Năm cuối cùng ở Oxford của Harry Prudence diễn ra một cách nhàm chán. Những thứ khiến cậu cảm thấy thú vị vào lúc đầu - tuần lễ chèo thuyền, tiếng chuông vào những buổi sương sớm, những sinh viên mặc áo choàng đen truyền thống - đều đã dần trở nên quen thuộc. Phần lớn sinh viên đều đã có hướng đi trong tương lai cho riêng mình: Whitehall, tòa án, Westminster, MI6, sản nghiệp gia tộc. Những người còn lại, chẳng hạn như Harry, thì đi khắp nơi thử vận may với lá thư đề cử.
Tháng sáu năm 1955, cậu và Alex khởi hành từ Cornwall rồi bắt tàu đến St. Malo để dành một kỳ nghỉ lạnh lẽo khó chịu. Tâm trí Harry đặt trọn trong công việc ở "Bưu báo", thấp thỏm lo lắng. Chủ bút nói rằng cuối tháng tám hoặc đầu tháng chín sẽ báo cho Harry biết quyết định của họ, không có thứ gì hơn một câu trả lời mập mờ có thể phá hủy một mùa hè. Bởi vì trời mưa, hai người dành phần lớn thời gian ở trong phòng, đó là một căn phòng nằm trên tầng thượng, những tấm ván gỗ kêu gào dữ dội mỗi khi bị mưa gió quất xuống. Ngoài cửa sổ, chim hải âu tụ tập trên mái nhà nghiêng, chúng đập cánh đe dọa lẫn nhau, tranh đoạt từng chỗ trống khan hiếm để đậu chân, ồn ào không chịu nổi. Hai tuần sau, khi cuối cùng cũng đã có thể bắt tàu rời khỏi đảo Brittany, Harry không kiềm được thở phào nhẹ nhõm.
Chưa tới tháng chín nhưng "Bưu báo" đã đưa ra quyết định - nhận Harry vào làm, họ phân cho cậu một cái bàn trong một căn phòng làm việc thật lớn tràn ngập khói bụi, thế nhưng Harry cũng không ở lại đó quá lâu, ba tháng sau, cậu đã xin vào tờ "Góc nhìn" sau sự tiến cử của viện trưởng, nhờ có việc viết được một bài báo tâng bốc về một loại thủy tiên mới trong mục làm vườn, cậu nhanh chóng chuyển sang theo đuổi những tin tức địa phương, thường xuyên dẫn theo thợ chụp hình để truy đuổi cảnh sát ở khắp nơi, tìm kiếm những vụn bánh mì còn sót lại của các vụ trộm và vụ án mạng.
Alex và cậu vẫn sống chung trong căn hộ nhỏ ở số 55 đường Juniper, bây giờ Alex đã biến căn phòng ngủ dư thừa kia thành thư phòng, hắn mang máy đánh chữ và một chồng sách vào trong đó, ru rú trong phòng cả ngày, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, đến rạng sáng mới mò đến giường. Harry cũng thường hay không ngủ, cậu phải viết xong bản thảo cho ngày mai dưới ánh đèn bàn, Alex bước tới hôn tai cậu, trộm nhìn báo cáo của Harry qua bả vai cậu.
"Nếu tớ nhớ không lầm, cậu tan làm lúc năm giờ."
"Theo lý thuyết là năm giờ." Harry lơ đãng trả lời, gõ một dấu phẩy vào kế bên: "Nhưng ông Baker này lại quyết định dùng mảnh chai rượu để đâm chết chủ nợ của mình vào lúc mười một giờ tối, đây không phải là việc mà tớ có thể khống chế."
"Cậu Prudence đáng thương có muốn uống trà không?"
"Muốn, cảm ơn."
Alex đi đến phòng bếp, Harry nghe thấy tiếng nước sôi, sau đó là tiếng vang của đồ sứ nhẹ nhàng chạm vào nhau, Alex rón rén trở lại, hắn đóng cửa, đặt tách trà vào trong tay Harry, bản thân mình thì ngồi lên bàn, thuận tay cầm lấy tập bản thảo rồi xem.
