Mùa Xuân Của Công Tử Bột

Chương 25



"Bảo Bảo, ba đi đây." Triệu Quốc Cương từ trong phòng bước ra, người đầy khói thuốc.

Diêu Viễn đưa cho ông tập hồ sơ nói, "Còn cái này nữa, ba để quên ở nhà."

Triệu Quốc Cương nhận tệp hồ sơ, cũng không mở ra nhìn, cất vào trong cặp, suy nghĩ một thoáng rồi lại lấy ra bảo, "Con gọi cho chú Lâm đi, bảo tối nay qua đây một chuyến, sắn tiện mang đến công ty cho ba."

Diêu Viễn mặt lãnh đạm cầm hồ sơ đem cất vô phòng, nó biết Triệu Quốc Cương sợ bị Thư Nghiên lục lọi, trước tiên cứ đưa đến công ty đã, đồng thời cũng hiểu ý của ba mình, đã đưa cho nó tức là đưa cho nó, chớ để lộ ra ngoài.

"Đừng làm phòng ba lộn xộn đấy." Triệu Quốc Cương cười, dùng ngón tay trỏ đầu Diêu Viễn, dặn dò, "Ba về ở thường xuyên lắm, mấy bữa nữa sẽ về."

Diêu Viễn dạ vâng, Triệu Quốc Cương đứng ở cửa, chậm rãi thở ra một hơi, rồi gọi, "Thư Nghiên."

Thư Nghiên đứng dậy, miễn cưỡng cười với Diêu Viễn, chị nói, "Tiểu Viễn, rảnh rỗi thì qua nhà dì chơi, địa chỉ dì cho anh con rồi, nghỉ hè đừng ở trong nhà suốt."

Diêu Viễn bình thản nói, "Được thôi, mấy bữa nữa chúng cháu đi rồi, không đi Thung Lũng Hạnh Phúc, bao giờ về thì gặp."

Triệu Quốc Cương mở cửa, đi ra ngoài, dường như muốn nói điều gì đấy, bốn người bước trên hành lang, bọn nó đưa Triệu Quốc Cương và Thư Nghiên đến thang máy, Diêu Viễn bỗng nhiên lên tiếng, "Dì."

Triệu Quốc Cương thoáng cau mày, Diêu Viễn rõ ràng là có dấu hiệu gây sự, đang định ngăn lại thì Diêu Viễn đã nói tiếp, "Thứ nhất, bình thường ba cháu ngủ không sâu giấc, hơn nữa lại quen ngủ một mình rồi, dễ thức giấc nửa đêm, buổi tối nhỏ tiếng thôi."

Thư Nghiên hiểu ý cười đáp, "Dì biết rồi."

Diêu Viễn tiếp tục, "Thứ hai, sáng sớm đừng để ba cháu bụng rỗng uống trà. Thứ ba, tối nào ba cũng hay về muộn, nhớ nhắc ba ăn ít đồ lót dạ, bình thường ba hay uống rượu, nôn xong rồi dạ dày rỗng tối ngủ dễ bị đau bao tử."

Thư Nghiên cười bảo, "Sau này ba cháu sẽ không về muộn nữa đâu." Diêu Viễn nhướn mày nhìn chị, sau đó "Ờ" một tiếng.

Một tiếng "đinh" vang lên, cửa thang máy mở ra, Đàm Duệ Khang nhấn nút mở thang máy, Triệu Quốc Cương chậm rãi thở một hơi dài sượt, xoay người lại

nhìn đứa con trai của mình, tay trái thoáng giơ lên, song Diêu Viễn không cho ông cơ hội ôm mình, nó cười bảo, "Ba, chúc ba hạnh phúc, chừng nào rảnh thì về nhé."

Cửa thang máy đóng lại, từ nay về sau Triệu Quốc Cương chính thức gỡ xuống gánh nặng người cha, rời khỏi căn nhà của Diêu Viễn.

Cũng chiều hôm ấy, Đàm Duệ Khang nói, "Tiểu Viễn, chừng nào mình về?"

Diêu Viễn nằm nhoài ra bàn cơm, cảm thấy mọi thứ thật vô vị, nó đáp qua quýt, "Sao cũng được."

