Ly Nhân Tâm Thượng Ngọc - Điêu Huyền Mộ Ngẫu

Chương 2



7

Ta lười đặt tên cho con thỏ mới này, chỉ gọi đơn giản là “tiểu Bạch”. Tiểu Bạch hoạt bát hơn tiểu Hắc, cả ngày cứ nhảy quanh người ta.

Nghe nói mấy nô tỳ kia chết rất thảm, bị lột da sống.

Ta nghe xong liền hoảng hốt.

Cho dù Tuyên Giác vẫn nở nụ cười ôn hòa, nhưng chàng thiếu niên dịu dàng chu đáo, ấm áp như gió xuân đó quả thật đã không còn nữa.

Rất nhanh đã tới giữa năm, tin tức Tuyên Giác phong hậu truyền tới.

Là con gái của Trần thái sư, Trần Mặc.

Ta từng gặp nàng ta vài lần trong cung, dung mạo không tính là tuyệt sắc, nhưng thanh nhã thoát tục, tự nhiên phóng khoáng, là một cô nương có tri thức hiểu lễ nghĩa.

Nàng ta chỉ nhỏ hơn ta ba tuổi, đã hứa hôn vài lần nhưng cuối cùng hôn sự đều không thành. Ta còn thắc mắc sao nhân duyên của cô nương này trắc trở tới vậy. Trong một buổi tiệc thưởng hoa vào năm ngoái, ta mới biết nàng ta vẫn luôn một lòng ái mộ Tuyên Giác, vậy nên mới lần lữa không gả cho ai.

Kể ra cũng đúng, gương mặt đó của Tuyên Giác, vừa nhìn là đã có thể câu mất hồn người ta. Có thiếu nữ nào lại không rung động?

Ngày đại hôn phong hậu, cung nữ trang điểm cho ta. Lan Linh giúp ta chọn trâm cài tóc, rồi chọn trang phục, ta không có hứng, chỉ nói: “Thế nào cũng được”.

Bá quan chúc mừng, âm nhạc xướng lên, màu đỏ rực cùng màu vàng chói mắt, hoa lệ ngút trời. Năm đó khi phụ hoàng cưới mẫu hậu, cũng không xa hoa tới thế.

Ta quỳ xuống theo mọi người, chìm trong đám đông, không gây chú ý, Tuyên Giác cũng không phát hiện ra ta.

Tới khi quần thần dâng tặng lễ vật, ta cũng muốn ngồi lên vị trí trên bục cao, khi Tuyên Giác nhìn thấy ta, rõ ràng chàng sững lại một chút, sau đó nhíu mày, quay sang nói: “Không phải ta đã nói để Nhĩ Ngọc nghỉ ngơi trong điện sao?”

Chàng hỏi cung nữ của ta.

“Ra ngoài giải sầu thôi” ta nói, rồi cứ thế ngồi xuống, “các nàng không khuyên được ta”.

Tuyên Giác không nói nữa, Trần Mặc muốn nói gì đó nhưng lại thôi, cuối cùng nàng ta vẫn ngồi xuống bên cạnh Tuyên Giác.

Lễ vật của đám quần thần đó quanh quẩn cũng chỉ có châu báu và tranh chữ, cố làm ra vẻ phong nhã. Có báu vật nào mà ta chưa từng thấy qua, ta chán đến mức sắp ngủ gật tới nơi, đến khi nghe thấy “Trấn quan đại tướng quân chúc…”

Ta bỗng bừng tỉnh.

Thích Văn Lan cái tên xui xẻo đó cũng dám tặng lễ vật?

Tuyên Giác nhìn sang ta, vừa hay ta cũng đang quét mắt tới. Không biết có phải ảo giác không, ta cảm thấy sau khi chàng thấy ta phấn chấn trở lại thì lông mày cau nhẹ, hàm dưới chếch xuống, đây là biểu cảm không vui.

Người dâng lễ vật là thân binh của Thích Văn Lan, hắn quỳ một gối dưới đất, chắp tay nói: “Tướng quân sai thần tới tặng lễ vật”.

Sau đó ấn khóa mở chiếc hộp ra, trong chiếc hộp dài màu gỗ là hai cái đầu người!

