Lĩnh Chi Hoa

Chương 1: Chương 1




Bác sĩ được cử
......
Trời vừa rạng sáng, Lan Thiện Văn mặc bộ đồ lao động, mở cửa phòng, xách trên tay túi hành lý đã được xếp xong xuôi từ tối qua.
Định lẳng lặng cứ thế mà đi, ai ngờ cô dậy đã sớm, mẹ cô dậy càng sớm hơn.

Nghe thấy tiếng cửa mở, mẹ cô vội vàng thò đầu ra khỏi bếp, tay xách chiếc tạp dề hoa chi chít mảnh vá, nói:
"Văn Văn, mau quay lại đi con, đợi mẹ rán cho cái bánh trứng rồi hẵng đi! Ôi giời ơi con gái yêu của mẹ, mấy năm tháng trước có khó khăn như thế, mẹ con mình vẫn sống tốt chỉ với ba cọc ba đồng, bây giờ con rời xa mẹ, một thân một mình đi đến cái nẻo xa xôi, ôi con gái mẹ..."
Chưa nói xong, bà đã chùi nước mắt, những giọt lệ lã chã rơi như sợi chỉ buông xuống khiến Lan Thiện Văn cũng rơm rớm nước mắt dù ban đầu không có nỗi buồn chia ly.

Sụt sịt, cô đặt chiếc túi trong tay xuống, bước đến ôm mẹ già, dịu dàng nói: "Mẹ, con chỉ đi làm thôi, một khoảng thời gian nữa con sẽ về."
Khắp đầu mẹ lốm đốm hoa râm, khuôn mặt hồng hào trong ký ức ngày xưa giờ đây đã trở nên vàng vọt, dáng người gầy teo tóp dưới ngọn đèn than.
"Ai mà biết bao giờ mới về?" Mẹ nghe cô nói vậy càng thêm đau lòng: "Ngày xưa bố con bị chiếc xe bạt đưa đi, nói là một hai năm nữa sẽ về, vậy mà ở đó những sáu bảy năm, khốn đốn lắm mới về thì bệnh tật chồng chất khắp người, chăm sóc ông ấy còn khó hơn hầu hạ hoàng thượng! Mẹ chỉ có duy nhất một đứa con, nếu con ở đó xảy ra sơ xuất gì, con nói xem, vậy mẹ phải sống sao đây?"
"Mẹ..." Lan Thiện Văn buồn rầu, nhất là khi nhìn thấy những nếp nhăn trên mặt và mái tóc bạc trắng như sương trên đầu mẹ, trái tim cô như mắc nghẹn một tảng đá bên trong.
Trong ký ức của cô, từ nhỏ, mẹ cô đã bận tối mắt tối mũi mưu sống qua ngày, buổi sáng làm việc quần quật bên chiếc máy khâu trong nhà máy hoàn thành chỉ tiêu được giao, tối về nấu ăn giặt giũ cho cô, bận xong lại đi thăm các cô các chú mà cô chẳng mấy quen biết, để họ có cơ hội khuyên bảo người cha mà cô chẳng mấy nhìn mặt.

Lúc đó, có vài người chú sống gần nhà cô đều không thể chịu đựng được giày vò mà tự sát, mẹ cô sợ người cha thư sinh yếu đuối từ nhỏ đã gắn bó với bút và mực của cô cũng sẽ nối gót theo họ.


Bà không ngủ được cả đêm, trăn đi trở lại nghĩ cách, chưa đến độ trung niên mà đã bạc trắng cả mái đầu, đến nay nhìn lại, thấy có thêm vài cọng trắng nữa.
Không cần phải nói, chắc chắn bà ấy phiền lòng vì cô sẽ đi làm trên Ma Tử Lĩnh.
"Nếu biết sớm, mẹ đã không cho con đi học đại học.

Cứ ngoan ngoãn ở bên mẹ có phải tốt không? Mấy đứa con gái bên nhà chú con tuy không biết học hành là gì nhưng trên người chẳng thiếu miếng thịt nào, đấy, vừa chồng con đuề huề vài năm trước, cả ngày ríu rít bên nhà chú con, mẹ ghen tị lắm.

Con nói xem, sao có mình con số khổ thế.

Hôm qua mẹ nghe lỏm, họ nói, cả khoá học sinh chỉ có một mình con phải ra khỏi tỉnh của chúng ta, tại sao con cái của các gia đình khác có thể làm việc gần nhà cơ chứ."
Mẹ cô lại bắt đầu cằn nhằn, nước mắt rơi như không sợ bị tính tiền.

