Đường núi cực kỳ hiểm trở, còn gồ ghề toàn ổ gà vịt, tôi cố ép mình để não trống không, tranh thủ chợp mắt một chút, nhưng giấc ngủ cứ chập chà chập chờn, hơi tí lại giật mình tỉnh dậy.
Tôi vô ý thức sờ điện thoại, nhấn gọi Trang Viễn, nhưng chỉ nhận được âm báo số điện thoại không liên lạc được.
Tới khu này là đã càng lúc càng gần chỗ Trang Viễn mất liên lạc, nhưng tôi nhiều lần liên hệ với đồng nghiệp và đội cứu hộ đang có mặt tại hiện trường, còn có bên điểm tập kết, nhưng vẫn chẳng có tin tức gì.
Xe càng đi lâu, bất an ẩn giấu trong lòng dầu cố nén vẫn dần dần lan ra, nghẹn ứ trong lồng ng.ực tôi, không cách nào ngăn được. Đợi đến lúc xe đột ngột đỗ lại, tôi mới phát hiện bàn tay cầm điện thoại của mình đã cứng ngắc, lưng điện thoại nóng bỏng. Người trong xe có vẻ cũng nhấp nhổm ngó tôi.
Tôi nhìn ra ngoài cửa, bấy giờ đã đến khá gần tâm chấn, ở đằng xa xa có thể nhìn thấy có nóc nhà nông đã đổ sụp, chôn vùi giữa lớp lớp đồng hoa cải vàng nở đến gần rã cánh, rực sắc của úa tàn.
"Đường phía trước có vẻ đang gặp sự cố lớn, không biết mình có đi tiếp nữa được không. Không được thì chỉ có thể quành lại tìm đường khác vào." Phóng viên đưa tin cùng đoàn trao đổi với tài xế xong quay lại nói. Tất cả mọi người đội mũ bảo hiểm lên đầu, đội trưởng nhóm nhà báo và nhóm y bác sĩ theo nhau xuống xe quan sát tình hình, bảo chúng tôi ngồi nguyên tại chỗ đừng di chuyển.
Nhóm chụp ảnh của bên PM có vẻ đều là phóng viên kỳ cựu, hai người ngồi nhét trên hàng ghế sau cùng nhắm mắt nghỉ ngơi. Phóng viên đưa tin là một cậu trai vừa ra trường hai năm, tên Vương Phi, duyên do đi lần này trừ việc chuyên làm mảng thời sự, còn là vì người cường tráng khoẻ mạnh, độc thân không có gia đình hay gánh nặng nào khác. Bình thường cậu ấy đều bám càng theo thầy làm việc, lần này cũng y thói quen cứ chuyện gì cũng răm rắp hỏi tôi rồi mới làm.
"Chị Hoàng, nếu như loanh quanh mãi không vào được khu phát sinh động đất thì mình liên lạc về toà soạn trước hay là sao ạ? Xem thử Triệu tổng có đường khác không."
"Không cần, cứ ở tại chỗ đợi sẽ vào được nhanh hơn."
Trước đó tôi đã mở bản đồ xem kỹ càng đường đi, dựa vào những thông tin nhận được cố gắng xác định tình hình chung quanh, trong bụng biết đi vòng lại chắc chắn không phải phương án khả thi.
Con đường liên tỉnh số 210 mà bọn tôi đang đi ai muốn tới huyện lỵ đều phải đi qua, bây giờ mà quành lại, chưa nói các lối khác lúc này không biết có bị hư hại không, nội chuyện lâu ngày bị bỏ bê tu sửa, kiểu xe cứu hộ cỡ to như của chúng tôi không tài nào mà đi được. Hơn nữa đi vòng lại tốn kém cả thời gian và tiền của, còn chẳng bằng ở lại đây chờ sửa đường gấp. Mấy tuyến đường chuyên để cứu hộ này sẽ không thể nghẽn quá lâu.
Chẳng qua, chúng tôi cũng không thể cứ ngồi không đó đợi.
Tôi nói với Vương Phi: "Cậu thử trao đổi với đoàn trưởng xem, hiện tại có đủ an toàn để chúng ta xuống xe không. Nếu mà có thể thì chúng ta đi coi thử xem đường phía trước tình hình lưu thông thế nào. Bây giờ đội sửa đường vừa bắt tay vào làm việc, báo khác còn chưa đến, chưa ai đưa tin cập nhật."
"Được." Vương Phi nhanh chóng lấy được sự đồng ý cùng mấy bộ đồ bảo hộ từ chỗ của đoàn trưởng.
Lời đoàn trưởng đáp như sau: "Nhất định phải chú ý giữ an toàn cho bản thân, đừng gây thêm gánh nặng cho đội sửa đường và đội cứu hộ."
