"Không sao" Lạt ma Á La nói,: "Chuyện của Cường Ba thiếu gia chúng ta lúc này chưa tìm ra được manh mối gì đâu. Mặc dù khả năng bên phía kẻ địch đồng thời xuất hiện cả ba chức nghiệp bí truyền là rất nhỏ, nhưng chúng ta không thể đảm bảo rằng Đạo quân Ánh sáng đã tuyệt tích hay chưa được."
Trương Lập kinh hãi thốt lên: "Ối chà, sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ, nếu chúng ta tiếp tục tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu, vậy chẳng phải sớm muộn gì cũng phải đối mặt với Đạo quân Ánh sáng hay sao? Chẳng may không hợp một lời, vậy chẳng phải là chết rồi không thể chết lại lần nữa à?"
Lạt ma Á La nói: "Cũng không cần phải lo lắng dến vậy, chúng ta tập luyện đâu phải uổng phí, cho dù về mặt thân thủ có chỗ thiếu sót thì cũng có thể dùng ưu thế trang bị mà bù đắp vào. Hơn nữa sao cậu có thể đoán định được chúng ta và họ một lời không hợp chứ? Đạo quân ánh sáng có tồn tại hay không, đến nay vẫn còn là một câu đố chưa có lời giải, người Qua Ba ấy chẳng phải đã nói, tất cả mọi người đều chết sạch rồi hay sao? Tóm lại, không cần phải quá căng thăng, nhưng nắm thêm nhiều thông tin thì cũng không có hại gì cho mọi người hết. Tam đại mật truyền sư của Tây Tạng lần lượt là: thao thú sư, phòng bao sư (mưa đá) và thức tàng sư (1). Thực ra, Tây Tạng cổ đại còn có rất nhiều nghề nghiệp thần bí khác nữa, chẳng hạn như ảo thuật sư, thiên táng sư (2), cổ sư, khôi lỗi (3) sư…nhưng sở dĩ chỉ có ba chức nghiệp này được gọi là Mật truyền sư,là vì ở thời cổ đại, chúng là những nghề bí mật không truyền cho người ngoài, hơn nữa cũng không thể học trộm được.
Chú giải:
1. Thao thú điều khiển thú vật; phòng bao: đề phòng mưa đá; thức tàng: nhận biết các kho tàng.
2. Sâu độc;
3. Con rối.
Hai chức nghiệp đầu tiên, thao thú sư và phòng bao sư đều được sinh ra trong Đạo quân ánh sáng, thao thú sư thì tôi không cần nói nữa, phòng bao sư hay còn gọi là thiên khí chú sư, nghề nghiệp này ra đời là bởi khi hành quân đánh trận thường xuyên phải đi qua những núi tuyết lớn không dấu chân người, tạm gác chuyện đường sá gian khó hiểm trở không nói, riêng thời tiết đã có những biến đổi rất lớn, nếu không thể giúp quân đội có phản ứng trước khi thời tiết thay đổi, tổn thất sẽ vô cùng to lớn. Ngoài ra, còn cả những thương nhân từ xa đến, khách quý ở các nước lân bang, muốn ra vào cao nguyên đều phải vượt qua những con đường nhỏ hiểm trở ven núi rìa vực, lại còn cả thời tiết thay đổi thất thường nữa, nếu họ thường xuyên gặp phải chuyện bất trắc giữa đường, thì thông thương qua lại giữa cao nguyên và thế giới bên ngoài sẽ gặp phải trở ngại rất lớn. Vì vậy, Tạng vương đã hạ lệnh chọn ra trong Đạo quân Ánh sáng một số binh sĩ giỏi quan sát, lại có trí nhớ tốt chuyên nghiên cứu các yếu tố khác nhau dẫn đến thời tiết thay đổi như tầng mây, hướng gió, độ ẩm không khí, từ đó mới sinh ra chức nghiệp phòng bao sư này. Thời kỳ đầu, vai trò của phòng bao sư giống như là nhân viên dự báo khí tượng ngày nay vậy, chỉ có điều là hiện nay người ta dùng ảnh mây vệ tinh để phân tích mà đưa ra dự đoán về tình hình thời tiết của hai mươi bốn giờ sau đó, còn các phòng bao sư khi ấy chỉ quan sát tầng mây và tinh tượng mà đưa ra được kết luận tương đồng. Đến thời kỳ sau đó, khi Đạo quân Ánh sang đã phát triển hoàn thiện, phòng bao sư lại có thêm một chức năng mới, đó là trực tiếp tham gia vào chiến tranh, tạo ra gió lớn, mưa to, mưa đá ở những nơi kẻ địch cho rằng không thể xuất hiện gió lớn, mưa to, mưa đá, giáng cho quân địch những đòn nặng nề."