Đàm Duệ Khang bày sổ tiết kiệm, ba cái thẻ ra bàn, giờ nhà chỉ có hai đứa nó. Vấn đề thu chi, sinh hoạt các thứ đều phải bàn bạc với nhau. Diêu Viễn nào giờ chưa từng có kế hoạch về tiền nong, nếu Triệu Quốc Cương không đi, e rằng cả đời nó cũng chẳng có kế hoạch gì, kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Nhưng giờ không thể bàng quan phó mặc mọi thứ được, đành phải xốc lại tinh thần, lần lượt nhìn những thứ liên quan đến tiền này.

"Sao lại nhiều thế?"

Đàm Duệ Khang cầm một cái thẻ lên giải thích, "Dượng nói tiền trong thẻ này là hồi cô còn sống để dành cho em học đại học và đi nước ngoài. Cô để dành được năm năm, sau khi cô qua đời thì dượng theo lời dặn của cô, mỗi tháng đều bỏ vào đó vài trăm đến một nghìn, nói là quỹ giáo dục cho em. Giờ đã sang tên qua em, nên thẻ này có tên của em."

Diêu Viễn lờ mờ nhớ ra Triệu Quốc Cương từng nhắc đến chuyện này, nói như vậy thì tiền học của bọn nó dư dả rồi.

Đàm Duệ Khang hỏi, "Em có thể sắp xếp chi tiêu hợp lý không?"

"Quên chuyện đó đi." Diêu Viễn buồn chán đùn đẩy, "Anh quản lý hộ em." Đàm Duệ Khang nói, "Vậy giờ anh giữ giúp em trước nhé."

Diêu Viễn "ừa", sổ tiết kiệm có hai chục ngàn tệ của ba mẹ Đàm Duệ Khang để lại, còn hai cái thẻ kia là của Triệu Quốc Cương cho, Đàm Duệ Khang nói, "Hai cái thẻ này là dượng mở, trong đó có học phí và tiền sinh hoạt chia cho hai đứa mình. Trong mỗi tài khoản có sáu chục ngàn tệ, hai chục ngàn tiền học phí, và bốn chục ngàn tiền sinh hoạt."

Diêu Viễn nói, "Đừng đụng tới hai cái thẻ đó."

"Ừ, anh cũng nghĩ sẽ không dùng tới." Đàm Duệ Khang nói, "Anh định trả lại cho dượng, nhưng dượng không nhận."

Diêu Viễn bảo, "Khoan hắng trả lại cho ba em, để tính sau đi."

Mười hai vạn tệ không phải là một số tiền nhỏ, trả lại Triệu Quốc Cương rồi, biết đâu chừng lại bị Thư Nghiên đòi quản lý.

"Cái thẻ này là tiền anh tiết kiệm từ đó đến nay." Đàm Duệ Khang hết sức phiền muộn, Diêu Viễn thì đang sầu não vì thiếu tiền, Đàm Duệ Khang lại đang rầu rĩ vì nhiều tiền quá, anh nói, "Anh cũng muốn trả lại cho dượng, mà dượng không nhận, ài..."

Diêu Viễn hỏi, "Được bao nhiêu?"

Đàm Duệ Khang đáp, "Từ hồi bắt đầu sống chung với em, mỗi tháng đến trường còn dư một nghìn sáu, một năm chín tháng..."

Diêu Viễn không khỏi thay đổi sắc mặt, nó nói, "Cũng được vài chục ngàn đó." Đàm Duệ Khang nói, "Ừ, hơn bốn vạn. Số tiền này nên làm gì bây giờ?"

Diêu Viễn so sánh với tiền sinh hoạt của mình, bất chợt phát hiện ra là mình lại tiêu tốn nhiều tiền đến vậy! Sau này không kiếm được một triệu thì đừng hòng nghĩ đến chuyện báo đáp Triệu Quốc Cương.

Diêu Viễn nói, "Xài đi chứ, hầy, không xài cũng uổng phí, tiết kiệm chỉ tổ để ổng cho đứa con kia, tiết kiệm làm chi?"

Đàm Duệ Khang mừng rỡ nói, "Vậy..."

"Bao nhiêu tiền anh giữ hết đi, anh quản lý nhé." Diêu Viễn quyết định, "Em cần tiền thì cứ kiếm anh là được."

Đàm Duệ Khang nói, "Tốt, em cần thì kiếm anh. Những cái này anh giúp em giữ hết."

