Ly Nhân Tâm Thượng Ngọc - Điêu Huyền Mộ Ngẫu

Chương 4



13

Xuân Oanh Đề Hiểu là tửu lâu lớn nhất kinh thành. Các cô nương ở đó đều có giọng hát rất uyển chuyển, không kém miền sông nước Giang Nam chút nào.

Ta vô cùng thích nơi này, trước đây thường tới ăn uống thưởng rượu, ngắm nhìn những cô nương xinh đẹp.

Sau khi trở về kinh thành được vài ngày, Thích Văn Lan ủ rũ tới tìm ta. Ta hỏi hắn làm sao, hắn tức tối nói: “Mẹ kiếp đều tại ngươi! Ta bị cha đánh một trận, ông ấy nói có việc nhỏ như vậy cũng không làm được, để Nhĩ Ngọc điện hạ đổ bệnh!”

Ta “à” lên một tiếng, xấu xa nói: “Huynh thảm thật đó. Cha ta thì ban cho rất nhiều vải vóc, để ta may quần áo dày mặc, phòng ngừa đến thu đông lại cảm lạnh”.

Thích Văn Lan: “…”

Huynh ấy suýt chút nữa thì đánh nhau với ta.

Để đề phòng Thích Văn Lan làm thật, ta đưa huynh ấy tới Xuân Oanh Đề Hiểu, sau đó vỗ lên vai huynh ấy, cảm thông nói: “Bồi thường cho huynh đó. Thấy sao? không kém Giang Nam đúng không?”

“Ai chà, ở đây, còn thanh nhã hơn pháo hoa Giang Nam nhiều nhỉ?”. Có cô nương mỉm cười ôm đàn tì bà trong lòng, gảy một khúc ca thánh thót.

Thích Văn Lan và ta ngồi dựa vào lan can, hắn tuy là thiếu gia sinh ra và lớn lên ở kinh thành, nhưng lại trải qua cuộc sống rất khổ cực, không ngừng gật đầu nói: “Ừ ừ ừ, đúng đúng đúng”. Nhìn hắn giống đứa con trai ngốc nghếch nhà địa chủ biết bao.

Hắn thấy ta không để ý đến mình mà thất thần nhìn xuống con đường Chu Tước bên dưới, liền hỏi: “Sao vậy?”

Đầu ngón tay ta gõ lên lan can theo giai điệu bài hát.

Ta nhìn thấy Tuyên Giác.

Hôm nay chàng không mặc áo trắng, mà mặc một bộ đồ màu xanh của sĩ tử, sợi dây màu đen buộc tóc bay phất phơ trong gió, dáng người thẳng tắp, trong ngực ôm ba bốn cuộn tranh, không biết đang định đi đâu. Nhưng bước chân thong dong nhàn nhã, có vẻ như tâm tình đang vui vẻ.

Thấy ta không nói gì, Thích Văn Lan cũng nhìn theo ánh mắt ta, nói: “Ly Ngọc ấy à. Hắn về kinh trước chúng ta, những ngày này đang tất bật chuẩn bị cho kì thi vào mùa xuân năm tới. Trong tay hắn đang cầm gì kia, sách à?”

Ta trả lời: “Tranh”.

“Hả?” Thích Văn Lan hào hứng, “mau mau gọi hắn lên đây. Tên tiểu tử này vẽ rất đẹp, nếu nhờ được hắn vẽ cho thì đừng khách khí.”

Ta: “…”

Ta bỗng lên tiếng: “Văn Lan huynh này, huynh nói xem, nếu ta để Tuyên Giác làm phò mã của ta, chàng ấy liệu có đồng ý không nhỉ?”

“?” Thích Văn Lan bối rối nói, “hả?”

“Ta theo đuổi chàng, liệu có được không?” ta lắc lư đầu, “ôi mặc kệ vậy!”

Nói rồi, ta bẻ cây mẫu đơn quý giá trong lầu các, sau đó xém xuống bên dưới.

Bông mẫu đơn với những cánh hoa trắng như tuyết không nghiêng lệch, rơi trúng lên những cuộn tranh trong ngực Tuyên Giác.