"Tớ không hiểu sự hăng hái của cậu dành cho công việc này."
"Thử tưởng tượng nó thành công việc phiên dịch ấy." Harry rút tờ giấy đã đánh đầy chữ ra, thay một tờ trắng: "Chẳng qua thứ cậu xử lý không phải là ngôn ngữ mà là hành động của con người, có cả tốt nhất và xấu nhất, trên thực tế, báo chí kiểm soát cảm giác của cậu đối với thế giới này, mà phóng viên lại kiểm soát báo chí, nói như vậy đã có thể thuyết phục cậu chưa?"
"Mấy tên đầu sỏ trong các tập đoàn lớn mới là người kiểm soát báo chí, hơn nữa báo chí còn chẳng có chỗ cho trí sáng tạo."
"Chúng ta đều biết ai mới là người có sức sáng tạo nhất trong hai chúng ta mà."
"Kỹ năng nịnh nọt của cậu vẫn không tốt hơn tí nào, cậu Prudence."
"Nhưng rất hữu hiệu?"
"Nhưng rất hữu hiệu."
Harry nhìn bàn phím của chiếc máy đánh chữ, mỉm cười: "Đi ngủ đi, Alex."
Nếu chịu để ý suy nghĩ một chút, mọi người rất có thể sẽ nói, nếu không phải do người phóng viên thường trú của tờ "Góc nhìn" bị té chấn thương sau khi trượt tuyết ở Grenoble, sau đó còn lâm bệnh nặng đến suốt đời và nếu không phải do ông Phó Tổng biên tập tinh thông tiếng Đức có một người vợ bầu tám tháng, câu chuyện về quãng đời còn lại của Harry có lẽ sẽ không đi lệch khỏi số 55 đường Juniper, sẽ không phải mua một chai rượu vang trên đường về nhà và sẽ không phải vô cùng phấn khởi báo cho Alex rằng mình phải đến châu Âu.
"Phản ứng của ngài Loiseau là như thế nào vậy ạ?" Người phóng viên hỏi.
"Cậu ấy cũng rất vui, ít nhất là trông như vậy. Cậu ấy hỏi tôi ở đó lâu dài hay tạm thời, cần phải đi bao lâu, tôi nói tôi không biết, đó là sự thật, lúc ấy tôi quả thật không biết gì cả. Cậu ấy trả lời rằng, đi đi, chàng thủy thủ, tớ sẽ chờ ở đây. Tôi còn nhớ rõ ngày tôi lên đường, ngày 23 tháng 1 năm 1957, tôi không đi bằng máy bay mà là bằng tàu thủy, từ London đến Calais rồi bắt tàu lửa ở đó, trên đường đi có dừng lại một lần do phải thông qua chốt kiểm tra, sau đó tôi lại đổi xe thêm một lần nữa, bấy giờ mới chật vật đến được Bonn. Tôi không có nơi ở cố định ở châu Âu, bị dắt mũi chạy khắp nơi bởi những bức thư của chủ bút, thư của Alex chỉ có thể gửi đến chi nhánh của tòa soạn ở Bonn rồi chất đống ở đó."
Prudence rút một bức thư được dùng máy đánh chữ để đánh địa chỉ ra, người nhận là "Ngài H. Prudence", mỗi chữ trong đó đều được viết hoa, có lẽ do người viết thư lười đổi sang chữ thường, nội dung thư thì được viết tay, dùng màu mực xanh đậm.
"Harry,
Đây là tháng thứ năm cậu bị châu Âu cắn nuốt, có lẽ cậu đang đơn thương độc mã ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, sau khi hoàn thành mới có thể viết thư giải thích cho việc tại sao cậu không hồi âm được. Tớ rất khỏe, cảm ơn, mặc dù cậu không hỏi.