Diêu Viễn sực nghĩ ra một chuyện, nó đề nghị, "Hay là sắn lấy ít tiền ra đầu tư cổ phiếu nhé."

Đàm Duệ Khang liếm vành môi, im lặng thật lâu, Diêu Viễn biết là Đàm Duệ Khang sợ thua lỗ, bèn trấn an, "Giờ chưa phải lúc thích hợp đâu, mình nói sau ha."

Đàm Duệ Khang gật đầu, hai đứa nó bắt đầu ngày thứ nhất chính thức đảm nhận vai trò chủ nhà.

Hôm sau Đàm Duệ Khang đi mua vé xe, đồng thời bọn nó đi sắm quần áo mới, sửa soạn bảnh bao chỉn chu, rồi về quê viếng mộ cha mẹ Đàm Duệ Khang. Đàm Duệ Khang còn photo hai lá thư thông báo trúng thưởng, định bụng đốt trước mồ mả song thân đã tạ thế để họ xem.

Bây giờ về quê chẳng cần phải lăn tăn nhiều thứ nữa, ở lại mấy hôm cũng chẳng sao, từ nhỏ Diêu Viễn luôn hướng tới tự do, nhưng vì Triệu Quốc Cương quản thúc, lúc nào cũng bị ràng buộc, giờ đã có thể tự mình quyết định thì lại tỏ ra thiếu chủ kiến, nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng giao hết toàn bộ cho Đàm Duệ Khang đảm đương.

Lúc về đến huyện lị, Diêu Viễn kinh ngạc phát giác ra sự biến đổi lớn lao của chốn này, phải nói nơi đây đã phát triển vượt bậc so với hồi đầu nó đặt chân

cách đây ba năm. Internet về làng, số lượng quán xá tăng lên, máy cày kiểu cũ đã vắng bóng dần, máy chạy bằng điện cũng bắt đầu thông dụng.

"Nghe bảo tỉnh ban hành chính sách." Đàm Duệ Khang nói, "Hỗ trợ quê mình phát triển hơn."

Lúc bọn nó về nhà tổ của ông bà, cổng thôn lổn nhổn những đống gạch, Diêu Viễn nói, "Giờ ở đây cũng kiến thiết hở?"

Đàm Duệ Khang cười bảo, "Này là người ta xây nhà để cưới vợ, em cầm cái này đi."

Diêu Viễn, "?"

Đàm Duệ Khang mở cửa, lấy một cây gậy trúc treo một dây pháo, Diêu Viễn nhìn mà líu hết cả lưỡi.

Đùng! Đùng! Tiếng pháo nổ ran, trước cửa nhà mù mịt khói, nhất thời kinh động làng xóm láng giềng, ai nấy đều mở cửa đổ xô đến xem.

"Chúng cháu thi đỗ đại học rồi!" Đàm Duệ Khang cười vang, "Về quê đốt pháo."

Loáng cái cả cái làng nhỏ chấn động, đã lâu lắm rồi trong làng không có cô cậu sinh viên nào, hàng xóm nô nức túa đến nhà chúc mừng, Đàm Duệ Khang kiên quyết không nhận tiền lì xì. Anh cười bảo, "Được rồi được rồi. Hồi ba cháu còn sống luôn căn dặn cháu nhớ phải thết rượu, hôm nay cháu và Tiểu Viễn mời mọi người chầu rượu nhé."

Thằng bé nhà họ Đàm và cậu cháu ngoại thi đỗ đại học, lại còn là trường đại học trọng điểm toàn quốc đấy nhé! Sau khi tin tức lan ra Diêu Viễn nhận được không ít quà bánh, nhưng nó cũng kiên quyết không nhận tiền mừng. Cũng hôm ấy Đàm Duệ Khang mở bữa tiệc rượu, hoàn thành tâm nguyện của người cha lúc sinh tiền, chòm xóm xung quanh ai cũng sang dự, đãi được ba mâm, bữa ăn không ngớt tiếng hỉ hả, chủ yếu kể nhau nghe chuyện ngày xửa ngày xưa.

Hôm sau Đàm Duệ Khang dẫn Diêu Viễn lên núi, tủm ta tủm tỉm đốt bản photo thư thông báo trúng tuyển, Diêu Viễn ở bên cạnh còn xúi bẩy, "Anh đốt bản chính luôn đi, có gan thì đốt luôn cả bản chính ấy."

