"Ngự Bắc Vương cùng với Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Vua thân đi đánh...Đến trại Phù Lan, người trại đóng cửa trại cố thủ. Đánh không hạ được, bèn vây chặt vài tháng, người trong trại hết lương ăn. Ngự Bắc Vương tự biết kế cùng thế khuất, bèn bắt Trung Bắc Vương đem nộp. Chém Trung Quốc Vương, tha tội cho Ngự Bắc Vương, rồi đem quân đánh Ngự Man Vương ở Phong Châu."
Trại Phù Lan bị hạ, Long Đĩnh ở lại năm ngày thu xếp việc quân, ổn định tình hình, lệnh cho binh lính tiếp tế lương thực, viện trợ thuốc thang. Lê Long Cân dù là phản tặc song biết bỏ tối tìm sáng, quay đầu đúng lúc nên vẫn được Long Đĩnh tha mạng, giữ nguyên tước vị Ngự Bắc Vương. Tuy nhiên theo khả năng quan sát kém cỏi của tôi mà nói, trông y chẳng có vẻ gì là vui vẻ cả.
Đương nhiên không vui nổi. Ai mà vui khi vừa thua thảm bại lại phải tự tay giết người anh em đứng cùng chiến tuyến? Nhưng xét cho cùng thì kết cục như vậy đã là quá tốt đẹp. Ngay từ đầu Long Đĩnh đã có ý nhượng bộ, không công thành mà chỉ vây chặt mấy tháng ròng. Mãi đến khi trong thành cạn lương, dịch bệnh hoành hành, dân chúng lầm than Long Đĩnh mới ra đòn chốt hạ. Bằng không với một kẻ máu lạnh như Long Đĩnh thì đừng nói đến chuyện máu mủ ruột rà, phản tặc Long Cân nhẽ ra đã sớm bị y tiễn về trời.
Ôm cây đợi thỏ suốt mấy tháng. Khi đã ra đòn thì chỉ ra một lần duy nhất, quét sạch tất thảy.
Không thể phủ nhận Lê Long Đĩnh kia là một kẻ thâm trầm khó đoán.
Điều duy nhất tôi căm ghét chính là y dùng tôi làm tốt thí, đày ải đến Phù Lan nhằm đánh lạc hướng Long Kính. Tôi phải chịu tù đày khổ sai hơn nữa còn suýt chút nữa bị chém đầu. Thù này không trả tôi dứt khoát không thèm nghĩ cách xuyên không về hiện đại!
***
Trước mắt Phù Lan vẫn tạm thời phong toả do bệnh dịch tuy nhiên nhờ có sự can thiệp kịp thời và hợp lý, đời sống của nhân dân đã đỡ cơ cực hơn rất nhiều. Trong năm ngày tiếp theo lưu lại trại Phù Lan tôi tích cực hợp tác cùng các thầy thuốc địa phương nhằm tìm ra phương pháp hiệu quả nhất chữa trị ma chẩn. Uy phong của chúa thượng khiến đám thương nhân trong thành không ai bảo ai tự động hạ giá thuốc. Chẳng những thế mà giá lương thực và hàng loạt nhu yếu phẩm khác cũng mau chóng bình ổn. À nói thế chứ cứ thử không có động thái gì mà xem, ai chứ Lê Long Đĩnh sẽ lôi cổ đám người đó ra thả cho giao long cắn một thảy!
Tình hình chiến sự cấp bách, Phù Lan vừa yên ổn Long Đĩnh đã tiếp tục mang quân tiến về Phong Châu(1). Ngự Man Vương chiếm Phong Châu làm phản, trước mắt Lịch Vũ đã mang theo quân binh tới ứng chiến, đó cũng là lý do vì sao bức mật hàm của tôi gửi về lại rơi vào tay chúa thượng.