Chàng ngạc nhiên ngước mắt lên nhìn.

Ta nở một nụ cười sáng lạn, một tay chống cằm, một tay vẫy vẫy, cất tiếng: “Muốn lên ngồi chút không?”

Chàng sững người lại, vân vê bông mẫu đơn, rồi gật đầu đồng ý, sải bước về hướng bọn ta.

Thích Văn Lan ở bên kia kinh ngạc, lắp bắp nói: “… ngươi, ngươi làm thật…?”

Ta thản nhiên: “Ừ”.

Thấy Tuyên Giác lên lầu, Thích Văn Lan hít vài hơi thật sâu mới bình tĩnh trở lại, sau đó quả quyết nói: “Tuyên Giác tính tình quân tử, không hợp với gia đình hoàng gia như ngươi. Hơn nữa, hắn không thích kiểu như ngươi đâu, thật đó. Ta lấy tình bạn mười năm với hắn ra đảm bảo”.

“…” ta lo âu, “vậy huynh nói xem ai hợp đây?”

Thích Văn Lan vỗ ngực: “Ta”.

Ta: “…”

Ta: “Huynh biến đi, huynh đúng là kẻ chuyên cản đường người khác”.

Thích Văn Lan giữ chặt lấy ta, nói: “Ngươi đừng chêu chọc hắn, thật đó. Nhĩ Ngọc, có phải ngươi nhất thời hứng thú, muốn chơi đùa không?”

“Không” ta chưa từng nghĩ như vậy, cau mày, “huynh thấy ta từng chêu đùa ai sao?”

Thích Văn Lan bị câu hỏi của ta làm cho sững người, một lúc sau mới lẩm nhẩm: “Ôi mẹ ơi…”.

Tới khi Tuyên Giác tới nơi, Thích Văn Lan đã ổn định cảm xúc, khoác vai chàng vô cùng thân thiết: “Uống rượu không, rượu ở đây khó kiếm lắm đó”.

Tuyên Giác nở nụ cười bất đắc dĩ: “Không uống” nói rồi để các cuộn tranh gọn một chỗ trên bàn.

Nhưng Thích Văn Lan cứ mời mãi, Tuyên Giác đành uống vài ly, rồi như thể tình cờ nói: “Điện hạ và Văn Lan thường tới đây sao?”

“À không” ta chống cằm, “thấy tên này bị cha đánh thảm quá nên khao hắn một bữa thôi”.

Thích Văn Lan: “…”

Hắn giơ tay đầu hàng, sợ ta sẽ lại bóc mẽ mình tiếp, đánh trống lảng sang chuyện khác: “Ly Ngọc, mau tới đây, không phải ngươi vẽ đẹp lắm sao, nể mặt vẽ tặng ta một bức đi”.

Tuyên Giác: “Được” quan hệ của chàng và Thích Văn Lan hiển nhiên rất thân thiết, trải một cuộn tranh mới ra, hỏi hắn muốn vẽ gì.

Thích Văn Lan: “Tùy ngươi”.

Có lẽ cảm thấy Thích Văn Lan không đáng tin cậy, ánh mắt của chàng chuyển sang ta.

“Vẽ hoa đi” nãy giờ ta vẫn luôn lặng lẽ ngắm nhìn sườn mặt Tuyên Giác, buột miệng thốt ra. Sau đó tự cảm thấy lời của mình cũng không uy tín.

Ánh mắt của cả ba không hẹn mà cùng nhìn vào cây mẫu đơn đã bị ta phá hoại kia.

Cả ba: “…”

Ta ho một cái: “Nếu không thì vẽ đại cái gì cũng được”.

Tuyên Giác cười thành tiếng, dịu dàng nói: “Vậy thôi vẽ hoa mẫu đơn đi”.

Tuyên Giác hạ bút như rồng bay phượng múa, tỉ mỉ vẽ từng nét, bông hoa tinh tế cùng những chiếc lá xanh mướt trên trang giấy trắng sống động như thật.

