Sáu năm trời sống cảnh goá bụa ở Phủ Hi Bình Hầu, rốt cuộc nhận được một món quà từ phu quân. Là chiếc hộp gấm, gói ghém một lá thư.
Ta thích vô cùng. Ngày nhận được nó, chỉ cảm thấy đất trời thênh thang hơn. Thế mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày hôm sau đã nghe tin hắn xảy ra chuyện.
Phu quân ta, thế tử của Hi Bình Hầu, giữ chức quan tam phẩm, An Viễn tướng quân Tống Diệu Xuyên, tư thông với Công chúa Bắc Địch, bị tình nghi phản quốc.
Chưa có bằng chứng xác thực, nhưng thánh thượng nổi trận lôi đình, Tống gia bị thu hồi chức quan, bãi bỏ tước vị.
Cha chồng ta có chút thế lực trong triều, hơn nữa còn là đường đệ của Thái hậu đương triều. Thuở nhỏ, ông và Thái hậu cùng lớn lên dưới sự săn sóc của tổ phụ tổ mẫu, thân thiết như ruột thịt.
Không ít quan viên lên tiếng cầu xin giúp phu quân ta, Thái hậu cũng phái người đi cậy nhờ khắp nơi.
Phủ Hi Bình Hầu chỉ là bãi bỏ tước vị, không bị soát nhà, nhưng phủ đệ được ban tặng sắp bị thu hồi, nội trong ba ngày phải chuyển khỏi Hầu phủ.
Nhà chính hỗn loạn, nháo nhào.
Cha chồng tức đến sinh bệnh, mê man nằm liệt giường, mẹ chồng thu dọn rương hòm, giải tán phần lớn đám đầy tớ.
Khi đến nhà chính, mẹ chồng hỏi ta: "Tranh Nhi, con thu dọn ổn thoả chưa?"
"Xong xuôi rồi mẹ." Ta trả lời.
Cha mẹ chồng đối đãi ta như con gái ruột, ta trước nay cũng không tị hiềm, ngồi cạnh giường cha chồng, bắt đầu châm cứu cho ông.
Ngừng châm hai khắc, cha chồng mới từ từ hồi tỉnh, khạc ra một ngụm đờm đặc, rồi giàn giụa nước mắt: "Tên nghịch tử này, ta quả thật nên đánh chết nó!"
"Cha bảo trọng, ngày tháng sau này còn dài." Ta khuyên nhủ: "Một nhà lớn bé đều trông cậy vào người."
Dưới ta có bốn tiểu thúc, cùng hai tiểu cô đợi xuất giá. Cả nhà vẫn cần cha chồng chống đỡ.
Cha chồng tạm thời nguôi ngoai, nhờ con trai thứ dìu ra ngoài để thu xếp việc chuyển nhà.
Từ Hầu phủ xa hoa dưới chân hoàng thành, bọn ta chuyển đến một con hẻm nhỏ đông đúc.
Ngôi nhà tươm tất, nhưng khó lòng bì nổi với khí thế của Hầu phủ, ta được phân vào khoảng sân nhỏ yên tĩnh và trang nhã nhất ở phía Tây.
Nơi đó tên "Như Trúc Đường".
Nửa tháng sau, phu quân ta được đưa về nhà.
Lần nữa gặp lại hắn, quả thật nhếch nhác khó coi. Toàn thân chi chít vết thương, cánh tay phải càng nghiêm trọng hơn, gần như tàn phế, phải nhờ vào mấy thuộc cấp thân tín cõng về.
Cha chồng mắng nhiếc hắn, mẹ chồng thờ ơ nhìn hắn, mấy tiểu thúc tiểu cô trốn đi mất dạng.
"Tìm gian nhà ở sân sau cho nó dưỡng thương." Cha chồng nói.
Ta lên tiếng: "Như vậy không ổn lắm. Trước hết hãy đưa phu quân vào cung, để Bệ hạ gặp chàng đã."
Cha chồng lưỡng lự. Ông sợ đụng chuyện phiền phức.
Thánh tâm khó đoán, nếu chẳng may khiến ngài nổi giận, hậu quả thật khôn lường.