Vì là thư đồng của Đô chỉ huy sứ nên theo lẽ thường tôi được lệnh theo xa giá đi ra tiền tuyến. Nghiêm túc mà nói nếu từ trại Phù Lan này tôi trốn đi, thoát khỏi cảnh nơm nớp lo sợ bị phát giác là con gái có lẽ sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Thế nhưng cân nhắc kỹ thiệt hơn, đang giữa lúc loạn lạc thế này một mình bôn ba thì chưa chắc đã toàn mạng sống tiếp. Thôi thì tích cực ôm chân Lịch Vũ, dù gì chừng nào y còn sống tôi cũng tạm không phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền.
Vốn dĩ tôi còn tưởng Long Đĩnh sẽ dẫn theo một đoàn người ngựa tiến thẳng về Phong Châu nhưng hoá ra tôi đã nhầm. Bên bờ sông Mã Phù chiến thuyền đậu kín đen, xem chừng sẽ di chuyển bằng đường thuỷ.
Binh lính sắp hàng ngay ngắn, Long Đĩnh đi thẳng lên thuyền, Bạch Vỹ nối gót theo sau. Thấy vậy tôi lẽo đẽo chạy xen vào. Vị chúa thượng kia đi một mạch không đoái hoài nên đám tuỳ tùng cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Tôi trộm thở phào yên tâm. Thiếu Lịch Vũ tôi như gà con lạc mẹ không biết phải làm sao, theo hầu ai, đứng ở vị trí nào mới phải. Cả doanh trại rộng lớn chừng ấy suy cho cùng số người tôi quen biết chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. May thay Long ĐĨnh không đuổi cổ tôi khỏi thuyền, coi như cũng còn chút ân đức với một kẻ hèn mọn vừa từ cõi chết trở về.
Tới Đại Cồ Việt đã suốt mấy tháng ròng nhưng vì là kẻ chăn ngựa nên tôi ít có cơ hội mở mang đầu óc, biết những chuyện liên quan đến triều đình vua chúa. Việc duy nhất tôi quan tâm là gần như lúc nào quanh Long Đĩnh cũng có một đoàn người cao to như hộ pháp, mặt mày dữ tợn, nhìn một cái là biết nếu tôi có ý đồ xấu xa gì thì dễ bị xẻ thịt làm chả. Lần này lên thuyền cũng vậy. Hỏi ra tôi mới biết đấy là quân tuỳ long làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ vua. Ba chữ trên trán viết bằng chữ Hán là "Thiên Tử Quân"(2), nghĩa là quân lính của vua, cũng có thể gọi là thân quân. Tôi là người đơn giản lại mù chữ, với tôi đấy phải là "Đồ khó ở", "Tránh xa ra" hoặc "Muốn chết không?" mới đúng!
Cảm ơn đã nhắc nhở, tôi cũng không có ý định tiếp cận Lê Long Đĩnh!
***
Bấy giờ đường sá của Đại Cồ Việt còn chưa phát triển. Quãng đường bộ từ Phù Lan đến Phong Châu nghe đâu phải đi mất bốn, năm ngày mới tới nơi. Hồi Đại Hành hoàng đế vẫn còn chưa băng thệ đã liên tục cho đào sông, sửa sang đường thuỷ nối liền từ Hoa Lư đi đến tất cả các châu lân cận, kể cả cực Nam của đất nước tức Hoan Châu(4). Cũng nhờ đó mà cuộc chiến tranh Việt - Tống lần thứ nhất lẫn việc gìn giữ bờ cõi biên cương trở nên thuận lợi hơn rất nhiều bởi quân đội có thể cơ động khá nhanh trong những tình huống khẩn cấp. Không chỉ vậy việc xây dựng những tuyến đường thuỷ huyết mạch nối liền các châu Đại Cồ Việt cũng được xem như mô hình xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Đừng hỏi tại sao tôi biết.
Đam tôi cho dù ngu ngốc nhưng cũng tốt nghiệp đại học kinh tế mà ra. Không có cơ sở hạ tầng thì đào đâu giao thương phát triển chứ!
