Sáng hôm sau, hai mắt Phúc lơ mơ mở ra. Bà Trinh thấy trước tôi, bà ấy lập tức đứng dậy, vừa cười vừa khóc, dùng giọng mũi nói với anh:
– Phúc… con tỉnh rồi… tỉnh rồi phải không con?
Phúc gật nhẹ, anh xoay đầu như tìm kiếm ai đó. Tôi nín lặng cảm xúc mừng rỡ trong lòng, bước lại gần Phúc. Hai mắt anh lập tức sáng lên, trái tim tôi như mềm nhũn, hai chân muốn bay đến bên anh. Khi nãy bà Trinh bảo tôi đi mua sữa rồi pha cho anh chờ anh tỉnh lại, bà chỉ nói vậy thôi mà đúng là anh tỉnh lại thật khi tôi còn đang pha dở cốc sữa ấm.
– Anh… anh tỉnh rồi! Em mừng quá… hức hức…
Đôi môi tím tái khô khốc, Phúc gượng nở một nụ cười như trấn an mẹ anh và tôi. Run run anh vươn tay phải về tôi, tôi liền nắm lấy bàn tay lạnh giá của anh, áp lòng bàn tay anh lên má tôi, nhắm chặt mắt để cảm nhận anh đã thực sự trở lại với tôi sau những giây phút đớn đau tưởng chừng sinh ly tử biệt. Hạnh phúc… tôi không biết chính xác hạnh phúc là gì, chỉ biết giây phút này, tất cả mọi điều trên đời đều chưa từng đem cho tôi niềm vui lớn như hiện tại. Phúc không bỏ tôi… anh đã chiến thắng tử thần mà ở lại với tôi… Liệu còn có niềm vui nào lớn hơn cho tôi nữa?
– Đừng… khóc!
Phúc mấp máy môi. Mẹ anh càng khóc to hơn, lại cười to hơn. Chắc hẳn bà ấy cũng chưa bao giờ vui như lúc này. Bà ấy cúi xuống hôn lên trán anh âu yếm như hôn trẻ nhỏ, vừa gạt nước mắt vừa nói:
– Không khóc là thế nào… mẹ tưởng mày bỏ mẹ bỏ vợ mày mà đi rồi đấy! Ơn giời phúc nhà họ Lê của cha con mày vẫn còn lớn lắm!
Bà ấy còn vui đến cười toe toét miệng, sức khỏe cũng tốt hơn từ lúc nào trước sự hồi phục nhanh chóng của Phúc những ngày sau đó. Sức bật của thanh niên bao giờ cũng là tốt nhất. Hai tuần sau đó, bác sĩ đến thăm khám cho anh, hài lòng phán:
– Thứ hai tới bệnh nhân có thể ra viện, chú ý vận động!
Tôi vừa mỉm cười với Phúc, vừa vâng dạ cảm ơn bác sĩ. Từ lúc Phúc tỉnh lại bà Trinh để tôi chăm sóc Phúc hoàn toàn, ngày một lần bà ấy qua thăm anh một lúc rồi lại về. Vừa vì sức khỏe bà ấy không tốt, vừa vì bà ấy nói “Vợ chăm chồng là nhất”. Thế nên tôi luôn ở bên Phúc, chăm sóc cho anh từng chút, vừa là trách nhiệm lại vừa là niềm hạnh phúc vô bờ bến của tôi.
Phúc đã sớm đi lại được nên tôi chăm anh cũng không mấy cực khổ, chỉ đỏ mặt mỗi khi tắm cho anh mà thôi. Da mặt anh cực kỳ dày, cứ thoải mái bày tỏ phản ứng cơ thể trước đôi má hồng rực của tôi, còn tự hào vô cùng về kích thước của “nó”, còn vô sỉ nói:
– “Nó” muốn em lắm rồi, em xin bác sĩ cho anh về đi!
Chính vì thế, anh chủ động xin bác sĩ cho về sớm ngay từ ngày thứ mười nằm viện. Bác sĩ châm chước lắm thì ngày thứ mười lăm anh mới được đồng ý. Bình thường phải một tháng đổ ra bệnh nhân mới có thể về nhà!
– Bác sĩ nói… cần chú ý vận động!
Tôi lo lắng nói khi cánh cửa phòng ngủ sập lại, Phúc ôm lấy tôi từ phía sau, cúi xuống, đôi môi mơn man má tôi.
– Kệ… nhớ vợ chết mất rồi!
Tôi ậm ừ chiều theo anh, cùng anh âu yếm mặn nồng sau bao ngày chờ đợi. Kết quả, vết thương trên ngực anh lại rỉ máu, tôi tái xanh tái xám mặt mày, cắn răng cắn lợi nhất quyết bắt anh phải dưỡng thương thêm. Dù anh không thích nhưng cũng đành chịu, chấp nhận nhất nhất nghe lời tôi.
Những ngày Phúc dưỡng thương, bà Trinh thay Phúc điều hành công ty Tâm Đức. Bao năm tháng làm vợ lão Tiến, bà đã học cách kinh doanh để cùng điều hành Hồng Anh với chồng. Bà không đồng ý cách kinh doanh bẩn của ông ta nhưng do nể chồng mà bà không phản kháng mạnh mẽ, chỉ lui về chăm sóc gia đình, không tham gia kinh doanh nữa. Việc lão Tiến phải đi tù để trả giá cho những tội lão gây ra với bà suy cho cùng cũng là xứng đáng.