Nhạc Dương không nén được thốt lên: "Chuyện…chuyện này hơi khoa trương thì phải, chẳng lẽ đại sư lại kể chuyện dân gian…"
Lạt ma Á La lắc đầu: "Không, không khoa trương chút nào cả, mặc dù phòng bao sư ra đời cách chúng ta từ rất lâu rồi, nhưng nghề nghiệp này vẫn tồn tại kéo dài cho đến mãi trước giải phóng. Hồi nhỏ tôi đã từng tận mắt trông thấy một vị phòng bao sư xua mây đi, ngăn không cho mưa đá rơi xuống. Tôi biết là nghe ra có vẻ rất khó tin, cũng rất không khoa học, nhưng đây là một sự thực. Chuyện này có liên quan đến tư tưởng triết học của người Châu Á chúng ta. Tổ tiên chúng ta chỉ coi trọng kết quả, còn những người phương Tây lại chú trọng đến nguyên nhân. Trong suy nghĩ của bọn họ, nếu không thể làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả này thì hẳn là phi khoa học. Như Trung Y chẳng hạn, cho đến ngày nay vẫn có nhiều người phương Tây không thừa nhận đó là y học có tính khoa học, vì có rất nhiều phương pháp và mẹo trị bệnh không thể giải thích bằng khoa học được, nhưng cũng không thể vì không giải thích được nguyên nhân, mà phủ định đi hiệu quả trị liệu của Trung y được phải không. Phòng bao sư cũng vậy, Trung quốc cổ đại có một môn gọi là phong thủy học, cũng không thể từ bình diện khoa học mà giải thích rõ nguyên nhân, vả chuyện nọ có tác dụng thực sự hay không…thì cũng rất khó nói, nhưng tôi cho rằng cách làm của phòng bao sư tuy khác nhưng cũng có cùng hiệu quả với phong thủy sư. Tôi còn nhớ hồi nhỏ đã từng thấy vị phòng bao sư ấy làm phép. Ông ta cắm cờ ở cửa khe núi, đặt vài cái xe trâu xe ngựa ở giữa đường, hoặc di động một vài tảng đá lớn hay cây cối gì trên đỉnh núi, tất nhiên là cũng không thể thiếu được một số nghi thức và điều múa cầu khấn của tôn giáo, chỉ chốc lát sau đó, tầng mây tụ mù mịt đã tan biến mất. Phương Tây có một lý luận thế này, tôi nghĩ chắc mọi người đều nghe nói quá rồi, một con bươm bướm đập cánh trên Thái Bình Dương, đến châu Mỹ có khả năng diễn biến thành một cơn lốc lớn, đây gọi là hiệu ứng bươm bướm, dùng để giải thíc tính bất định và không thể dự báo của một số sự việc. Điều tôi muốn nói ở đây là, nếu nhất định phải giải thích một cách khoa học các hành vi của phòng bao sư, thì có lẽ là do cổ nhân đã nắm bắt được quy luật nào đó từ lúc bươm bướm đập cánh đến lúc diễn biến thành cơn gió lốc cũng không chừng!"