Đàm Duệ Khang đắc ý cười khoái trá, một tên đã lớn già đầu thế này rồi, mà điệu bộ vẫn y chang như đệ tử thánh Tôn, châm rượu thắp nhang, lạy ba lạy. Thở một hơi thật dài.

"Ba, mẹ, ba của Tiểu Viễn..."

"Đừng nói cho họ biết." Diêu Viễn ngăn Đàm Duệ Khang lại, nó bảo, "Kẻo ba em đến ngủ cũng không an giấc mất."

Đàm Duệ Khang cười vang, anh thở dài bảo, "Nhà họ Đàm là bên cậu của em, chuyện nhà vợ như vậy vốn dĩ phải để bên nhà cậu giải quyết... hầy, tại anh vô dụng, không có tiếng nói nào."

Diêu Viễn vuốt tóc Đàm Duệ Khang đương quỳ trước mộ phần, nó an ủi, "Chẳng phải mình lớn hết cả rồi sao? Nhà cậu cũng chỉ có thể lo đến năm mười lăm mười sáu tuổi thôi, đừng nghĩ ngợi nữa, đi thôi đi thôi."

Diêu Viễn biết Đàm Duệ Khang vì chuyện này mà luôn canh cánh trong lòng, tự trách bản thân, quả thực dựa theo tập tục của hầu hết mọi nơi ở Trung Quốc, lúc người cha tục huyền, bên nhà mẹ đẻ phải có một người đàn ông đứng ra nói chuyện, hai bên thương lượng, bàn bạc chuyện đứa nhỏ cho ổn thỏa. Song nhà họ Đàm chỉ còn mình Đàm Duệ Khang, người cậu duy nhất cũng đã qua đời, Đàm Duệ Khang vốn phận ở nhờ, ăn uống chi tiêu đều dựa vào Triệu Quốc Cương, không có tiếng nói là chuyện rất đỗi bình thường.

Trên thực tế thì đây cũng chẳng phải mâu thuẫn lớn lao gì, sau cùng Diêu Viễn sử dụng một biện pháp cũng chẳng thể gọi là biện pháp, đó là tự mình xử lý.

Đàm Duệ Khang mượn một chiếc xe đạp, chở Diêu Viễn, Diêu Viễn ngồi banh càng ở yên sau, vệt bánh xe ẹo qua ẹo lại, đánh thành hình chữ S trên con đường quê chật hẹp.

"Anh chạy được không−−!" Diêu Viễn la váng lên.

Đàm Duệ Khang cười bảo, "Được mà được mà, lâu lắm rồi không đạp xe, hồi trước còn chở bạn đến trường cơ mà! Em yên tâm."

Diêu Viễn hỏi, "Đi đâu thế?"

Đàm Duệ Khang đáp, "Đến nhà thầy anh hồi cấp hai, được không? Em không thích gặp người lạ thì nói nha, anh chở em vô tiệm net nào đó. Đợi anh nói chuyện xong thì ra đón em."

Diêu Viễn nói, "Không sao đâu, mình đi chung."

Bọn nó xuống núi, quẹo qua một con đường nhỏ khác, đến thị trấn bên cạnh, Đàm Duệ Khang bỗng nói, "Nghe bảo trên núi có sói á."

Diêu Viễn bảo, "Dám chừng mấy năm nữa là sạch trơn rồi."

Đàm Duệ Khang gật đầu, nói thêm, "Anh mong là quê mình có thể phát triển, xây dựng làng du lịch hay cái gì đó, chừng ấy nhà cửa đất đai của tụi mình sẽ có giá."

Hai đứa đến nhà giáo viên chủ nhiệm cấp hai của Đàm Duệ Khang báo tin mừng. Thầy chủ nhiệm tuổi chừng ba mươi, dạy Đàm Duệ Khang một khóa ba năm, hồi đó thầy còn trẻ, thường xuyên lăn xả đá banh với đám thiếu niên, cũng khá thân thiết.

"Chào thầy, chào cô." Đàm Duệ Khang mua một gói thuốc, chai rượu, mang đến nhà thầy chủ nhiệm.