Tớ đã đọc bài xã luận của cậu vào ngày 20 tháng 6 trên tờ "Góc nhìn", cái bài có liên quan đến chính sách NATO và Hiệp ước Warszawa ấy, bài viết vừa nghiêm túc lại vừa cương quyết, trông rất giống cậu, lại không hề giống cậu tí nào. Tớ tự nhủ rằng, đây chính là ngài Prudence mà mọi người vẫn thấy chứ không phải là Harry của tớ. Tiếc là cậu lại đang vướng phải một cuộc tranh chấp giấy tờ cùng với ông Levine đáng ghét của tập san 'Ngoại giao', ông Levine là một con nghiện chiến tranh chính hiệu, việc hai người lịch sự hòa nhã giải quyết với nhau trong một tháng qua đúng là đã giúp tớ cảm thấy thật giải trí.
Về phần tớ, tớ cố gắng thức dậy trước mười một giờ, ăn đủ thức ăn để duy trì sự sống, tránh xa rượu bia mặc dù không thành công lắm. Ngồi vào bàn viết, tớ phải đối phó với những cuộc đối thoại ồn ào không chịu nổi cùng với những đoạn văn lộn xộn ở trong đầu. Trong nhà quá yên tĩnh, vì vậy mấy ngày trước tớ đã quyết định thay đổi, đến 'Puffins and Tridents' để làm việc, hữu hiệu lắm đấy, sự náo nhiệt trong quán rượu đã cân bằng lại những giọng nói của mấy chục nhân vật trong đầu tớ, bọn họ chẳng bao giờ chịu im miệng cả. Ông chủ quán rượu đã đồng ý sẽ chừa lại chiếc bàn gần cửa sổ cho tớ, tất nhiên, điều kiện là phải trả số tiền ít nhất bằng giá của hai ly bia đen. Cậu có còn nhớ chỗ đó không? Bước vào cửa ra vào rồi rẽ phải, nằm ở dưới cầu thang, tớ có thể nghe tiếng người khác nói chuyện nhưng trừ khi quan sát cẩn thận, bọn họ rất khó có thể nhìn thấy tớ, khung cửa sổ lớn bằng một bàn tay ở đó có thể nhìn ra vườn hoa trống vắng bên ngoài. Harry, một nhóm sinh viên trẻ tuổi khác lại tụ tập ở đây, trông họ như những con chim sẻ đáng yêu, câu chuyện về con ma ở lầu hai vẫn dọa sợ bọn chúng, không kẻ nào dám bén mảng đến gần cầu thang cả.
Tối qua tớ mơ thấy Mercury, không biết sao lại có tiếng chuông của Carfax ở vùng hoang vu đó nữa, chúng ta đang trên đường đi đến bãi biển nhưng đến khi tỉnh dậy, chúng ta vẫn chưa đến.
Còn chuyện gì đáng để nói cho cậu biết không nhỉ, đương nhiên, 'Con diều của Agnes' đã được tái bản lại gần đây với nhiều hình vẽ hơn, toàn bộ hình đều do cô D. Simmons tài năng vẽ nên cả, cô ấy hoàn toàn hiểu sự u ám trong câu chuyện này, tớ vô cùng cảm kích vì chuyện ấy. Ngoài ra, tớ
Harry,
Xin lỗi vì bức thư này không được mạch lạc nhé, lúc tớ viết được một nửa thì phải hoãn lại. Hôm nay tớ còn có chuyện khác, chỉ sợ đó không phải là tin tốt. Trạng thái của George 'không quá ổn định', cha đã nói sơ sơ về mọi việc cho tớ biết ở trên điện thoại, dựa vào những tin tức có hạn trước mắt, George đã vô cớ nổ súng trong căn hộ ở London của anh ấy vào tối qua, may mà không bắn trúng ai hoặc vật gì khác, thế nhưng vợ của anh ấy và hàng xóm xung quanh đều bị dọa sợ, hàng xóm đã báo cảnh sát. Cha vẫn còn ở Cornwall, Leila thì ở Brighton, người có thể đến thăm anh ấy chỉ có mình tớ mà thôi. Tớ đi đây.
