Trên đường về đổ mưa to, trời đầy mây đen dầy đặc âm u, người trên đường vội vã về nhà để dẹp quần áo và chăn, vội vàng giải tán.
Trước mắt sáng tối thay phiên nhau xuất hiện, lập tức một tiếng sấm nện xuống. Chó vàng ngao ngao sủa điên cuồng, loáng thoáng, Tô Khuynh nghe được tiếng khóc nhỏ đứt quãng.
Bỗng nhiên con chó chạy ra ngoài, Tô Khuynh đuổi theo ở phía sau, chạy tới một tòa nhà đã cũ nát, chó vàng ngửi ở xung quanh, sau đó sủa về phía một phòng nhỏ.
Tô Khuynh đến gần mới thấy rõ, hóa ra đây là Nhị Nha sống ở căn nhà gỗ. Nhị Nha là một người bị loạn trí ở trong trấn, vừa sinh ra đã như vậy. Cha cô ấy đã dốc hết gia sản để chữa bệnh cho con, nhưng bị một tên lang băm lừa, bệnh chữa không khỏi, mà nhà cũng phải bán đi.
Ông lão là thợ mộc, trước khi chết đã lê thân thể bệnh tật ngày đêm đẩy nhanh tốc độ, trong nửa năm làm cho cô ấy một căn nhà gỗ che mưa che nắng ở trong rừng.
Sau đó Tô Khuynh nhìn thấy Nhị Nha, cô ấy rút vào góc phòng, mắt mở to mà khóc nỉ non, miệng lẩm bẩm, thỉnh thoảng đưa tay áo bên kia lên để lau nước mắt nước mũi. Nhị Nha năm nay mười sáu tuổi, nhưng bộ dáng vẫn còn như một đứa trẻ, cô ấy không đánh người, chỉ là bị ngốc. Đã là người ngốc thì không thể lao động, chỉ có thể dựa vào người khác.
Ở trấn nhỏ này cũng không có nhà nào giàu có, cho dù có người hảo tâm thì cùng lắm để trước cửa một chén cơm mà thôi.
Tô Khuynh đuổi chó qua một bên, cô ngồi xổm xuống bên cạnh, mùi ẩm mốc trong chăn đệm truyền vào mũi. Rốt cục cô mới nghe rõ Nhị Nha lẩm bẩm: "Cây đã chết, cây của cha đã chết."
Nhìn theo ánh mắt cô ấy, thì ra trước nhà gỗ là một cây lê cao lớn, tia sét đánh vào làm cây gãy rụng.
Trước khi chết, người thợ mộc đã chuyển tới đây một gốc cây lê, trồng trước cửa phòng con gái. Tháng ba nở hoa trên đầu, tháng tám cây kết quả, có quả ăn cũng không sợ đói.
Trên mặt Nhị Nha đầy nước mắt, cô ấy dùng sức lấy tay áo lau đi. Chính cô ấy cũng biết, cây đã bị gãy thì sẽ không bao giờ nở hoa được nữa.
Tô Khuynh nắm lấy cánh tay cô ấy, kéo đi, sau đó từ nhà gỗ nhỏ đi về phía trước mười bước, rẽ phải, lại rẽ phải, đi thêm năm mươi bước, ở đó có một cây lê.
Cô chỉ vào một nhánh cây chằng chéo ngang dọc ở xa xa, "Đừng khóc nữa, về sau cô muốn ăn lê thì cứ đến đây hái."
Từng hạt mưa tròn tròn rơi xuống, nện lên tóc hai người.
Nhị Nha không phân biệt được cây đó khác với gốc cây ở nhà có gì khác nhau, chỉ thấy có rất nhiều cây lê, trong lòng hết sức vui vẻ, ánh mắt tràn đầy ngạc nhiên không khóc nữa.
Tô Khuynh dắt cô ấy quay về căn nhà gỗ nhỏ: "Nhớ kỹ chưa? Cô tự đi một lần cho tôi xem."