Hai kẻ đó đều là những tên đàn ông uy mãnh, râu quai nón xồm xoàm, đôi mắt giận dữ trợn to, hình ảnh đó khiến người ta phải khiếp sợ.

Trần Mặc ngồi ngay đầu nên chiếc hộp đó đối diện với nàng ta, nàng ta sợ hãi hét to lên một tiếng, ngã khỏi ghế rồi bổ nhào vào lòng Tuyên Giác.

Ta không nhịn nổi mà cười ra tiếng, nghe thấy thân binh kia nói đâu ra đấy: “Đây là thủ cấp của đại vương tử và nhị vương tử Thổ Phiên, chém từ mười ngày trước. Thổ Phiên tổn thất nặng nề, tương lai gần sẽ không dám xâm phạm nước ta. Tướng quân nói, lấy thứ này làm quà tân hôn tặng bệ hạ, chúc sơn hà vững mãnh thiên thu!”

Không hổ là huynh nha Thích Văn Lan.

Nghe thấy lời này, Tuyên Giác cũng chẳng thể làm gì được.

Nhưng tân hôn đã thấy máu không phải là chuyện may mắn.

Chí ít thì sắc mặt Trần Mặc đã trắng bệch cả ra, mất hết phong thái.

Lúc này, Tuyên Giác lại nhìn sang ta.

Ta thì không sợ hãi trước một màn này, mặt mày lạnh tanh quan sát, không quan tâm tới ánh mắt của chàng.

“Thích tướng quân có lòng, thiết nghĩ cuối năm hồi kinh báo cáo, sẽ có tin vui lớn hơn, trẫm rất mong chờ” Tuyên Giác nhẹ nhàng nói, “nhận lấy đi”.

Ta híp mắt.

Mỗi dịp cuối năm, để đề phòng phản loạn và thần tử bất trung, các tướng lĩnh đều phải hồi kinh báo cáo. Nếu Thích Văn Lan hồi kinh, e sẽ gặp bất trắc, dẫu sao hiện nay kinh thành cũng nằm trong tay Tuyên Giác, không phải nơi thành lũy cách xa hoàng đế kia. Nhưng nếu không về, sẽ bị chụp cái mũ phản loạn lên đầu.

Thật nan giải.

Ta dám khẳng định Tuyên Giáp không nỡ giết ta, nhưng không chắc… chàng có ra tay với Thích Văn Lan hay không.

8

Đại hôn kết thúc, ta trở lại cung Ngọc Cẩm.

Trên đường về, ta mải mê suy nghĩ, bước đi rất chậm.

Binh sĩ trong tay Thích Văn Lan không ít không nhiều, vừa tròn mười vạn. Thích thái phi và phụ hoàng tình cảm sâu đậm, khi phụ hoành băng hà, bà ấy cũng uống thuốc độc tự vẫn theo. Thích Văn Lan sinh muộn, phụ mẫu đều đã qua đời. Vậy nên hắn quả thực là một tướng quân không có phe cánh.

Một mình ở bên ngoài, không có người nhà phải lo lắng. Đây cũng là nguyên nhân mà hắn dám gây hấn Tuyên Giác. Nhưng đây cũng là giới hạn cao nhất rồi.

Mười vạn binh mã không đủ để hắn tiến đánh kinh thành, còn Tuyên Giác hiện nay căn cơ chưa ổn định, cũng sẽ không lập tức ra tay với Thích Văn Lan.

Cục diện bế tắc.

Có điều… đợi tới khi Tuyên Giác loại bỏ hết những kẻ đối địch, ổn định ngôi vị, tình thế sẽ không còn như vậy nữa.

Luận về võ nghệ hay cưỡi ngựa bắn cũng, hai người không phân cao thấp, nhưng luận về cầm kỳ thi họa, bày mưu tính kế, tên Thích Văn Lan đầu gỗ đó đấu không lại Tuyên Giác.

Mải mê suy nghĩ, nên tới khi sắp về đến cung Ngọc Cẩm ta mới phát hiện, Trần Mặc đang đứng trước cổng trong vòng vây của cung nữ, hiển nhiên là đợi ta.