Thích Văn Lan sốt ruột chờ đợi, nghe các cô nương đàn hát đến mức sắp ngủ gật tới nơi, vậy nên hắn tới xem những cuộn tranh đã được Tuyên Giác vẽ kia.

“…đừng động vào” Tuyên Giác không kịp cản, Thích Văn Lan gạt một cái, cuộn tranh liền lăn xuống mở ra.

Từ góc độ của ta chỉ nhìn thấy một màu nâu đỏ, không rõ trên tranh vẽ gì, liền hỏi: “Vẽ gì vậy?”

Sắc mặt Thích Văn Lan hiện lên biểu cảm kinh ngạc cùng nghi ngờ, hết nhìn Tuyên Giác lại nhìn ta, môi hé ra rồi lại khép vào, nuốt lời muốn nói vào trong, một lát sau mới cất tiếng: “Không có gì”.

Tuyên Giác cũng không trả lời câu hỏi của ta, chỉ nói: “Cảm phiền Văn Lan huynh cuộn tranh lại giúp ta”.

Thích Văn Lan mặt mày ủ rũ, cúi người xuống, cuộn bức tranh lại, tới khi vẽ xong bức tranh mẫu đơn kia, Tuyên Giác không nói thêm câu gì đã vội cáo từ rời khỏi.

Ta vô cùng thắc mắc, hỏi: “Bức tranh đó rốt cuộc vẽ gì mà chàng ấy căng thẳng tới vậy?”

Thích Văn Lan liếc ta một cái, lạnh nhạt nói: “Một con chó”.

Ta: “…”

Ta đương nhiên biết bức tranh mà Tuyên Giác ôm như báu vật đó không thể vẽ một con chó được.

Nhưng Tuyên Giác không muốn người khác xem, ta cũng không thể cứ gặng hỏi mãi. Chỉ đành nhận lấy bức tranh mẫu đơn kia, sau đó phất tay, tỏ ý Thích Văn Lan muốn đi đâu thì đi đi.

Ngày đó, bầu trời quang đãng, gió thổi mát dịu, mây bay chập chờn, mọi thứ đều rất đáng yêu.

Còn mây đen thì ở tít đằng xa.

14

Vạn gia nhanh chóng rơi đài, chuyện rất rầm rộ, chẳng mấy chốc sụp đổ chỉ còn lại đống tro tàn.

Miệng lưỡi văn nhân là con dao giết người không thấy máu, Vạn các lão có thể dùng thì ta đương nhiên cũng dùng được.

Chỉ cần có cái miệng mềm dẻo là có thể đổi trắng thay đen. Huống hồ, trong trận đấu này, Vạn Khai Tuấn đâu có giành được ưu thế.

Một đứa con, danh tiết của nữ tử cùng thân phận công chúa vong quốc, dân chúng sẽ thương hại ai, căm hận ai đây?

Thậm chí còn có người kháng nghị, nói Tuyên Giác không xứng với ngai vị hoàng đế này.

Trò hề này kéo dài suốt những tháng cuối năm.

Nhưng Tuyên Giác chẳng hề lo lắng, chàng xử lí mọi chuyện đâu vào đấy, ban hành chính sách, tuyển chọn quan lại, việc nào cũng làm vô cùng tốt. Lâu dần, phong ba trong triều cũng qua đi.

Khi sắp tới tháng chạp, Trần Mặc có tới gây chuyện với ta một lần, nàng ta nghiến răng nghiến lợi nói: “Ngươi đã cho bệ hạ uống mê dược gì mà chàng…”

Nàng ta khó khăn mở miệng: “Chàng không nghỉ lại cung của ta một đêm nào!”

Ta ngồi trên giường, khoan thai mở mắt, sau đó mới nói: “Lan Linh, mang gương ra đây, để Trần tiểu thư soi”.

Trần Mặc sững sờ, đập chiếc gương đồng Lan Linh đem tới xuống đất, giận dữ nói: “Ngươi muốn làm gì?”

