16 trăng tròn, chó tru rền vang, có người sống dậy…
Trong cùng một xóm, cả nhà ông Quảng thợ mộc và nhà ông bà hội đồng đều sáng trưng đèn đuốc. Xen kẽ trong tiếng chó tru gà gáy là tiếng gõ mõ tụng kinh đều đặn, nghe kỹ còn có tiếng khóc thút thít của đàn bà. Nhà ông bà hội đồng quyền quý ở đầu làng, nhà ông Quảng thợ mộc lại ở cuối làng, cả hai nhà đều thắp đèn đuốc sáng trưng, thành thử dân trong làng ai ai cũng không muốn tắt đèn đi ngủ.
Đêm càng về khuya, không khí trong làng càng náo nhiệt, ông Quảng đi tới đi lui trong nhà, hai tay chắp trước ngực có vẻ sốt ruột lắm. Nhìn lên tấm ván giữa nhà, con gái út của ông đang nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền, mặt mũi không chút huyết sắc. Ông Quảng đi một bước lại ngó nhìn con gái một cái, đến vợ ông là bà Quảng dữ như chằn cũng không nói được tiếng nào ngoài khóc nỉ non lau nước mắt liên tục.
Bà Quảng hết nhìn con gái rồi lại nhìn sang chồng mình, bà mếu máo nói:
– Ông… bây giờ làm sao hả ông?
Ông Quảng thở dài nhìn con gái, giọng ông buồn bã khốn đốn:
– Tôi thì biết làm sao… tụi thằng Đực đi suốt từ nãy tới giờ rồi…
Bà Quảng ôm người làm trong nhà khóc rống, vừa khóc bà vừa trách:
– Thầy Trứ có phải là Bồ Tát sống đâu, kêu thầy từ chiều tới giờ mà thầy có chịu tới coi cho út Quân. Mà bà hội đồng bộ không thương con Út hay sao mà không thấy cho người qua hỏi. Trời ơi là trời, sao cái số con tôi nó khổ dữ nè ông Trời!
Bà Quảng càng khóc lóc, lòng ông Quảng càng sốt ruột. Mà quả thật là từ hồi ông Quảng sai người đi mời thầy Trứ tới coi cho con gái, thầy Trứ năm lần bảy lượt hẹn một lát rồi lại một lát. Tụi thằng Đực đi tới đi lui mấy bận đến đổ mồ hôi đầu, kết quả nhận được lại là câu nói nhẹ tênh của thầy Trứ:
“Không vội.”
Hai chữ “không vội” của thầy Trứ không biết là có ý nghĩa gì nhưng ruột gan ông bà Quảng lúc này cứ như lộn tùng phèo hết cả lên. Mà cũng đúng thôi, con gái người ta chết đến nơi mà thầy Trứ cứ nói không vội… không vội…
Còn về phần bà hội đồng, chuyện nhà bà ấy còn lo chưa xong, hơi đâu đi lo cho người ngoài.
Ông Quảng mặt mày căng thẳng, ông quát:
– Thì tôi cũng đi mời mấy bận rồi, thầy Trứ chứ có phải là người bình thường đâu mà bà muốn mời là m…
– Ông… ông ơi… thầy Trứ… tới rồi!
Tiếng la thất thanh của thằng Đực cắt ngang lời ông Quảng. Trước cửa lớn, thằng Đực đi trước, sau lưng nó là hai người nữa, một là thầy Trứ, người còn lại là đồ đệ của thầy. Thầy Trứ tới, vợ chồng ông Quảng mừng đến méo mặt, cả hai nhanh chóng chạy đến đón trước cửa. Thầy Trứ tuổi vừa đủ tứ tuần, thân mặc bộ bà ba gấm màu trắng, dáng vẻ nghiêm túc cương trực. Từ lúc thầy bước vào tới giờ, ánh mắt thầy chưa từng rời khỏi cô gái nằm trên tấm ván gỗ. Chợt thầy đảo mắt nhìn sang xung quanh, giọng thầy nghiêm nghị:
– Đốt đèn cầy đỏ, tắt đèn cầy trắng đi.