Ta không có hứng thú đối phó với nàng ta, định sẽ làm lơ mà đi qua, nghe thấy cung nữ phía sau Trần Mặc lên tiếng: “To gan, thấy nương nương mà không hành lễ?”

Bước chân ta dừng lại, chậm rãi quay đầu cười nói: “Trần tiểu thư, một năm không gặp. Chúc mừng ngươi cầu được ước thấy. Lão thái sư yêu thương con gái, không ngần ngại hủy hoại thanh danh, Nhĩ Ngọc bái phục”.

Trần thái sư là các lão tam triều, là thầy giáo của hoàng huynh, là người mà huynh ấy tín nghiệm không thôi. Nếu không có ông ta trong ứng ngoài hợp, Tuyên Giác sẽ không dễ thành công tới vậy.

Nụ cười dịu dàng trên mặt Trần Mặc cứng lại, sau đó gật đầu nói: “Đa tạ tỷ tỷ chúc phúc. Bản cung thấy hôm nay tỷ tỷ không được vui nên muốn tới thăm”.

“Thăm xong chưa?” ta nghiêng đầu ra hiệu, “xong rồi thì đi đi”

“Vậy bản cung đi trước. Đêm nay ta hầu hạ bệ hạ, nếu tỷ tỷ thấy không khỏe thì hãy nghỉ ngơi nhiều một chút” nàng ta mỉm cười, bày ra dáng điệu của kẻ thắng cuộc, ung dung rời đi. Ta thương xót nhìn theo nàng ta.

Lan Linh thấy sắc mặt của ta, nghi hoặc: “… nương nương?”

Đèn lồng đung đưa trong đêm đen, phát ra quầng sáng mờ ảo, ta nói: “Ngươi có tin không, cái nàng ta đợi được sẽ là màn đêm trống rỗng? Thật tiếc cho Trần thái sư, quá chiều chuộng đứa con gái này”.

Ta vừa nói vừa sải bước tiến vào cung Ngọc Cẩm, một giọt nước mắt lăn xuống gò má.

Ta bất giác nhớ tới phụ hoàng.

Người cũng quá chiều chuộng ta.

Nên mới giữ lại mầm mống tai họa là Tuyên Giác.

Đêm đó, Tuyên Giác ở lại điện Thái Cực cả đêm, nói là có chính sự cần giải quyết. Có điều những kẻ sáng suốt đều hiểu được, tân đế hậu định sẵn sẽ chỉ là thân phận trên danh nghĩa.

Lan Linh rất ngạc nhiên, ta nói với nàng ta: “Bình thường thôi. Con người Tuyên Giác ấy à… ta phải cảm ơn chàng vì không biến ta thành mục tiêu công kích mới phải”

Nếu đêm qua chàng ở lại chỗ ta, ta sẽ bị Trần Mặc hận chết mất.

Lan Linh không biết nên nói sao, ấp úng: “… bệ hạ chung tình với nương nương, đương nhiên sẽ không để nương nương…”. Câu xu nịnh “sẽ không để nương nương khó xử” của nàng ta vẫn chưa kịp nói hết, nhớ ra ngôi vị của Tuyên Giác có được bằng cách nào, nàng ta lập tức im miệng.

Ta phất tay cho nàng ta lui. Lan Linh sự hãi rời khỏi.

9

Tám chín năm trước, rất lâu trước đây. Ngày đó, Tuyên Giác là người vô cùng dịu dàng, làm việc thận trọng chu đáo, quả thực chàng sẽ không khiến ta khó xử.

Năm đó ta vừa tròn mười sáu, cảm thấy trong cung quá tẻ nhạt nên tìm cớ xuất cung.

Mẫu hậu bị bệnh qua đời năm ta mười hai tuổi, chẳng có ai quản nổi ta. Phụ hoàng và hoàng huynh chiều chuộng ta, suy đi tính lại, liền sai Thích Văn Lan đi cùng bảo vệ.

Khuôn mặt Thích Văn Lan méo mó sắp khóc: “Thần tuân chỉ”

Sau đó tiếp nhận công việc cực nhọc này, nếu ta xảy ra chuyện sẽ bị chặt đầu.

