Hoa Lư núi non trùng trùng điệp điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Kinh thành gồm hai vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát. Vòng thành ngoài gọi là thành Đông, vòng thành trong gọi là thành Tây. Riêng thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở phòng thủ mặt sau nên được gọi riêng là thành Tràng An. (1)
Thành Đông, thành Tây là nơi đặt cung điện hay còn gọi là thành Hoa Lư. Nơi này tập trung chủ yếu có phủ thự, nhà cửa, lầu tháp, có cả sứ quán để tiếp khách ngoại giao. Dân chúng thành Hoa Lư chỉ trao đổi, buôn bán ở đây còn sinh sống ở vòng ngoài của thành. Dù vậy vào các dịp lễ hội đặc biệt vẫn có thể vào ra thành Hoa Lư khi trời tối.
Thành Nam là khu vực quân sự đặc biệt cũng là nơi có trại thương binh. Vì vậy mỗi lần tới đây tôi buộc phải đi đi về về một quãng đường rất xa, trải qua dăm bảy vọng gác. Tôi đạp lên cỏ mà đi, băng băng vượt cả quãng đường dài. Từ phía sau lưng mặt trời đã khuất núi, những tia nắng yếu ớt cuối cùng còn lại trong ngày cũng chỉ đủ sức làm những rặng bạch đàn ánh lên một màu nhàn nhạt. Nếu còn chậm chạp lề mề chỉ e chốc nữa khi quay về phủ trời đã tối mịt. Vậy thì sẽ lằng nhằng lắm cho mà xem.
Thường thì những chuyện xui rủi sẽ đến cùng lúc, ví dụ như Cao Sạ ốm; ví dụ như trường hợp hen suyễn cấp cứu khẩn; ví dụ như chỉ vừa hôm qua nắng chang chang mà nay trời đã trở rét còn tôi thì làm mất áo, lại ví dụ như tôi ngu ngơ ngây ngốc làm vỡ lọ bột tứ sinh cơ khi sắp kết thúc thăm khám. Vậy là tôi đành quay lại nhà Trần Uy lấy thêm lọ khác nên mới lỡ dở thời gian thế này.
"Anh Đam, để chốc nữa làm. Ra đây ăn với chúng tôi."
Tôi vừa về đến nơi liếc thấy đám lính cạnh trại thương binh đang nướng thịt thơm phức, đon đả mời chào nhưng không dám ghé lại, phẩy tay:
"Để lát nữa đi."
Tôi cũng muốn ăn lắm nhưng nhà bao việc. Trời vào độ cuối thu sắp sửa sang đông, tiết trời se se lạnh như thế này giá mà được ngồi bên đó bù khú với họ thì còn gì bằng. Ai bảo tôi hậu đậu cơ chứ?
Tôi mở rèm bước vào trại thấy có mấy người đang đứng bên giường bệnh của thương binh. An Tường đứng ngay bên cạnh, trò chuyện gì đó với họ. Trang phục này chắc chắn không phải của Thái y ty, vậy là...
Tôi chạy vòng lên phía trước nghiêng nghiêng ngó ngó, người kia quay đầu lại.
"A, Đô Chỉ Huy Sứ!" - Tôi cười toe toét, lễ phép chắp tay chào.
Lịch Vũ gật đầu, khuôn mặt đăm chiêu như giãn ra một chút, vết sẹo vì thế mà trông bớt hung dữ hơn.
"Người đến thăm binh lính ạ?"
Lịch Vũ gật đầu, nhìn quanh cả trại:
"Ở đây tổng cộng có bao nhiêu người?"
"Bảy mươi tám người." - An Tường chậm rãi nói.
"Có bao nhiêu người của Thái y ty, bao nhiêu quân y?"
An Tường mở quyển sổ đang cầm trên tay, vô cùng chi tiết:
"Bẩm, có tất thảy 6 quân y nếu tính cả Giáo thụ, thêm bảy học trò của Thái y ty nữa. Tổng là mười ba người."