Thầy Trứ vừa nói vừa đi tới chỗ cô gái đang nằm, ông bà Quảng vội vội vàng vàng kêu người làm đi đổi đèn cầy khác. Đèn cầy được đổi từ màu trắng sang màu đỏ, thầy Trứ ngó quanh một vòng rồi ngồi kéo cái ghế một ngồi xuống. Phải một hồi sau, đợi tới khi ông Quảng sốt ruột chịu hết nổi, thầy Trứ mới đứng dậy đi tới chỗ tấm ván. Thầy ngó sang đồ đệ đứng gần đó, anh kia liền hiểu ý lấy từ trong túi nải ra một sợi dây chỉ màu đỏ rồi đem tới cho thầy. Anh thanh niên cúi thấp đầu nhỏ giọng:
– Sư phụ, trăng lên cao rồi.
Thầy Trứ gật đầu thật nhẹ, ông ấy nhìn nhìn lên trời cao rồi mới đi tới gần chỗ cô gái đang nằm. Ông khẽ nâng tay cô gái lên rồi dùng sợi chỉ đỏ buộc quanh cổ tay cho cô gái, thắt một cái nút thật chắc chắn, giọng thầy nhàn nhạt:
– Đưa chuông.
Anh đồ đệ phía sau nhanh chóng đem cái chuông đồng tới đưa cho thầy. Gió bên ngoài lúc này đột nhiên nổi lên, mây đen vần tới che khuất một nửa mặt trăng. Vợ chồng ông Quảng có chút căng thẳng ngó chầm chầm vào thầy Trứ và con gái. Mà ngộ là gió có mạnh cỡ nào thì cái chuông đồng trên tay thầy Trứ cũng không hề lắc lư kêu lấy một tiếng. Ông Quảng kéo tay vợ đi tới sát thầy Trứ, ổng thì thào run run:
– Thầy, bây giờ…
Thầy Trứ liếc mắt nhìn sang ông Quảng, giọng thầy đa phần không vui.
– Ông muốn cứu con gái thì im lặng đi.
Bị thầy Trứ la vô cớ, ông Quảng coi bộ hơi ê mặt nhưng ngặt nỗi con gái ổng vẫn chưa rõ sống chết, ổng không dám hé miệng nửa lời. Bà Quảng thì sợ chồng mình vạ miệng, bả khều tay ổng, lắc đầu biểu ổng im miệng.
Gió bên ngoài quét qua một trận thật lớn, ánh trăng trên trời bị mây đen bao phũ che lấp, trời vốn dĩ đã tối, bây giờ còn tối hơn. Thầy Trứ lúc này đột nhiên thay đổi ánh nhìn, chân mày thầy nhíu chặt lại. Thầy bước nhanh lên vài bước rồi dùng ngón trỏ ấn thật mạnh vào giữa trán cô gái. Ở giữa hai hàng chân mày của cô gái đang nằm bất ngờ xuất hiện một chấm đỏ nhỏ. Giữa gương mặt trắng bệch không chút huyết sắc, chấm đỏ trông giống như là máu kia thật sự quá mức nổi bật. Nó tạo cảm giác rùng rợn ma mị khiến người ngoài nhìn vào đều cảm thấy nổi hết cả da gà.
Cây cối bên ngoài bị gió thổi lây ngã nghiêng ngã dọc, cửa lớn nhà ông Quảng va đập vào nhau tạo thành tiếng kêu ầm ầm. Đám người làm đứng xung quanh nhà co cúm người lại vì sợ hãi, ông bà Quảng coi bộ cũng sợ đến tái mặt tái mũi. Mấy ngọn đèn cầy trong nhà bỗng nhiên phụt tắt, trời đã tối lại càng tối hơn. Gió bên ngoài vẫn quét mạnh, chó vẫn tru, gà đột nhiên gáy. Đương lúc mọi người đang sợ tới điếng hồn thì tiếng chuông đồng trên tay thầy Trứ đột nhiên kêu lên “leng keng… leng keng”.