Tảng sáng chúng tôi đã tới Phong Châu.
Người cai trị cả châu này là Ngự Man Vương Lê Long Đinh, anh trai của Long Đĩnh. Đúng là sinh ra trong gia đình đế vương mấy khi được yên bình. Anh em là thế nhưng vì hoàng vị cũng lũ lượt tranh giành nhau đến đầu rơi máu chảy.
Xa giá về đến doanh trại thì có vẻ như vừa có một cuộc hỗn chiến xảy ra. Khắp nơi mịt mù khói lửa. Tiếng kêu gào, tiếng rên rỉ, những tiếng hối nhau mau mau chạy chữa của đám quân y. Nhìn đâu cũng chỉ thấy người bị thương nằm la liệt. Người này bị tên găm vào, người kia bị đao chém, lại có những kẻ đứt rời chân tay, lộ ra những đoạn xương trăng trắng. Thêm một đám người nằm thoi thóp, đầu ngoẹo về một bên chẳng rõ còn sống hay đã chết. Hai mắt tôi mờ nhoè, lồng ngực quặn thắt như thể bị bóp nghẹt. Cả cuộc đời trước tôi sống trong hòa bình độc lập, làm sao tôi biết được sự tàn khốc của chiến tranh?
Tôi thất thểu đi trong trại, mắt nhìn Đông ngó Tây mà trong lòng không khỏi lo lắng. Lỡ có ai đó tôi quen trong số binh lính này thì sao? Lỡ có chuyện gì chẳng lành đã xảy ra? Lỡ Lịch Vũ cũng đã bị thương? Nghĩ đến đây tôi bất giác run lên, hai tay nắm chặt lại. Lúc này chợt có binh lính nọ hớt hải chạy qua, tôi giữ y:
"Có chuyện gì vậy?"
"Quân ta bị mai phục."
"Được rồi, Đô chỉ huy sứ, đô chỉ huy sứ ở đâu?" - Tôi cố tỏ vẻ bình tĩnh nhất có thể.
Người kia nuốt nước bọt, tất tả:
"Trong trại lớn phía Đông."
Còn chẳng đợi tôi hỏi thêm anh ta đã vội vã rời đi.
Xốc lại tinh thần cho thật tỉnh táo, tôi mau mau chạy đi tìm Lịch Vũ. Lều lớn phía Đông đã ở ngay trước mặt, cửa lều chỉ khép hờ. Trực giác của tôi mách bảo có điều gì chẳng lành. Hai chân như bị chôn chặt xuống đất, cố gắng lắm mới có thể lết vào lều.
Lịch Vũ, lỡ Lịch Vũ có bề gì...
Đập vào mắt tôi là một vị quân y đang quay lưng lại, lúi húi bắt mạch. Quân y? Sao quân y lại ở đây? Tôi vồn vã chạy tới. Quả nhiên Lịch Vũ đang nằm, mắt nhắm hờ.
"Đô chỉ huy sứ, người sao vậy?"
Thấy tôi về Lịch Vũ có vẻ bất ngờ, tay vừa chẩn mạch xong vô thức giấu xuống phía dưới bàn, quay sang nhẹ nhàng hỏi:
"Đã về rồi đấy à?"
Lịch Vũ muốn đánh lạc hướng tôi đây mà. Không dễ thế đâu!
"Đô chỉ huy sứ bị thương ở đâu ạ?" - Còn chẳng buồn đợi y trả lời tôi đã đi tới bên cạnh, đảo một vòng nhìn từ dưới lên trên rồi từ trên xuống dưới. Thân là thư đồng mà có mỗi một chủ nhân còn lo không tốt tôi còn làm ăn gì nữa?
Xác nhận Lịch Vũ không có vết thương nào tôi liền thở phào. Nhưng không bị thương sao lại giấu tôi làm gì? Vậy thì càng đáng nghi!
