Mê Tông Chi Quốc

Chương 111: Hồi chín





Tư Mã Khôi có chút bất ngờ: “Trong thành cổ dưới lòng đất còn có vật thể kim loại hình tròn cơ à? Có phải nó là mạch quặng tồn tại trong lòng núi không? Bây giờ cô đã xác định được nó cụ thể là vật gì chưa?”



Thắng Hương Lân lắc đầu: “Tôi cũng không dám chắc, chỉ suy đoán nó khả năng bằng đồng, và được cất giấu trong lòng núi”.



Hải ngọng cũng kêu lạ: “Chuyện này đúng là hi hữu! Không biết thể tích của nó lớn chừng nào? Sao lại là… hình tròn được nhỉ?”



Đồng hồ thám trắc trọng lực và từ lực của Thắng Hương Lân chỉ hiển thị một vài số liệu đại khái, phỏng đoán vật thể có đường kính dài khoảng trên dưới ba mươi mét, còn tình hình cụ thể ra sao, thì không suy đoán được.



Tuy đội khảo cổ không biết người xây dựng tòa thành cổ là ai, nhưng rất có khả năng nó được xây đựng vào thời tam đại Hạ – Thương – Chu, từ lưu vực sông Hoàng Hà di chuyển dần xuống lòng đất, ngoài điều đó ra, mọi người không biết gì hơn, các sách địa lý cổ cũng hầu như không ghi chép gì về sự kiện này. Nhất thời, mọi người không biết phải bắt tay từ đâu, đành tiếp tục thăm dò lòng huyệt động ở nơi sâu nhất trong thành cổ xem tình hình thế nào trước đã.



Tòa thành cổ này xuất hiện ở điểm tận cùng của tọa độ dẫn đường, có lẽ nó chính là chìa khóa quan trọng để mở ra các ổ khóa ẩn số, bây giờ chỉ cách đáp số một bước chân. Có điều mọi người không thể lý giải được: người xưa đã làm cách nào để chế ra vật thể bằng đồng xanh hình tròn khổng lồ cỡ này được?




Tư Mã Khôi thầm nghĩ: nơi sâu trong thành cổ đã có cánh cửa đá to nặng như thế, thì lòng núi chắc chắn phải bị đục rỗng, có lẽ giống như cái giếng khoan, thông suốt từ miệng cho đến tận đáy. Bởi vậy cả đội có thể thâm nhập vào trong bằng cách mạo hiểm tụt từ miệng núi xuống dưới. Có điều trước khi làm vậy, vẫn phải tìm xem có lối đi nào trong huyệt động hoặc có mật đạo nào nằm trong thành không đã.



Thế là anh bảo mọi người nắm bắt thời gian chuẩn bị, đầu tiên ăn uống lót dạ qua loa, sau đó thu dọn nai nịt hành lý thật gọn gàng, rồi bới một miệng động bị cát vàng vùi lấp ở gần đấy. Tư Mã Khôi xách súng xung phong và đèn cacbua cùng Hải ngọng vào trong trinh sát, huyệt động xuất hiện quá nhiều cát lún, chất lượng không khí không tốt lắm, khiến ánh đèn cứ mờ ảo chập chờn.



Thành cổ chia tầng tầng lớp lớp, điểm tiếp nối của một số khu vực vừa hẹp lại vừa thấp, địa thế dễ thủ khó công, muốn vào bên trong buộc phải cúi người chui qua, giống như chui vào tổ kiến chằng chịt ngang dọc, vết tích đục đẽo thủ công của con người ở hai bên vách rất rõ nét. Giếng thông gió xuyên suốt, sâu cả trăm mét, mỗi lối vào từng tầng động đạo đều có cửa hình tròn, vô cùng kiên cố, giống như để đề phòng kẻ địch tấn công từ bên ngoài.



Tư Mã Khôi và Hải ngọng buộc dây thừng dài vào thắt lưng, xách đèn quặng dò đường, vừa đi vừa quan sát tứ phía xung quanh, thấy thành cổ dưới lòng đất có quy mô vô cùng hùng vĩ, kết cấu quái dị, trong lòng bất giác cũng tự thấy thất kinh, càng quan sát lại càng thấy không thể lý giải nổi đây rốt cục là chốn nào. Cuối cùng, hai người mò mẫm đi vòng đến phần đáy cánh cửa đồ sộ ở trong thành, trên vách đá dọc hai bên đường hầm, khắc đầy những bức vẽ chim bay cá lượn. Hai người soi đèn xem thì thấy phần lớn nội dung các bức bích họa đều mô tà về truyền thuyết vạn vật biến mất, nhưng vì nội dung quá trừu tượng, cổ xưa, nên nhất thời khó mà lĩnh hội được hàm ý của nó. Vả lại nơi tận cùng đường hầm lại là ngõ cụt, không thể tiến vào lòng núi, nên cho dù có mật đạo cũng khó mà tìm thấy, hai người bèn quay trở về theo đường cũ.