"Chào... chào thầy ạ." Diêu Viễn lúng túng nở nụ cười, đã nghỉ hè rồi mà thầy chủ nhiệm vẫn đương soạn bài, vừa nháng thấy Đàm Duệ Khang tới là nói ngay,

"Duệ Khang! Thầy biết em thế nào cũng đỗ đại học mà! Vô đây vô đây, để thầy nhìn em cái nào!"

Đàm Duệ Khang giới thiệu Diêu Viễn với thầy, anh cười bảo, "Em cứ tưởng đậu đại học Thanh Hoa, ai dè lại thiếu mất ba điểm, tiếc ghê."

Diêu Viễn nghĩ trong bụng chắc anh đắc ý lắm đây, Đàm Duệ Khang cười nói như pháo nổ với thầy chủ nhiệm, cô đi mua rượu với đồ nhắm về, hai thầy trò ngồi trong phòng khách nói chuyện khí thế. Diêu Viễn ngồi một bên nghe, chợt nhận ra hình như tới giờ mình chưa về thăm thầy cô bận nào.

Mối quan hệ thầy trò ở thành thị và nông thôn nhìn chung có sự khác biệt rất lớn; các loại giá trị quan, tin tức, hệ thống giáo dục ngày càng chuẩn mực; giáo viên lãnh lương công nhân viên chức để dạy dỗ giáo dục, tuy Diêu Viễn vẫn tỏ ra kính trọng nhưng không có nhiều tình cảm đặc biệt đối với họ. Hồi cấp hai nó đã biết chuyện Triệu Quốc Cương tặng thẻ mua sắm hoặc gửi phong bì cho giáo viên chủ nhiệm, cốt để Diêu Viễn trong lớp ít bị rầy rà. Sau khi Diêu Viễn tốt nghiệp, thì chẳng còn gì đáng để phải nhớ đến giáo viên chủ nhiệm nữa.

Trái lại, có một số hiếm hoi giáo viên đặc biệt đối xử tốt với Diêu Viễn mà không nhận quà cáp của Triệu Quốc Cương.

Cấp hai có một giáo viên Anh văn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, cô đã lớn tuổi, tính cô hiền hòa dễ gần, hồi năm lớp bảy cô cực kỳ thích Diêu Viễn, trước mặt cả lớp khen nó nói tiếng Anh vừa chuẩn lại lưu loát, vốn từ vựng phong phú. Diêu Viễn cũng rất quý cô, sự cổ vũ như vậy rất quan trọng, giúp nó trong ba năm cấp hai duy trì hứng thú với môn Anh văn, hình thành thói quen tốt, càng học càng tinh tấn.

Còn năm lớp mười, việc bị thầy dạy Lý phạt đứng nửa tiết đã để lại cho nó nỗi ám ảnh tâm lý, khiến quãng thời gian cấp ba còn lại nó cảm thấy hơi kỳ thị môn này.

"Ba, dạy con viết chính tả!" Cậu con trai của thầy chủ nhiệm kêu lên. Diêu Viễn bảo, "Để em, ở đây mới lớp ba đã cho học tiếng Anh rồi sao?"

Nó đi tới chiếc bàn gấp nhỏ, đọc cho thằng bé viết chính tả, rồi dạy đứa nhỏ cách sử dụng từ điển Anh văn tra từ vựng, nó bảo, "Em nên tập thói quen dùng tiếng Anh để giải nghĩa từ vựng. Anh nói, rồi em đoán nha?"

Bên này nó đọc cho thằng bé viết, tai bên kia thì nghe Đàm Duệ Khang và thầy chủ nhiệm hàn huyên chuyện cũ.

Hóa ra năm ấy ba của Đàm Duệ Khang lâm bệnh nặng, tốt nghiệp cấp hai xong Đàm Duệ Khang thôi học. Một năm sau chính thầy chủ nhiệm đã thân chinh đến nhà anh, khi ấy nhà họ Đàm chỉ còn mình bà cả, thầy bảo với bà rằng thành tích học tập của Đàm Duệ Khang rất tốt, chỉ cần học hành chăm chỉ, nhất định có thể đỗ đại học. Tuyệt đối đừng để anh bỏ học.

Bà nghe vậy liền chạy lên thị trấn, gọi một cú điện thoại cho Triệu Quốc Cương, Đàm Duệ Khang ôn tập thêm ba tháng rồi khăn gói đống hành lý cũ nát, đáp chuyến ôtô đường dài xa xôi đến tận miền nam.

