Mùa Hạ Năm Xưa

Chương 22: Mảnh Vỡ



Khi cậu về thì trời đã nhá nhem tối, nhiều ngôi nhà trong xóm đã sáng đèn. Tiếng nói chuyện và cười đùa liên tục vọng ra, chốc chốc không biết trẻ con nhà nào lười ăn bị người lớn quở mà khóc ré lên, lại thêm tiếng xe cộ ngoài đường vào giờ tan tầm tạo nên âm thanh ồn ào hỗn loạn khiến người ta có cảm giác đau đầu và mệt mỏi.

Hoài An khép cửa nhà, mọi âm thanh bên ngoài dường như cách một cánh cửa bỗng trở nên xa vời, bên tai chỉ đọng lại tiếng xào nấu và mùi thơm của thức ăn khiến cái bụng nhỏ của cậu gào thét biểu tình.

Anh cậu đang đứng dưới bếp nấu ăn, nghe tiếng cửa mở biết rằng cậu đã về, liếc mắt thấy bịch muối sắp hết, sai vặt cậu: "An! Qua nhà bà Dân mua cho anh bịch muối, nói mua thiếu nhé, lát mẹ về trả tiền."

Hoài An đang vô cùng mệt mỏi, cậu bây giờ không muốn động tay làm gì cả. Nhưng anh mình đang cần gấp mà cậu không đi thể nào cũng bị mắng, đành phải xốc lại tinh thần mệt mỏi, chán chường, ra ngoài.

Bà Dân bán tạp hóa ngay đầu xóm, chỉ cách nhà cậu hơn hai trăm mét. Đến tiệm của bà thì cậu phải đi ngang qua nhà Khôi Vĩ, Hoài An biết chắc chắn bây giờ cậu ta đang học võ trên trường, lúc đi qua cậu cũng không có ý định nhìn vào kiếm nó làm gì. Thường những điều không ngờ thường bất ngờ gặp, cậu giật mình nghe thấy tiếng chén bát vỡ nát, tiếng cãi nhau vô cùng lớn của hai người lớn vọng từ trong nhà ra. Biết rằng bản thân không nên nhiều chuyện nhưng cái tính tò mò thôi thúc, cậu bất giác đi lại gần nhìn vào nhà để xem tình hình bên trong.

Người trong xóm khi nghe tiếng động lớn cũng tụ tập xung quanh nhà ngày càng nhiều, có người nhiều chuyện đứng trong hiên nhà nghiêng hẳn người ra xem, lâu lâu còn ngoắt một người gần đấy hỏi chuyện nhưng chẳng ai có câu trả lời.

Cánh cửa vẫn đóng im ỉm, ánh đèn lấp ló sau bức rèm cùng âm thanh cãi nhau ngày càng to đã thông báo cho mọi người biết rằng trong nhà cuộc cãi vã đang ngày càng căng thẳng.

Hoài An cố gắng vẫn không nghe rõ nội dung cuộc cãi cọ, nhưng từ những tiếng đổ vỡ, tiếng la hét của người phụ nữ và tiếng gào chửi rủa của người đàn ông báo đã cho cậu biết cuộc cãi vã bên trong không hề nhỏ. Lát sau trong nhà truyền đến tiếng khóc lóc đầy thảm thiết của người phụ nữ, có lẽ là mẹ của Khôi Vĩ.

Trong lòng cậu vô cùng sợ hãi và lo lắng, nhưng bản thân cũng không biết phải làm sao, bỗng có một chú nhà bên cạnh đến đập cửa, tiếng khóc trong nhà lập tức im bặt.

Một lúc sau thì có một giọng nói của người đàn ông từ trong nhà vọng ra, giọng ông ta vì gào lớn mà trở nên khản đặc, thô lỗ bảo bọn họ cút về nhà, đừng lo chuyện bao đồng nữa. Người nghe thấy cũng cảm thấy tức giận và khó chịu vì cái thái độ cục mịch này, nhưng vì là chuyện gia đình người khác, họ cũng không thể xen vào một cách tùy tiện được. Đám người xung quanh khuyên nhủ vài câu rồi cũng tản ra làm việc của mình.



Hoài An đành xoay người đi đến tiệm tạp hóa. Cậu không biết đã có chuyện gì xảy ra, trong lòng hơi lo lắng cho thằng bạn thân của mình.

Lúc cậu mang bịch muối về đến nhà thì cũng là lúc anh vừa nấu xong món xào. Thấy cậu chạy vào bếp, anh liền cằn nhằn: "Em đi mua có bịch muối mà sao lâu quá vậy?"