Đội khảo cổ đành mạo hiểm trèo lên cao, lúc này tầng mây dưới lòng đất đang phun trào, luồng cát điên cuồng vần vũ, đỉnh núi đỉnh bằng đứng sừng sững sâu trong thành cổ, giống như ngọn tháp khổng lồ cô độc và im lìm, hòa quyện với bóng tối thăm thẳm, nó thấp thoáng ẩn hiện giữa màn sương đen già nua và hiểm trở, cảm giác nặng nề tồn tại khiến người ta rùng mình ớn lạnh. Có lẽ thế nhân vĩnh viễn không bao giờ hiểu được nơi này rốt cục che giấu bao nhiêu bí mật cổ xưa và quái dị.



Độ dốc của ngọn núi đỉnh bằng rất hiểm trở, tầng dung nham trơ trụi không một ngọn cỏ, ngay cả bầu không khí cũng ám mùi của sự hoang lương đáng sợ; trên đỉnh là miệng núi lửa khổng lồ hình cái chậu, bốn vách phủ lớp bụi dày, ở giữa là huyệt động tròn vành vạnh, đường kính khoảng trên 50 mét.



Hội Tư Mã Khôi trèo tới đỉnh, đứng bên miệng núi lửa ngó xuống, nhận thấy gió dữ trong động rít lên từng hồi, dường như có một lực hút rất ghê gớm tồn tại trong bóng tối âm u, nó tựa hồ muốn kéo tuột người ta xuống tận đáy vực. Những người hơi non gan một chút, đừng nói dám ghé xuống nhìn, mà chỉ cần đứng cạnh miệng hố cũng đủ thấy mềm nhũn cả chân.



Hải ngọng nhìn xong phát hoảng, anh nói với Tư Mã Khôi: “Trên đời tục truyền có bốn thứ đại hắc, đó là Bao Thanh Thiên, Hô Diên Khánh(1) , đêm ba mươi và động không đáy. Tớ thấy cái bụng núi này khéo còn đen hơn cả động không đáy ấy chứ, chúng ta phải nghĩ cách xác định liệu nó sâu bao nhiêu trước đã.”



[1] Hô Diên Khánh (một số sách khác gọi là Hô Khánh): là một tướng lĩnh quân sự kiêm nhà ngoại giao tài ba thời Bắc Tống.



Tư Mã Khôi gật đầu đồng ý, anh bảo Thắng Hương Lân thắp pháo tín hiệu, ném từ miệng núi xuống lòng động, nhưng ánh lửa màu đỏ sẫm, sáng đến nhức mắt, vừa quăng xuống đã mất dạng.



Mọi người đều kinh hãi, pháo tín hiệu cháy được cả dưới nước, thế mà mới rơi vào trong động, trong phút chốc đã bị dập tắt, chứng tỏ là khả năng lòng núi có hắc khôi hoặc khói bụi dày đặc chắn ngang.




Mọi người biết rõ lòng huyệt động nguy hiểm khôn lường, nhưng nhìn tứ phía đều không thấy lối nào khác dẫn vào trong. Vả lại đo độ cao lòng núi, thì thấy nếu nối tất cả dây thừng mà đội khảo cổ mang theo, có khi sẽ tới được đáy động, mà giờ cũng đâu còn cách nào khác, đành liều chết xuống đó thăm dò một chuyến xem sao. Thế là cả đội đeo máy thở hình mang cá vào, rồi nối toàn bộ dây thừng lại với nhau, một đầu móc vào khe đá, còn đầu kia thả xuống lòng động.



Vì có thân thủ nhanh nhẹn nên Tư Mã Khôi xung phong xuống trước. Anh treo đèn quặng trước ngực, mở đèn cacbua gắn trên mũ Pith Helmet, một chùm sáng như đóng băng lập tức phóng về phía trước. Trên miệng núi tập trung một lượng lớn khói bụi dày đặc bị khí đối lưu đẩy lên, bởi vậy pháo tín hiệu vứt xuống đó mới không thấy tăm hơi đâu cả, nhưng chỉ cần xuyên qua màn sương đen, sẽ thấy cuộn pháo tín hiệu nằm cách đó chừng trăm mét, ánh sáng vẫn còn le lói chưa lịm hẳn, nhưng xung quanh mịt mù, tứ bề mênh mang, không nhìn rõ bên trong có thứ gì.