Của cậu,
A.
6. 20. 1957."
Người phóng viên gấp bức thư lại rồi cẩn thận bỏ vào trong phong thư, anh nhận lấy một bức thư khác Prudence đưa tới, ngày tháng là vào bốn ngày sau, ngày 24 tháng 6 năm 1957, thư được gửi từ London, được dán tem cấp tốc.
"Harry thân mến,
Vốn định gửi điện báo nhưng tớ không muốn gửi nó cho các tờ báo vì không muốn gây sự chú ý. Hỡi Thượng đế trên cao, rốt cuộc bây giờ cậu đang ở đâu vậy?
Tớ đã gặp George, anh ấy khó ưa, ngoan cố và cao ngạo hơn bình thường, hở tí là nổi giận. Anh ấy khăng khăng rằng tối hôm đó đã trông thấy trộm nhưng cảnh sát vốn chẳng phát hiện ra bất cứ dấu vết gì, khóa cửa bình thường, cửa sổ được đóng, trên bệ cửa sổ cũng không có dấu vết của việc leo vào. Anh ấy không cho bất cứ ai lấy súng của mình nên tớ chỉ có thể lén tháo băng đạn ra, có lẽ anh ấy sẽ nhanh chóng phát hiện, đến lúc đó lại nghĩ cách khác vậy.
Bác sĩ bảo rằng đây là di chứng hậu chiến tranh, 'sốc vỏ đạn', cậu có biết hàng trăm binh lính trở về từ châu Âu đều sẽ mắc bệnh này không? Bác sĩ nói với tớ rằng ông ấy đã gặp một bệnh nhân, người đó đáng thương đến mức sẽ sợ hãi gào khóc mỗi khi nghe thấy tiếng nước sôi trong ấm đun nước. George đương nhiên không thể chấp nhận kết luận này, suýt chút nữa đã vặn gãy đầu bác sĩ, được rồi, tớ đã nói quá một chút nhưng tình hình thực tế cũng không khác là bao. Bác sĩ khuyên rằng anh ấy nên về nghỉ ngơi ở nông thôn, chúng tớ cố thuyết phục anh ấy hãy quay về Cornwall mấy tháng, cuối cùng anh ấy miễn cưỡng đồng ý, cảm ơn Thượng đế.
Nếu cậu nhận được bức thư này, đừng gửi thư hồi âm đến địa chỉ ở London, ngày mai tớ sẽ lên đường đưa George về Cornwall. Nếu cậu muốn gửi điện báo hoặc gọi điện thoại thì hãy gửi đến sào huyệt cũ của chúng ta, số điện thoại vẫn không thay đổi.
A.
6. 24. 1957 ở London."
Một tuần sau, một bức thư khác lại được gửi đến để thuật lại diễn biến tiếp theo của câu chuyện:
"Harry,
Chuyện nổ súng lại xảy ra thêm một lần nữa, suýt chút nữa đã hù Martha đáng thương chết mất, bây giờ Martha đang ở trong một căn phòng trên lầu một, bà ấy đã 61 tuổi rồi, không thể đi lên đi xuống cầu thang nữa nên đứng trong phòng bà ấy là có thể nghe rõ tiếng súng nhất. George bảo rằng anh ấy đã trông thấy một kẻ đáng ngờ đột nhập vào vườn hoa, nghi ngờ kẻ đó chính là gián điệp của nước Đức. George đáng thương, có lẽ trong bộ não vẫn luôn bị hành hạ của anh ấy, chiến tranh chưa từng kết thúc.
Bây giờ chúng tớ đã giấu khẩu súng của anh ấy vào chỗ khác, khẩu Browning của cha cũng bị giấu đi nốt. Mọi người đều vô cùng hoảng loạn, không dám chắc anh ấy còn có thể chuyển biến tốt hay không.