Lịch Vũ gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Dĩ nhiên trong lúc Lịch Vũ và An Tường nói chuyện tôi cũng không được phép hóng hớt mà lo việc của mình. Trong số các bệnh nhân tôi chăm sóc đã được về nhà một nửa, còn lại những người bị thương nặng, trong đó có một binh lính bị gãy xương đùi. Dù trong cuộc chiến đã được chữa trị kịp thời nhưng đối với những vết thương nặng như vậy thì phải rất lâu mới bình phục được.
Tôi đánh giá tình hình. Vì vết thương đặc thù nên người kia không thể mặc quần, chỉ dùng chăn che đi phần thân dưới. Nguyên tắc chữa gãy xương bằng phương pháp y học cổ truyền là kết hợp chặt chẽ giữa động và tĩnh, tại chỗ và toàn thân. Tuy nhiên ở thời hiện đại phương pháp này chủ yếu chỉ phù hợp cho người già, trẻ nhỏ hay những bệnh nhân không chịu được các thủ thuật lớn như đóng đinh nội tuỷ. Nếu thời gian bất động lâu dễ gây biến chứng toàn thân, dù tôi đã thay thuốc bó thường xuyên nhưng vết thương vẫn không ổn lắm.
"Có phải anh lại cố di chuyển chân phải không?" - Tôi quay sang hỏi, giọng nói có đến bảy phần bất lực.
Thương binh tránh ánh mắt tôi mà tảng lờ đi chỗ khác. Dù biết là cũng chỉ một phần lỗi ở anh ta thôi, chủ yếu là nẹp tre không đủ sức bất động xương lớn, gãy gần khớp nên dễ gây di lệch. Tôi "hừ" một tiếng tà ác:
"Nếu anh còn cố di chuyển nữa tôi sẽ phải định hình lại xương, lúc đấy thì đừng có mà khóc."
Thương binh nhìn tôi, nhơn nhơn:
"Đại trượng phu, một vết thương nhỏ có sá gì?"
"Vậy cơ à?" - Tôi nhếch môi - "Thế để tôi vứt cái chăn kia ra cho cả trại này thấy đại trượng phu là anh vừa cởi truồng vừa than khóc nhé."
Sắc mặt của thương binh đấy từ từ đổi sang xám ngoét. Ở mấy giường bên kia đám quân lính hí hửng cười ồ lên, tôi vô cùng tự đắc. Vừa cúi xuống tiếp tục thay thuốc thì từ đầu đến chân tôi truyền đến một cảm giác rợn gáy như vừa bị sét đánh trúng. Bản năng của một loài linh trưởng sau hàng triệu năm tiến hoá nhắc nhở tôi rằng tôi đang gặp nguy hiểm. Y như rằng, tôi vừa quay lại thì thấy Lịch Vũ đang nhìn tôi chằm chằm, chỉ hận không được ký đầu tôi một vạn cái. Tôi ho "khụ" một tiếng, rùng mình quay lại thì thầm:
"Nếu anh có bị gãy nốt cái xương đùi còn lại, trăm vạn lần đừng có oán thán tôi."
Cuối giờ Thìn công việc của tôi mới coi như xong xuôi. Cả trại chỉ còn mỗi tôi và An Tường, Lịch Vũ đã về từ lâu. Tôi và Tường vừa thất thểu ra đến cửa, đám binh lính trại bên lại ngoắc lại:
"Xong sao được, đang đợi anh Đam với anh Tường mà."
Tường rất lễ độ từ chối. Đám binh lính có vẻ biết thân thế của Tường là con trai Tả Thân Điện Tiền Chỉ Huy Sứ nên cũng chẳng muốn làm phiền. Thấy đám lính tiu nghỉu như mèo cắt tai, tôi nhanh trí:
"Có tôi. Tôi thích ăn thịt, cũng đang đói lắm!"