Ta kiên trì thuyết phục: "Dù Bệ hạ giáng tội lần nữa, nhưng đợi ngài hả giận rồi, chúng ta còn có cơ hội trở mình. Bằng không, đời đời kiếp kiếp đều phải sống ở con hẻm nhỏ này."
Mẹ chồng luôn ủng hộ ta: "Đưa tên nghịch tử kia đến cổng Nam Dương. Bệ hạ không chịu gặp nó, thì cũng gọi quan viên qua lại đến xem cái bộ dạng này của nó."
Tống Diệu Xuyên thua trận, cả người lôi thôi, lếch thếch.
Hắn, một tướng quân thành danh từ trẻ, nay bị phế một cánh tay, chán nản nằm đó, hai mắt vô thần, trông như cái xác không hồn.
Vì hắn gánh trên lưng mối hiềm nghi cấu kết với Bắc Địch, dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng đã niêm phong Tống gia, liệu có quá hà khắc không?
Tống gia khiêng phu quân ta đến cổng Nam Dương, ta và cha mẹ chồng cùng hai tiểu thúc đã thành niên, đều quỳ trước ngưỡng cửa cung.
Bệ hạ từ chối gặp mặt, sai đại thái giám thân cận ra quở trách cả nhà ta thậm tệ.
Ta không đi.
Thấy ta kiên quyết như vậy, cha mẹ cũng quỳ cùng ta. Quan viên hạ triều trông thấy cảnh tượng này, nhiều người thì thầm to nhỏ rồi e dè tránh xa. Không ai dám tiến tới nói một lời với bọn ta.
Đêm lạnh buốt, cái lạnh cắt da thấu xương. Phu quân ta nằm trơ trên chiếu rơm, mặt mày dần xanh mét, mà hắn cũng đông cứng như thể đã bất tỉnh, tay chân chẳng thấy cựa quậy.
Đến canh ba, cánh cổng nơi góc hoàng cung hé mở, thấp thoáng hai bóng người bước ra, Thái tử áo hoa gấm vóc, cùng một tiểu thái giám cầm đèn theo bên cạnh, bảo với bọn ta: "Về đi. Thái hậu nghe nói mọi người còn quỳ, cứ khóc mãi không thôi."
Chuyện đến bước này, cũng nên biết chừng mực, ta dìu mẹ chồng đứng dậy, nhờ hai tiểu thúc khiêng vị phu quân thân tàn ma dại lên, lục tục quay về.
Nhưng Thái tử gọi ta lại.
Huynh ấy nói: "Tranh Nhi, đừng càn quấy, phụng dưỡng tốt cho cha mẹ chồng."
Huynh ấy là biểu ca của ta. Mẹ ta là di mẫu của Thái tử, đồng thời là biểu muội của mẹ ruột huynh ấy, Hoàng hậu Nhân Chiêu.
Ta cúi đầu tiếp thu, sau đó hành lễ lui xuống.
Huynh ấy lại gọi ta một tiếng: "Tranh Nhi?"
Ta dừng bước, quay đầu nhìn, khuôn mặt kia chìm trong mảng tối ảm đạm dưới mái hiên cổng Nam Dương, mờ mờ ảo ảo. Huynh ấy cao gầy mảnh khảnh, đèn lồ ng trong tay tiểu thái giám không thể chiếu rọi từng đường nét.
"Trời khuya lạnh giá, mau trở về đi." Huynh ấy dặn dò.
Ta lại hành lễ cáo lui.
Con hẻm nhỏ đông đúc nơi bọn ta ở, rốt cuộc vẫn chật như nêm, hai tiểu thúc chưa thành niên chen chúc trong một sân, hai tiểu cô cũng chỉ quẩn quanh một góc sân khác nhỏ hơn.
Vì không tài nào dọn thêm gian nhà trống, nên ta đồng ý sắp xếp cho Tống Diệu Xuyên dưỡng bệnh trong một phòng ở phía tây Như Trúc Đường.
Mấy ngày tiếp theo, cả kinh thành đều bàn tán về Tống gia, nhưng Tống Diệu Xuyên vẫn như cái xác không hồn, không ăn, không uống, không động đậy.