Ta nhắm mắt lại nói: “Để ngươi tự soi bản mặt xấu xí của mình”.

“Ngươi…” Trần Mặc tức giận hét lên.

Ta chỉ nói: “Trong bữa tiệc đón năm mới ngày trước, Trần tiểu thư gảy một khúc phượng cầu hoàng hay biết bao nhiêu. Phụ hoàng chỉ vào ngươi rồi giáo huấn ta “nhìn người ta kia kìa”. Không có được thì nên từ bỏ. Ngươi cái gì cũng tốt, vì một người mà vứt hết mặt mũi. Đâu có đáng?”

Trần Mặc run lên, rồi nói: “Ngươi thì biết gì, ngươi… thì biết gì?”

“Tự thu xếp ổn thỏa cho mình đi” ta không mở mắt, hưởng thụ ánh nắng đang chiếu trên mặt mình, “Lan Linh, tiễn khách”.

Trần Mặc ngây ngẩn rời khỏi. Về sau sống ẩn dật trong điện, không tới tìm ta gây chuyện nữa.

Ngày tết đã cận kề.

Ta vừa lo Thích Văn Lan hồi kinh, vừa lo hắn sẽ không về, khi nghe được tin Trấn quan đại tướng quân ít hôm nữa sẽ trở lại, lòng ta vẫn như lửa đốt. Nhất là khi hắn đã vào cung báo cáo, ta chỉ cầu nguyện tên ngốc đó chuẩn bị trước đường lui cho mình.

Nếu không, nhỡ Tuyên Giác nhốt hắn lại, quy chụp tội danh tạo phản cho mười vạn quân sĩ Tây Bắc thì không ai cứu nổi hắn.

Ta lo lắng không yên, quyết định đẩy cửa ra ngoài, muốn tới điện Thái Cực xem xét tình hình.

Lan Linh cản ta lại, sỡ hãi quỳ xuống đất: “Xin nương nương dừng bước! Bệ hạ nói, những ngày này nương nương phải ở trong cung, không được ra ngoài”. Nàng ta liên tục dập đầu xuống đất, “xin nương nương thương xót nô tỳ! Nếu không bệ hạ trách tội xuống…”

“Lan Linh, ngươi lấy mạng mình ra uy hiếp ta?” ta bật cười, “ngươi đâu phải thân tín của ta, lấy đâu ra tự tin đến vậy?”

Nàng ta là nô tỳ Tuyên Giác chọn cho ta.

Nàng ta nhìn ta bằng mắt thê lương, ta vung tay áo trở vào điện: “Thôi, tất cả các ngươi đừng ai tới quấy rầy ta”.

Không ai dám tới chuốc lấy xui xẻo.

Ta cởi bỏ quần áo rườm rà trên người, đổi sang một bộ đồ gọn gàng, đơn giản, mở cửa sổ nhảy xuống đất, sau đó trèo qua tường, tới điện Thái Cực. Ta lớn lên trong cung nên vô cùng quen thuộc với nơi này.

Tránh khỏi tầm mắt thị vệ, thấp thoáng nghe thấy tiếng cãi cọ trong điện Thái Cực truyền ra, Thích Văn Lan giận dữ gào lên: “Tuyên Ly Ngọc, ngươi điên rồi! Ngươi đã làm những chuyện tuyệt tình như vậy, ngươi bảo Nhĩ Ngọc phải làm sao? Hả?”

Khi đầu óc đang rối loạn, nghe thấy tiếng Thích Văn Lan ném vật gì đó vào Tuyên Giác, âm thanh sợ hãi của các cung nhân vang lên.

Tuyên Giác hít sâu một hơi, rồi lạnh lùng nói: “Vậy ngươi nói ta phải làm sao? Đã bao đêm ta choàng tỉnh giấc, chỉ cần nhắm mắt liền nhìn thấy thảm kịch ngày đó. Ngươi nói ta nghe, ta nên làm thế nào?”

Thích Văn Lan không nói được gì, rất lâu sau mới lên tiếng: “Buông tha bản thân… để ta mang Nhĩ Ngọc đi đi”.