Nhị Nha đi ra khỏi nhà gỗ thì lạc đường. Cô ấy chỉ nhớ được căn nhà gỗ thôi, ra khỏi cửa phải nhờ người dẫn đi, nếu không thì không về được.
Tô Khuynh lại dắt cô ấy đi ba lần, đến lần thứ tư. Nhị Nha đứng ở trong mưa giậm chân xuống đất, cô ấy nện vào đầu mình, gấp gáp đến mức òa khóc: "Tôi không nhớ được, không nhớ được phải đi hướng nào đâu."
Tô Khuynh dừng lại, hình như là đang suy nghĩ. Nhị Nha khóc thút thít, sợ rằng cô cũng sẽ ghét bỏ cô ấy. Tô Khuynh bỗng nhiên dắt tay cô ấy, chỉ về hướng ngọn núi ẩn trong mây mù sắc xanh sắc tím: "Nhìn thấy ngọn núi kia không, trên núi đó có một vị thần tiên, cũng thích ăn quả lê giống như cô."
Tô Khuynh chỉ về hướng cây thông cao vời vợi kia: "Ông ấy muốn trèo xuống, nhưng lại không có thang, nên đành tìm cây cao nhất làm thang."
Đi đến trước một gốc vân sam gần nhất, cô cầm nay Nhị Nha vuốt ve vỏ cây ướt sũng, "Và đã tìm được rồi, đây là cái cây cao nhất ở nơi này, sau đó ông ấy từ trên trời leo xuống."
"Ông nhìn trái lại nhìn phải thì phát hiện bên kia có nhà." Cô chỉ về hướng căn nhà ẩn trong làn mưa bụi mênh mông, khói bếp bị gió thổi phiêu tán, "Mấy cây lê hình như là do nhà họ trồng."
"Ông liền đi về căn nhà đó, đi một hồi thì tới nơi. Sau đó gõ cửa và hỏi, ông ấy có thể ăn lê của nhà họ không, người trong nhà bèn trả lời rằng, cứ ăn thoải mái."
Cuối cùng họ dừng lại trước vườn lê: "Ông ấy đã ăn lê ở đây."
Đôi mắt Nhị Nha mở to, hệt như một đôi lưu ly phản chiếu cả bầu trời đầy mây, miệng khẽ nhếch lên.
Tô Khuynh trở về nhà, cởi quần áo ướt của mình và Nhị Nha để vào trong chậu, giặt sạch chúng, rồi đi gánh nước đổ đầy lại thùng.
Chiếc khoen tròn trước ngực nóng lên, cô thấy hai ô vuông màu lam mờ nhạt chợt hiện lên, không phải, bây giờ đã là ba ô, màu lam không còn là một chấm nhỏ, mà đã loang ra thành một đường cong.
Hôm nay là ngày nghỉ nên Tô Dục được ở nhà. Tô thái thái bèn giết một con vịt mập ú, rửa rau cải, lấy xương hầm canh, ăn được hai bữa liên tục. Bởi vì sự việc quà sinh nhật hôm trước, nên mấy ngày nay, Tô thái thái đối đãi rất khách khí với Tô Khuynh.
Con người quả thật kỳ quái, thường ngày thì không có người hỏi han nên bà ta luôn thấy Tô Khuynh chỗ này chưa tốt chỗ kia chưa giỏi. Bất chợt Thúy Lan đến nhà giãi bày tâm tư kia, tự nhiên bà ta lại thấy Tô Khuynh quý giá đến nhường nào.
Tô Khuynh đang khom lưng ở bồn rửa chén thì Tô Dục đi tới: "Chị..."
"Có chuyện gì vậy?"
Mũi chân hắn cọ xuống đất làm cát bụi vung lên: "Hai ngày tới em sẽ trốn học, nên không về nhà ăn cơm được, nhiều khi đến khuya mới về. Chị có thể giúp em lừa mẹ được không?"