Bọn Trác Mộc Cường Ba nghe mà thẫn thờ hết cả ra. Lạt ma Á La lại tiếp tục giải thích: "Phương pháp mà các phòng bao sư sử dụng rất khác so với phương pháp nghiên cứu khoa học ngày nay, có lẽ là dựa vào một sự kiện hết sức ngẫu nhiên ban đầu. Chẳng hạn như đầu tiên người xưa nhìn thấy mây đen che kín bầu trời, tiếp sau đó là mưa đổ xuống, rồi lần thứ hai nhìn thấy mây đên che kín bầu trời, mưa lại đổ xuống, trong ký ức của họ sẽ dần hình thành một mối liên hệ, tức là mỗi khi mây đẹ che kín bầu trời, thì sẽ có mưa. Số lần mưa càng nhiều, mối liên hệ này không ngừng được củng cố, tự nhiên sẽ hình thành một quy luật, vậy là từ đó trở đi, người xưa đã biết, mỗi khi mây đen che kín bầu trời, chẳng bao lâu sau trời sẽ đổ mưa. Đây chính là tư duy triết học thuần phác nhất, nguyên thủy nhất, không cần biết tại sao, chỉ cần thấy kết quả như vậy là đủ rồi. Phòng bao sư cũng thế, hành vi của họ nảy sinh một cách ngẫu nhiên, trải qua vô số lần thử nghiệm, cuối cùng đã đạt được hiệu quả lý tưởng mà học mong muốn, đồng thời thời gian cũng xác định được nên sử dụng phương pháp nào là hợp lý, họ liền ghi lại phương pháp đó cho người đi sau tham khảo, thời gian trôi đi, các phương pháp được tích lũy mỗi lúc một nhiều, mỗi lúc một cụ thể tường tận hơn, Thế nhưng, nếu nhất định phải căn vặn, rốt cuộc là nguyên nhân gì dẫn đến mây đen tan đi hoặc mưa lớn đổ xuống thì họ không biết, cũng không cho người ta một suy đoán nào. Đó, mọi người đã biết phòng bao sư là gì rồi, nhưng có lẽ sẽ cảm thấy thức tàng sư còn huyền hoặc khó tin hơn nữa đấy."
Giọng lạt ma Á La khàn đi, ông nhấp một ngụm nước cho thấm giọng,rồi nói tiếp: "Thức tàng sư, có thể nói là chức nghiệp có lịch sử lâu nhất, truyền thừa thần bí nhất. Trong tam đại mật truyền sư của Tây Tạng, thao thú sư đã tuyệt tích ở đất Tạng này, phòng bao sư thì có lẽ đã biến mất trên thế giới này rồi, nhưng thức tàng sư, có thể vẫn đang còn có truyền thừa tiếp nối. Bởi vì không một người nào biết ai là thức tàng sư cả, ai cũng có khả năng trở thành thức tàng sư, họ thường đột nhiên đốn ngộ trong một khoảnh khắc nào đó. Khụ khụ…" Giọng lạt ma Á La lại khản đặc. Nhìn vẻ mặt hoang mang của mọi người, giáo sư Phương Tân tiếp lời: "Tôi cũng biết một chút về thức tàng sư, để tôi nói với mọi người trước, nếu đại sư thấy cần bổ sung điều gì thì nói với tôi nhé."
Lạt ma Á La cầm cốc nước lên, khẽ gật đầu.
Giáo sư Phương Tân nói: Tôi sẽ kể cho mọi người theo cách của mình nhé. Thức tàng và phục tàng là hai công việc bổ trợ, tạo điều kiện cho nhau. Phục tàng là gì? Bạc Ba La mà chúng ta đang muốn tìm kiếm, chính là phục tàng lớn nhất trên cao nguyên này. Ý là chỉ trước khi bị bức hại, các tăng lữ trong tôn giáo đã nhận được tin báo trước hoặc nhận ra điều gì đó, liền mang hết những kinh văn, bảo vật và tất cả những dồ quý trọng của mình đem giấu đi, để không ai có thể tìm được, đây chính là phục tàng. Mọi người phải biết rằng, các vị vương thời kỳ đầu của Thổ Phồn đều theo tín ngưỡng khác nhau. Mỗi khi có sự thay thế vương chủ với một tín ngưỡng khác tiên triều, đa phần thường xuất hiện cục diện một tôn giáo này đè nén một tôn giáo khác. Về sau, tuy rằng Phật giáo đã dần chiếm được thế thượng phong, nhưng trong Phật giáo lại xuất hiện rất nhiều phái hệ, mỗi phái hệ chia nhau dẫn đầu mấy chục năm, nên từ cổ chí kim, trong lịch sử Tây Tạng xuất hiện rất nhiều phục tàng, triều đại nào cũng có hết. Những tăng lữ hoặc giáo đồ Bản giáo đã chôn vùi bảo vật kia hầu hết đều bị bức phải đi xa hoặc bị hại chết, nhưng cả đời cũng không bao giờ tiết lộ địa điểm đã chôn giấu báu vật. Những kho tàng chôn sâu dưới lòng đất ấy liền trở thành câu đố mãi không tìm được lời giải. Nhưng nếu một tôn giáo nào đó bị đề nén áp bức một thời gian, rồi chính quyền thay đổi, lại đột nhiên được tôn sùng, thì các tín đồ tôn giáo ấy lúc này tất nhiên muốn tìm lại bảo vật cùng kinh điển mà các bậc tiền bối của mình đã chon vùi, nghề khai quật kho tàng cũng theo đó mà sinh ra. Phương pháp của những người này khá khoa học. Những điều họ làm rất giống với những gì chúng ta đang làm lúc này, đó là dựa vào các đầu mối để lại trong bút ký, điển tích hoặc các truyền thuyết dân gian, sau khi nắm được chứng cứ xác thực thì tiến hành đào bới trong một phạm vi đại khái. Đây gọi là phái quật tàng, nhưng tỉ lệ thành công của họ rất thấp."