Tiếng chuông đồng nghe như tiếng chuông vang vọng từ âm ti vọng đến, kèm theo tiếng chuông là tiếng hô đầy uy lực của thầy Trứ:
” Về đây… về đây…”
Hai tiếng “về đây” kéo dài một đoạn nghe mà rợn cả người, tiếng chuông vẫn kêu lên đều đặn, gió bên ngoài vẫn quầng nhau đến nghiêng ngả góc trời.
Vợ chồng ông Quảng ôm nhau cứng ngắt, miệng thì khấn “Nam Mô” liên tục, chỉ thiếu điều chạy tới ôm chầm thầy Trứ cho đỡ sợ.
Thời gian như trôi thật chậm, thật chậm… mãi tới khi mây đen kéo đi, gió trời ngừng thổi, mấy ngọn đèn cầy đột nhiên bật sáng thì đám người trong nhà ông bà Quảng mới thôi run rẩy. Ông Quảng lúc này chợt trở nên tỉnh táo, ông ngó quanh một vòng hòng tìm kiếm thầy trò thầy Trứ mà tuyệt nhiên lại không thấy đâu. Đương lúc loay hoay kiếm tìm thì ông nghe được tiếng hét đầy mừng rỡ của gia nhân.
– Ông… ông… cô Quân sống rồi… cô Quân sống rồi!
Ông Quảng tức thì đưa mắt ngó sang, trên tấm ván gỗ lớn, cô gái vừa nhắm nghiền mắt kia đột nhiên mở mắt nhìn trao tráo lên trần nhà. Ông bà Quảng mừng tới khóc, chạy nhào đến ôm con gái rồi kêu lên:
– Út ơi… con ơi!
Cả đám người bu lại xung quanh tấm ván gỗ, ai nấy vừa sợ cũng vừa mừng. Bên ngoài cửa sổ nhà ông Quảng, có cặp mắt sáng quắc màu xanh đang ngó chầm chầm vào trong nhà. Chỉ là không ai ngó thấy, cũng không biết được cặp mắt kia là của người hay của thú…
……………..
Thầy Trứ cùng đồ đệ đi nhanh ra khỏi cửa nhà ông Quảng, trông hai thầy trò có vẻ vội vàng dữ lắm. Bước chân vội vã, cả thầy và trò đều bước theo thói quen chứ không ai tập trung vào đường đi trước mặt cả.
Ở phía xa xa đột nhiên có người đang cầm đuốc đi tới, người kia đi tới trước mặt thầy trò thầy Trứ, giọng điệu vui mừng hớn hở:
– Dạ thầy, bà lớn biểu con chạy qua thưa với thầy là cậu cả nhà con tỉnh lại rồi. Bà mời thầy qua một chuyến nữa coi thử coi sao. Mà hổng biết cô Út Quân đã khỏe lại chưa hả thầy?
Thầy Trứ có chút sững sốt, thầy hỏi liền:
– Cậu cả… tỉnh rồi?
Người đàn ông kia vội gật đầu, vẫn là giọng vui mừng:
– Dạ phải, mới tỉnh thức thì. Cậu vừa tỉnh, bà liền sai con đi kiếm thầy sẵn hỏi thăm ông bà Quảng tình hình cô Út Quân luôn.
Thầy Trứ không trả lời, hai hàng chân mày thầy nhíu chặt lại, tay bấm quẻ, gần như là không để ý đến bất cứ ai. Người đàn ông kia lấy làm khó hiểu, anh ta đưa mắt nhìn thầy rồi nhìn sang đồ đệ của thầy, ánh mắt tò mò coi xét. Đương định mở miệng hỏi thì đồ đệ của thầy Trứ đã kéo anh ta qua một góc, anh nói nhỏ:
– Đừng làm rộn, để sư phụ em tính chuyện.
