Nó không có lấy một cái lễ tang, hay thậm chí cả một cái bia mộ cũng không ai làm cho, xác của nó được bảo quản trong nhà xác của bệnh viện mà Tống Thư đang làm.
Và tất nhiên, tôi đến đây hiển nhiên là có lý do, vì ngày này 2 năm trước là ngày nó chết.
Sau đó, tôi đã đưa ra một quyết định mà cả tôi cũng không ngờ tới. Tôi đến đó - cái bệnh viện cất xác của nó.
Tôi không ngại trời mưa, đi một mạch đến bệnh viện thành phố. Không lâu sau thì tới, bởi nơi này khá gần với trường học của tôi.
Tôi thấy áo mình đã ướt sũng, sân bệnh viện thì hiển nhiên là không một bóng người. Nhìn dàn hoa cúc trắng nở rộ, tôi ngẫm nghĩ một lát rồi ngắt một bông, đi vào sảnh bệnh viện. Mặc cho ai nấy nhìn tôi bằng ánh mắt ghê sợ, tôi vẫn cứ đi.
Nhà xác ở bệnh viện này nằm ở khu B, còn nơi khám bệnh là khu A, phải qua khu A này thì mới đi sang khu B được. Lúc nó tử vong, tôi quýnh quá nên nhận mình là người thân của nó, theo nó vào phòng cấp cứu cho đến tận khi người ta cất xác nó vào trong một cái hộc. Tôi định bấm thang máy lên lầu 1 thì vai đột nhiên bị vịn lại.
"Em làm gì ở đây? Còn ướt như thế này nữa?" Tống Thư mặc áo blouse trắng, giọng nói anh toát lên sự hốt hoảng xen chút mệt mỏi.
Tôi trả lời thành thật: "Ăn đám giỗ"
Tống Thư là ai chứ? Là thủ khoa quốc gia hồi thi vào đại học y khoa tim mạch, là bác sĩ trẻ nhưng nổi tiếng của bệnh viện uy tín nhất thành phố... Anh nhận ra ngay ý của tôi, im lặng một lát rồi nói: "Anh dẫn em đi"
"Không cần" Tôi lập tức từ chối.
Anh quay sang cô y tá bên cạnh, nói gì đó, cô y tá gật đầu rồi chạy đi, đem về một cái khăn và một bộ quần áo không biết lôi từ đâu ra. Tống Thư đưa nó cho tôi: "Lau người em đi, sau đó vào nhà vệ sinh thay đồ, em bị cảm, ba sẽ mắng anh"
Tôi nhún vai rồi nhận lấy, đúng là tôi muốn anh bị mắng, nhưng tôi cũng thấy hơi lạnh rồi. Tôi vào nhà vệ sinh thay đồ, đồ lót tôi không cởi ra được, vì vậy đành mặc tiếp.
Tôi không biết sao anh ta lại đối với tôi như vậy, lúc nãy anh ta nói Ba sẽ mắng anh vì anh làm tôi cảm, chứ không hề nói Anh sẽ mách ba vì em trốn học. Tôi có cảm giác mình cứ như con nít được người khác che tội, lại là người mình ghê tởm.
Cái cảm giác đó, nó rất bức bối luôn ấy. Gớm thật.
Tống Thư chờ tôi ra khỏi nhà vệ sinh rồi dẫn tôi đi một nơi. Tôi không nghĩ anh ta lại rảnh rỗi tới mức dẫn con nhỏ bồng bột này đi "ăn giỗ", có điều anh ta không nói, tôi cũng không bận tâm.
Con đường này tôi chưa thấy bao giờ, nó thông từ cái nhà kho nhỏ của bệnh viện ở tầng trệt đến phòng chứa xác số 3 của khu B. Lúc đến đó, Tống Thư hỏi tôi: "Người có giỗ hôm nay ở phòng số mấy?"
"7, lầu 3" Tôi và anh ta đi dọc đường đi trong phòng chứa xác, nơi này bật đèn sáng trưng, hai bên là những cái hộc đựng xác làm bằng sắt.
Tôi nối gót theo anh, Tống Thư đột nhiên lên tiếng: "Đáng lẽ anh vốn không biết con đường tắt đó đâu, bác sĩ trong bệnh viện này cũng ít có ai biết"
Tôi không bận tâm mấy, nhưng có lẽ Tống Thư cũng không quan tâm tôi có nghe hay không: "Anh mồ côi cha như em đã biết, mẹ anh tự sinh anh ra, từ nhỏ anh chỉ biết có hai người trong gia đình là mẹ và bà ngoại. Hồi ấy, lúc bà ngoại nhập viện, mẹ anh phải đi kiếm tiền, anh ngủ ở một góc phòng bệnh của bà ngoại. Mẹ thì không thân mấy với anh, có đôi khi mẹ tức còn đem anh ra làm vật trút giận cơ" Anh cười như thể đó là một kỷ niệm vui: "Một lần chạy phá trong bệnh viện, anh vô tình phát hiện con đường đó, sau đấy bị một bác sĩ phát hiện. Cô ta bắt anh giao lại cho mẹ, rồi anh lại bị một trận đòn tả tơi. Sau khi bà ngoại anh mất, nhà không đủ điều kiện hỏa thiêu hay lập mộ, xác bà được cất trong đây, anh thường lẻn vào viện ngắt mấy bông hoa trước sân rồi đi theo con đường tắt đó vào, lén lấy chìa khóa của hộc chứa xác của bà, đặt mấy bông hoa vào kế bên cái xác đã được xử lí" Tống Thư nói, anh luôn giữ nụ cười nhàn nhạt trên môi, nhưng sao tôi vẫn thấy anh luôn mang mác buồn. Tôi siết chặt bông hoa cúc đang cầm trên tay.
Có điều, anh kể cho tôi nghe làm gì? Lấy lòng tôi sao? Nhưng cho dù nó có khó khăn, bi thương đến cỡ nào, thì sự thật vẫn là sự thật. Mẹ tôi đã bị mẹ anh hại mất tình yêu...