Mối Tình Đứt Đoạn

Chương 2




Tôi và dì rời đi trước khi bác gái được đưa về nhà nên tôi không biết Thiện bị thương tích cỡ nào. Nỗi lo lắng cứ thôi thúc trong tôi, nhiều lúc muốn xin dì Phương đưa mình đến trước cổng nhà họ Trịnh nghe ngóng tình hình của anh, nhưng tâm trạng dì Phương không tốt, luôn tự trách bản thân về cái chết của bác gái nên tôi chẳng dám mở miệng đòi hỏi bất cứ điều gì.
Mới không gặp Thiện mấy ngày mà tôi nhớ anh kinh khủng, nhưng phải cố gắng tập quen với cuộc sống mới. Cứ tưởng cả đời sẽ không còn cơ hội gặp lại anh, không được sống chung dưới một mái nhà với anh nữa, nhưng bỗng một ngày bác trai xuất hiện tại trường học của tôi, nói rằng muốn đưa tôi về phòng trọ. Tôi ngây thơ không hiểu mục đích của bác trai nên đã chỉ đường cho bác ấy, và rồi cũng vì lần gặp này mà tôi và dì Phương một lần nữa quay trở về biệt thự nhà họ Trịnh.
Có điều quan hệ giữa tôi và Thiện không còn tốt như trước, anh ghét tôi, không muốn thấy tôi, không cho tôi được phép bén mảng lại gần anh. Tôi nhớ có lần gặp bài tập khó đem đến hỏi Thiện, anh đã gắt gỏng với tôi:
– Cút đi. Tôi đã nói với cô thế nào hả?
Tiếng nói lớn của Thiện khiến tôi run sợ, dè dặt nói:
– Em… em không biết làm bài này. Anh giảng cho em hiểu được không?
Hỏi bài chỉ là phụ, mục đích chính của tôi là muốn được gần gũi, thân thiết với Thiện giống trước kia, nhưng khi tôi chìa quyển vở ra, anh chẳng buồn liếc một cái đã hất văng xuống đất:
– Không hiểu là việc của cô. Tôi không có nghĩa vụ giảng bài cho cháu gái kẻ thù.
– Anh ơi… Anh không thích chơi với em nữa sao?
Đáy mắt tôi rưng rưng, chầm chậm tiến đến gần Thiện, bàn tay nhỏ bé vừa chạm vào cánh tay anh liền bị hất mạnh khiến tôi ngã xuống đất.
– Biến. Đừng có động vào tôi.
Thiện không đỡ tôi mà quát lớn:
– Cô nghe cho rõ đây. Tôi ghét cô, ghét hai mẹ con bà Phương. Vì các người mà tôi mất mẹ, cả đời này tôi vĩnh viễn không quên mối hận này. Dì cô là kẻ ăn cháo đá bát, cướp bố tôi, phá hoại hạnh phúc gia đình tôi, bây giờ còn mặt dày quay về đây. Cô lớn lên tốt nhất nên làm người đàng hoàng tử tế, đừng xấu xa, đê tiện giống dì cô.
– …
– Tôi nhắc lần cuối cho cô nhớ. Tránh ra tôi ra, bằng không chọc giận tôi, tôi sẽ đánh cô đấy.
Nói xong, Thiện dứt khoát bỏ về phòng để mặc tôi ngồi xụi lơ dưới nền gạch khóc sướt mướt. Anh không chỉ ghét tôi và mẹ con dì Phương mà thái độ với bác trai cũng xa cách bội phần, thậm chí Thiện còn chuyển hẳn qua căn biệt thự phụ phía Tây sinh sống. Ngay cả ngày lễ tết anh cũng chẳng đặt chân qua biệt thự chính mà ở bên đó đón tết một mình hoặc sẽ quay về nhà ngoại. Từ đó trở đi, tôi hiếm có cơ hội được đến gần Thiện, sợ làm anh khó chịu, bực dọc nên tôi chỉ dám đứng nép ở một góc khuất, lén lút quan sát mỗi khi anh ra ngoài.