Tô Dục biết rằng Tô Khuynh không giống mẹ, sẽ không bao giờ bắt hắn làm bất cứ cái gì. Nhỡ như biết được hắn làm mấy chuyện hoang đường cũng sẽ không kinh ngạc, cho nên có việc cũng tìm Tô Khuynh trước tiên.
"Em muốn làm gì?"
Tô Dục nói vẩn vơ: "Một người bạn học mời em qua nhà chơi."
Tô Khuynh do dự một chút: "Có nguy hiểm không?"
Tô Dục bĩu ôi trợn mắt: "Trời, chị nói gì vậy, qua nhà người khác thì nguy hiểm gì?"
Tô Khuynh thấy trên mặt hắn tràn trề gió xuân, bạn học kia tám chính phần là Tam tiểu thư. Cô không thèm hỏi nhiều nữa, ruột mướp được lấy ra thành thạo: "Ngày nào đi?"
Tô Dục nói ngày.
Tô Khuynh dừng lại: "Không được, ngày đó chị cũng có việc phải ra ngoài."
Tô Dục cảm thấy kỳ quái: "Chị ra ngoài làm gì?"
"Chị muốn đi gặp một người bạn."
Tô Dục kinh ngạc, ở trong mắt hắn, suốt ngày Tô Khuynh chỉ giao tiếp với gà vịt heo chó, không thì nồi chén gáo chậu. Cô như vậy mà cũng có bạn sao.
"Bạn nào vậy?"
Váng dầu mỡ trôi trên mặt nước, chén sứ trắng được xép gọn gàng sang một bên, Tô Khuynh buông xuống mâu, cười khẽ nói: "Em không biết người đó đâu, hai chân hắn bị tàn phế, nên cần người giúp đỡ."
Tô Dục không hứng thú với người bạn tàn tật của cô, lập tức chuyển sang một đề tài khác: "Em nghĩ ra một ý tưởng, hay là lừa mẹ, nói rằng ngày hôm đó em phải tham gia kỳ thi ở trong thành, nhỡ như không kịp thì buổi tối phải ở tại đó, muốn chị đi theo em để chăm lo ăn ở cho em. Như vậy thì cả hai chúng ta đều có thể đi rồi."
Tô Khuynh nhìn hắn, khen ngợi nói: "Vậy được."
Lúc nào Tô thái thái cũng mong muốn hắn biết nỗ lực, nhưng lần này lại thầm mắng chửi kỳ thi kia.
Vì kỳ thi lần này mà Tô Dục phải tự đi xa một mình, nếu đi thì phải mất một ngày một đêm, bà ta lo lắng vạn phần. Cho nên khi con trai nói muốn đưa Tô Khuynh theo cùng, bà ta lập tức đồng ý.
Bà ta nghĩ rằng, các thư sinh thời xưa vào kinh thi cử, có nhiều người mang vợ theo cùng để chăm sóc cơm nước quần áo thường ngày. Nếu chỉ có riêng hai người thì cũng có thể bồi dưỡng tình cảm.
Sáng sớm ngày hôm đó, Tô thư sinh đã không còn nhớ tới chuyện thi cử, tâm trí đã bay ra khỏi nhà, tránh khỏi Tô thái thái đang lải nhải. Thậm chí còn không thèm nói với Tô Khuynh một tiếng mà đã nhanh chân chạy mất, còn mang bữa sáng Tô thái thái làm ném cho cô.
Tô Khuynh cầm hai cái bánh bao, mắt nhìn thẳng tiếp tục đi. Cô đi qua từng cửa hàng, đi ra khỏi đầu ngõ thì tới đường lớn, một chiếc xe màu đen đang dừng ở bên đường chờ cô.
Xe rất cao, đầu xe sơn đen bóng loáng, từng làng khói trắng thoát ra từ chiếc ống phía sau.
Giả Tam mở cửa xe ra, nhắc nhở cô nhấc chân: "Tô tiểu thư cẩn thận, cửa xe này khá cao."
Cô thấy phía trước có một tài xế, từ kính chiếu hậu nhìn cô, rất mực cung kính gọi "Tô tiểu thư".