Ta bật cười ha hả, thúc ngựa chạy về phía nam tới Giang Nam.

Kinh thành quá bí bách, khi còn nhỏ ta từng theo mẫu hậu về quê thăm người thân một lần, nằm mơ cũng muốn tới Giang Nam chơi lần nữa.

Thích Văn Lan và một nhóm thị vệ thúc ngựa chạy phía sau.

Thích Văn Lan hét lên: “Tạ Trùng Tự! Ngươi chạy chậm thôi!!! Ngựa của ông đây không bằng con hãn huyết Tây Vực đó của ngươi, nó chạy không nổi nữa rồi!”

Ta kìm dây cương giảm tốc độ, Thích Văn Lan cuối cùng cũng đuổi kịp, gương mặt anh tuấn toát đầy mồ hôi. Hắn vừa lau vừa thở phì phò, nói: “Tổ tông ơi, đi cùng với ngươi đúng là cực hình”

“Giang Nam vui lắm” ta cầm roi da chỉ hắn, “đợi tới đó rồi, huynh sẽ không nói thế nữa đâu”

Thích Văn Lan: “… ta tin ngươi mới lạ đó”

Đoàn người bọn ta vừa đi vừa nói cười tới Giang Nam. Khi đó Giang Nam mưa bụi mịt mù, cảnh sông nước vô cùng thanh nhã.

Thích Văn Lan, đứa trẻ đáng thương thường xuyên bị người nhà tống tới biên cương rèn giũa, lúc này đang ngẩn người ngắm nhìn. Có lẽ hắn không ngờ, cho dù là phồn hoa hay tao nhã, kinh thành đều không so được với Giang Nam.

Ta cải trang thành một vị công tử, lân la tới khắp các tửu lâu, thuyền hát cùng hắn.

Một ngày vào một tháng sau, ta dẫn hắn đi thuê thuyền hoa, định sẽ chèo thuyền trên sông. Nhưng lúc thuê, nghe nói chỉ còn lại một chiếc thuyền trống, hôm qua đã được một vị công tử đặt trước.

Ta có chút không vui, nói: “Trả giá gấp ba cũng không được sao?”:

“Vị công tử này…” ông chủ khó xử.

“Gấp năm”

Thích Văn Lan thấy ta như một đứa ngốc không ngừng tăng giá thì cạn lời bụm mặt lại, hắn lên tiếng: “Nếu không được thì mai lại đến thôi, cũng đâu có gấp. Mà ngươi mang đủ ngân lượng không đó?” hắn nhanh tay cản lại khi ta đang định nâng giá lên mười lần.

Chính vào lúc này, ta gặp Tuyên Giác lần thứ hai.

Chàng mặc bộ đồ trắng như tuyết, tay áo rộng rãi, lưng đeo một cây đàn gỗ, đưa một miếng mộc bài cho quản sự, chuẩn bị lên thuyền. Có lẽ nghe thấy giọng nói quen quen, chàng quay đầu lại nhìn, không dám chắc chắn: “… Văn Lan huynh?”

Thích Văn Lan: “?”

Thích Văn Lan: “Tuyên Ly Ngọc? Sao ngươi lại ở đây? Đợi đã, con thuyền này là ngươi thuê sao?”

Tuyên Giác ngập ngừng: “… là ta”

Thích Văn Lan thở phào nhẹ nhõm, kéo lấy vai ta nói: “Ôi Tạ vung tiền như rác ơi, đừng có ngẩn ra đó nữa. Chính chủ đây rồi, hỏi thẳng hắn xem có thể lên thuyền không là được”

Tuyên Giác lúc này mới chú ý tới kẻ đang giả trang thành đàn ông là ta, chàng hơi sững lại một chút, định hành lễ, nhưng như thể nghĩ ra ta không muốn lộ thân phận, nên chỉ cung kính gật đầu, nói: “Nhĩ Ngọc công tử, nếu hai vị muốn lên thuyền thì cứ lên thôi, Giác vô cùng vinh hạnh”

Vậy là hai bọn ta được lên thuyền miễn phí.

Thích Văn Lan hỏi Tuyên Giác sao lại tới Giang Nam.