Bác trai luôn quan tâm Thiện, đau lòng về cái chết của bác gái nên mặc cho anh có thái độ không đúng hay lạnh nhạt thì bác ấy cũng chưa một lần nổi nóng với anh. Không ít lần tôi thấy bác trai thở dài, nét mặt buồn bã mang đầy muộn phiền khi qua gặp Thiện.
Không rõ bác trai có yêu dì Phương không, nhưng tôi chắc chắn dì đã yêu người đàn ông này. Dì không cần danh phận, không cần tiền bạc vật chất mà chỉ muốn em Thảo được sống cùng bố cùng mẹ. Bác trai đối xử với mẹ con dì Phương và tôi rất tốt, địa vị của chúng tôi trong nhà họ Trịnh cũng khác xưa, nhiệm vụ của dì Phương bây giờ chỉ có chăm sóc Thảo và bác trai, những việc còn lại đều do giúp việc làm hết.
Năm em Thảo lên 5 tuổi, bác trai kết hôn với dì Phương, lễ cưới của họ vô cùng đơn giản, chỉ mở đúng 3 bàn tiệc nhằm mục đích thông báo họ hàng. Cũng vì thế Thiện càng thêm hận dì Phương, thất vọng về bố, đến đứa em gái cùng bố khác mẹ cũng bị anh ghét bỏ, chẳng buồn ngó ngàng đến.
Thời gian cứ thế trôi đi, chớp mắt tôi đã sống ở nhà họ Trịnh 10 năm. Được ăn sung mặc sướng nên tôi của bây giờ không còn dáng vẻ quê mùa như ngày đầu chân ướt chân ráo mới lên Hà Nội, mà đã trở thành một cô thiếu nữ 18 tuổi, cái độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Chẳng rõ từ bao giờ trái tim tôi luôn thổn thức, nhớ nhung người thanh niên 23 tuổi ở căn biệt thự phía Tây. Anh càng lớn càng đẹp trai, anh tuấn, tuy vẻ ngoài lạnh lùng, ít nói nhưng đó lại là điểm mạnh thu hút phái nữ.
Tôi âm thầm thích Thiện, tình cảm đó cứ ngày một lớn lên trong tim tôi. Tưởng rằng đời này chỉ có thể đem lòng yêu đơn phương người ấy, nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến việc được ở bên cạnh anh, được nắm tay, được anh ôm vào lòng. Nhưng rồi những sự việc sắp diễn ra đã thay đổi mối quan hệ giữa chúng tôi, thay đổi cuộc đời tôi mà không một ai lường trước.
Năm đó bác trai đổ bệnh, trước khi nhắm mắt bác rất mong nhận được sự tha thứ của Thiện, cùng anh tháo gỡ khúc mắc bao năm qua, cũng là muốn dặn dò anh một số chuyện. Có điều khi giúp việc sang biệt thự phụ gọi Thiện, anh nhất quyết không chịu gặp bố lần cuối, còn tàn nhẫn nói ra những câu tuyệt tình. Đương nhiên những lời đó chưa kịp truyền đến tai bác trai đã bị tôi chặn lại, tôi nhờ giúp việc giữ kín chuyện này, bảo cô ấy nói dối bác trai rằng Thiện đang bận chút việc, lát nữa sẽ tới gặp bác ấy. Còn tôi nhân thời gian đó lấy hết dũng khí tự mình tìm anh.
Vào đến phòng khách tôi liền trông thấy Thiện đang ngồi gác chân lên bàn, trong tay cầm một ly rượu, ánh mắt vô định nhìn về phía trước. Nghe tiếng bước chân, Thiện định thần trở lại, quay đầu phát hiện là tôi thì khẽ cau mày, ngữ điệu lạnh tanh:
– Ai cho cô sang đây? Biến.
Không hiểu vì tôi rất sợ Thiện, một cái nhíu mày của anh đã đủ làm tôi mất hết bình tĩnh chứ đừng nói là lớn giọng quát lớn.