Cô đáp lại "Làm phiền chú", rồi cầm bánh bao đưa cho Giả Tam: "Ăn một miếng đi."
Nhấc rèm cửa sổ lên, bên ngoài là mừng mảng tường trắng ngói đen, lá cây chen chúc trên cây cổ thụ dần lùi về phía sau, thì ra bọn họ đi nhanh đến vậy.
Đi được không đến một khắc xe liền chậm lại. Trấn này không lớn, nhà cũ Diệp gia cách nhà Tô Khuynh không quá xa, cô không hiểu vì sao cách một đoạn đường ngắn như vậy mà Diệp Cầm vẫn muốn phái xe đến đón cô.
"Tô tiểu thư, ngài đừng vén rèm lên nữa." Giả Tam đang há mồm ăn bánh bao, nghĩ rằng bề ngoài của Ngũ thiếu gia thật là nổi bật, còn Tô Khuynh nhẹ nhàng thân thiện giống như thần tiên, vì thế miệng không chừng mực, "Đừng thấy đường rước dâu ngắn, dù gì cũng là kiệu hoa, mặt tân nương không nên để người ta xem như vậy".
Đầu Tô Khuynh vẫn hướng ra cửa sổ, vờ như không nghe thấy gì. Ngược lại Giả Tam sợ tới mức chết đứng, nhanh nhạy im miệng lại, quạt quạt sau lưng Tô Khuynh.
Bởi vì hắn ta thấy trên tai cô từ từ hiện lên một thoáng phiếm hồng, đến tận nửa ngày cũng chưa tan, nếu lúc xuống xe mà để Diệp Cầm nhìn thấy, hắn ta không chết thì cũng bị lột một lớp da.
Nhà cũ Diệp gia rất lớn, vẫn là phong cách văn nhân thời Thanh. Bên ngoài là dãy hành lang cong cong cùng phòng ốc bao lấy một khu vườn, ở giữa còn có một hồ cá. Thế nhưng vườn này hiện để hoang. Cách một khoảng lớn về phía đông là một tòa kiến trúc lớn màu xám nằm độc lập, cùng mấy gốc cổ thụ cong vẹo.
Giả Tam nói: "Bên kia là tòa nhà của Đại thiếu gia và Nhị thiếu gia."
Đại thiếu gia Diệp gia thì đi du học châu Âu về, còn Nhị thiếu gia ra nước ngoài học tập cưới được một cô gái người Nhật. Thói quen sinh hoạt của họ sớm đã Tây hóa, họ mong muốn một phòng khách lớn có bày biện sofa, còn thường xuyên mời bạn bè về nhà ăn uống và khiêu vũ.
Khi ở Bình Kinh, bọn họ có dinh thự riêng thì còn bình an vô sự. Nhưng chạy trốn tới trấn xa, tất cả ở chung trong một tòa nhà cũ, già trẻ lớn bé chen chúc cùng nhau, khó tránh khỏi sẽ có đụng chạm. _tichha_
Đại thiếu gia, Nhị thiếu gia một nhà ngại ở phòng nhỏ, mạnh dạn xây sửa phòng tân hôn ngay tại hoa viên Diệp lão gia thích nhất, vì chuyện này mà trong nhà gà bay chó sủa hơn nửa năm.
Mà hai nhà Đại thiếu gia và Nhị thiếu gia đều mang theo tôi tớ người hầu chen trong một tòa nhà. Ngoài mặt giữ hòa khí, phía dưới thật ra cũng tranh đấu gay gắt.
Diệp gia tràn ngập mâu thuẫn cùng toan tính, nhưng cả gia đình vẫn nhẫn nại sinh hoạt cùng nhau. Tân chính phủ đã thành lập, mọi người đều cho rằng đợi được Bình Kinh yên ổn, trở về chỉ là chuyện sớm muộn.
Tô Khuynh đi theo Giả Tam trong hành lang gấp khúc, trên ngọn cây có chim kêu đến vui mừng. Đi qua một cái lại một cái sân cùng phòng trống, thẳng đến lầu hai, liền đến phòng Diệp Cầm.