Người đàn ông kia gật đầu lia lịa, ổng lại hỏi:
– À quên nữa, cô Út Quân…
– Xong rồi.
Hai chữ “xong rồi” khiến người đàn ông kia méo mặt, môi anh ta giật giật, giọng run run:
– Trời ơi! Cô Út cổ chết rồi hả?
Đồ đệ thầy Trứ cười phì, ảnh giải thích:
– Tầm bậy rồi ông ơi, em nói xong rồi tức là cổ tỉnh rồi á. Anh về nói lại tầm bậy là bị chửi ráng chịu nha.
– Hết hồn, tôi tưởng mới đây mà cổ chết rồi chứ!
Thầy Trứ lúc này mới tính toán xong, thầy ngó sang người đàn ông kia, giọng thầy hơi trầm xuống:
– Cậu về báo lại với bà lớn là tôi có chuyện cần phải đi, nếu cậu cả đã tỉnh lại xem ra là chuyện tốt, tôi cũng không cần bày lễ nữa…
Ngùng một chút, thầy lại tiếp tục căn dặn:
– Riêng cậu cả… cậu dặn lại với cậu ấy bốn chữ… thuận theo thiên ý.
Người đàn ông kia gật gù, miệng lẩm nhẩm liên tục câu “thuận theo thiên ý… thuận theo thiên ý…”. Mãi khi bóng dáng người đàn ông kia khuất xa trong bóng đêm, người đồ đệ mới khó hiểu khẽ hỏi thầy Trứ.
– Thầy, chuyện cậu cả tỉnh lại…
Thầy Trứ ngước nhìn lên ánh trăng chiếu rọi trên đỉnh đầu, vẻ mặt thầy có hơi đâm chiêu, thầy thở dài buông lời:
– Ý trời khó đoán… ý trời khó đoán!
________________________________________________
Sáng đẹp trời, trên con đường nhỏ cạnh bờ sông, giọng bé Nhỏ lảnh lót:
– Cô Quân, cô đợi em lấy xuồng nha chứ đi vầy mỏi chân dữ lắm.
Tôi vừa đi vừa hỏi:
– Còn bao xa nữa hả Nhỏ?
Bé Nhỏ cau chân mày, gương mặt con bé lộ vẻ hoang mang:
– Bộ thiệt là cô không còn nhớ gì nữa hả cô Quân?
Tôi dừng chân lại rồi quay đầu khẽ lắc, giọng hơi bất đắc dĩ:
– Thiệt mà, từ bữa tỉnh dậy tới giờ, tôi quên ráo hết rồi. Cũng hên là tôi còn nhớ tôi tên gì á chứ, mà Nhỏ nè, bà… à không dì Nguyệt… có khó tánh không?
Nhỏ nhìn tôi, nó lắc đầu trả lời:
– Dạ không có khó tánh lắm đâu cô Quân, ai bà cũng thương hết á.
Tôi gật đầu, vừa cười vừa nói:
– Ừ thôi mình đi bộ đi, coi như tập thể dục.
Nhỏ sững sờ, nó hỏi:
– Tập… thể dục là gì hả cô?
– Tập thể dục mà… à thôi không có gì hết, mình đi bộ đi cho khỏe nha Nhỏ.
Nói xong, tôi nhanh chân đi về phía trước, thiệt tình tôi quên mất là tôi đang quay ngược về thời cận đại, ở đây người ta vẫn chưa biết tập thể dục là gì. Nghĩ tới lại hết sức rầu, hổng hiểu vì lý do gì mà tôi lại một phát xuyên về thời này rồi lại chui vào xác cô “Út Quân” mà ở. Haiz, không biết ba mẹ tôi ở nhà đang ra sao, rồi tôi của thời hiện đại đang trong tình trạng thế nào nữa?