Trong lòng Hoài An bồn chồn, ấp úng mãi mới kể việc mình vừa thấy cho anh nghe, chỉ thấy mày anh chau lại, ánh mắt cũng hiện lên vẻ lo lắng. Ngẫm nghĩ một lúc, anh bèn đặt tay lên vai cậu dặn dò: "Em muốn tốt cho Vĩ thì đừng kể cho cậu ta biết"

Thấy Hoài An ngẩng đầu nhìn lên bằng ánh mắt khó hiểu, anh mới giải thích: "Có những chuyện nếu em nói ra thì sẽ phá vỡ cuộc sống của người khác. Các em có thể chia sẻ chuyện của nhau nhưng phải là chính cậu ta chia sẻ với em, còn nếu bản thân em đi hỏi hay nói về chuyện mà họ không muốn đề cập thì sẽ biến thành tọc mạch chuyện của nhà người khác. Có lẽ chính bản thân cậu ta biết rồi nhưng Vĩ không muốn nhắc đến thôi."

"Vậy Vĩ biết rồi hả anh?"

"Anh không rõ." Ánh mắt của anh hiện lên sự thương cảm, có lẽ là dù cho đã biết hay chưa thì gia đình cậu ta đã có vết nứt, vết nứt đó ngày càng lớn dần theo thời gian. Đến ngày nào đó, chỉ cần một sự đụng chạm nhỏ bé cũng khiến nó vỡ tan tành thành từng mảnh nhỏ.

Khi mặt trăng bắt đầu hiện rõ trên bầu trời đêm, đèn cũng bắt đầu rọi khắp con hẻm nhỏ bé. Xe cộ đi lại cũng ít dần thay vào đấy là những người ở độ tuổi trung niên tụm năm tụm ba lại với nhau vừa nói cười rôm rả vừa đi dạo.

Khôi Vĩ cầm theo một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật nhỏ đi cách đám người đó hai ba mét. Như có gì mách bảo, một bác gái quay ra đằng sau nhìn nó một cái, rồi cái giọng oang oang cả xóm đều nghe thấy bỗng nhiên nhỏ lại, tiếng trò chuyện rôm rả vừa rồi cũng theo đó biến mất. Khôi Vĩ im lặng cả dọc đường, mắt điếc tai ngơ không quan tâm đến những người đi trước đang nói gì, nó như một bóng ma u uất lặng lẽ theo sau. Đi được một lúc thì nó tách ra, dừng chân trước một căn nhà cấp bốn nhỏ.

Khôi Vĩ quen cửa quen nẻo đi vào trong, khi nhìn thấy cậu bé đang ngồi trên chiếc ghế gỗ nhỏ giữa nhà, mắt ngước lên chăm chú nhìn vào màn hình sóng chập chờn của chiếc TV cũ, mặt nó không còn u ám như vừa nãy nữa, biểu cảm trở nên sinh động hơn rất nhiều. Cậu bé bên trong nghe thấy tiếng bước chân đằng sau, không thèm quay đầu lại mà nói vọng ra: "Nhớ đóng cổng đấy."

"Tao đóng rồi."

Khôi Vĩ bĩu môi rồi đi lại chặn trước màn hình TV cũ, nghịch ngợm bảo: "Xem làm gì, hôm sau qua nhà tao xem phim siêu nhân đi."

"Không xem thì làm gì giờ?" Hoài An vừa hỏi vừa cố gắng nghiêng đầu để nhìn màn hình TV.

"Chơi bài đê."

Khôi Vĩ nở nụ cười xấu xa rồi giơ cái hộp gỗ ra phe phẩy trước mặt cậu.



Bài mà nó đề cập là những lá bài pokemon đang được ưa chuộng hiện nay. Có nhiều cách chơi với bài này, đa phần là do đám trẻ tự nghĩ rồi tự chơi với nhau. Gẩy hình cũng là một trong số đó. Trò này rất đơn giản, đó là những người tham gia sẽ phải dùng một lá bài để khều hai lá ngửa dưới sàn để làm sao cho một lá ngửa và một lá úp, trong đó lá úp phải nằm một nửa trên lá ngửa thì mới gọi là thắng. Trò này không biết do ai nghĩ ra, nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ rất cao. Đây cũng là trò yêu thích của hai đứa nhỏ.

Nói về độ khéo léo thì không thể nào so được với những đứa có năng khiếu nghệ thuật đòi hỏi sự chỉn chu và tỉ mỉ rất cao. Ít nhất là trong hai đứa trẻ thì trò này đối với Hoài An là một lợi thế lớn, vì bản thân cậu rất thích vẽ vời, nên lực tay của cậu có độ mềm dẻo, biết điều khiển hơn so với Khôi Vĩ học võ chỉ biết dùng lực mạnh. Vì thế từ trước đến nay, cậu ít khi thua trò này, nhất là khi đối thủ của cậu lại là Khôi Vĩ.