Nói tới đây, giáo sư Phương Tân không khỏi nở một nụ cười gượng gạo: "Nhưng trong rất nhiều phái quật tàng, lại xuất hiện một chức nghiệp cực kỳ khoa học, đó chính là thức tàng sư. Thức tàng sư có thể là người bình thường, hoặc là tăng lữ, cũng có cả cao tăng đắc đạo nữa. Bao giờ cũng là họ tình cờ đến một nơi nào đó, hoặc là đột nhiên đốn ngộ, vậy là hình thành nên một mối liên hệ thần bí nào đó với thần linh, sau đó họ sẽ nói với những người xung quanh, hoặc tự mình mang theo công cụ đến một nơi nào đó đào bới, có thể nói là bỗng dưng họ biết được bên dưới đó có chôn giấu kho tàng từ mấy trăm hoặc thậm chí cả nghìn năm về trước. Hừm, mọi người có tin không?"
Lạt ma Á La thấy mọi người đều mỉm cười, cùng lúc tỏ vẻ khó có thể tin được, chỉ có Trác Mộc Cường Ba là nhíu mày suy tư, rõ ràng là gã cũng biết về chức nghiệp thức tàng sư này. Chỉ nghe giáo sư Phương Tân thở dài nói: "Tôi biết, chuyện này nghe thì có vẻ như là một việc hoàn toàn phản khoa học, nhưng đúng là nó có tồn tại. Hpn nữa tỉ lệ thành công của cách thức tàng sư thường rất cao, gần như chưa bao giờ có chuyện bọn họ không đào được phục tàng cả, phàm là chỗ nào được thức tàng sư chỉ ra, thì đều được chứng thực là có bảo tàng cả." Thấy mọi người có vẻ không tin tưởng lắm, giáo sư Phương Tân liền ngưng lại. Đọc Truyện Kiếm Hiệp Hay Nhất: http://thegioitruyen.com
Nhạc Dương thấy thế liền hỏi luôn: "Giáo sư đã gặp thức tàng sư bao giờ chưa?"
"Chưa." Giáo sư Phương Tân lắc đầu. "Có rất nhiều thức tàng sư cả đời chỉ có thể phát hiện ra một kho tàng nào đó, cũng có người phát hiện được hai ba chỗ, nhưng trường hợp này cực kỳ hiếm hoi. Trước khi bất ngờ hình thành mối dây liên hệ với thần linh, họ cũng chẳng khác gì người bình thường cả, thậm chí nhiều người còn chẳng hệ biết gì về phục tàng cả. Tất cả bọn họ đều đột nhiên nhận được một sức mạnh kỳ dị, có lẽ là nhận được …thần dụ hay hiệu triệu gì đó cũng nên. Còn nữa, rất nhiều người trong số họ sau khi phát hiện ra địa điểm phục tàng thì lại trở thành người bình thường. Chính vì vậy nên thức tàng sư mới gọi là mật truyền sư được truyền thừa theo phương thức thần bí nhất."
Đường Mẫn lắc đầu: "Không thể nào, nhất định là truyền thuyết dân gian rồi."