Tuyên Giác lạnh lùng cất tiếng: “Thích Văn Lan, ngươi thật sự cho rằng ta không dám giết ngươi ư?”

“Vậy thì giết đi!” Thích Văn Lan tức giận đến mức bật cười, trào phúng nói, “ngươi sớm đã có ý này đúng không? Ngươi đố kị với ta”.

“Đúng” Tuyên Giác chậm rãi nói, “nhất là khoảng thời gian đó, ngươi luôn nhắc tới những chuyện khi nàng ấy còn nhỏ, ta đố kị muốn điên lên”.

Các cung nhân không một ai dám mở miệng khuyên nhủ, cũng không dám phát ra bất cứ âm thanh nào, sau khi nghe được những bí mật này, tất cả đều run lên bần bật, không biết mình có giữ nổi mạng hay không.

Hai người họ thở hổn hển như những con thú sắp sửa lao vào cắn xé nhau.

Hồi lâu sau, Tuyên Giác mới nói: “Cút về bắc cương đi. Ngươi cho rằng ngươi để lại phó tướng chờ lệnh, lấy biên quan ra uy hiếp là ta sẽ không dám động tới ngươi? Bốn mươi vạn đại quân Điền Dương đang ở sa mạc Tân Cương, cách bắc cương chỉ hai ngày đường, muốn thử không?”

Thích Văn Lan đoán chừng đã đạp vào bàn một cái, tiếng giá bút rơi vỡ vang lên, hắn đi về phía cửa, để lại một câu: “Tuyên Giác, mẹ kiếp đừng có quên năm đó vì sao ông đây phải tới canh giữ biên cương!!!”

Ta đứng rất lâu dưới cây hòe già bên ngoài điện Thái Cực. Thời gian vài chục năm như bóng cây đang lắc lư, đong đưa qua lại, chia cắt thành những mảnh vụn lốm đốm. Không thể nào bắt lấy.

Đúng vậy…

Năm đó vì sao Thích Văn Lan phải tới canh giữ biên cương?

Bởi vì hắn cướp ngục. Phụ hoàng vô cùng giận dữ.

Thích lão tướng quân sửng sốt, đánh hắn hơn một trăm roi, rồi tống tới biên cương chuộc lỗi. Ông ấy còn nói, biên cương một ngày chưa ổn định, khuyển tử sẽ không trở về, xin bệ hạ tha tội.

Mà Thích Văn Lan vì sao lại cướp ngục?

Là vì Tuyên Giác.

Còn Tuyên Giác…

15

Còn Tuyên Giác phải vào ngục, là vì hoàng huynh ta.

Tin tức Tuyên gia bị tra xét bất ngờ ập tới.

Đó là một đêm đầu đông, ta đang chuẩn bị áo váy cho hội Thanh Đàm ngày mai, không biết nên mặc gì để khiến Tuyên Giác lóa mắt. Ta cũng nghĩ tới cả việc, trước nay mình chưa từng tham gia hội Thanh Đàm, không biết có nên chuẩn bị sẵn vài bài thơ để ứng phó không.

Đúng vào lúc này thì ta nhận được tin tức, trước đó ta cho thuộc hạ để mắt tới Tuyên gia.

Ta sững sờ, bàn tay đang chọn trâm cũng theo đó dừng lại, việc đầu tiên ta làm là đi tìm hoàng huynh. Huynh ấy đã lên triều chấp chính, hiểu rõ những chuyện này hơn ta.

Ta đá tung cửa, cất tiếng hỏi: “Hoàng huynh, Tuyên gia bị làm sao vậy?”

Huynh ấy đang mật đàm cùng vài mưu sĩ, bọn họ thi nhau hành lễ, hoàng huynh kêu họ lui xuống, rồi cau mày với ta: “Hành xử lỗ mãng, ban đêm trời lạnh, sao lại ăn mặc mỏng manh như vậy chạy loạn khắp nơi vậy? Tiểu Thanh, lấy áo khoác cho Trùng Trùng mặc”.