Cha mẹ mắng mỏ, trách móc hắn nhưng lòng đau đến mất ăn mất ngủ.
Ta hỏi một tâm phúc đi theo Tống Diệu Xuyên.
"Tướng quân có một ái thiếp, nàng theo tướng quân hơn năm năm rồi, nhiều lần ra chiến trường lập công, đa mưu túc trí, thông thạo binh pháp, còn từng sảy thai hai lần, nàng không phải gian tế, càng không phải Công chúa Bắc Địch."
Tâm phúc kia kể lể, nói xong lại hối hận vì lỡ lời, cứ thấp thỏm đưa mắt nhìn ta.
Ta biết, Tống Diệu Xuyên đến Bắc Cương dẹp loạn, suốt sáu năm chẳng hẹn ngày về, không chỉ vì Bắc Địch khó đối phó, mà chủ yếu vì hắn có một gia đình ở đó.
"Nhưng triều đình nhận định nàng là Công chúa Bắc Địch." Ta đáp.
Tâm phúc của Tống Diệu Xuyên cực kỳ kích động, nói tuyệt đối không có khả năng đó.
"Lần này đại bại, nguyên cớ do đâu?" Ta hỏi hắn.
Phó tướng kia giải bày: "Nội bộ phe ta có mật thám, đánh cắp bản đồ bố trí lực lượng phòng thủ."
"Tra ra mật thám chưa?"
"Vẫn chưa."
Trận này thua thảm hại, 30 vạn đại quân, tổn thất hơn phân nửa, còn mất đi hai thành trì. Sau đó, triều đình thay đổi tướng lĩnh, mới ổn định được cục diện, thu hồi các thành trấn đã mất.
Tống Diệu Xuyên là tội nhân.
Có thể do hắn quá kiêu ngạo về chiến tích trăm trận trăm thắng, mới dẫn đến sơ suất tai hại như thế.
Triều đình không xử trảm hắn, không tru di Tống thị và cả tộc nhà ta, quả thật đều nhờ long ân cuồn cuộn của hoàng gia.
Ngày thứ chín Tống Diệu Xuyên giả chêt, ta sai người ném hắn ra ngoài sân.
Giữa trời đông khắc nghiệt, từng cột băng treo mình dưới mái hiên hệt như rèm cửa, cái lạnh tê tái bao trùm cả không gian.
Ta tự tay tạt một gáo nước lạnh.
Cuối cùng hắn cũng động đậy.
"Tôn Tẫn tàn nhưng không phế, mưu kế biến hóa khôn lường; Tử Trường suy yếu, vẫn trở thành một sử gia độc nhất vô nhị. Chàng chỉ hỏng cánh tay phải, nhưng thân thể còn khoẻ mạnh. Nếu đêm nay không thể chêt cóng ở trong sân, thì sáng mai chỉnh đốn lại cho ta, bắt đầu luyện tập cánh tay trái đi." Ta nói.
Tống Diệu Xuyên nằm đông cứng trong sân suốt một đêm. Hôm sau sốt đến nóng bừng. Trạng thái của hắn không còn thờ ơ, vô cảm mà đã chuyển thành phẫn nộ.
Ta đưa cho hắn một viên Tử Tuyết Đan, loại thuốc chuyên dùng hạ sốt.
Hắn bộc phát hết cảm xúc, sau đó tắm rửa tỉnh táo, thay bộ y phục sạch sẽ, ra gặp cha mẹ để khấu đầu tạ tội.
Hắn thừa nhận sai lầm.
Là hắn đã hại những binh sĩ theo hắn chừng ấy năm, hại bao bách tính ở biên thành, còn hại cả Tống gia.
Cha mẹ không trách mắng nữa, chỉ nói với hắn một câu: "Nếu con chịu oan, thì đứng dậy báo thù. Đừng chêt một cách hèn nhát, để lại Tống gia bị bêu danh muôn đời."
Cánh tay phải của Tống Diệu Xuyên, được ta tiến hành châm cứu để lưu thông máu. Song song đó, ta còn mời sư phụ Lý Canh Điền, đệ nhất cao thủ đoản đao, đến dạy hắn cách dùng đao bằng tay trái.