Theo những gì tôi được biết, nếu hồn tôi xuyên về đây thì có thể xảy ra hai trường hợp. Một là hồn cô Út Quân đang ở trong xác của tôi ở hiện đại, đang sinh sống và cũng đang ngáo ngơ không hiểu chuyện gì như tôi. Còn hai… còn hai là hồn cô Út Quân thật sự đã chết và tôi… có khả năng tôi ở thời hiện đại cũng đã chết. Vì theo nguyên lý thông thường, một xác thì một hồn, không thể nào có chuyện một xác hai hồn được. Thiệt tình tôi đang rất lo, thật sự tôi cũng không hiểu được rốt cuộc là có chuyện gì xảy ra với tôi nữa. Mấy chuyện xuyên không này chỉ có trong truyện trong phim thôi, làm gì có thật ngoài đời đâu cơ chứ. Vậy mà hôm nay chuyện này lại xảy đến với tôi, không nghĩ thì thôi chứ nghĩ tới thì tôi lại rầu rĩ buồn bã không biết phải làm thế nào. Tôi rất muốn quay trở về nơi thuộc về tôi, quay về với ba mẹ, với gia đình, với cuộc sống mà tôi đang mong nhớ. Chứ ở đây, tôi thấy không quen!
– Cô Quân, cô nói chi em nghe không rõ. Cô mệt rồi hả?
Nghe tiếng bé Nhỏ hỏi, tôi vội vàng lắc đầu cười:
– Đâu có, tôi lẩm bẩm mình tôi á mà.
– Dạ, để con lấy dù ra che cho cô đỡ nắng nha. Đi xuồng thì nó nhanh chứ đi bộ hơi lâu, hay là để con kéo xuồng cho cô nha.
Tôi lật đật lắc đầu, giọng hơi hoảng:
– Thôi thôi, để tôi đi bộ đi, tôi không thích đi xuồng đâu.
Nhỏ nhìn tôi, ánh nhìn ngạc nhiên:
– Con phải công nhận là cô lạ thiệt á, hồi đó con nhớ là cô thích đi xuồng lắm. Đi chợ hay đi về nhà cô toàn đi xuồng không hà, ngộ ghê.
Tôi cười cười, giả lả:
– Thì tự dưng thay đổi ấy mà, chứ tôi xém chút chết đuối rồi, không sợ mới ngộ á Nhỏ.
Bé Nhỏ thấy tôi cười nói, nó đột nhiên che miệng cười, nó nói:
– Cô lạ quá chừng luôn, hổm vú Chín nói mà con đâu có tin, giờ con tin rồi.
Nghe có chút tò mò, tôi liền sáp lại gần hỏi:
– Vú Chín nói sao?
– Thì vú nói cô thay đổi dữ lắm, hổng còn giống ngày xưa nữa đâu.
– Bộ ngày xưa tôi khó ưa lắm hả?
– Thì cũng khó…. ý cô Quân… con xin lỗi… con hổng có ý gì đâu… cô đừng đừng…
Nhỏ vừa nói vừa nhìn tôi dè chừng, thấy con bé như vậy, tôi liền phủi tay cười nói trấn an:
– Có gì đâu, tôi không để bụng đâu mà. Nào, nói đi, trước kia tôi thế nào, tôi thiệt lòng muốn nghe.
– Thiệt, tôi mà xạo cô thì tôi làm con… con ờ con chó.
– Ý cô đừng nói vậy, tội nghiệp con mà.
Thấy con bé càng lúc càng sợ, tôi đâm ra hơi bất lực. Thiệt tình, chế độ thời này cũng có chút hà khắc quá với người làm rồi. Rõ tôi chỉ là người ở nhờ nhà bà hội đồng thôi mà bé Nhỏ còn sợ tôi cỡ này thì đừng nói chi là chủ cả thiệt sự của con bé. Mà nếu so đúng với số tuổi hiện tại của Út Quân, Út Quân cũng không hơn bé Nhỏ nhiều tuổi đâu.