Tôi cố gắng trấn an bản thân, hít sâu một hơi, nhỏ tiếng nói:
– Thiện! Bác trai muốn gặp anh, anh qua gặp bác ấy đi.
– Việc gì tôi phải gặp ông ấy?
– Bác ấy là bố anh mà, anh còn không qua sẽ hối hận đó.
Thiện đứng bật dậy, gắt gỏng nói:
– Lúc mẹ tôi chết ông ấy có hối hận về chuyện mình đã làm không? Hay chưa đợi mẹ tôi mất được 100 ngày đã vội đón người phụ nữ khác về nhà?
– Đã 8 năm rồi, anh không thể tha thứ cho ông ấy sao?
– Tha thứ? Không đời nào. Trừ khi mẹ tôi sống lại, bằng không cả đời này ông ấy đừng mong nhận được sự tha thứ của tôi.
Năm tôi mất bố mẹ khi ấy còn nhỏ nên nỗi đau đó chỉ trong thời gian ngắn chứ không âm ỉ, bám riết tôi nhiều năm như với Thiện. Nhưng tôi hiểu cảm giác đau đớn anh phải chịu suốt những năm qua. Mấy ai có thể chấp nhận được việc mình đang có một gia đình hạnh phúc bỗng chốc tan vỡ, mẹ gặp tai nạn, bố có con riêng, sau này còn kết hôn với người đã phá hủy mái ấm của mình. Mặc cho dì Phương thương Thiện thật lòng và hối hận về những chuyện năm đó thì anh cũng chẳng tha thứ cho dì ấy.
Tôi tiến lên hai bước, cánh môi vừa mấp máy, còn chưa kịp nói đã bị Thiện chặn họng:
– Cô tốt nhất nên biến về bên kia, đừng phí công phí sức khuyên tôi.
– Anh! Mẹ anh ở trên trời không muốn anh sống mãi trong thù hận với bố mình đâu. Thời gian của bác trai không còn nhiều, anh nể tình bác ấy là bố anh, gặp ông ấy một lần đi. Mẹ anh là người hiền lành, nhân từ, em tin là bác gái cũng mong anh bỏ chuyện cũ…
– Câm miệng.
Thiện quát lớn:
– Tô An Như, cô có tư cách gì nhắc đến mẹ tôi? Tôi nói cho cô biết, bà ấy đến lúc chết vẫn hận dì cô, không hề tha thứ cho ông ấy, thế nên tôi cấm cô lấy mẹ tôi ra nói đỡ cho bọn họ. Cô đừng tưởng bà Phương kết hôn với bố tôi, sinh cho ông ấy một đứa con gái thì mặc định là người nhà họ Trịnh, cùng đẳng cấp với tôi. Đợi đi, đợi ông ấy chết, tôi xem mấy người còn chỗ dựa không?
– Chẳng lẽ anh không đau lòng khi bác trai bị bệnh?
– Phải. Tôi chính là không đau lòng đấy.
Tôi không tin Thiện là người máu lạnh, vô tình như thế. Có người con nào mà không thương bố mẹ cơ chứ? Cho dù anh giận bác trai thì tận sâu trong trái tim chắc chắn vẫn lo lắng.
Tôi khuyên không được Thiện lại chẳng muốn bỏ cuộc nên mặt dày xin anh hãy nghĩ đến công sinh thành. Vì tôi lảm nhảm quá nhiều, Thiện cảm thấy phiền và không thích nghe nên luôn miệng đuổi tôi. Có điều nói suông tôi không chịu đi, anh liền dùng đến sức lực.
Thiện muốn đẩy tôi ra ngoài nhưng tôi nhất quyết bám chặt vào thành ghế, tôi nói:
– Thiện, anh suy nghĩ lại đi. Em xin anh đó.
– Câm miệng.
– Không. Em phải nói cho đến khi anh chịu gặp bác trai mới thôi.
– Biến đi cho khuất mắt tôi.
– Tại sao anh lại vô tình như vậy? Trịnh Minh Thiện dễ gần, thân thiện, sống tình cảm hồi nhỏ em quen đâu rồi?