Trong nhà Đàm Duệ Khang không có phụ nữ, ba lại làm việc trong công trường đá, thành thử suốt thời gian dài không có người lo cho anh, quần áo bít tất rách rưới lủng lỗ không có ai khâu vá, may mà anh rất nỗ lực học hành, suốt thời cấp hai chẳng bao giờ quậy quạng đàn đúm với ai.

"Pink." Diêu Viễn nói, "Màu hồng, để anh coi sách giáo khoa của em viết thế nào... ôi trời, không ghi như vậy được đâu."

Diêu Viễn nhoài người ra đằng trước, lấy gôm tẩy cho bằng sạch những phiên âm từ tiếng Anh bằng tiếng Trung, cái gì mà "ông chết ba chết, đủ, bám chắc nè"*, xóa xong thì viết phiên âm tương ứng, rồi hỏi, "Em đọc được không?"

* "Ông chết" đọc là dét sờ = yes, "ba chết" = bátsờ = bus, đủ = gâu = go, "bám chắc nè" = ba na ni = banana.

Diêu Viễn đem hết toàn bộ sở học trước giờ truyền lại cho thằng bé, rồi kẻ một cái bảng, đem những từ không đồng dạng trong phiên âm tiếng Hán và phiên âm quốc tế so sánh chi tiết, rồi nhìn vào mắt thằng bé hỏi, "Sau này em đọc thì lấy mớ này thay vào, bao gồm mấy cái "0","s", "a" này nè, giống nhau lắm. Em hiểu không?"

Thằng nhóc gật đầu, Diêu Viễn khen, "Thông minh dữ ta. Giờ con nít đứa nào cũng giỏi hết trơn"

Thằng bé mắc cỡ cười cười, rồi ghi lại phiên âm từ vựng.

Thầy chủ nhiệm ngoài phòng khách nói, "... Sống ở thành phố lớn, em có thể giữ vững quyết tâm, không sa vào những trò cám dỗ trên đó cũng chẳng dễ dầu gì, lúc bảo em lên thành phố học cấp ba, thầy đã nghĩ thế đấy, hỏng rồi, lỡ như nó không học hành đàng hoàng, chẳng bằng đi học trường nghề còn hơn..."

Đàm Duệ Khang ngoài đó cười sang sảng, anh bảo, "Hồi em mới lên cũng hoang mang lắm, may mà dượng là một người rất giỏi, những năm tám mươi đã dựng lên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng..."

".. Tiểu Viễn giúp đỡ em rất nhiều..."

Hôm ấy Đàm Duệ Khang và Diêu Viễn ở lại nhà thầy ăn cơm, thầy khui chai rượu mới, Đàm Duệ Khang uống xỉn mặt đỏ ké, tầm mười giờ tối, Đàm Duệ Khang mới thưa, "Thầy ơi, tụi em phải về rồi."

Thầy chủ nhiệm bảo, "Ngủ lại đây đi, thầy đi trải giường, hai đứa chịu khó chen chúc vậy."

Đàm Duệ Khang vội từ chối, "Dạ thôi, tụi em phải về, nhà cửa còn chưa dọn dẹp, hồi sáng đi không có khóa cửa thầy ơi."

Diêu Viễn và Đàm Duệ Khang xuống lầu, Đàm Duệ Khang còn bảo bao giờ tốt nghiệp lại đến thăm thầy, vẻ mặt hạnh phúc ngời ngời nhận hai tập thơ thầy tặng cho bọn nó.

Diêu Viễn bảo, "Say quắc rồi chạy xe có được không đó?"

Đàm Duệ Khang la làng lên, "Không sao không sao! Anh chưa có say đâu! Xuất phát xuất phát!"

Diêu Viễn ngồi yên sau, chân thả xuống đất, hai tay bấu chặt lấy yên xe, khóe miệng giật giật, nhìn bộ dạng lảo đảo của Đàm Duệ Khang, lẩm bẩm, "Thôi xong rồi..."

Đàm Duệ Khang nổi tính ương, anh bảo, "Không sao hết! Chúng mình đi đường tắt về! Đi xuyên qua... ngọn núi!"

Gió hè mát rượi, Đàm Duệ Khang đạp xe y như khỉ làm xiếc, ẹo sang bên này lạng sang bên kia, một hồi sau thì thắng lại, ra hiệu cho Diêu Viễn chờ một lát.