Bước tới một bước, nắm lấy tay bé Nhỏ, tôi hỏi:
– Nhỏ, năm nay em nhiêu tuổi?
Bé Nhỏ rụt rè, mắt nó chớp lia chớp lịa:
– Dạ con… con mười bảy.
– Mười bảy?
– Dạ.
Tôi ngạc nhiên:
– Mười bảy sao nhỏ xíu vậy?
Bé Nhỏ cười hề hề:
– Hồi nhỏ má con sanh con ra thiếu tháng, sanh có hơn kí lô à cô. Nhà nghèo quá chừng, ăn không đủ ăn nên con đẹt ngắt hà.
Tôi gật gù, công nhận đẹt thiệt, bé Nhỏ mười bảy, Út Quân mười tám mà nhìn Út Quân ra dáng thiếu nữ quá chừng. Còn bé Nhỏ đúng tên Nhỏ luôn, nhỏ xíu xìu xiu, nếu ai không biết chắc nghĩ con bé chừng mười ba tuổi là cùng. Mà haiz… nghĩ tới thì lại thấy chán ghê, tôi đây ở hiện đại đã hai mươi lăm tuổi, xuyên về đây cưa sừng làm nghé còn có mười tám. Vú mớm còn chưa phát triển hết, trông chán ơi là chán.
Quay sang nhìn bé Nhỏ, tôi lại tiếp tục hỏi:
– Em mười bảy, chị mười tám, sau này xưng hô chị em đi.
Bé Nhỏ vội xua tay:
– Ý vụ này không được đâu cô, con mà kêu cô bằng chị là vú Chín đánh con chết. Không được đâu, cô đừng ra lệnh vậy mà tội cho con nha cô.
Thấy con bé sợ thiệt, tôi cũng không ép nhưng chuyện kia còn chưa hỏi xong, tôi quyết phải hỏi cho tới cùng.
– Thôi đi, em không dám cũng được nhưng còn chuyện cô trước kia tánh tình ra sao, em vẫn chưa có nói cho cô biết đâu nha.
– Chuyện này… chuyện này…
Tôi đanh mặt lại, giọng uy hiếp:
– Em cứ nói thiệt, cô không chửi đâu. Em mà không chịu nói thiệt… cô về méc lại với dì Nguyệt… lúc đó em đừng trách sao cô khó tánh.
Bé Nhỏ sụ mặt, vẻ khó chịu không giấu đi đâu được. Thiệt là tôi không muốn ép con bé nhưng tôi thật lòng muốn biết Út Quân trước kia là người như thế nào. Kể từ khi chui vào xác con bé Quân này, tôi cứ có cảm giác thế nào ấy. Cũng không rõ nguyên nhân gì nhưng mọi người coi bộ hơi e dè khi tiếp xúc với tôi. Ba má Út Quân thì luôn miệng bảo tôi rất tốt nhưng người làm trong nhà thì ngập ngừng hỏi không dám nói. Mấy hôm trước vú Chín tới thăm, tôi thấy thái độ của bà ấy với tôi cũng không thân thiện gì mấy. Kiểu cách khách sáo ngại ngùng, hỏi thăm cũng chỉ là hỏi cho có chứ không mấy mặn mà gì. Mà ngược lại với tôi, Bích Hà lại được vú Chín quan tâm dữ lắm. Hỏi ra mới biết, Bích Hà cũng được bà hội đồng rước về nuôi giống y như Út Quân, tuổi cũng bằng với Út Quân nhưng được người làm trong nhà ông bà hội đồng thương hơn. Mà tôi nghe má Út Quân nói sơ qua là trước kia Út Quân với Bích Hà có xung đột, quá trình thế nào thì tôi không biết nhưng kết quả cuối cùng thì Út Quân là người chịu hết tiếng xấu. Má Út Quân còn chửi vậy nè:
” Con đừng nhắc tới con Hà, má nghe tên nó là thấy ứa gan. Con đó nó làm bộ làm tịch dữ lắm, nó nhéo con bầm tím mình mẩy hết mà còn khóc kể với bà hội đồng hùa với Kim Chi đổ tội hết lên đầu con. Phải cha con mày hổng can tao là tao qua nhà ba má nó tao đốt nhà luôn rồi. Nhắc tới tức thấy mẹ.”
