Khi cha đến lột áo cưới của ta, hai mắt sáng quắc, cười vừa mơ hồ vừa dữ tợn.
"Ngọc Lan à, cha mơ thấy Bồ Tát. Chỉ cần chúng ta giúp người đi lấy kinh một chút, phú quý thần tiên sẽ dễ như trở bàn tay. Muội muội con bát tự yếu, không chịu nổi phúc phận lớn lao này, hôm nay cứ để muội muội thay con xuất giá, ngày sau sẽ do con thừa hưởng tiên duyên này."
Cha vừa nói vừa vội vàng đưa tay giật trâm cài trên đầu ta, trâm cài cuốn theo cả tóc rụng bị ném lên bàn.
Ta không thể tin nổi, ôm lấy da đầu đau rát, vừa khóc vừa hỏi: “Cha ơi, việc này sao có thể làm vậy được? Hôn nhân đại sự, sao có thể như trò đùa nói đổi là đổi. Con không cần cái tiên duyên gì đó, con chỉ muốn gả cho Khang Niên ca ca."
Khang Niên ca ca từng học hai năm đèn sách sau đó làm chưởng quỹ trên trấn, là thanh niên tuấn tú có tiếng trong làng.
Hai bọn ta từ nhỏ cùng nhau lớn lên, đến tuổi chàng liền vội vã đến cửa cầu hôn, đã nói rõ không cưới được ta sẽ không cưới ai khác.
Ta khóc lóc cầu xin: "Cha, con không đổi, hai người sống sờ sờ đổi cho nhau sao có thể không bị phát hiện, chỉ khiến người trong làng chê cười thôi. Cha à, người vẫn luôn thương muội muội, chuyện tốt thế này cứ để muội muội hưởng đi." Lời này của ta là thật lòng, người ta thường nói chỉ ước được như uyên ương chẳng ước thần tiên, ta chỉ mong được sống những ngày tháng bình dị với Khang Niên ca ca.
Nhưng cha chẳng nghe lời ta nói, phất tay ra hiệu cho bà mối trang điểm cho muội muội, còn ông thì tự mình đánh giá ta. Ông ấy cười hài lòng: "Hai chị em con dung mạo giống nhau, dáng người cũng giống, đợi Thúy Lan gả đi, gạo nấu thành cơm rồi, không thành cũng phải thành. Ngọc Lan à, à không, từ nay về sau con chính là Thúy Lan. Thúy Lan à, con gái út ngoan của cha, cha sẽ tuyển phò mã cho con."
Nói xong ông ấy liền hất tay áo bỏ đi, trên mặt vẫn là nụ cười điên rồ đó.
Còn ta lại bị nhốt trong khuê phòng, khóa lớn khóa chặt hơn nữa còn có người rót đồng nóng vào ổ khóa.
Sợ ta phá hỏng buổi hôn sự này. Ngoài cửa kèn trống vang trời, không khí vui mừng hân hoan, ta ở trong phòng dựa cửa gào khóc, trời đất không đáp lại.
Ta bị nhốt trong phòng, ăn uống, vệ sinh đều thông qua cái lỗ nhỏ ở góc tường. Ta ở trong phòng khóc mệt thì ngủ, ngủ dậy lại khóc, không biết đã qua bao nhiêu ngày đêm.
Mỗi lần mẹ tới đưa cơm, ta đều cầu xin người thả ta ra ngoài.
Chỉ cách một bức tường, nhưng giọng nói của mẹ lại như xa tận chân trời. Mỗi lần người chỉ nói một câu: "Con ngoan đừng khóc, nghe lời cha con."
Ta ngồi bên giường, ngây dại nhìn chằm chằm vào cửa, trong lòng đau đớn. Tiên nhân? Đổi gả? Tất cả làm ta cảm thấy hoang đường như một giấc mộng.
Ngày tháng trong phòng vô cùng dày vò khó chịu đựng, ta chỉ có thể dựa vào ánh sáng ngoài cửa để phân biệt ngày đêm.
Không biết qua bao lâu, ta đã bị nhốt đến mức hơi mất trí. Tức giận quá còn dựng ghế lên nói chuyện với nó, dù sao ghế cũng có bốn chân, cũng chẳng khác người là bao.
Ngày thứ ba nói chuyện với cái ghế, đầu giường xuất hiện thêm một chồng sách. Ta trăm nghĩ không ra, khuê phòng của ta bị rót đồng nóng khóa chặt, trong phòng ngoài ta ra không có người thứ hai, số sách này làm sao đưa vào được?
Ta ôm sách thảo luận với cái ghế nửa ngày, nghĩ nát óc cũng không nghĩ ra.
Ta sắp bị nhốt đến phát điên rồi, có sách để đọc quả thực như nhặt được báu vật.
Thôi không nghĩ nữa, ôm sách đọc say sưa.
Nói là sách, chi bằng nói giống sổ ghi chép học tập và sinh hoạt hằng ngày hơn, ghi lại quá trình học y và một số tâm đắc của chủ nhân, dễ hiểu, khá thú vị. Quyển đầu tiên nét chữ non nớt, có vài đoạn cuối còn viết thêm --
"Ông nội* đi hái thuốc về, quả ngọt."
"Theo bà nội khám bệnh cho A Lăng, bánh đậu ngọt ngào."
Nghĩ lại chắc là chủ nhân sổ ghi chép những việc lúc nhỏ, bên trên còn ghi lại cách dùng thuốc đơn giản và những chuyện gặp được khi đi khám bệnh cùng trưởng bối, rất trẻ con.
Trong đó ngoài ông nội và bà nội còn thường xuyên xuất hiện một đứa trẻ tên A Lăng. A Lăng sinh ra trong gia đình giàu có, mỗi lần chủ nhân sổ ghi chép theo bà nội đi khám bệnh cho A Lăng, đều có thể ăn được không ít điểm tâm.