Chàng ngồi sau bàn trà nhỏ, vừa gảy đàn vừa nói: “Gia phụ sai ta tới Giang Nam mua một vài cửa tiệm và đất đai”

“À, mở kho bạc nhỏ cho ngươi sao?” Thích Văn Lan gật gù, “để sau cưới thê tử hả?”

Con cháu thế gia khi đến một độ tuổi nhất định, trong nhà sẽ để họ tự mua sắm tài sản cho mình, đây được tính là tài sản cá nhân.

Vành tai Tuyên Giác hơi đỏ lên, còn sắc mặt vẫn bình thường, nói: “Để ta học cách quản lí thôi. Còn phải gửi một thư tới cho Tề thúc nữa”

“Gửi thư cho thứ sử Tô Châu sao?” Thích Văn Lan hiểu ra. Thứ sử Tô Châu qua lại thân thiết với Tuyên gia, hai nhà có mối quan hệ liên hôn cùng nhau.

“Ừ đúng vậy” Tuyên Giác gật đầu.

Ta ngồi một bên nghe hai người họ nói chuyện, nhưng sự chú ý lại đặt lên tiếng đàn bắt tai đang không ngừng vang lên của Tuyên Giác, ta hơi tò mò, sao chàng có thể cùng lúc làm hai chuyện như vậy nhỉ.

Vậy nên ta cất tiếng hỏi: “Ly Ngọc à, sao ngươi có thể vừa nói chuyện cùng Thích Văn Lan, vừa gảy đàn không sai nhịp như vậy?”

Ngón tay Tuyên Giác dừng lại, tiếng đàn cũng theo đó biến mất, chàng thản nhiên cười nói: “Đâu có, đây chẳng phải đã ngắt quãng rồi sao?”

Ta ngồi bắt chéo chân, khuỷu tay chống lên đầu gối, chống cằm nhìn chàng: “Bị ta quấy nhiễu thôi. Được rồi, không làm phiền hai ngươi nói chuyện nữa, ta đi ngủ trước, khi nào mặt trăng lên cao nhớ gọi ta dậy”

Chàng cười phá lên, không nói gì nữa, đổi sang một giai điệu thư thái nhẹ nhàng.

Ta vốn muốn tới ngắm trăng, hôm nay là mười sáu, trăng tròn vành vạnh, nếu không thì ta cũng chẳng nóng lòng muốn thuê thuyền tới vậy.

Sau khi ta đi ngủ, hai người họ cũng không nói tiếp nữa, chỉ còn nghe thấy tiếng đàn thánh thót vang lên, vừa trong trẻo lại êm dịu. Lúc tỉnh lại đã là nửa đêm, trên người ta được đắp một tấm chăn.

Trong thuyền hơi tối, trên bàn thắp một ngọn đèn lưu ly hình cánh hoa sen, rất đẹp.

Tiếng đàn đã biến mất, hai người kia không biết đã đi đâu, ta đang hoang mang thì nhìn thấy Tuyên Giác vén màn trong buồng ra, thấy ta đã tỉnh thì sững lại một chút, rồi cười nói: “Điện hạ tỉnh rồi, ta và Văn Lan đã chèo thuyền tới giữa sông, cũng đã làm ấm rượu, đang chuẩn bị tới gọi người”

Ta uể oải duỗi tay, cùng Tuyên Giác rời khỏi buồng, ra đến ngoài liền nhìn thấy màn đêm bao la, ánh sao lấp lánh, một vầng trăng tròn treo lơ lửng trên cao, trong mắt ngập tràn ánh sáng màu bạc, mặt nước xung quanh rộng vô biên.

Bên ngoài được bày sẵn một chiếc bàn gỗ nhỏ, một bình rượu, một ấm trà, vài đĩa điểm tâm, tao nhã vô cùng.

Ta dựa vào bàn gỗ nhỏ, cong eo xuống, chạm tay lên mặt nước, nói với Thích Văn Lan: “Được đó, đầu óc của huynh thông suốt rồi sao? Mới ở Giang Nam một tháng mà đã biết hưởng thụ rồi?”