Tôi quay sang hỏi vị quân y:
"Dạ bẩm, Đô chỉ huy sứ nhà tôi có sao không ạ?"
Vị quân y kia vừa cất đồ vừa bảo:
"Đô chỉ huy sứ gần đây thường xuyên ăn nghẹn, ngươi là thư đồng mà tắc trách thế ư?"
Bị nói trúng tim đen tôi chỉ biết nín thít. Đúng là gần đây tôi một lúc hai việc thành ra có chút lơ là, chăm sóc chủ nhân không được chu đáo. Vị quân y kia tiếp lời:
"Đô chỉ huy sứ thường xuyên ăn nghẹn là do hao tâm tổn tứ dẫn đến suy nhược. Lần trước tiểu chức đã dùng chỉ thực, hậu phác, binh lang để làm khoan khoái trung tiêu và các mạch nhưng chưa có tiến triển nhiều. Lần này tiểu chức sẽ kê đinh hương quế, phụ tử và bài tử quân, lục quân để bổ vị. Nhất định không để chút bệnh nhỏ ảnh hưởng đến trận chiến này. Duy chỉ có một điều..."
"Nói đi!" - Thấy vị quân y ngập ngừng, Lịch Vũ nói như ra lệnh.
Ông ta lấm lét hết nhìn Lịch Vũ lại nhìn tôi, cuối cùng nhỏ giọng hỏi:
"Người có thường xuyên có đờm không?"
"Không! Chẩn bệnh có đờm hay không là chuyện thường, sao ngươi phải ngập ngừng?"
"Ông quá đáng lắm rồi!" - Tôi xắn tay áo, đứng chống nạnh chỉ hận không lao vào phân rõ trắng đen với tên quân y kia - "Ông ta hỏi thế vì nếu căn nguyên của bệnh do tửu sắc mà thành thì ắt sinh nhiều đờm." - Tôi hùng hùng hổ hổ - "Ông nghĩ Đô chỉ huy sứ nhà tôi là ai mà dám hỏi câu đấy?"
Đương nhiên tôi rất bất bình!
Ai thì không rõ chứ mấy tháng hầu hạ Lịch Vũ đừng có nói đến "sắc", cho dù là một giọt rượu y cũng chưa từng đụng vào. Trọng trách chinh chiến nơi tiền tuyến, bảo vệ chúa thượng dù một khắc Lịch Vũ cũng chưa từng lơ là. Hơn nữa tên quân y già kia sao lại nói chuyện đầy ẩn ý như thế? Hà cớ gì nhìn tôi rồi hỏi về vấn đề tửu sắc? Á à cái lão già này, không biết đã nghe được lời ong tiếng ve ở nơi nào. Nói xấu tôi thì thôi đi, cả gan nói xấu Lịch Vũ thì chắc chắn là chán cơm thèm đất rồi!
"Đô chỉ huy sứ, xin cho Đam chẩn mạch."
Tin người chi bằng tin mình.
Tạm bỏ qua những vấn đề liên quan đến đạo đức của Lịch Vũ, duy chỉ xem xét phương thuốc vị quân y kia kê tôi đã thấy rất có vấn đề.
"Một tên nô bộc chăn ngựa lại đòi chữa bệnh cho Đô chỉ huy sứ? Nực cười!" - Ông ta nhếch môi, giọng nói bỉ bai châm biếm.
Tôi khăng khăng đứng bên cạnh, vẫn cúi đầu vô cùng lễ độ chờ đợi câu trả lời từ Lịch Vũ. Có thể do tôi quá ngang bướng nhưng cũng có thể không muốn để cho thư đồng của mình mất mặt, Lịch Vũ gật đầu ra chiều đồng ý. Tôi cẩn trọng chẩn mạch hồi lâu, cố gắng dùng chút kiến thức ít ỏi của mình, nói đoạn bẩm với Chỉ huy sứ:
"Dạ thưa, chứng ăn nghẹn của người là do hư tổn lâu ngày thành."