Lan Thiện Văn lo lắng nhìn đồng hồ treo tường trên chiếc bàn, đã bốn giờ, nếu muộn hơn, cô sẽ không kịp chuyến tàu.
Đang nóng vội, cửa phòng ngủ mở ra, xuất hiện khuôn mặt mệt mỏi của bố cô: "Để con đi đi, chim lớn mọc đủ lông đủ cánh, sao có thể bay ngược vào nhà?"
"Ông nói thì hay lắm! Ông nội bị bắt đi cải tạo lao động rất xa, giờ đến lượt con gái vẫn phải đi theo con đường này, thật là, mồ mả nhà họ Lan nhà ông đều bị ngập nước hết cả sao!"
Mẹ càng nói, cô càng buồn, bà chỉ biết ôm khư khư cô mà khóc.

Lan Thiện Văn đành vừa dỗ mẹ, vừa nói: "Mẹ, không phải con không quay về nữa, mẹ đừng khóc, mẹ cứ sống vui vẻ hạnh phúc với bố, qua dăm ba bữa nữa con sẽ viết thư cho mẹ, nhé?"

Mẹ cô biết dù khóc cũng không thể ngăn con gái đi làm ở nơi chim không đẻ trứng, chỉ biết vừa chùi nước mắt, vừa rán mấy quả trứng, vừa nướng thật nhiều bánh cho cô mang đi.
"Mẹ..." Lan Thiện Văn nghẹn ngào ôm những thứ đồ nặng trĩu trong tay: "Sau khi con đi làm, cấp trên sẽ phát phiếu ăn.

Sao mẹ không giữ những thứ này lại mà dùng?"
"Xem con nói gì kìa." Với đôi mắt đỏ hoe, mẹ vuốt phẳng quần áo cho cô: "Hai người già chúng ta còn sống được bao lâu? Giữ lại tem phiếu có ích gì? Nhà chỉ có một đứa con gái như con, không đưa con thì đưa ai?"
"Mẹ, mẹ đừng nói như vậy, chắc chắn mẹ và bố sẽ sống thật lâu." Lan Thiện Văn vừa cố kìm nước mắt vừa nói.
"Thôi, thôi được, hai người đừng lầm bầm nữa, Văn Văn, nếu không đi sớm sẽ không bắt được xe." Bố cô ho một tiếng, chống nạng lẩy ba lẩy bẩy muốn bước đến giúp cô xách hành lý.
Thời còn niên thiếu, ông từng bị địch bắn xuyên đùi khi tham gia kháng chiến giải phóng, các cán bộ y tế vắt óc suy nghĩ, cuối cùng cũng giữ lại được chân ông, nhưng vì thiếu thuốc nên cái chân đó bị tật, đi bộ cứ xiêu xiêu vẹo vẹo.

Sau giải phóng cách đây vài năm, lại bị góc sừng trâu quặp vào, đôi chân càng ngày càng yếu, chỉ cần đi bộ xa một chút đã thấy mệt đến mức run chân.
"Bố, để con tự làm, không sao đâu." Lan Thiện Văn vội vàng xách đồ đạc lên trước khi người cha kịp làm gì.

Cô nắm chặt đồ trong tay, cúi đầu trước hai người lớn tuổi với đôi mắt sưng đỏ như quả hạch đào: "Bố, mẹ, bố mẹ nhớ bảo trọng."
Nói xong, mở cửa ra như một cơn gió, chạy xuống lầu "bịch bịch bịch".
Cô sợ nếu ở lại thêm một phút nữa, cô sẽ mềm lòng không thể rời đi.
Để đến Ma Tử Lĩnh, phải đi tàu hỏa hai ngày một đêm, bắt hai chuyến xe, sau đó hì hục đi bộ nửa ngày trời mới đến nơi.

Nhưng Lan Thiện Văn khá may mắn, đi xong chuyến xe, xách hành lý thở hồng hộc cuốc bộ trên đường núi nửa đường thì gặp một người dân kéo con lừa về sau chuyến mua lương thực.

Vừa nghe nói cô là bác sĩ được phân công đến nơi đây, không cần nói nhiều, ông hào phóng nhường một khoảng trống lớn trên lưng con lừa và kêu cô ngồi lên đó.
Ông người làng tầm năm mươi tuổi, trạc tuổi cha cô, trên làn da màu đồng thiếc đãi nắng dầm mưa đầy những vết rãnh trông như những cây thông già trên núi.
Lan Thiện Văn ngại để ông kéo con lừa cho mình ngồi, cô lịch sự từ chối, chỉ đặt hành lý lên lưng con lừa, còn mình thì vừa đi vừa trò chuyện với người dân làng.
Người làng này tuy đã lớn tuổi, nhưng không hề giống người cha bệnh tật và trái gió trở trời của cô, ông nhiệt tình hơn cả một chàng trai hai mươi tóc mọc đầy đầu, phấn khởi nói với cô:
"Con gái, nơi chú sống đã qua bao năm chưa gặp bác sĩ, ai mà đau mà sốt cũng chỉ biết một mình chịu đựng.