Thế là tôi nhảy bổ vào trại với đám lính. Giữa đêm hôm tiết trời thoáng đãng lại được ăn thịt ngắm sao thì còn gì bằng? Đằng nào thì cũng muộn rồi, ngồi thêm một tí nữa thì cũng chẳng khác là bao. Có cạ cứng đến, cả đám rôm rả hẳn lên. Đang ở trong trại thì cấm uống rượu nên đám đấy lôi đâu ra được một loại nước tương tự như trà nhưng vị chua chua thanh thanh. Chẳng rõ là cái gì nhưng cho thì cứ uống. Tôi "khà" một tiếng rõ to, ngoạm thêm miếng thịt.
"Thịt gì đây? Thơm ngon quá!"
Hỏi trúng câu tủ, một tên đang nướng thịt hồ hởi bước lên, vỗ ngực oang oang đọc:
"Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng."
Lại bắt đầu rồi đấy, tôi chỉ biết đảo tròn mắt. Từ ngày rộ lên cái trò nói có vần điệu, nói lái là cứ hễ khi nào thấy tôi là cả đám "bắt cóc" lại túm tụm lại thi thố. Mấy người đó đầu têu trò nói lái, tôi lại bày làm mấy câu "thơ". Đính chính lại là ở thời kỳ này mấy thứ tôi đọc cho họ chỉ là mấy câu bông đùa, dù có vần điệu thanh bằng trắc cũng chỉ được coi là câu nói dân gian. Thơ phú chỉ những người có học mới làm được mà như cả cái trại này, thậm chí cả cái Hoa Lư này đều biết tôi dốt đặc cán mai, học mãi vẫn chưa thuộc mặt chữ.
Tôi lại cắn một miếng rõ to nữa, vẫn chưa biết là thịt gì. "Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng"? Con gì bằng quả mướp mà lại đi ăn cướp nhỉ? Sao nó giang hồ vậy? Nhỏ mà lì vậy? Lì mà ngon vậy?
Vừa lúc này binh lính kia nướng xong một mẻ mới mang đến để trước mặt tôi. Mí mắt phải tôi giật giật liên hồi, nam tả nữ hữu(2), cái điềm này chẳng phải ứng nghiệm ngay sao? Tôi nhìn lên bàn, một con vật gần cỡ một bàn tay tôi, cái đuôi dài, tròn lẳn. Cái đuôi mà vẫn khiến tôi sợ hãi hằng đêm một khi nghe thấy tiếng "chít chít" trên trần nhà.
Không được nôn! Không được nôn! Không được nôn!
Điều quan trọng phải nói ba lần. Dù đang ăn thịt chuột nhưng phải tôn trọng người khác. Binh lính ăn được mà tôi nôn thì thật là khiếm nhã. Tôi giành lấy ấm nước, tu một hơi cạn, gườm gườm:
"Dễ thế cũng đố. Câu tiếp theo!"
Cả đám lính rộ lên hoan hô, bắt đầu rủ rê tôi làm thơ tán gái. Cũng phải, ở đây ai nấy đều trai tráng đương tuổi xuân dồi dào sinh lực, ai chẳng mơ ước sớm tìm được giai ngẫu(3)? Tôi khoác vai người bên cạnh, hỏi:
"Nếu muốn làm quen một cô gái, anh làm gì?"
"Tôi... chạy."
Tôi cốc đầu hắn một cái.
"Đồ nhát gái. Sai bét!"
________
Chú thích:
(1) Trích bài nghiên cứu "Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê. Kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra." Tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Văn Tới, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành.
(2) Nam tả nữ hữu: Nam bên trái nữ bên phải. Nếu nam nháy máy bên trái, nữ nháy mắt bên phải là gặp điềm rủi và ngược lại.
(3) giai ngẫu: Đôi đẹp, chỉ cặp vợ chồng xứng đôi. (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)