"Nàng ăn ít nhưng chỉ sợ những việc khác lo cho nàng chưa đủ."
Tôi ngồi bần thần. Suốt những năm tháng qua Lịch Vũ đứng nơi đầu sóng ngọn gió, hết lần này đến lần khác che chở cho tôi, chăm sóc tôi. Nay đến một ngày chính bản thân chàng trở thành hồng tâm cho người khác ngắm bắn, bị đẩy khỏi vị trí mà chàng đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu nơi sa trường để giành lấy. Vậy nhưng dù chỉ mảy may Lịch Vũ cũng chẳng quan tâm. Chàng chỉ sợ lo cho tôi chưa đủ. Hai hốc mắt tôi cay xè. Tôi nhìn thẳng vào Lịch Vũ, rành rọt:
"Bảy ngày nữa Đam sẽ theo người về Hoan Châu."
"Về Hoan Châu?" - Lịch Vũ dường như chưa tin vào điều tôi vừa nói, chàng lặp lại.
Tôi gật đầu chắc nịch:
"Người về đó nhậm chức hẳn là được mang gia quyến theo cùng?"
"Phải." - Lịch Vũ hơi bối rối.
Tôi cười vui vẻ:
"Vậy là tốt rồi. Người đi tới đâu Đam sẽ theo tới đó."
"Nàng không cần..."
"Cần." - Tôi cắt lời Lịch Vũ, kéo tay chàng đứng lên - "Đam đã chuẩn bị sẵn món người thích rồi, ta vào ăn cơm thôi kẻo nguội."
***
Nhân chuyến này về Hoa Lư, đợi sức khoẻ khá lên tôi liền tranh thủ đi thăm lại cố nhân. Trước hết là Giáo thụ Trần Uy, thật may mắn thầy vẫn khang kiện. Kế đến là phủ Tuyên Uỷ Sứ, phu nhân thần sắc đã tốt hơn nhiều, tháng trước còn vừa hạ sinh quý tử. Dù tâm trạng hơi phức tạp nhưng tôi vẫn thành tâm chúc phúc cho Linh An, cho La Đạc. Sau cùng tôi đến thăm Tường. Tường vẫn vào ra cung cấm chấp sự, song đã một lòng quy y tam bảo.
Sáng mùa xuân, trời còn lạnh, hơi sương đã tan bớt, nắng cũng bắt đầu lên. Trong chùa Nhất Trụ yên tĩnh tịch mịch, phải lắng tai lắm mới nghe tiếng quét lá đa đầu hồi. Từng cành cây kẽ lá, từ sân đến bậc thềm đều râm ran mùi thơm của hương trầm. Tôi khẽ khàng bước, hễ gặp vị sư nào cũng cười mỉm, lễ độ "A di đà" cho đến khi nhìn thấy Lý An Tường đang ngồi chăm chú chép kinh.
"Anh đang chép kinh gì đấy?"
Tường nghiêng người, quay lại phía sau nhìn nghiên mực còn chưa khô hẳn.
"Là Kinh Đại Tạng."
"Kinh Đại Tạng?" - Tôi hỏi lại, đây chẳng phải là một trong những bảo vật Minh Xưởng nhận lệnh Long Đĩnh đi cầu về từ Thiên triều đó ư?(3)
"Thí chủ có muốn xem qua không?"
Tôi gật đầu, lẽo đẽo đi phía sau Tường. Hoá ra "quốc bảo Phật Giáo" mà vị chúa thượng kia cất công cho người lặn lội đi xin về trông như vậy. Tôi đến sờ cũng không dám, chỉ đứng im nhìn quyển kinh rất dày được đặt ngay ngắn trên bàn. Quyển này chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng kinh thư được xin về. Phía hiên nhà hắt vào một vệt nắng xuân, Tường nhẹ nhàng giở từng trang, sách lật đến đâu thì bụi giấy trắng tinh, nhỏ mịn bay lên đến đấy, lóng lánh trong màu nắng như mật ngọt. Kinh Đại Tạng, bộ kinh đặt nền móng vững chắc cho Phật Giáo Việt Nam chính là đây sao?