Diêu Viễn, "?"

Đàm Duệ Khang bụp vô một cái cây, bất thần nôn thốc nôn tháo. Diêu Viễn, "..."

Đàm Duệ Khang nôn xong còn "tưới cây", tỉnh táo hơn nhiều, lại đi qua ra hiệu cho Diêu Viễn lên xe.

Mây mù khuất lấp ánh sao, bốn bề sánh đen tựa mực, không biết đằng xa có con gì kêu văng vẳng, đám côn trùng xung quanh đều bặt tiếng, con đường tối hù, những cụm núi trong màn đêm hệt như đám thú hoang đang hằm hè nanh vuốt.

Diêu Viễn có hơi thấp thỏm, Đàm Duệ Khang gạt chuông xe, tiếng leng keng leng keng lan đi xa tít.

"Tiểu Viễn, em có sợ ma không?" Đàm Duệ Khang hỏi.

"Không... chẳng sợ lắm." Diêu Viễn không sợ thật, lân cận là ngọn núi chôn cất ông bà ngoại, tổ tiên linh thiêng, có gì mà sợ? Nó chỉ sợ rắn rết với cướp giật thôi.

"Đừng sợ." Đàm Duệ Khang đã say bí tỉ lè nhè nói, "Có anh bảo vệ em rồi."

Diêu Viễn bật cười ha ha, nhớ lại hồi cấp hai Đàm Duệ Khang lúc nào cũng thủ một cây gậy sắt trong cặp.

Đàm Duệ Khang lại thở dài, bảo, "Tiểu Viễn, anh xin lỗi em."

Diêu Viễn đáp, "Nói gì vậy chứ. Không đúng, anh làm gì có lỗi với em hả? Nói mau!"

Đàm Duệ Khang gật gù nghĩ ngợi một thoáng, đột nhiên ven đường có một cái bóng xám nhào tới xe đạp, hai đứa mất thăng bằng ngã xuống!

"Tiểu..." Đàm Duệ Khang chưa nói dứt câu, hai đứa đã cùng chiếc xe đạp ngã lăn lông lốc xuống sườn núi.

Một tràng sủa điên dại, tiếng chó gầm gừ vang vọng trời đêm, Diêu Viễn bị va thẳng vào tảng đá, đầu inh lên, bộp một tiếng, sau đó Đàm Duệ Khang lập tức ôm chặt lấy nó, cả người Diêu Viễn đau như dần, tay bị tảng đá xước xát đau rát, lại nghe tiếng chó sủa ông ổng.

"Gâu–– gâu–-"

Một con chó mực cao bằng nửa người từ trên sườn núi lao xuống!

Đồng thời, cả hai đứa lăn một hơi gần ba mươi mét sườn núi, đầu va xuống đất, Diêu Viễn cảm thấy gân cốt toàn thân đau điếng, sắp ói ra máu đến nơi. Nhưng đầu của nó chỉ va chạm với khuỷu tay của Đàm Duệ Khang, không trực tiếp đụng đất.

Diêu Viễn té một trận mắt tóe sao, nó la lớn, "Đàm Duệ Khang! Đàm Duệ Khang! Anh ơi!"

Đàm Duệ Khang bỗng xoay người nôn ồng ộc, Diêu Viễn toan kéo anh lại, thình lình có tiếng chó sủa, con chó mực đã đuổi dí đến nơi, cổ họng nó phát ra tiếng khè khè nguy hiểm. Trong nháy mắt Diêu Viễn bỗng cảm thấy sợ hãi, nó là chó dại ư!?

Một bên mắt nó bị mù, nó từ từ cúi xuống.

"Chết tiệt!" Diêu Viễn chửi thề một tiếng, sau khi nỗi sợ hãi tan biến là một cơn nóng nảy ập tới khó lòng kiềm chế, con chó vọt tới, Diêu Viễn không buồn nhìn nhặt một cục đá lên, hung hăng ném về phía con chó!

Con chó mực bị đá chọi trúng liền nổi điên, nó rạp thân xuống lui ra sau một bước, nhe hàm răng trắng ởn ra, gầm gừ trong cổ họng mấy tiếng với Diêu Viễn, Diêu Viễn lại quát lên, "Cút!"