Trong phòng không có ai, Tô Khuynh biết Diệp Cầm có lòng muốn tránh hiềm nghi, không để cô khó xử.
Phòng hắn không lớn như cô tưởng tượng, chỉ có hai khung cửa sổ để nắng tràn vào, bên cửa sổ là bàn học, trên bàn rất sạch sẽ, chỉ có một lọ mực cùng một cây bút máy để sát bên.
Giả Tam nói: "Thiếu gia nói, mời ngài ngồi tự nhiên."
Tô Khuynh không ngồi xuống, vòng đến trước giường hắn nhìn một chút. Nằm như vậy ánh nắng sẽ chiếu sau lưng, trong phòng trống rỗng, u ám, chỉ có một mảng sáng nhỏ không có độ ấm, bị mấy khối thủy tinh vừa dày vừa nặng làm suy yếu, biến thành màu trắng nhợt nhạt.
Cô bỗng nhiên nghĩ đến câu đùa "Hầu hạ chuyện quần áo cơm canh" của Diệp Cầm, cô khẳng định bên cạnh Diệp Cầm không thể thiếu người, cùng lắm thì cũng có một người hầu hạ. Trong phòng sẽ ấm áp, tràn đầy hương thơm, gọn gàng khô ráo, tuyệt đối sẽ không lạnh lẽo trống vắng như thế này, tràn ngập hơi thở tiêu điều. _tichha_
Giả Tam thấy cô đứng ở mép giường có vẻ chần chờ, chạy lại nói với cô: "Cái này, giường thì cũng có thể ngồi, dù sao thiếu gia nói cô cứ tự nhiên."
Tô Khuynh nhịn không được nở nụ cười, ngồi xuống mép giường. Ngẩng đầu thì thấy trên đầu giường treo hai chiếc túi hương nho nhỏ mà cô tặng, một cái đỏ một cái vàng, thật là chói mắt, có lẽ đây là màu sắc tươi sáng duy nhất trong căn phòng này.
"Giả Tam, cậu luôn là người chăm sóc cho Ngũ thiếu gia à?"
"Ừm, thì đúng vậy."
"Đó giờ cũng không có người hầu khác sao?"
Giả Tam gãi gãi đầu: "Hồi đó cũng có, nhưng chân thiếu gia không có phương tiện để đi lại, cô gái ấy đỡ ngài ấy không nổi, hơn nữa tính tình thiếu gia cổ quái, không chịu được bao lâu."
Tô Khuynh gật gật đầu: "Vậy mẹ của thiếu gia đâu?"
"Ngài nói Lục di thái thái?" Giả Tam cười, "Bà ta mặc kệ, Lục di thái thái nghiện thuốc lá rất mạnh, chỉ nhận khói không nhận người."
"Thời điểm thiếu gia chưa cai sữa nên ngủ cùng bà ta, buổi tối bà ta ngủ như chết, cuốn chăn đè lên đứa nhỏ, thiếu gia khóc không hề phát ra tiếng, lúc ma ma bế ngài ấy ra thì cả người lạnh ngắt."
Hắn ta càng nói càng tức giận: "Thiếu gia hồi nhỏ rất thông minh, bốn tuổi đã thuộc lòng Đường thi, mỗi ngày lão gia đều cõng ngài ấy lên cổ. Có người tị nạnh, lén bỏ độc vào chén anh đào ngâm đá của ngài ấy. Thiếu gia ăn xong liền thất khiếu đổ máu, ngay cả mắt cũng không thấy đường, người hầu nhanh chân đi tìm Lục di thái thái thì bà ta đang nốc một chai Phúc Thọ. Cả người mềm nhũn, đẩy mãi cũng không tỉnh, cô người hầu nói thiếu gia sắp không xong rồi, bà ta chỉ rầm rì nói, 'Không sống nổi thì đem đi chôn, để bà mày ngủ một giấc đã'."