A.
Ở Cornwall."
Sau đó lại là một bức thư được đặt trong phong thư màu xanh tinh xảo, trên con dấu dán thư có in hình một con dao nhỏ và một con chim cổ đỏ.
"Chàng thủy thủ thân mến,
Tớ đã nhận được điện báo, tớ rất vui khi biết cậu sẽ quay về đây ngay lập tức, sau khi mua vé tàu hãy báo cho tớ, tớ sẽ đến bến tàu để đón cậu, đừng từ chối, tớ nhất quyết làm vậy đấy. Cha và George đều gửi lời chào đến cậu, chúng tớ vẫn ổn, cảm ơn, cuộc sống ở vùng nông thôn quả thật đã giúp đỡ George (cũng đã giúp đỡ tớ nữa, thành thật mà nói), cuối cùng anh ấy cũng không còn cầm súng đi lang thang trong phòng vào lúc nửa đêm.
Tớ không đến bưu điện này lâu rồi, cô Carlston vẫn ở đây, bây giờ đã trở thành bà Mills. Bức thư này được viết vội vã ở trên quầy, tớ phải về Oxford ngay đây.
Alex của cậu."
Prudence nhẹ nhàng vuốt ve phong thư, ông nhìn lò sưởi sát tường, gỗ trong lò đã cháy sạch, để lộ những hòn than cháy đỏ ở phía dưới.
"Kỳ nghỉ của tôi chỉ kéo dài hai tuần, trừ đi khoảng thời gian đi đường thì chỉ còn một tuần hơn. Tôi mang tất cả thư và điện báo nhận được quay về để tránh làm mất. Mới đầu Alex rất hưng phấn, nhưng rồi cũng như lần George về nhà từ tiền tuyến vào nhiều năm trước, cậu ấy dần trở nên ảm đạm. Tôi không hề tức giận vì việc đó, cậu ấy vẫn luôn như vậy, đây là cơ chế tự bảo vệ bản thân của Alex, cậu ấy không giỏi nói lời từ biệt. Chúng tôi đã thảo luận về công việc của tôi - 'Thảo luận' là một cách nói khéo. Đến khi tôi chuẩn bị rời đi, chúng tôi đã không còn nói chuyện với đối phương nữa."
Cậu bây giờ chẳng khác gì đám Barry cả. Alex nói, lạnh như băng, trông như một cái xác biết đi tự cho mình là đúng.
Còn cậu thì nên học cách trưởng thành đi. Harry phản bác, định làm một đứa trẻ ba tuổi vô lo vô nghĩ suốt đời sao?
Prudence thở dài, ánh mắt rời khỏi lò sưởi: "Sau đó tôi đã viết một lá thư rất dài để nói xin lỗi, xem như đang quỳ phủ phục dưới chân cậu ấy để cầu xin sự tha thứ nhưng tôi không nhận được bức thư hồi âm nào. Sau khi trở lại Bonn không lâu, tôi và phóng viên của 'Bưu báo' đi theo đoàn ngoại giao của liên hiệp Anh - Mỹ để đến Budapest, nơi chúng tôi đã ở suốt một tuần. Đây là lần đầu tiên tôi đi đến phía bên kia của bức màn sắt*, tôi không có quyền sử dụng bất cứ đường dây ngoại giao nào, tất cả thông tin truyền tới đều bị cắt đứt. Vì vậy, một tháng sau tôi mới nhận được bức thư này."
*bức màn sắt: là một biên giới vật lý lẫn tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Thế chiến II vào năm 1945 đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh vào năm 1991.
Ông đưa một lá thư cũ kỹ ra, người phóng viên nín thở, cẩn thận nhận lấy.
"Harry,
Tớ không biết tại sao tớ vẫn viết thư cho cậu, có lẽ cậu cũng chẳng nhận được.
George đã chết, tự sát. Tang lễ đã diễn ra vào ngày hôm qua."