"Chẳng phải ta cũng nói thế sao?" - Ông già quân y cười cợt - "Miệng thì như chim bách thanh mà hoá ra chỉ là con chuột nhắt."
Tôi ngẩng cao đầu, kiên định:
"Nếu không bổ thuỷ sinh tân, bổ huyết hoá đờm từ khi mới bị bệnh mà chỉ chăm chăm dùng những vị thuốc kia Đam e rằng huyết dịch ngày càng khô, cuống dạ dày ngày càng tóp lại, thận thuỷ không lên được, dương hoả càng mạnh mà sinh chứng quan cách không uống được thứ gì vào. Nay Đam chẩn mạch thấy bệnh của người chỉ mới chớm, trước mắt không có gì đáng ngại. Tuy nhiên nếu bệnh để lâu, không giữ gìn kiêng khem thì khi trở nặng không cách nào chữa được nữa."
"Đừng có mà hồ ngôn loạn ngữ!" - Vị quân y kia tím mặt quát lớn.
"Vậy cho hỏi đại nhân đã chữa cho Đô chỉ huy sứ nhà tôi bao lâu rồi?" - Tôi hỏi vặn.
"Gần một tháng."
"Vậy đã có tiến triển gì chưa hay bệnh ngày càng nặng thêm?"
Nói đến đây người kia im bặt cúi đầu. Tôi biết tình thế này có phần khó xử. Đường đường là quân y của triều đình lại để cho một tên chăn ngựa bắt bẻ thì khó lòng chấp nhận được. Biết là vậy nhưng nếu cứ để ông ta chữa theo cách đấy tôi chỉ sợ chỉ ít lâu nữa người cường tráng như Lịch Vũ cũng trở nên suy kiệt mà mất mạng. Tôi hạ giọng:
"Đam may mắn nhờ ơn đức cha mẹ truyền dạy nên biết một bài thuốc hay. Nếu ngài không chê xin xem qua."
Lão quân y kia có vẻ vẫn còn giạn dỗi. Hai hàng ria mép nhếch lên, nhìn tôi một cái rồi "hừ" mạnh, quay đi. Dù là vậy nhưng tôi đã hạ quyết tâm giúp Lịch Vũ trị bệnh nên đành lần nữa xuống nước:
"Tôi không biết chữ. Bài thuốc này là thuốc gia truyền. Người hãy ghi lại và gia giảm số lượng phù hợp với thể trạng Đô chỉ huy sứ giúp tôi."
Vị quân y kia biết nếu lúc này trước mặt Đô chỉ huy sứ mà còn so đo với tôi thì cũng chẳng hay hớm gì nên mở hộp lấy giấy bút ra, giúp tôi ghi chép.
***
Việc quân cấp bách, Lịch Vũ không lúc nào được ngơi nghỉ.
Kể từ khi vị quân y kia rời khỏi trại Lịch Vũ cho vời thêm mấy người nữa vào bàn việc, tới khoảng giờ Tỵ thì Long Đĩnh lại truyền sang trại nghị chính. Tôi ở trong lều loay hoay dọn dẹp từ trên xuống dưới một lượt rồi tự mình xuống bếp nấu cháo. Việc ăn uống ngủ nghỉ đối với người bệnh mà nói cũng quan trọng chẳng kém gì thuốc thang. Lịch Vũ hao tâm tổn sức lâu ngày nơi sa trường, cơ thể khó tránh hư nhược mệt mỏi. Thân là thư đồng những việc có thể làm tốt tôi nhất định phải tận tâm dốc sức.
Hai tay bưng bát cháo gà nóng, tôi nhón chân đi thật nhẹ nhàng đến bên cạnh. Lúc này Lịch Vũ vẫn đăm đang chiêu nghiên cứu, trên bàn là một tấm bản đồ và cả mấy lá cờ đủ màu. Tôi biết y đang nghiền ngẫm trận đồ(5) liền nhỏ giọng:
"Đô chỉ huy sứ, tới giờ dùng bữa rồi."
