Liêu Trai Chí Dị

Chương 122: Người nhỏ



Tiểu quan nhân

Trong khoản đòi Khang Hy, có kẻ làm mẹo đem theo mình một cái hộp, trong cái hộp có để một thằng nhỏ, dài chừng một thước, hễ ai cho tiền thời nó mở hộp cho thằng nhỏ chui ra, hát xong rồi lại vào. Đến đất Dịch. Quan tể ở Dịch bắt đem nộp vào dinh để coi. Hỏi kỹ về chỗ thằng người nhỏ ở đâu mà ra, trước còn không dám nói. Cứ hỏi mãi mới chịu kể là ở làng nó, nguyên là đứa trẻ đi học về, ngang đường gặp nó cho thuốc mê, bốn chân tay tự nhiên co dúm ngay lại, bèn đem đi như thế, để dùng làm trò chơi. Quan tể nổi giận, giết chết thằng làm trò, giữ đứa bé ở lại muốn chữa cho, mà chưa tìm được cách chữa.

KHÚC HÁT ẾCH

Vương Tử Tôn nói: “Trong khi ở kinh đô, từng thấy một người làm trò chơi ở chợ,, đẩy một cái hộp gỗ có ngăn, có tất cả mười hai cái lỗ, trong mỗi lổ có phục một con ếch. Lấy cái que gõ vào đầu, thời liền kêu ì ộp cả. Có ai cho tiền thời khua gõ các đầu ếch một lượt như đánh dàn nhạc, cung, bực, từ khúc, nghe rất phân minh”.

TẢN ĐÀ dịch

TRÒ CHUỘT

Lại nói: “Có một người ở trên chợ Trường An, bán trò chơi chuột. Trên lưng cõng một cái túi, trong có chứa hơn mười con chuột con, cứ gặp chỗ đông người thời để ra một cái giá gốc nhỏ như là cái lầu trong rạp hát tuồng, rồi bèn đánh nhịp trống, hát khúc tuồng cổ, tiếng hát vừa cất lên, thời có chuột ở trong cái túi ra, đeo mặt nạ, mặc đồ quần áo rất bé, từ ở vai đeo lên trên cái lầu đứng như người mà múa, trai và gái, thương cùng yêu, đúng hệt với tình tiết ở trong vở tuồng vậy”.

TẢN ĐÀ DỊCH

--- ------ BỔ SUNG THÊM --- ------

Liêm sĩ của kẻ làm quan

truyện TAM TRIỀU NGUYÊN LÃO

Tiếu mạ do tha tiếu mạ gia.

Lão nhân trường lạc tín kham khoa.

Ðường khai hoạ cẩm tiêu doanh thiếp.

Thử thị tam triều tể tướng gia.

Triều Minh, có viên quan họ Chu, tên Chính Khang làm quan trải ba đời vua, được phong đến chức tể tướng. Có lần Chính Khang được nhà vua sai cầm quân đi dẹp giặc. Thấy khí thế của giặc mạnh quá, Chính Khang đầu hàng, chịu để giặc bắt. Triều đình phải giảng hòa với giặc để giặc thả cho Chính Khang ra về. Khi về, Chính Khang lại được nhà vua cho phục chức nên bị dân chúng đương thời khinh khi.

Khi về quê hưu trí, Chính Khang thuê thợ xây cất một gia miếu. Trước ngày khánh thành miếu, Chính Khang sai gia nhân ra ngủ đêm ở miếu để trông coi, đề phòng kẻ phá hoại.

Sáng sau, đúng vào ngày khánh thành, gia nhân hớt hải chạy về báo tin có kẻ lẻn vào miếu lúc nào chẳng rõ, treo một bức hoành ngang trên tường với một đôi câu đối dọc theo hai cột. Chính Khang lấy làm lạ, vội dẫn con cháu tới miếu coi. Tới nơi, mọi người đều thấy trên bức hoành có đề bốn chữ Tam Triều Nguyên Lão và trên đôi câu đối có đề mười bốn chữ Nhất Nhị Tam Tứ Ngũ Lục Thất và Hiếu Ðễ Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm. Ai cũng hiểu ý nghĩa của bốn chữ trên bức hoành là Ông Già Làm Quan, Trải Ba Ðời Vua song chẳng ai hiểu ý nghĩa của mười bốn chữ trên đôi câu đối là gì.

Câu chuyện lan khắp vùng. Dân chúng đua nhau giải thích song rút cục cũng chẳng có ai giải thích được thỏa đáng.

Ít lâu sau, có một danh sĩ trong vùng giải thích như sau:"Ðúng ra đôi câu đối ấy phải có mười sáu chữ là Nhất Nhị Tam Tứ Ngũ Lục Thất Bát và Hiếu Ðễ Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm Sỉ. Người viết cắt bớt chữ Bát ở vế đầu và chữ Sỉ ở vế sau là có ý nói Chính Khang mất chữ Bát và không có chữ Sỉ. Trong Hán tự, mất chữ Bát gọi là Vong Bát, không có chữ Sỉ gọi là Vô Sỉ. Cả hai cặp chữ Vong Bát và Vô Sỉ đều có cùng một nghĩa là vô liêm sỉ" Ai cũng chịu lời cắt nghĩa của danh sĩ ấy là thỏa đáng.

Kẻ sĩ đời sau bình luận việc tể tướng Chu Chính Khang được triều đình sai cầm quân đi dẹp giặc mà lại đầu hàng giặc là một việc làm thiếu liêm sỉ của kẻ làm quan.