Tô Khuynh nghe chăm chú, hắn ta thấy trong mắt cô ánh lên vệt sáng. Đột nhiên Giả Tam cảm thấy ánh mắt cô thật lôi cuốn và xinh đẹp. Bởi vì nơi đó ẩn chứa một mảng thâm tình, vừa có tình yêu lại vừa có tình mẹ.
Hắn ta bỗng nhiên nghĩ đến, không biết đứa nhỏ nào làm con của Tô tiểu thư sẽ thật là hạnh phúc, có thể hạnh phúc hơn thiếu gia một nghìn lần.
Bên ngoài truyền đến âm thanh ồn ào huyên náo, Giả Tam mới chợt nhớ đến chính sự, mang ra một cái hộp nhỏ, đưa về phía cô "Cạch cạch" mở ra, chính là vòng tay mà Tô Khuynh đã chọn.
Giả Tam học theo giọng nói khắc nghiệt của Diệp Cầm: "Thiếu gia nói, bởi vì đến buổi tối sẽ có khiêu vũ, nên cho cô 'mượn' để đeo."
Tô Khuynh nhịn cười, lấy ra đeo lên tay: "Ừm, cảm ơn nhé."
Vừa xong thì các bà người hầu đo quần áo tới, Giả Tam nhanh chóng đi ra ngoài, Tô Khuynh gọi hắn ta: "Hôm nay trời nắng đẹp, cậu mang chăn màn ra phơi đi."
Giả Tam kinh ngạc: "Phơi chăn?"
Tô Khuynh nhìn hắn ta trách cứ, trong nháy mắt dường như Giả Tam đã thông suốt, cảm thấy bản thân quá đáng, ngay cả chăn màn cũng không biết mang ra phơi cho thiếu gia. Sau đó chạy lại ôm lấy chiếc gối và chăn màn của Diệp Cầm mang đi.
Chăn gối đều bị mang đi, dưới gối lộ ra một mảnh giấy nhăn nhúm, Tô Khuynh liền cúi xuống nhặt lên xem, đúng là tờ giấy vẽ cảnh con nhện tinh kia.
... Tại sao hắn còn giữ.
Liếc mắt thấy nhóm người hầu chuẩn bị lại gần, Tô Khuynh liền quýnh lên, thuận tay xếp tờ giấy nhét vào trong túi.
Cửa đóng lại, họ lấy ra một cái thước bằng da mềm bắt đầu đo. Có khi bắt cô giơ thẳng hai tay, có khi buông thõng khom người xuống, thước đo luồn qua lưng, trèo lên đùi, khiến cô có chút ngưa ngứa. Khi cô cúi xuống, thậm chí có một hầu nữ nhẹ nhàng đỡ ngực cô lên.
Bị người ta chạm tới làm Tô Khuynh giật nảy mình, nhưng cô cũng không lên tiếng, để tránh chuyện bé xé to làm mất lòng người. Vài hầu nữ lấy số đo xong ghi chép vào vở, có lúc mọi người thì thầm gì đó, trên mặt lộ vẻ tán thưởng.
Chuyện này còn chưa phải là điều kỳ lạ. Lạ nhất là lúc cô bị bắt ngồi xuống bàn học của Diệp Cầm, một bà người hầu tháo đi bím tóc của cô, cầm lược nhúng vào nước chải lên mái tóc, tay khác cầm một cái kẹp gắp nung lên trên bếp lò đang cháy đỏ bừng, sau đó để vào chậu nước phát ra âm thanh "Xì xèo ——", khói bốc lên như mây mù. Sau đó bà ấy cầm cái kẹp đầy khói trắng đi về phía Tô Khuynh.
Bà người hầu thấy mặt cô trắng bệch, đè vai cô lại không cho động đậy, cười hì hì an ủi: "Tô tiểu thư đừng hoảng hốt, tay nghề của tôi rất thạo, mấy năm nay toàn là do tôi uốn tóc cho các phu nhân, tiểu thư Diệp gia đó."