Mợ Ba

Chương 34: Bảy phần mất, ba phần chẳng lành





Nghe thấy ồn ào bên ngoài, thầy Tư cũng nhanh chóng chạy ra. Hướng mắt về chỗ bàn thờ vong nhưng không đợi ai kịp giải thích gì, thầy đã lên tiếng bảo: “Không ổn rồi! Chúng ta phải gấp hơn nữa thôi!”

Thầy Tư cứ hối hả, đốc thúc làm mọi người chưa kịp hết phần hoảng mà còn thêm phần khó hiểu. Ai nấy đều ngẩn ra, khiến không gian cũng lặng thinh một lúc, cho tới khi mợ hỏi: “Phải gấp làm gì nữa vậy thầy? Không phải định đêm nay tẫn là đã đang gấp lắm rồi sao?” Theo lời thầy Tư thì giữa canh hai đêm nay mai táng là ngay giờ hoàng đạo, không phiền hà gì tới tổ tiên. Nhưng giờ cũng chính thầy lại đang nói khác: “Không! Sớm hơn! Chúng ta phải mai táng mợ tư sớm hơn nữa! Trời vừa chập tối, vào giờ dậu, chúng ta phải tiến hành nhanh thôi!” Thầy vung tay, dứt khoát bảo.

Làm đúng tục lệ của một đám tang bình thường giờ đây chủ yếu là không để phiền hà tới tổ tiên chứ thực chất, nó đâu phải là để mợ tư sớm siêu thoát vì cái linh hồn của mợ cũng có còn lại gì đâu. Trước thầy nói giữa canh hai, khoảng giữa giờ tý là giờ hoàng đạo, mà giờ lại đột ngột dời lên đầu canh một, làm cậu hơi cáu, chau mày hỏi: “Lý do gì mà đột nhiên lại gấp vậy hở thầy? Rồi dời lên như vậy có đúng giờ lành không nữa?” Không biết thầy đã coi tính gì chưa mà quay sang quyết vội như vậy, nhỡ chưa coi kỹ mà tẫn vào giờ hắc đạo rồi lại mất cái dự tính ban đầu, phạm tới tổ tiên. Còn chưa kể đầu canh một là quá gấp để chuẩn bị chu toàn, giờ đã gần qua giờ mùi rồi mà đã chuẩn bị xong bao nhiêu thứ đâu.

Thầy Tư bước vội lại chỗ bàn thờ vong, giở cái khăn cậu trùm lên ra khỏi lư hương đã bốc cháy đen phần thành miệng. Thầy nhấc cái lư hương lên, lộ ra dáng vẻ bồn chồn, rồi bắt đầu lý giải mọi chuyện: “Thực ra do có sự cản trở của pháp trận mà con quỷ chỉ mới thành công hút được bảy phần linh hồn của mợ tư, ba phần hồn còn lại vừa lúc sáng báo cho tôi một giấc mộng. Cho biết con quỷ đang ráo riết truy lùng ba phần hồn còn lại của mợ tư để hoàn thành âm mưu trở nên mạnh nhất của nó!” Thầy Tư đứng lại sau nhiều bước chân vô hướng biểu hiện cho sự lo lắng trong lòng thầy: “Vậy nên, chúng ta buộc phải cùng lúc tiến hành mai táng, ngay sau đó là làm lễ tam chiêu, hòng mở đường cho phần hồn còn lại của mợ tư nhanh chóng siêu thoát an toàn, phá đổ âm mưu của con quỷ.” Lễ tam chiêu hay thường được nghe là bữa mở cửa mả, bữa này thì người ta thường làm sau khi an táng tận ba ngày, nhưng giờ đã được thầy Tư lùi tới ngay trong đêm nay, sau khi mai táng xong. Gấp gáp thế này có thể thấy rõ được ba phần linh hồn còn lại của mợ tư đang rất nguy hiểm và việc để con quỷ nuốt trọn ba phần hồn này là không được phép xảy ra. “Không còn nhiều thời gian nữa đâu, chúng ta mau nhanh thôi!” Lời vừa dứt, thầy ngay lập tức cầm theo cái lư hương để quay trở về gian buồng. Mặc cho những người còn đứng lại vẫn chưa thôi sững sờ. Thật không thể ngờ cơn ác mộng lại bắt đầu theo cách này, nó buộc người nhà họ Lâm phải cố níu mình vượt khỏi, để rồi lại thả họ rơi vào vực sâu tối tăm nhất của sự ám ảnh.

Mọi sự chuẩn bị từ sáng đến giờ lại cần phải được gấp đôi, gấp ba lên mới kịp chu toàn được mọi thứ. Ngoài vườn thì cậu cùng đám gia nhân nam đào huyệt, trong nhà trước tới nhà sau thì mợ cả cùng đám gia nhân còn lại chuẩn bị đồ đạc cho đầy đủ theo yêu cầu của thầy Tư.

Mặt trời vừa vụt xuống khỏi hàng cau phía sau vườn, ánh nắng cuối cùng của ngày cũng đang dần lụi tắt. Trời chập tối, giờ dậu đã điểm, trước khi tiến hành mai táng thì thầy Tư phải làm lễ cáo long thần thổ công để xin phép cục đất chỗ đó. Một mâm cúng đã được chuẩn bị sẵn ngay trước huyệt, một cái mâm có đầy đủ rượu, trầu, vàng mã, thủ lợn, vài dĩa xôi, một cái lư hương màu ngọc cùng mấy nén nhang và một ngọn đèn dầu. Thầy Tư trong bộ đồ thầy pháp quen thuộc nhưng hôm nay không phải là bộ màu vàng mà là màu đỏ, cũng có điểm xuyết những đường sọc và cái hình âm dương đặc trưng. Thầy giơ cao mấy nén nhang và bắt đầu khấn to:

“Kính lạy Bản cảnh hậu thổ thần linh chư vị:

Xin kính cáo: Hôm nay là ngày mười bảy tháng sáu, tang chủ là Lâm Khánh, người huyện Đường Lâm, thôn Hoài.

Nay có táng cố nhân tên là Lành, lâm chung ngày mười lăm ở khu đất này, kính dâng lễ vật, lễ nghi các thứ.

Thiết nghĩ: đất có dữ lành, đều do họa phúc. Kết phát dựa vào âm đức. Cũng nhờ thần lực hiển linh. Ấy thực thường tình. Xiết bao cảm cách. Những mong mồ yên mả đẹp. Vậy dâng lễ bạc lòng thành. Nhờ ơn đại đức. Thấu nỗi u tình. Khiến cho vong linh được yên nơi chín suối. Phù hộ dương trần con cháu nội ngoại bình yên.

Cẩn cáo.”

Đôi chữ “cẩn cáo” được thầy tư kéo dài ra để kết thúc cho lời khấn. Đứng gần đó cũng chỉ có cậu với vài thằng gia nhân, giữa cái khu đất lặng ngắt tựa như không có một chút chuyển động lại có thể khiến người ta thấy hơi lạnh sống lưng. Mấy nén nhang được thầy Tư cắm xuống, rồi thầy chấp tay ra sau lưng và bảo: “Chúng ta chuẩn bị tiến hành bước kế tiếp thôi!”
— QUẢNG CÁO —