Tiểu Thanh là một cung nữ làm việc lề mề.

Ta sốt rột tự mình bước tới lấy áo khoác của hoàng huynh đang treo trên giá gỗ, phủ lên người, rồi vỗ tay lên bàn nói: “Rốt cuộc là chuyện gì? Tuyên gia bị phụ hoành xử lí là vì ông già lắm miệng đó sao?”

“…” hoành huynh híp mắt nhìn ta bằng ánh mắt ngờ vực, “sao muội lại quan tâm tới Tuyên gia tới vậy? Tuyên Đình và thứ sử Tô Châu cùng vài kẻ khác có mưu đồ bất chính, đang bị điều tra”.

Ta vô cùng kinh hãi, tay áo quét qua tách trà trên bàn khiến nó rơi xuống đất, tiếng sứ vỡ vang lên, ta lầm nhẩm: “… vậy Tuyên Giác phải làm sao đây?”

“Hả? Muội nói ai?” hoàng huynh không nghe rõ, tiến gần lại nghe, sau đó lông mày cau lại, “tên tiểu tử nhà Tuyên gia sao? Muội thân thiết với hắn lắm hả?”

“Muội…” ta ngồi phịch xuống ghế, tay bụm mặt nói, “muội thích hắn hoàng huynh à… vậy nên, huynh phải nói rõ đầu đuôi cho muội, chuyện này, huynh có nhúng tay vào không?”

Hoàng huyng đương nhiên có nhúng tay vào.

Không chỉ vậy, huynh ấy còn là người lên kế hoạch. Ngay cả bức thư mà ngày đó Tuyên Giác một mình tới Giang Nam, thay cha gửi cho thứ sử Tô Châu cũng là do huynh ấy chuẩn bị sẵn nội dung, sai người mô phỏng theo nét bút rồi đánh tráo.

“Hoàng huynh, coi như muội cầu xin huynh, xin huynh hãy tới nói rõ với phụ hoàng. Người yêu thương chúng ta như vậy, sẽ không trách tội đâu, được không huynh?” ta kéo tay áo hoàng huynh.

Hoành huynh lúng túng nói: “Vô ích thôi. Chuyện này, phụ hoàng cũng biết, người đã ngầm đồng ý. Người sớm đã muốn diệt trừ Hoàng gia rồi”.

Hoàng thị là nhà mẹ đẻ của mẫu phi tam hoàng tử, thế lực to lớn, trước nay luôn ỷ vào công lao cùng hoàng đế tạo dựng thiên hạ, không đặt phụ hoàng vào mắt.

Hơn nữa, cái chết năm đó của mẫu hậu cũng có liên quan tới bọn chúng.

“Vậy huynh bảo muội phải làm sao…” ta bàng hoàng nói.

Thấy sắc mặt ta không bình thường, hoàng huynh cũng luống cuống: “Trùng Trùng, muội đừng khóc. Chúng ta cùng nghĩ cách… ta, ta không biết muội thích tên tiểu tử đó! Nếu không ta cũng không đi tới bước đường này! Ta… muội đợi ta nghĩ cách”.

Huynh ấy đi qua đi lại, rồi bực bội quay đầu: “Nhưng mà Trùng Trùng, muội thích hắn ở điểm nào? Gương mặt đó sao? Vậy thì giữ mạng hắn lại thôi!”

Ta sững người.

“Chỉ là giữ lại một phế vật, hoàng gia có thể giữ lại…”

Ta ngắt lời huynh ấy: “Muội thích sự thông minh, dịu dàng, lương thiện của chàng. Hoàng huynh à, không được đâu. Hơn nữa, với tính cách phụ hoàng, chắc chắn sẽ không giữ lại… mầm mống tai họa này”.

Phụ hoàng là một người ra tay tàn nhẫn.

Tam ti hội thẩm không tới nửa tháng, liền định tội cho “quân tạo phản” do Hoàng gia đứng đầu, trong đó bao gồm cả Tuyên gia, chém đầu toàn tộc.

Ta tới nói sẽ cứu chàng, chàng lập tức từ chối, cuối cùng không gặp mặt ta nữa.