Lịch Vũ không ngẩng lên, chỉ gật đầu.
"Đam nấu loãng một chút cho người dễ nuốt. Nếu chốc nữa đói người cứ dọi Đam."
Lịch Vũ đặt lá cờ nhỏ đang cầm trên tay xuống, quay sang hỏi tôi:
"Trại Phù Lan không làm khó ngươi chứ?"
Tôi ngây người. Câu nói kia khiến người nghe cảm thấy vừa oan ức vừa buồn cười. Phù Lan không làm khó, họ chỉ định chặt đầu tôi thôi!
"Không hề! Đam là sứ giả mà, sao có thể làm khó Đam được?" - Tôi nói dối không chớp mắt, bày ra một bộ dạng tươi vui phơi phới. Tình hình đang cấp bách đến mức này tôi còn khóc lóc thảm thương cho ai xem?
Lịch Vũ đón lấy bát cháo từ tay tôi, tiếp lời:
"Ngươi biết y thuật nhưng lại là một kẻ mù chữ, quả thực khó tin."
Đúng là tôi không mù chữ, nhưng là không mù chữ Latin.
Dạng chữ Hán vuông chằn chặn như thế này tôi chưa từng học qua. Nếu biết có ngày lưu lạc tới đây thì năm đấy chuyên ngành đăng ký ở Ngoại Thương của tôi nhất định sẽ là "Tiếng Trung thương mại".
Lịch Vũ nghiêm túc suy nghĩ, nói đoạn bảo:
"Chiến sự căng thẳng, người bị thương vô số, hiện tại doanh trại lại đang thiếu quân y. Dù ý chỉ phạt ngươi vẫn còn nhưng công lao từ trại Phù Lan vừa rồi không nhỏ, chốc nữa ta sẽ xin chúa thượng cho ngươi trở thành học trò tại Thái y ty(6).
Một ca khó rồi đây - tôi nghĩ bụng. Lịch Vũ có ý tốt xin cho tôi được vào làm Thái y tư thì cũng coi như bước một chân ra khỏi kiếp người hầu. Nhưng tính ra làm một kẻ chăn ngựa phiêu diêu tự tại, không màng thế sự vui vui vẻ vẻ cũng có cái hay của nó.
"Trông cậy hết vào người!" - Tôi dứt khoát hô to, rõ ràng, quỳ rạp xuống lạy tạ.
Có vai có vế, ít ra làm một người hầu cũng là người hầu cao cấp thì có ai mà không muốn chứ?
Lịch Vũ gật đầu ra chiều hài lòng. Lúc tôi đứng lên lui đi bỗng thấy mặt y biến sắc.
"Đam... ngươi... bị thương à?"
Tôi tròn mắt. Cái gì cơ? Bị dễ thương thì tôi có chứ bị thương thì hoàn toàn không! Tôi hoàn toàn khoẻ mạnh nhanh nhẹn thế này cơ mà? Tôi nhìn trên ngó dưới, nhìn trước ngó sau. Thôi xong rồi, ở đâu ra một mảng máu đỏ thẫm thế này?
Một loạt số liệu nhanh chóng tự cộng, trừ, nhân, chia, luỹ thừa, bình phương, đạo hàm, logarit trong não rồi kết quả trả về làm tôi mất ý thức lâm sàng. Hai từ hiện đi hiện lại, liên tục phóng to dần lên đến cực đại rồi nhấp nháy trong não:
"Đến tháng!"
"Đến tháng!"
"Đến tháng!"
"Tôi đến tháng trước mặt một người đàn ông khi đang giả trai!"
Giờ tôi phải làm thế nào? Phải làm thế nào đây?
Tôi đứng như trời trồng, hai chân tựa hoá đá cắm sâu xuống nền đất.