Thiện dừng lại động tác, đôi mắt anh sâu đen hun hút nhìn thẳng vào đôi đồng tử của tôi, trả lời:
– Trịnh Minh Thiện cô quen đã chết từ 8 năm trước rồi. Tôi không còn là đứa trẻ vô tư năm đó, trong tôi giờ đây chỉ có hận thù cùng những dối trá, mưu mô mà thôi. Cô nghe rõ chưa?
– Không. Em không tin.
– Tôi không cần cô phải tin. Biến.
Thiện mạnh mẽ kéo tôi tống ra ngoài, đóng sập cửa lại. Qua lớp kính dày, tôi thấy rõ sự kiên định đến tuyệt tình như thể anh hoàn toàn không bận tâm đến sống chết của bác trai.
Tôi đã cố gắng thuyết phục Thiện nhưng kết quả không như mong muốn, sau cùng đành thất vọng quay về biệt thự chính.
Tại phòng ngủ, bác trai hơi thở yếu ớt nằm trên giường, bên cạnh là dì Phương và em Thảo, cùng những người làm lâu năm. Dì nắm tay chồng, hai mắt ướt đỏ khóc sướt mướt không ngừng, xin bác ấy đừng bỏ hai mẹ con.
Bác trai khó khăn nói:
– Anh biết bao năm qua em luôn áy náy về cái chết của Linh, nhưng người có lỗi là anh, em đừng dằn vặt bản thân mình nữa. Sau khi anh chết, hứa với anh, mẹ con em phải sống vui vẻ, chăm sóc tốt cho Thảo và… đừng chấp nhặt với Thiện. Tuy ngoài mặt thằng Thiện lạnh lùng, hay nói những lời khó nghe nhưng tâm địa nó tốt chứ không xấu. Dù sao Thảo cũng là em gái nó, Thiện sẽ không tàn nhẫn với con bé đâu.
– Em chưa từng giận hay ghét vì thái độ của Thiện, em luôn coi Thiện là người thân nên dù Thiện có đối xử với em ra sao, thì em cũng không trách cậu ấy.
Bác trai gượng cười nhưng đáy mắt không giấu nổi nét buồn bã. Có lẽ là vì đến giây phút gần cuối đời không được nhìn mặt con trai lần cuối, không nhận được sự tha thứ của anh nên bác chẳng yên lòng. Bác ấy nhìn đến người làm ban nãy đi gọi Thiện như mong chờ kết quả từ lời nói dối rằng lát nữa xong việc anh sẽ qua ngay. Thế nhưng kể từ lúc người làm quay lại, cộng với khoảng thời gian tôi trực tiếp đi gọi anh, đến giờ đã hơn 30 phút mà Thiện vẫn chưa xuất hiện.
Bác hẳn đã đoán ra Thiện sẽ không tới nên viền mắt chợt nhuộm đỏ, tiếp đó một giọt nước khẽ tràn khỏi khóe mắt. Sống ở đây 10 năm, tôi sớm đã coi bác trai là người thân máu mủ nên thấy bác khóc thì không cầm lòng nổi, vừa định lên tiếng kiếm đại lý do nói giúp Thiện thì một thân ảnh quen thuộc bất ngờ bước vào.
Trên gương mặt điển trai không mảy may biểu cảm, anh quét mắt quan sát xung quanh một vòng rồi dừng tại chỗ bố, ngữ điệu lạnh nhạt nói:
– Ra ngoài.
Mọi người lập tức rời đi, mẹ con dì Phương cũng biết ý nhường lại không gian riêng cho hai bố con Thiện nói chuyện. Tôi rất vui vì anh chịu tới gặp bác trai, điều đó chứng tỏ trong lòng anh vẫn luôn có bố và tôi mong rằng anh sẽ tha thứ chuyện năm xưa để bác ấy yên tâm nhắm mắt.
Thiện ở bên trong khoảng 30 phút mới ra ngoài, tôi thấy đáy mắt anh phảng phất nét u buồn nhưng rất nhanh biến mất. Anh hít sâu một hơi, giọng nói nặng nề thông báo với mọi người:
– Ông ấy… mất rồi.