Giáo sư Phương Tân lại nói: "Phải, mới đầu tôi cũng không tin lắm. Có điều, tuy chưa gặp qua thức tàng sư nào, nhưng tôi đã từng gặp mấy vị nghệ nhân hát xướng được thần linh chỉ dạy, tôi biết địa chỉ của họ, ngay bây giờ cũng có thể dẫn mọi người đi gặp họ được luôn. Cường Ba cũng biết mà, phải không?"
Trác Mộc Cường Ba gật gật đầu. Đường Mẫn thắc mắc hỏi: "Nghệ nhân hát xướng được thần linh chỉ dạy là chỉ gì thế?"
Trương Lập nỏi: "người hát sử thi Cách Tát Nhĩ Vương ấy."
Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Cách Tát Nhĩ Vương là bộ sử thi dài nhất, hùng vĩ nhất của Tây Tạng, à không, của toàn thế giới mới đúng. Những nghệ nhân hát xướng được thần linh chỉ dạy ấy hầu hết đều là dân du mục bình thường, thường là bị bệnh nặng, sốt cao một trân, hay là ngủ trên bãi cỏ nào đó tỉnh dậy, đột nhiên biết hát Cách Tát Nhĩ Vương luôn. Chẳng những vậy, ngoài Cách Tát Nhĩ Vương ra, họ còn biết hát những bộ sử thi khác nữa. Chúng tôi cũng bởi không tin, nên mới cất công đến thăm, nhưng không thể không thừa nhận, bọn họ hát rất hay, hay hơn đại sư Á La nhiều."
Đường Mẫn hồ nghi liếc mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba rồi hỏi tiếp: "Đúng vậy không, anh Cường Ba?"
Trác Mộc Cường Ba nắm tay cô, gật gật đầu. Đường Mẫn lắc đầu nói: "Em không tin, nhất định là họ đã thuộc làu từ trước rồi, chỉ là không ai biết đấy thôi."
Trác Mộc Cường Ba cười khổ, một chú bé chăn trâu mười bảy tuổi, hay thậm chí chỉ mười ba mười bốn, ung dung hát suốt bốn năm tiếng đồng hồ một bài sử thi dài mấy chục vạn dòng, mà lại còn sinh động dạt dào, giọng điệu truyền thần, cho dù có mời thầy về dạy cũng không giỏi đến thế được. Lúc nghe hát sử thi, gã có cảm giác những nghệ nhân ấy dường như không phải đang hát thuộc lòng, mà họ đã hoàn toàn bước vào dị thời không nơi Cách Tát Nhĩ vương và yêu ma đại chiến, rồi chỉ miêu tả lại một cách chân thức những gì họ nhìn thấy mà thôi.
Nhạc Dương và Trương Lập cũng đều nghe nói về các nghệ nhân hát xướng được thần linh truyền dạy, nhưng chưa được nghe họ biểu diễn bao giờ, đối với chuyện này cũng bán tin bán nghi. Đột nhiên, Nhạc Dương phát hiện lạt ma Á La đang thong dong nhấp nước, anh đoán chắc chắn đại sư biết chuyện gì đó, và cũng có một lời giải thích cho chuyện này, giống như về trường hợp của phòng bao sư vậy. Lúc này, Đường Mẫn cũng quay sang lạt ma Á La định hỏi: "Đại sư Á La…"
Cô vừa mở miệng, lạt ma Á La đã ngắt lời: "Ta biết cháu muốn hỏi gì rồi, ta có thể nói với cháu một điều thế này, những gì giáo sư Phương Tân vừa nói đều là sự thật, cũng không hề khoa trương một chút nào đâu."
Đường Mẫn hấp tấp: "Thế…"
Lạt ma Á La tiếp lời: "Chuyện này nghe thì có vẻ không có căn cứ khoa học gì, nhưng có một quan điểm có thể dùng giải thích, quan điểm này là do các nhà khoa học phương Tây đưa ra, họ gọi là ký ức di truyền."
"Ký ức di truyền!" Mọi người cùng kêu lên kinh hãi, cả giáo sư Phương Tân cũng nghiêng tai lắng nghe.