Hoài An chiều lòng nó, đi lại bàn học lấy ra một xấp bài lẫn lộn mới cũ, sấp đó còn dày hơn cái hộp của Khôi Vĩ, có thể thấy cậu thắng không ít, lại còn là thắng đậm.

Hai đứa ngồi chụm đầu lại với nhau, mỗi đứa thả một lá xuống để ngửa rồi bắt đầu gẩy.

Trong quá trình chơi, cái miệng của Khôi Vĩ cũng không yên tĩnh được, nó bắt đầu bô bô hỏi đông hỏi tây, cũng không biết đây có phải là chiến thuật làm phân tâm đối thủ hay không. Nếu là vào những ngày bình thường thì Hoài An sẽ im lặng không trả lời nó mỗi khi đến lượt cậu gẩy, nhưng hôm nay cậu không thể tập trung được, cứ nhìn thấy Khôi Vĩ là sẽ nhớ đến hình ảnh buổi chiều mà mình đã thấy. Cảnh đó chiếm trọn tâm trí cậu từ chiều đến giờ, khó có thể đoán được nó có phải là giọt nước tràn ly hay không, nếu nó xảy ra thì người bạn này của cậu sẽ bị đối xử như thế nào? Liệu rằng điều đó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người bạn thân thiết của cậu không? Quá khó để có câu trả lời, có hay chăng cũng chỉ là một vài phỏng đoán tiêu cực và nó còn quá sức so với lứa tuổi của cậu. Thứ cậu cảm nhận được chỉ là một điều gì đó không lành sẽ xảy đến trong tương lai.

Hoài An cứ mãi đắm chìm vào đống suy nghĩ và dự cảm của mình mà chẳng thể tập trung được, đến khi tiếng reo hò của Khôi Vĩ vang lên mới kéo tâm trí cậu quay về thực tại.

"Bại tướng" ngày nào bị đánh cho không ngóc đầu lên nổi cuối cùng cũng chiến thắng. Trong khi Khôi Vĩ đang sung sướng reo hò như bản thân cầm quân đánh giặc thắng trận, như cách mạng giày công cực khổ của nó đã thành công thì cậu bé đối diện lại than ngắn thở dài vì bản thân đã phí sức lo lắng cho cái đứa không tim không phổi trước mặt.

"Tiếp nào, tiếp nào!"

Cậu sốc lại tinh thần, hít sâu rồi bắt đầu tập trung vào hai lá bài trước mặt.

Khôi Vĩ chó ngáp phải ruồi một lần thì cho rằng bản thân đã lên trình, kêu gào ra điều kiện bảo nếu thắng thì sẽ cho cậu tấm thẻ quý mà nó mới sưu tầm được. Kết quả không cần nghĩ quá nhiều cũng đoán được, sự chiến thắng lại lần nữa rơi vào tay Hoài An. Cậu đứng dậy, làm động tác xoa cổ tay, mắt liếc qua Khôi Vĩ đang chán nản gục đầu xuống.

"Đưa thẻ đây."

"Một ván nữa! Một ván cuối!"

"Không! Chín giờ rồi, đưa thẻ đây rồi phắn về ngủ đi."



Trước cái nhìn năn nỉ của Khôi Vĩ, cậu vẫn rất vô tình phẩy tay kết thúc trò chơi.

Thấy Hoài An không hề lung lay ý định, Khôi Vĩ đành móc một tấm thẻ mới cứng trong cái hộp gỗ ra, sụt sịt mà đưa cho cậu, đáy mắt dâng trào nỗi niềm luyến tiếc bịn rịn, người không biết nhìn vào tưởng cậu chàng đang đưa thứ gì quý giá lắm.

Sau khi đưa tấm thẻ cho cậu, Khôi Vĩ vừa đi ra ngoài vừa nói với cậu: "Ê, tao sợ năm nay tao không đón sinh nhật chung với mày đâu."

Bước chân Hoài An dừng lại, cậu ngờ vực ngẩng đầu nhìn lên: "Sao thế?"

"À, tết này mẹ tao đưa tao về ngoại ăn tết á."

Không khí bên ngoài se se, từng ngọn gió mang theo cái buốt giá vào buổi tối chạm vào da thịt làm hai cậu bé rùng mình. Đêm xuân đôi lúc lạnh lẽo vậy đấy.

Không biết vì sao, cậu buột miệng hỏi: "Cả nhà mày đi à?"

"Không." Khôi Vĩ nói đến đó thì dừng lại.

Đứng có một chút trong gió lạnh mà mũi đã sụt sịt. Khôi Vĩ đưa tay lên qua loa quệt lên mũi rồi vẫy tay tạm biệt cậu.

Hoài An đứng nhìn bóng nhỏ bé mất hút dưới cái ánh sáng vàng nhạt của đèn đường rồi mới đi vào ngôi nhà ấm áp của mình.