Dì Phương bật khóc nức nở, chạy vào phòng với bác trai. Trên dưới biệt thự ai ai cũng tiếc thương trước sự ra đi của bác ấy, đến cả người làm dù là nam giới cũng không kìm nổi cảm xúc. Ấy vậy mà Thiện chẳng rơi bất kì giọt lệ nào, tôi thậm chí còn chẳng thấy viền mắt anh ửng đỏ, thái độ dửng dưng, thờ ơ như thể người mất không phải là bố đẻ của anh.
Một tuần sau khi bác trai qua đời, luật sự đến thông báo di chúc. Thiện vốn không thích hít chung bầu không khí với dì Phương và hình như đã biết trước sắp đặt của bố hoặc anh căn bản không quan tâm nên không có mặt. Theo như di chúc, bác trai để lại căn biệt thự chính cùng 10% cổ phần của Tập đoàn T – Group cho Thảo và mảnh đất rộng 300 mét vuông ở Đà Nẵng cho dì Phương, còn những tài sản khác và cổ phần của bác trai ở Tập đoàn thì chuyển nhượng hết cho Thiện.
Nghĩ mình không xứng đáng với những thứ bác trai cho nên dì Phương chỉ lấy mảnh đất còn lại sẽ giao Thiện, đợi sau khi việc của bác trai ổn định, chúng tôi sẽ chuyển đến Đà Nẵng. Thế nhưng Thiện không cần, anh nói:
– Ông ấy cho cái Thảo, không phải bà, bà không có quyền quyết định thay con bé. Còn nữa, căn biệt thự này từ lâu đã không còn là nơi tôi muốn đặt chân tới nên bà có đi đâu thì nó cũng bị bỏ trống thôi.
Thiện đã nói như vậy mà dì Phương cũng không nỡ rời đi khi chồng vừa mất, dì muốn được ở lại đây lo cho hương hỏa bố mẹ Thiện, bình yên chăm sóc Thảo khôn lớn. Có điều chuyện buồn cứ liên tiếp ập đến khiến chúng tôi trở tay không kịp, vô tình cuốn tôi vào sóng gió, cho tôi được nếm đủ mùi vị đắng, cay, mặn, ngọt của đời người.
Tôi nhớ như in đêm hôm ấy, một ngày sau lễ 49 ngày bác Quang mất, chú Minh – em trai cùng bố khác mẹ với bác trai, vì lý do có công việc ngoài Hà Nội nên muốn ở lại biệt thự ít hôm. Theo lẽ mà nói sẽ chẳng ai cấm cản hay có ý đuổi ông ta đi, nhưng nếu là người biết ý tứ thì ông ta nên qua bên nhà Thiện thay vì ở lại biệt thự chính chỉ toàn là nữ giới. Chưa kể tôi cảm thấy ánh mắt ông Minh khi nhìn tôi không được đứng đắn nếu không muốn nói là dâm dục.
Và rồi nghi ngờ đó là hoàn toàn đúng.
Khi sự tĩnh lặng của màn đêm bao phủ khắp biệt thự, tôi vừa học bài xong đang chuẩn bị sách vở cho ngày mai thì bên ngoài có tiếng gõ cửa. Tôi tưởng dì Phương nên đi tới mở cửa, ngờ đâu người xuất hiện trước mắt mình lại là ông Minh. Tôi thoáng chút sợ hãi định đóng sập cửa lại, nhưng chợt thấy làm vậy sẽ rất mất lịch sự, lỡ như ông ta không phải người xấu như tôi nghĩ thì sao. Vả lại biệt thự này giờ đã thuộc quyền sở hữu của mẹ con dì Phương, tôi cũng được xem như cháu gái chủ nhà, ắt hẳn ông Minh không to gan đến mức làm điều xằng bậy đâu.
Tôi cố tỏ ra bình tĩnh, hỏi ông ta:
– Chú… chú có việc gì sao ạ?