Tư Mã Khôi thấy lòng núi không phải là động không đáy mới dần yên tâm trở lại. Anh bám dây thừng tụt dần xuống dưới, phát hiện dưới chân rải toàn đá sỏi bằng phẳng, trải rộng mấy mét vuông, trong các kẽ nứt mọc đầy rêu xanh hình thành từ các hợp chất, dường như lòng núi là nơi đặt cung điện thì phải. Lúc này, anh không có thời giờ quan sát kỹ, nhìn pháo tín hiệu và đèn cacbua vẫn cháy sáng bình thường, anh bèn tháo máy thở phòng độc ra, rồi đón ba người còn lại tiếp đất.



Mọi người cảm thấy độ cao nơi này lửng lơ giữa không trung, rõ ràng là rất cổ quái, nên ai cũng muốn phải tìm hiểu rõ xem rốt cục mình đang ở chỗ nào. Họ đốt thêm cuộn pháo tín hiệu nối dài, toàn bộ khu vực trong phạm vi trăm mét xung quanh đột nhiên bừng sáng. Lúc này họ mới nhìn rõ trong lòng núi có một cái bục cao được ghép bằng các phiến đá lớn, mạch ghép vừa khít không lọt một khe hở nhỏ, tất cả có bảy tầng, bốn mặt đều có bậc hình thang rộng rãi, được bao quanh bởi các pho tượng đá điêu khắc xếp tầng tầng lớp lớp rất phức tạp. Sau khi núi lửa trong động phun trào, khoáng vật bị phong hóa, hình thành lớp đất hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho một số thực vật dạng nấm dưới lòng đất, có hình thù kỳ quái, nảy nở um tùm trong các hốc lớn. Cung điện dưới lòng đất trải qua tuế nguyệt đằng đẵng hàng ngàn năm, cũng dần bị nó xâm thực, che phủ.



Mọi người càng nhìn càng thất kinh, đến khi ánh sáng pháo tín hiệu bắt đầu mờ dần, cả đội lại tiếp tục bò xuống tầng đáy của cung điện theo sự chỉ dẫn của đồng hồ thám trắc. Tư Mã Khôi phát hiện có vật thể đen sì, lặng lẽ sừng sững đứng chắn trước mặt. Anh lấy báng súng gõ gõ, thấy âm thanh phát ra nghe lạnh lẽo, thì biết vật thể hình vòng bằng kim loại – mà máy thám trắc đo được quá bán, chính là vật này, bèn vội gọi mọi người mau lại xem.



Tư Mã Khôi lau lớp bụi trên mặt đồng, thấy thể tích nó vô cùng to lớn, bụng thuôn dài, cao cỡ một người, hai bên có tai hình mình rắn, bốn trụ có chân hình chữ V úp ngược, mặt đồng bị ăn mòn loang lổ nhưng không nát, vách dày tầm 6cm, bề mặt đúc chạm toàn bọn ma vương quỷ sứ, xung quanh trang trí bằng các họa tiết rồng hổ.



Thắng Hương Lân kinh ngạc thốt lên: “Hình như là một cái đỉnh cổ…”



Tư Mã Khôi thấy hơi khó hiểu, khi trước kết quả thăm dò cho thấy, dưới lòng đất có vật thể hình tròn bằng kim loại khổng lồ, sao bây giờ lại là cái đỉnh cổ? Lẽ nào đồng hồ thám trắc bị hỏng?



Lúc này, Hải ngọng đứng bên cũng phát hiện ra vài thứ khác, Tư Mã Khôi qua xem, thì thấy lại có một cái đỉnh khổng lồ nữa, mò mẫm tìm tiếp, thì phát hiện tất cả chín cái đỉnh đồng, thể tích tương tự nhau, nhưng hình thù mỗi cái một khác, xếp theo hình vòng tròn. Xem ra vật chất bằng kim loại thám trắc được lúc trước, chính là chín cái đỉnh bằng đồng xanh to lớn dị thường này.



Hải ngọng rầu hết cả người, đội khảo cổ hi sinh bao nhiêu mạng người, mới tìm thấy tòa thành cổ bị thất lạc dưới lòng đất, nào ngờ cuối cùng trong thành lại chỉ có đám đồng sắt phế liệu. Đây đúng là số mệnh chứ còn gì. Con người không bao giờ chiến thắng được số mệnh cả, cứ xem Tây Du Ký thì sẽ rõ thế nào gọi là mệnh. Thực ra khi Đường Tam Tạng chưa rời khỏi Trường An, thì số mệnh đã sớm an bài cho nhà sư phải trải đủ chín chín tám mươi mốt kiếp nạn, dù thiếu một nạn cũng không thể đến được Tây Thiên.