Thích Văn Lan đảo mắt: “Là Ly Ngọc góp ý”

Ta vỡ lẽ vỗ lên vai hắn: “À, biết ngay không phải huynh mà”

Thích Văn Lan: “…”

Tuyên Giác đặt chiếc đèn lưu ly kia lên bàn, ba người bọn ta đã nói cười cả đêm trong cảnh nước non hùng vĩ dưới ánh trăng, cho tới khi trời trời sáng, thuyền từ từ cập bến, Tuyên Giác mới chỉnh đốn lại quần áo, nói lời cáo từ với bọn ta: “Hôm nay ta có hẹn tới thăm nhà Tề thúc, buổi trưa phải tới đó. Hai vị có thể tiếp tục chèo thuyền du ngoạn, thứ lỗi cho Giác phải đi trước”

Sau khi Tuyên Giác rời khỏi, ta mới sững sờ hỏi Thích Văn Lan: “Ơ? Hôm nay hắn có việc ư? Vậy sao vẫn ở cùng chúng ta cả đêm nhỉ?”

Thích Văn Lan ngáp một cái: “Hắn là như vậy đó. Cha là trung thừa ngự sử, khi dậy con đương nhiên sẽ yêu cầu cử chỉ lời nói của hắn phải chuẩn mực thôi”.

Ta vừa ngáp vừa càu nhàu: “Ông già Tuyên Đình đó, vừa nghe nhắc đến ông ta là ta thấy buồn ngủ rồi. Tuyên Giác thật đen đủi. Mau trở về khách điếm nghỉ ngơi thôi, lạnh quá đi mất, hôm qua mặc không đủ ấm”.

Có lẽ vì ăn mặc phong phanh cộng thêm việc hóng gió sông cả một đêm, ngày hôm sau ta liền phát sốt. Mưa phùn rả rích, gió thu xào xạc, chứng phong hàn của ta trở nên nghiêm trọng.

Thích Văn Lan lòng như lửa đốt, đã tìm về mấy vị lang trung nhưng vẫn không trị khỏi được cho ta, cuối cùng đành tới tìm Tuyên Giác cùng nghĩ cách. Trong cơn mơ màng, có ai đó bắt mạch cho ta, vạt áo chàng phảng phất mũi gỗ đàn hương, chàng nói: “Gần đây có suối nước nóng, đưa điện hạ tới đó ngâm mình thôi, nhiễm phong hàn cần phải toát mồ hôi mới khỏi, có cung nữ không?”

“… bọn ta cưỡi ngựa tới đây, ai lại mang theo mấy cung nữ yểu điệu đó” Thích Văn Lan lí sự, “ngươi đợi ta đi tìm mấy nô tỳ về”.

Tuyên Giác: “…”

Hai người họ nhìn chằm chằm nhau, có lẽ cảm thấy trong đêm muộn ở một nơi xa như vậy tìm được nô tỳ đáng tin cậy là việc không thực tế, cuối cùng Tuyên Giác nói: “Vài ngày trước nghe được tin, tam hoàng tử điện hạ cũng ở Tô Châu, đợi ta đi xem hắn có mang theo cung nữ không”.

Cuối cùng, tìm được bốn cung nữ ở chỗ tam ca, hầu hạ ta ngâm suối nước nóng.

Sau khi ngâm xong, ta nằm nghỉ trong căn phòng nhỏ cạnh đó, toàn thân đổ mồ hôi.

Ngoài trời mưa vẫn đang rơi rả rích, mưa đêm ở Giang Nam, ánh nến bập bùng.

Hai người kia ngủ gà ngủ gật sau một đêm bận rộn. Nửa đêm ta tỉnh giấc, ngay lập tức nhìn thấy Tuyên Giác đang dựa bên cạnh, ánh lửa phủ lên người chàng một gam màu ấm áp, mờ ảo, đường nét trên mặt như ngọc tạc ra.

Còn Thích Văn Lan lúc này đang ôm kiếm dựa vào thành cửa nghỉ ngơi.

Ta im lặng hồi lâu, rồi lẳng lặng nói với hai người đã bận rộn cả đêm vì mình này: “Đa tạ”

Mưa phùn vẫn rơi liên miên, ánh đèn bập bùng. Trong cơn mưa đêm, ta lại chìm vào giấc ngủ, một đêm ngon giấc.

___________