Những năm qua sau khi định yên thiên hạ, việc bang giao với nhà Tống chưa một lần Long Đĩnh lỡ dở. Đều đặn hàng năm chúa thượng đều cho người qua cống, nhân thể tìm cách đạt được ý đồ riêng của mình.
Cách đây hai năm, Lê Minh Xưởng cùng Chưởng thư ký Hoàng Thành Nhã đi sứ. Chỉ trong lần đầu tiên này, từ Lưu hậu quân Tĩnh hải An Nam tự xưng, Long Đĩnh được Tống Chân Tông phong lên làm Giao Chỉ quận vương, thực ấp ba ngàn hộ, thực phong một ngàn hộ(4). Tới Tháng Chín cùng năm thì đúc ấn sang ban(5). Đây là điều chưa từng tiền lệ kể từ khi lập quốc.
Một năm trước, vua Tống làm lễ phong thiện ở phía Đông xong, gia phong cho Long Đĩnh hàm Đồng Bình chương sự, thực ấp một ngàn hộ, thực phong bốn trăm hộ. (6)
Năm nay, Long Đĩnh sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần, xin lại áo giáo mũ trụ dát vàng, xin cả kinh Đại Tạng, còn đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu.(7)
"Mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng", lần nào sai người đi cống vị chúa thượng kia cũng viện cớ hoặc nâng cao vị thế ở thiên triều, hoặc đạt được lợi ích gì cho Đại Cồ Việt, bằng không cũng phải có vài thứ giá trị mang về. Ấy nhưng vua Tống lần triều đình bên ấy cũng chẳng phải khù khờ. Một mặt hậu đãi Long Đĩnh, vỗ yên Đại Cồ Việt, một mặt ban cho tên Chí Trung(8). Mà cái tên này có nghĩa gì chứ? "Chí Trung" (至忠) chẳng phải mang ý trung thành, tận trung với nhà Tống hay sao? Ý tứ rõ ràng trên mặt chữ đến độ người ta chẳng cần phải suy đoán gì. Mà Long Đĩnh kể từ khi nắm quyền cũng chưa từng có ý định bất minh với nhà Tống. Tôi đồ rằng chẳng phải chàng thần phục gì cho cam. Đại Cồ Việt vừa xảy ra chiến loạn, thù trong giặc ngoài còn chưa dẹp yên, thế gia nhăm nhe đoạt ngai báu. Đương lúc này còn gây hấn với phương Bắc thì thiệt thòi nhất chỉ có chàng, khốn khổ nhất chỉ có con dân Đại Cồ Việt. "Không cậy giặc không đến mà cậy ở việc sẵn có cái để đón chờ; đừng cậy là giặc không đánh mà cậy ở việc sẵn có cái cho họ không đánh được, ấy là phép dùng binh"(9). Long Đĩnh miệt mài định yên bờ cõi, rèn binh, từng bước cải thiện đời sống bách gia đều nằm trong suy tính cả.
***
Tường tự tay gói ghém cho tôi thêm một ít thuốc nữa rồi bảo tôi cùng tới chỗ Giáo thụ Trần Uy. Đường từ chùa Nhất Trụ đến nhà thầy ngang qua khu chợ lớn. Trước đây vốn đã là chợ tấp nập nhất kinh thành, nay càng thêm phần đông đúc. Có mấy lúc tôi còn thấy cả hàng đoàn dài xe ngựa nối nhau chất những bao tải lớn lên xe, đi đầu là những thương nhân ăn bận hào nhoáng.
"Họ chở hàng đi đâu thế?" - Tôi hỏi.
"Đi về Như Hồng hoặc Liêm Châu."
Nghe câu trả lời của Tường tôi tròn mắt:
"Vận chuyển số hàng này sang tận Thiên triều sao?"