Diêu Viễn qua lấy hòn đá to bằng nắm tay, ánh mắt toát lên vẻ sợ hãi, con chó lại sủa nhặng lên, Đàm Duệ Khang nôn ọe tung tóe xong, chật vật bò dậy, con chó như bị kích thích, tru lên một tiếng, nhào tới Đàm Duệ Khang!

"Cút đi!" Diêu Viễn liều mạng lấy đá nện con chó một phát, giáng thẳng vào mõm nó, con chó nhất thời đau đớn quằn quại lăn ra đất, Đàm Duệ Khang la lên, "Chạy mau! Chó dại đấy đừng để nó vồ trúng!"

Con chó đã nổi cơn lồng lộn, Đàm Duệ Khang lại ho sặc sụa không ghìm được, Diêu Viễn nói, "Không đi được!"

Sườn núi quá dốc, con chó lại nhào tới, Đàm Duệ Khang nắm lấy tay Diêu Viễn kéo đi, hai đứa bỏ chạy thục mạng về một hướng khác, cả đời Diêu Viễn chưa từng trải qua tình huống giật gân thế này, hai đứa chạy như điên, tim muốn bắn ra khỏi miệng, chó điên đuổi theo suốt dọc đường Diêu Viễn loạng choạng thiếu chút nữa là té dập mặt, Đàm Duệ Khang đẩy mạnh nó vào một gian nhà gỗ.

"Vào đây!" Đàm Duệ Khang la lên.

Hai đứa nhào vào, con chó điên cuồng phóng tới, tru tréo với Đàm Duệ Khang.

Diên Viễn không nhịn được la hoảng lên, Đàm Duệ Khang xông ra trước tì vai đè cánh cửa lại, kẹp đầu con chó mực giữa khe cửa, Diêu Viễn tiện tay nhặt được cái gì là ném loạn xạ ra cửa, Đàm Duệ Khang cố hết sức đóng cửa lại, cài chốt, cạch một tiếng, bóng tối bủa vây lấy hai đứa.

Diêu Viễn tê điếng ngã xuống đất, bọn nó không ngừng thở hồng hộc. Tối đến mức giơ tay lên không thấy năm ngón, căn nhà gỗ rất chật chội.

"Tiểu Viễn... Tiểu Viễn... em không sao chứ." Đàm Duệ Khang lần mò trong bóng tối, tìm tới tay Diêu Viễn, hai đứa ôm chặt nhau.

Diêu Viễn thở hổn hển gật đầu, nó chôn đầu vào hõm vai Đàm Duệ Khang thở dốc một hồi, cảm giác cổ đối phương chảy thứ chất lỏng âm ấm, nó hoảng hốt vội hỏi, "Anh chảy máu à?"

"Tai bị rạch một đường." Đàm Duệ Khang run rẩy hỏi, "Cái hộp quẹt còn không? Để anh xem em nào."

Diêu Viễn run run lấy hộp quẹt ra, Đàm Duệ Khang nhận lấy, một tiếng "tách" nhẹ vang lên, đốm sáng yếu ớt thắp lên giữa hai đứa.

Mặt bên trái của Đàm Duệ Khang máu me bê bết, bọn nó lẳng lặng nhìn nhau, anh áp lòng bàn tay lên một bên mặt của Diêu Viễn, chăm chú nhìn kỹ nó, lẩm bẩm, "May quá, em không hề hấn gì, mặt mũi không làm sao."

Mặt của anh còn nhễ nhại máu tươi, nhưng vẫn nhìn Diêu Viễn không chớp mắt, hết xem chân mày, lại soi đôi mắt nó.

Hai đứa lặng lẽ nhìn nhau, đôi bên có thể cảm nhận được hơi thở nóng rực của đối phương, Đàm Duệ Khang như trút được gánh nặng, anh nhắm mắt lại, mỉm cười bảo, "Không sao rồi không sao rồi."

Nụ cười đẹp đẽ của Đàm Duệ Khang dường như châm một mồi lửa trong trái tim Diêu Viễn, khoảnh khắc ấy, không hiểu vì sao Diêu Viễn lại muốn áp mặt đến gần anh, đặt nụ hôn lên môi anh.

Nó nín thở, bất chợt nhớ đến một câu đã từng đọc được từ rất lâu rồi—

— Tình đến tự bao giờ, thốt chốc đã đ¾m sâu.