"Đúng vậy," Lạt ma Á La nói: "từ khi được nêu lên, quan điểm này đã bị đưa ra tranh cãi rất nhiều, cuộc tranh cãi cho đến ngày nay cũng đã kéo dài gần trăm năm rồi. Những quan điểm liên quan đến cuộc bàn luận này, nếu có thời gian mọi người có thể đi tra trong các tài liệu, ở đây tôi không nói nữa. Điều tôi muốn nói là, có lẽ tổ tiên của chúng ta đã nắm bắt được phương pháp nào đó khiến gen di truyền có thể mang theo thông tin về ký ức, truyền từ đời này sang đời khác. Vùng ký ức này ẩn trong một góc sâu của ý thức, cho đến khi gặp được điều kiện đặc thù nào đó, sẽ được kích hoạt nơi các hậu nhân thích hợp. Giống như giáo sư Phương Tân đã nói, sinh bênh, nằm ngủ một giấc trên bãi cỏ, hoặc đến một địa điểm đặc biệt nào đấy, đây đều là những cách có thể kích hoạt lại ký ức di truyền."
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, hồi lâu cũng không thể giải thíc rõ ràng. Một lúc sau mới nghe Đường Mẫn lên tiếng: "Kỹ ức cũng có thể di truyền sao?"
"Đương nhiên," lạt ma Á La nói: "Dê con vừa sinh ra đã biết chạy nhảy, cá vừa ra đời đã biết trồi lên mặt nước, chó con chưa mở mắt cũng biết tìm đầu vú chó mẹ, thuyết di truyền ký ức cho rằng, có một số động vật bậc thấp không bao giờ học hỏi được điều gì, chúng phải dựa vào ký ức di truyền mà sinh tồn. Ví dụ như bươm bướm chẳng hạn, cả đời con bướm phải trải qua bốn giai đoạn, trứng, sâu, kén, bướm, điều này khiến cho con bướm đời trước và con bướm đời sau vĩnh viễn không thể gặp được nhau, nhưng sau khi hóa bướm nó lại có thể lặp lại một cách chính xác hành vi của con bướm đời trước, thậm chí còn nhớ cả chặng đường di chuyển dài mấy nghìn kilomet. Nghe nói bướm vua ở châu Mỹ còn có thể dừng nghỉ trên đúng cái cây mà con bướm đời trước nó đã từng nghỉ ngơi, ai dạy chúng những điều này chứ? Làm sao để giải thích hành vi này? Vì vậy mới có người nêu quan điểm di truyền ký ức để giải thích những hiện tượng này. Con người chúng ta cũng không ngoại lên, có một số thứ được gọi là bản năng, đến một giai đoạn trưởng thành nhất định sẽ biến mất, nhưng có bản năng lại giữ được cho đến cuối đời. Chỉ có điều là cho đến ngày nay con người vẫn chưa tìm được phương cách nào hiệu quả để truyền bá tri thức và ký ức thông qua di truyền đấy thôi."
Nhạc Dương nói: "Vậy thì người xưa làm được bằng cách nào?"
Lạt ma Á La mỉm cười lắc đầu: "Tư tưởng triết học phương Đông quyết định rồi, họ chỉ cần kết quả, không cần nguyên nhân. Người thời xưa đã không biết nguyên nhân, chúng ta ngày nay lại càng không có cách nào mà đoán biết được. Nhưng thức tàng sư và nghệ nhân hát xướng đều thực sự tồn tại, khiến chúng ta không thể không tin, đích thực là người xưa đã làm được."
Trác Mộc Cường Ba nói: "Ý của đại sư là, tổ tiên của những thức tàng sư ấy rất có khả năng chính là những người đã chôn giấu bảo tàng, còn tổ tiên của những nghệ nhân hát xướng được thần dạy, vốn chính là những nghệ nhân hát xướng kể chuyện thời cổ đại, tuy cách nhau vài đời hay thậm chí là vài chục đời, nhưng gặp phải một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, đột nhiên trong số con cháu bỗng có người có được ký ức của tổ tiên, vì vậy mới biết kho tàng được chôn giấu ở chỗ nào, và cũng có thể đọc thuộc lòng cả bộ sử thi dài mấy trăm nghìn dòng!"