Nhưng con người đâu phải sắt thép, sao có thể không ốm đau? Nhất là khi già đi, hôm nay đầu đau, ngày mai chân đau, ắt cũng có chuyện.

Có nhiều người chịu không nổi đau, cũng không muốn làm phiền con cháu, treo thắt lưng lên xà nhà, thế là xong."
Vừa nói, ông vừa làm động tác thắt cổ, cười: "Đừng thấy chú còn biết cuốc đất và cho lợn ăn mà nghĩ khoẻ, chỉ chưa đến vài năm nữa thôi, cũng sẽ dùng sợi dây thừng thắt chặt, thế là xong."
Ông cười toe toét với hàm răng ố vàng sau nhiều năm hút thuốc, Lan Thiện Văn nghe xong mà cảm thấy trong lòng đau nhói.
Chẳng trách cha cô vừa được thả về đã bệnh tật khắp người.

Có mấy ai sống trong vùng rừng thiêng nước độc này mà không giở bệnh khòm lưng?
"Tốt quá, bây giờ nơi đây đã có bác sĩ có thể chữa đau đầu sốt cao!" Người làng vừa cười vừa nói bằng chất giọng đặc sệt, cánh tay đầy vết chai lại vung roi lên lần nữa, con lừa vác đầy đồ lỉnh kỉnh trên thân kêu rít lên, vội vàng đạp móng tiến về phía trước.
Đây là lần đầu tiên Lan Thiện Văn nhìn thấy một con lừa hàng thật giá thật, không kìm được mà ngắm nghía cẩn thận.

Nhìn thấy biểu cảm mới lạ của cô, người làng cười tự hào, vỗ vỗ mông con lừa, lớn tiếng nói: "Nhân tiện, con gái, con nói mới được cử tới đây, là làm trong ở công sở hay trong phòng khám?"

"Đều không phải." Lan Thiện Văn hoàn hồn, cười nói: "Con được cử đi đóng tại một xưởng thép."
Ma Tử Lĩnh có mỏ sắt, xung quanh đều là núi đồi.

Ông chủ xưởng thép nóng lòng luyện gang luyện thép sau khi nghe xong lời kêu gọi của chủ tịch đã đập tay cái "bốp", một xưởng thép được xây dựng gần đó, cử tất cả những thanh niên có chí trong thành phố đến đây, nói là đóng góp một phần sức lực cho đất nước.
Khi cuộc cách mạng chống cánh hữu đang diễn ra sôi nổi, mọi người đều làm việc như kim đồng hồ được lên dây cót.

Những thanh niên có chí khí sau khi được chính sách khuyến khích, trong tim họ cứ như được thả vào một con ếch xanh, ùn ùn nhảy đến xung phong nhận việc.
Người quá đông, bệnh cũng nhiều, trong xưởng thép lớn mấy trăm người, không có bác sĩ cũng là cái dở, vì thế cô vừa tốt nghiệp chưa lâu thì nhận được thư của giảng viên mời đến đây với ba bạn cùng lớp khác.
Nhà cô cách Ma Tử Lĩnh xa nhất, nên cô đến đây trước.
"Ôi trời, con gái như con mà đến cái xưởng thép ấy á!" Người làng nghe vậy, đôi mắt nổi đầy tia máu trợn tròn kinh ngạc nhìn cô, khua tay lia lịa: "Con gái, trong cái xưởng thép ấy, dù người ta nói ở đó không thiếu người có văn hoá, có học hành như con, nhưng đa phần đều là người địa phương quê mùa như chú.

Đám thanh niên kia lưu manh, cậy có sức mạnh, sẽ ức hiếp người ta đấy.

Những cô gái và phụ nữ trẻ ở đây ai nấy đều rẽ đường vòng khi nhìn thấy đám thanh niên xưởng thép, con là một cô gái nhỏ, hãy cẩn thận!"
Lan Thiện Văn âm thầm ghi nhớ những lời ông nói, gật đầu cảm ơn: "Vâng, cảm ơn chú."
Lại trò chuyện thêm vài câu, nhìn thấy cổng sắt của xưởng thép cách đó không xa, Lan Thiện Văn vội vàng lấy hành lý xuống, móc ra ba viên kẹo trái cây từ trong túi đưa cho ông, cười nói: "Cảm ơn chú, những thứ này để chú mang về cho trẻ con ở nhà ăn nhé."
"Ôi, khách sáo cái gì, sau này chú còn phải nhờ con xem bệnh nhiều." Khuôn mặt đen nhẻm như than cháy của ông nhăn lại, xua tay tỏ ý không nhận, nhưng Lan Thiện Văn cười rồi đặt kẹo lên thân lừa, một mình vội vã xách hành lý chạy về phía cổng sắt, không quên quay đầu lại vẫy tay với ông: "Cám ơn chú!"
Ông người làng mộc mạc chất phác cười với cô, nhe răng cười rồi lùa lừa đi.
.......