Đó, nếu má Út Quân đã lên tiếng như thế thì chắc chắn là có chuyện gì đó xảy ra trước kia rồi. Mà cũng bực thiệt á, bình thường tôi đọc truyện xuyên không, các hồn nhập vào thể xác thì phải cho hồn ký ức của xác chứ. Còn đằng này… tôi chả biết con mẹ gì hết. Rồi giờ biểu tôi sống sao, sống sao cho vừa lòng ai đó đây hả trời?
– Cô hứa là không chửi không đánh con đi… rồi con mới dám nói.
Tôi nhìn bé Nhỏ, gật đầu cười lia:
– Ừ cô hứa, cô đánh con thì trời đánh cô đi.
Bé Nhỏ vẫn còn hơi dè chừng nhưng với câu hứa hẹn đầy tính thề thốt của tôi thì cuối cùng con bé cũng chịu nói.
– Thì cũng hổng phải cô khó ưa… chỉ là cô… khó gần thôi à.
– Khó gần… là sao Nhỏ? Cô có bị ghẻ đâu mà con sợ con không dám tới gần?
– Hổng phải, con không biết nói làm sao cho cô hiểu nữa… à vầy đi, cô hổng nói chuyện với ai hết nên cũng hổng ai dám nói chuyện với cô. Cô ở trong buồng không à, ít khi ra ngoài, mà có ra ngoài thì ai hỏi gì cô mới nói còn hông thì nín thinh luôn. Mặt cô lúc nào cũng buồn buồn, thiệt nha, con chưa thấy cô cười bao giờ luôn á. Cũng bởi cô hổng chịu nói chuyện nên đâm ra ai cũng sợ cô, qua cái vụ cô phạt chị Tí… à mà không có gì… nói chung là vậy đó cô, cô bây giờ với cô hồi đó… hổng giống nhau.
Ra là vậy, ra là Út Quân trước kia hơi bị “khó ở” trong người. Nhưng mà… tôi thấy vẫn còn có chỗ gì đó lấn cấn ở đây nè…
Đang còn suy nghĩ thì bé Nhỏ kéo tay tôi, con bé vội nói:
– Nhưng mà chuyện cũ hết rồi, con thấy giờ cô khác hồi đó mà cũng đâu ai dám nói gì cô đâu nên cô đừng nhớ làm chi cho nhức cái đầu. Bà dặn là cô bị nhức đầu rồi nhớ nhớ quên quên… ai mà làm cô nhức đầu là bà phạt nên không ai dám hó hé gì đâu, cô yên tâm nha.
– Nhưng mà… cô còn chưa hỏi xong mà…
– Thì cô đi đi, vừa đi vừa hỏi, cô muốn hỏi chi con nói cho cô nghe. Lẹ đi cô, để trưa trời trưa trật nắng chan chan làm cô nhức đầu là bà đánh con chết. Nhà của bà còn xa lắm, hổng có gần đâu.
Bị con bé hối quá, tôi đành cuốn quýt đi theo, phải nửa tiếng sau tôi mới tới được nhà dì Nguyệt. Ối giời ơi, tôi tưởng là gần nên quyết định đi bộ ngắm lúa ngắm sông, chứ nếu biết xa vãi linh hồn thế này thì có cho vàng tôi cũng không đi. Ở hiện đại đi bộ dăm ba bước đã thấy mệt, giờ ở đây đi bộ muốn rã cặp giò. Khổ cái thân tôi quá mà!