Ngày tháng cứ thế trôi qua.
Khi tay phải của hắn có thể cầm đũa, đã là tháng ba năm sau, xuân về hoa nở.
Hắn hỏi ta: "Nàng tên Tô Tranh phải không?"
Ta mỉm cười.
"Không phải."
2.
Nhũ danh của ta là Tranh Nhi.
Nhưng tên ta không phải Tô Tranh, thậm chí không phải họ Tô. Ta tên là Vương Hoành.
Ta thành thật nói với Tống Diệu Xuyên.
Hắn nghe xong, thần sắc hờ hững, khuôn mặt chẳng có nửa phần gợn sóng, chỉ gật đầu nói: "Ta nhớ rồi."
Hắn lại hỏi: "Vương Hoành, tại sao nàng gả cho ta?"
"Là mong muốn của mẹ ta." Ta trả lời.
Hắn hỏi: "Ta nhớ đêm trước ngày đại hôn, ta phụng chỉ xuất trận, nàng là do nhị đệ ta ôm áo mũ của ta ra bái đường. Hơn sáu năm rồi, sao nàng không rời đi?"
Ta im lặng.
Hắn tự trả lời: "Cũng là ý của nhạc mẫu sao?"
"Không, đó là nguyện vọng của bản thân ta." Ta nói với hắn.
Hắn hơi nghi hoặc.
Hắn từng là chàng thiếu niên toả sáng nhất kinh thành. Mười ba tuổi ra chiến trường, một tay cầm trường đao nặng sáu mươi cân, lấy thủ cấp của kẻ thù, vang danh khắp thiên hạ.
Hắn là thế tử của Hi Bình Hầu, cháu trai của Thái hậu. Hắn thừa hưởng dung mạo từ mẹ, dáng vẻ anh tuấn bất phàm, hắn thông minh tuyệt đỉnh, đã đánh tất sẽ thắng.
Mấy cuộc thảo luận thân mật nơi khuê phòng, không khi nào thiếu vắng tên hắn.
Ta xuất thân danh gia vọng tộc, nhà mẹ hiển hách, mới có thể nổi bật trong nhóm tiểu thư khuê các, trở thành thê tử của Tống Diệu Xuyên.
"Nàng còn trẻ, đáng lẽ nên rời đi, không cần phải chịu khổ cùng bọn ta." Hắn nói.
Ta biết hắn đang thăm dò.
Ta không lên tiếng.
Hắn tiếp lời: "Lý sư phụ nói, người không phải coi trọng gia thế của nàng, mà coi trọng nàng, nên mới bằng lòng đến dạy ta. Làm sao nàng quen được đao khách nổi danh thiên hạ thế?"
Vấn đề này, ta trả lời hắn.
"Con gái ông ấy mắc bệnh nguy kịch, là ta đã chữa khỏi."
"Nàng rất giỏi y thuật."
Một câu trần thuật. Bởi cánh tay phải của hắn có thể cầm đũa như hiện giờ, chính là kết quả từ quá trình châm cứu của ta.
"Ta còn giỏi thêu thùa cơ." Ta nói.
Hắn mỉm cười.
Nụ cười rất khẽ, tựa cơn gió la đà qua mặt hồ, nhẹ cuốn những gợn sóng li ti.
Từ sau khi trọng thương trở về, đây là lần đầu tiên hắn mỉm cười.
Trong triều liên tiếp xảy ra chuyện lớn, phía Bắc Địch gây rối ở biên cương. Vị tướng thay thế Tống Diệu Xuyên bị người Bắc Địch ám sát, triều đình vô cùng đau đầu về chuyện này.
Hoàng đế càng ghi hận Tống Diệu Xuyên, cho rằng hắn tư thông b án nước, vỗ béo đám người Bắc Địch.
Ngoài chuyện xâm phạm biên cương, trong triều cũng có đại thần bị phát hiện tham ô.
Ngày tháng ở con hẻm nhỏ đông đúc, cứ lững lờ trôi qua từng chút.