cửu Thiên Tiên Giới đều không có người, tĩnh lặng không một tiếng động.

Luồng lực bí hiểm lôi kéo chàng biến mất. Cuối cùng, chàng cũng thấy rõ tấm biển của gác lầu: Tiên Chí Các.