Nhưng mà… eo ôi, đúng là nhà ông bà hội đồng, đẹp lung linh tình mẹ tình cha ba cây nến thật á!
Nhìn cái cổng cao to uy nghi tôi cứ tưởng là tường thành không á nhưng mà bước vào trong tôi mới phát hiện cái cổng chả là gì so với cái nhà… à không cái dinh thự mới đúng… cái dinh thự to kinh khủng khiếp. Mấy cái biệt thự thời hiện đại xây theo lối cổ kính chẳng có tuổi gì so với dinh thự này cả, vừa to vừa bề thế lại còn là hàng chính hãng trăm phần trăm. Má ơi, coi phim hoài, đến hôm nay tôi mới được tận mắt chứng kiến á trời.
Tự dưng quên hết mệt mỏi, tôi phi một quãng thật nhanh đến bậc tam cấp trước nhà, ngồi bẹp xuống sờ sờ từng miếng gạch… úi giời ơi, ta nói… nó đã gì đâu á. Gạch gì mát lạnh à trời, sờ tới đâu mát rần rần tới đó hà.
– Ý trời, cô Quân… cô bị sao vậy? Bây đâu, ra đỡ cô Quân coi… cổ xỉu rồi nè. Con Nhỏ, mày đứng ra đó làm gì, mau tới đỡ cô, lẹ cái giò.
Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì từ đâu ba bốn người xông ra bu xung quanh người tôi. Người đỡ, người bồng, người rinh, người thì hỏi, còn người thì giật gió. Má ơi… chết ngộp chứ giỡn hả trời?
– Tụi bây đâu, đi kêu đốc tờ… đi kêu đốc tờ…
Đốc tờ? Đốc… à là doctor… doctor?
– Khoan khoan… tôi hổng sao… tôi ổn… không cần kêu đốc tờ đâu… ok? Ok i’m fine!
Ba bốn người trợn mắt lên nhìn tôi, người này nhìn người kia, người kia nhìn người nọ. Vẫn là vú Chín lên tiếng trước:
– Am phai? Cô… thèm khoai lang hả cô?
Có người đánh tiếng nhắc nhở:
– Ăn khoai á vú… cổ muốn ăn khoai.
Vú Chín à lên một tiếng, như kiểu vỡ lẽ:
– À ăn khoai… ăn khoai… con Nhỏ xuống bếp kêu tụi nó luộc khoai cho cô Quân đi…
Ý chết, tôi bị liệu! Mẹ, khoai khiết gì ở đây, quên nữa.
Tôi vội vàng ưỡn người đứng thẳng dậy, hai ba người hiểu ý vừa đỡ vừa đẩy tôi cho tôi đứng dậy. Đứng yên ổn trên mặt đất, tôi mới quay sang nhìn bọn họ, tôi cười nói:
– Tôi không sao, tôi khỏe ru hà, cảm ơn mọi người nha.
Cả đám người mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi chăm chăm, kể cả vú Chín điềm tĩnh cũng không còn giữ được sự bình tĩnh như ban đầu. Bộ… có chuyện gì lạ lắm à?
– Mọi người… có chuyện gì vậy?
Một người trong đám buộc miệng nói:
– Cô Quân… cổ cười kìa…
Tôi cười… lạ lắm à?
– Có chuyện gì mà bu hết ở đây vậy? Chuyện gì?
Giọng nói trầm nhỉ, là ai vậy cà?
Tôi quay đầu lại liền nhìn thấy Bích Hà cùng một người nữa… người này… người này…
– Cậu hai…
– Cậu hai… thưa cậu hai…
Cậu hai? Đây là cậu hai của nhà hội đồng Trầm… cậu Thái Ngọc?