Thấy tôi không trả lời mà chỉ run cầm cập, Lịch Vũ nhỏ giọng hỏi lại:
"Đam, ngươi bị thương à?"
Thực lòng tôi thấy mình đã chết rồi. Tiếng gọi kia hẳn là tiếng nơi âm tào địa phủ, luỹ quỷ tay sai đang hiện lên bắt bẻ những việc xấu tôi từng làm. Tôi nuốt nước bọt "ực" một tiếng rõ to đến mức cả hai tai nghe rõ, hít vào một hơi sâu rồi quỳ xuống, bắt đầu lăn ra đất mà khóc:
"Bẩm Đô chỉ huy sứ, Đam không bị thương, Đam... bị trĩ ạ."
Kết thúc câu nói mà bản thân tôi cũng không ngờ đến, nét bàng hoàng lộ rõ trên vẻ mặt điển trai của Lịch Vũ. Bỗng nhiên trong trại chỉ còn lại sự im lặng, hai đôi mắt nhìn nhau chằm chằm, không ai biết nên nói gì. Hồi lâu sau vị Chỉ huy sứ kia mới ngượng ngùng, quyết định phá tan bầu không khí bằng một tiếng ho khan:
"Ngươi... vất vả rồi."
Tôi xin lui, rời khỏi lều trong trạng thái tạm thời mất ý thức. Một là không nói dối, hai là phải nói dối rất nhiều lần. Tôi đi thật khép nép, cố không để ai phát hiện ra vết máu ở vị trí "nhạy cảm"của mình. Xem ra giấy không gói được lửa, đợi rời được khỏi chốn loạn lạc này tôi sẽ nhanh chóng tìm cách quay về hoặc chí ít là thoát khỏi doanh trại, kiếm một công việc khác nuôi thân. Cứ cái đà sống ở đây chẳng mấy chốc cái đầu của tôi sẽ chẳng còn trên cổ mất.
***
Một ngàn năm về trước rốt cục phụ nữ đã sống thế nào?
Sống thế nào cho qua những ngày "dâu rụng" ẩm ương này?
Có thể do tôi đang ở nơi sa trường nên thiếu thốn, nhưng đoán chừng thời bình cũng chẳng khá khẩm gì hơn. So với một người từ hiện đại đến như tôi mà nói thì bất cập muôn phần. Giả việc đánh răng, đa số mọi người đều súc miệng và nhai trầu. "Hạt cau và lá trầu là chất sát trùng, lại thêm vôi, khiến nên miếng trầu nhai làm cho răng sạch thêm và cũng đồng thời tẩy uế cả miệng."(7) Thế thôi xem như đã là tiên tiến lắm so với các nước bạn láng giềng về khoản vệ sinh sạch sẽ.
Còn vấn đề nguyệt tín(8) thì để xem, tôi lại phải đi chôm một ít đồ từ chỗ quân y mới được!
Chú thích:
(1) Phong Châu: khu vực từ thành phố Việt Trì ngày nay cho tới khu vực Đền Hùng thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
(2) Thiên Tử Quân: Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 7 (968), đặt túc vệ, gọi là Thân quân, trên trán đều thích ba chữ "Thiên Tử Quân". (Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí - Binh Chế Chí)
(3) băng thệ: (崩逝) vua chết.
(4) Hoan Châu: Nghệ An ngày nay.
(5) Trận đồ: Bức vẽ sẵn cách sắp xếp quân lính để đánh giặc.
(6) Thái y ty: Thời Tống trong Thái thường Tự có Thái y ty giữ việc giáo dục học sinh. (Theo Từ Điển Chức Quan Việt Nam)
(7) Trích Đất Quê Lề Thói - Phong Tục Việt Nam (Nhất Thanh).
(8) nguyệt tín: kinh nguyệt. Kinh nguyệt đến không sai hẹn nên gọi là "nguyệt tín" hoặc "tín thuỷ".