Thích Văn Lan cũng lo lắng như ta. Cho dù thời gian gần đây, hắn và Tuyên Giác dường như có chuyện gì đó, không còn hay nhắc tới nhau nữa, nếu có thì trong lời nói cũng mang theo chút châm biếm.

Tới sát ngày hành hình, hắn không đợi nổi nữa, cầm lấy kiếm rồi dắt ngựa, nói: “Ta đi xem thế nào, nếu giờ này ngày mai vẫn không có cách, bọn họ sẽ rơi đầu”.

Thích Văn Lan vô cùng bốc đồng, hắn cứ thế cướp ngục, cứu Tuyên Giác ra ngoài. Sau đó gào lên với chàng: “Đến gặp thánh thượng đi! Có quá nhiều sơ hở trong chuyện này, đến kẻ ngu dốt như ta còn nhìn ra được, ngươi mau đi nói rõ với bệ hạ!!!”

Nhưng tất cả đều vô ích.

Ly Ngọc của ta, chàng là người kiêu ngạo biết bao.

Đêm đó tuyết rơi lớn, chàng quỳ ở quân cơ xứ, đầu cúi chạm đất, gió rét gào rít qua, phụ hoàng và quần thần sau khi nghe chàng thuật lại chi tiết mọi chuyện, hết lần này tới lần khác, từng câu từng chữ, rốt cuộc vẫn không thay đổi tội trạng của Tuyên gia.

Ban đầu chàng kỳ vọng có thể cứu Tuyên gia, về sau chỉ còn mong mỏi cứu được cha mẹ, cuối cùng trong lòng nguội lạnh.

Ta cũng quỳ bên ngoài quân cơ xứ.

Tưởng công công vội vã kéo ta lên, hoảng hốt nói: “Ôi điện hạ, người làm gì vậy! Đây không phải là muốn nô tài rơi đầu sao? Người giúp nô tài một việc, mau trở lại cung đi! Đừng nhúng tay vào chuyện này nữa”. Hắn nói nhỏ: “Mấy ngày nay, hoàng thượng đã đau đầu vì chuyện của hai nhà Tuyên Tề lắm rồi!”

Ta nói với hắn: “Đi che dù cho Tuyên Giác! Ngây ra đó làm gì, đi mau…! Nếu còn quản bản cung nữa, ta đánh gãy chân ngươi!”

Tưởng công công “ôi” lên một tiếng, dậm chân, cuối cùng vẫn tới che dù cho Tuyên Giác.

Đèn bị dập tắt, quần thần lui đi, phụ hoàng lạnh lùng ngồi ở trên cao, nhìn xuống nói: “Đừng nghĩ nữa, Tuyên Giác, trẫm cho ngươi biết, Tuyên gia không thể giữ lại. Nếu không phải Trùng Trùng nhìn trúng ngươi, thì hôm nay ngươi cũng rơi đầu rồi. Giữ lại mạng cho ngươi để Trùng Trùng không buồn, không ngày sau nó lại hận trẫm”.

Ta đã cố hết sức.

Nhưng cũng chỉ có thể khiến phụ hoàng giữ lại mạng cho Tuyên Giác.

Lảo đảo bước ra khỏi quân cơ xứ, lập tức có một đám cung nhân tới đỡ ta, còn Tuyên Giác, chàng cô độc bước đi một mình ra ngoài.

Ta gạt đám thân tín ra, đuổi theo Tuyên Giác, nói: “Ly Ngọc! Chàng đợi ta! Ly Ngọc!”

Chàng lúc này mới hồi thần, sắc mặt trắng bệch, trên lông mi còn dính băng tuyết, nói: “… đa tạ điện hạ”.

Ta định đuổi theo, nhưng bị phụ hoàng gọi lại, sắc mặt người không tốt, nhưng vẫn cố dịu giọng: “Trùng Trùng, Tuyên Ngọc không phải người dễ dàng nắm trong tay. Ta nhắc nhở con, đừng nuôi ong tay áo”.