Nhạc Dương nói: "Cách giải thích này cũng tạm chấp nhận được, chỉ là hơi quá huyền hoặc, người xưa liệu có thể nắm được kỹ thuật thần kỳ như thế không?"
Lạt ma Á La đáp: "Đây chỉ là một cách giải thích tương đối hợp lý trong rất nhiều cách giải thích về thức tàng sư, chúng ta cũng không có cách nào để chứng minh mà chỉ có thể tạm thời tin vậy thôi. Thông thường, các thức tàng sư sẽ đột nhiên có một đoạn ký ức khi đến gần hoặc ở nơi chôn giấu bảo tàng, điều này khá là khớp với thuyết ký ức di truyền, những hoàn cảnh tương đồng có thể làm khơi gợi lại ý thức tiềm ẩn, cũng khá là giống với tình trạng hiện nay của Ba Tang. Chúng tôi gọi quá trình đột nhiên sở hữu ký ức không nằm trong trải nghiệm bản thân này của thức tàng sư là thức tỉnh."
Trác Mộc Cường ba run bắn người lên như bị giật điện. Khi các trưởng lão thôn Công Bố nói đến chuyện "thức tỉnh", nhiều lắm gã chỉ cười cười cho qua, nhưng giờ nghe lạt ma Á La nói vậy, có vẻ như đúng là có chuyện như thế thật. "Mình sẽ …thức tỉnh thật sao?" Gã không nén nổi mà thầm tự hỏi.
Mẫn Mẫn lại rót cho lạt ma á La một cốc nước khác. Ông mỉm cười nói tiếp: "Được rồi, vừa trở về đã nói bao nhiêu chuyện với mọi người rồi, để tôi đi nghỉ ngơi một lát nhé, được không?"
* * *
Lạt ma Á La một mỉnh ngồi tĩnh tọa trên giường. Không lâu sau, Lữ Cánh Nam bước vào, cất tiếng hỏi luôn: "Sao rồi à?"
Lạt ma Á La thở dài: "Chỉ sợ chuyện con lo lắng nhất đã xảy ra rồi."
Lữ Cánh Nam nhíu mày, sau đó nói: "chuyện này cũng dự đoán được, nhưng còn chuyện Cường Ba thiếu gia vừa kể…"
Lạt ma Á La nói: "Đây đúng là một chuyện quái dị."
Lữ Cánh Nam nói: "Á La đại nhân, ngài nói xem liệu có phải Merkin cố ý…"
Lạt ma Á La lắc đầu: "Không thể nói vậy, lúc đó Cường Ba thiếu gia đến cả Tử kỳ lân ở đâu còn chẳng biết, ba chữ Bạc Ba La kia lại càng chưa từng nghe nói đến, hơn nữa quan trọng nhất là hắn muốn gặp Cường Ba thiếu gia để làm gì? Lẽ nào hắn biết thuật tiên tri? Muốn xem mặt đối thủ trong tương lai thế nào? Còn nữa, dựa vào biểu hiện sau này, có thể thấy Merkin cũng cảm thấy kỳ lạ khi một thương nhân nuôi và kinh doanh chó ngao Tây Tạng đột nhiên lại biến thành đối thủ cạnh tranh tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu với mình. Cường Ba thiếu gia từng thấy bóng Merkin hai lần ở nhà mình và trong khách sạn, chứng tỏ từ lúc đó hắn mới bắt đầu để ý điều tra thân phận của cậu ấy, hơn nữa còn theo dõi cậu ấy, bắt cóc kẻ điên người Qua Ba, một loạt sự kiện này đều là do một tay hắn lên kế hoạch. Cũng nghĩa là, lúc gặp Cường Ba thiếu gia lần đầu tiên, tên Merkin này căn bản không hề hiểu gì về Cường Ba thiếu gia, cũng chẳng buồn để tâm đến cậu ấy. Không thông, không thông!" Lạt ma Á La ngửa mặt lên trần nhà nói: "Không thông, không thông!"
Lữ Cánh Nam cũng trầm ngâm suy nghĩ: "Vậy thì lần đầu Merkin và Cường Ba thiếu gia gặp mặt đúng là một sự trùng hợp ư?"
Lạt ma Á La gật đầu: "Trước mắt, chúng ta chỉ có thể đặt giả thiết là như vậy thôi."