Tư Mã Khôi nhìn những hoa văn vô cùng kỳ quái chạm khắc trên thân đỉnh đồng cổ, thì biết nó không thể nào là đám sắt vụn, vì những chiếc đỉnh lớn luôn được coi là quốc bảo của một nước. Đỉnh đồng mà đội khảo cổ phát hiện dưới lòng đất, lại có chút khác biệt với các công cụ làm bằng đồng xanh thời Thương – Chu Chiến Quốc, có lẽ là đồ từ thời thượng cổ, hơn nữa các loại hoa văn đúc trong ngoài thân đỉnh đều rất giống với các truyền thuyết thời xưa.



Tư Mã Khôi nghĩ đến đây, thì nói với hội Hải ngọng: “Tôi cũng biết đôi chút về lai lịch của bộ đỉnh đồng cổ này”.




Thắng Hương Lân bán tín bán nghi, cô cảm thấy tuy Tư Mã Khôi đúng là có vài tài lẻ, nhưng chen chân được vào đội khảo cổ cũng chẳng phải nhờ thực tài thực học thông kim bác cổ gì. Gã này không phát biểu đỉnh đồng là cái niêu lớn là cũng đã khá lắm rồi, sao có thể biết cả lai lịch của nó được chứ?



Kỳ thực Tư Mã Khôi chỉ là tay gà mờ về lĩnh vực khảo cổ hay lịch sử, nhưng anh rốt cục vẫn là chân truyền Kim Điển, thông hiểu cổ lý tướng vật. Anh biết, vào thời vãng cổ, một ngày trên trời đột nhiên vang lên mấy tiếng âm ầm chấn động màng nhĩ, rồi tiếp theo là một lằn sét rạch trời, phương nam phụt lên một cột lửa cao vút tận trời, luồng lửa mạnh chói lòa hơn cả vầng dương, chia bầu trời ra thành hai nửa, không trung bốc cháy ngùn ngụt.



Lúc đó, mặt trời phát nổ, thiên thạch rơi xuống, lưỡi lửa chi chít tựa mưa sa điên cuồng táp xuống, bốn cực hoang phế, chín châu chia lìa, thế gian chìm vào bóng tối vĩnh hằng. Rồi trận mưa lớn cuối cùng cũng dứt, nước lớn dâng cao, sông ngòi tràn bờ, biển lớn dội ngược, thiên địa vạn vật phút chốc đều trở thành thần dân của hà bá, ác ma quỷ dữ đều nhân cơ hội lộng hành, chúng thò ra bắt người ăn thịt.



Thời kỳ xảy ra trận đại hồng thủy khủng khiếp đó chính là thời nhà Hạ. Theo truyền thuyết thì sau khi Hạ Vũ chia thiên hạ thành chín châu, chia đất trời thành bốn cực, khai sông trị thủy, cuối cùng xuyên thông Long Môn, thoát nước lũ ra biển lớn. Có thể nói, quá trình đó là lần khảo sát địa lý quy mô đầu tiên và cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại.



Vũ vương lấy đồng của các châu đúc thành chín đỉnh, khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào Cửu Đỉnh, mỗi đỉnh tượng trưng cho một châu, rồi cất giữ toàn bộ tại kinh đô nhà Hạ. Vì thế, Cửu Đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Từ đó có câu nói “Có được Cửu Đỉnh là có được thiên hạ”.



Ngoài ra, thân đỉnh còn chạm khắc thế núi mạch sông địa hình sản vật, cây cỏ chim muông và cả những sự kiện ly kỳ lúc bấy giờ. Hậu thế gọi nó là “sơn hải đồ” – tức là bản đồ sông núi, còn tông tích của chín “đỉnh thần Vũ vương” ở đâu, thì từ lâu không còn ai biết nữa, chỉ để lại rất nhiều truyền thuyết cổ xưa như những câu đố không lời giải.



Về sau, mọi truyền thuyết xuất hiện trong các sách địa lý cổ, đều lấy nội dung này làm gốc; ngay cả rất nhiều cuốn cổ thuật như tướng vật hay biệt bảo, có nội dung đề cập đến nó, về cơ bản cũng đều dựa trên nguồn gốc này.



Tư Mã Khôi suy đoán: đỉnh đồng trong thành cổ dưới lòng đất, quá nửa chính là “đỉnh thần Vũ vương” có vẽ sơn hải đồ, nhưng không biết vì sao nó lại lưu lạc xuống tận nơi này? Có lẽ lời giải mà đội khảo cổ muốn tìm, đang được ẩn giấu bên trong. Anh quan sát tỉ mỉ, quả nhiên phát hiện họa tiết chạm ở vách ngoài của một trong chín đỉnh đồng, là ghi chép về vực sâu khổng lồ tồn tại ở điểm khởi đầu của thời gian. Tất cả nguy hiểm, kỳ tích, bí mật và cả cái thăm thẳm không thể vượt qua, đều nằm trong hắc động gần tâm Trái Đất, nơi mà con người không thể nào đặt chân đến được.



- HẾT TẬP 2 -