Thế một đội mấy phóng viên cùng nhiếp ảnh gia chúng tôi trang bị cẩn thận, đăng ký tên xong bèn nhanh lẹ xuống xe, men theo con đường liên tỉnh đang nghẽn mạch đi về đoạn sửa đường phía trước. Đội y bác sĩ cũng đi cùng với chúng tôi, lỡ đâu trên đường có đụng phải người dân gặp nạn hay tình nguyện viên bị thương cũng có thể kịp thời cứu chữa.
Đứng trước cảnh tượng tan hoang cùng sắc xuân vẫn dường như bất diệt chung quanh, con tim đương ngập trong rối ren của tôi không rõ vì sao dần bình tĩnh lại. Trang Viễn có lẽ đang ở gần đó chờ tôi tìm thấy cậu ấy. Mà lúc này, tôi đương làm tròn nghĩa vụ được đặt vào tay mình, càng đảm bảo nhiều tin tức được truyền đi hơn, có lẽ sẽ càng nhanh chóng giúp nhiều người được an toàn hơn, hy vọng trong số những người đó có Trang Viễn.
Không mất bao lâu chúng tôi đã liên lạc được với đội sửa đường, được biết là hiện tại hầu như tất cả tuyến đường đều đã cấm xe, chỉ có xe cứu hộ là được phép vào. Khổ nỗi con đường liên tỉnh huyết mạch này sớm nhất cũng phải cỡ chín giờ tối may ra mới thông được.
Tôi và nhóm phóng viên đều nhanh chóng ghi chép rồi gửi tin về, nhưng tín hiệu trong núi cực kì kém, chữ không còn gửi được, nhưng kèm theo hình với clip thì hầu như đều quay vòng. Sau khi thử đi thử lại mấy lần không xong, tôi bàn với Vương Phi, là cậu ấy với anh quay phim ở lại chỗ đường đang sửa, tôi và anh chụp ảnh thử tạt vào làng gần đó tìm xem có chỗ nào còn kết nối mạng được không, hay là có chỗ sóng mạnh chút đủ gửi video đi cũng được.
Đúng vào lúc ấy, bất chợt tôi cảm thấy ba lô của mình bị ai đó kéo một cái.
Tôi ngoái lại, chỉ thấy một đôi tay bé xíu đen thui đang níu chặt lấy quai ba lô của tôi ghì xuống.
Đó là một bạn nhỏ chỉ cỡ bốn năm tuổi, mặc bộ đồng phục may lên lai nhưng vẫn rộng thùng thình, mái tóc dài xoã rũ rượi, nhìn vào khó biết ngay được là nam hay nữ.
Là dân làng ở gần đây chạy ra hay sao nhỉ?
"Sao thế? Bạn nhỏ sao em lại ở đây? Mọi người còn đương sửa đường, sợ có chỗ sẽ sụp, em đừng ở đây."
Bạn nhỏ có đôi mắt sáng ơi là sáng, nhưng lại không hé ra một chữ, chỉ nằng nặc kéo quai ba lô của tôi, đưa tay chỉ về phía căn nhà bị sụp giữa cánh đồng hoa cải ở phía xa.
Tôi sực hiểu ra, bạn nhỏ là muốn gọi người giúp. Có lẽ là bị doạ sợ, cũng có lẽ là không biết nói làm sao, đứa nhỏ theo linh tính đã chọn đúng cô gái duy nhất giữa nhóm người, hy vọng sẽ được giúp đỡ.
"Bên đó có người đúng không? Có người bị thương đúng không? Em nói bọn chị qua giúp?" Bạn nhỏ lanh lẹ gật đầu.
Tôi quyết định tức thì: "Vương Phi, vừa hay bọn mình cũng định vừa làng, giờ theo bạn nhỏ qua xem thử xem sao trước, cậu ở đây đợi bọn mình nhé." Vương Phi gật đầu theo thói quen, lại thấy không yên tâm: "Chị Hoàng chị có ổn không? Hay đổi lại em đi cho?"
"Không cần, chỗ này mới dễ xảy ra tình huống đột xuất, cậu có tin gì mới thì lập tức báo lại nhé, mình đi rồi về ngay."
Tôi cùng anh quay phim, hai bạn đội cứu trợ và một bác sĩ cũng theo cùng xem tình hình người bị thương đi nối đuôi bạn nhóc chạy tập tà tập tễnh về phía ngôi làng lấp ló phía xa. Trên đường, bọn tôi đi ngang qua cánh đồng hoa cải mà khi nãy ngồi trên xe có thấy, bác sĩ nói một câu: "Đẹp quá."
Năm người lớn và một bạn nhỏ đều chìm trong im lặng, song không hề ngơi bước chân.
Căn nhà nông thôn bị sập cách cổng làng một quãng, chính là chỗ lúc ở trên xe tôi đã nhìn thấy. Bạn nhỏ vừa tới chỗ nhà thì vội cuống quýt chỉ vào trong, nói một chữ "Bà u..."
Đó là cách người địa phương gọi bà ngoại, có thể chắc chắn phía trong có cụ bà bị kẹt rồi. Đội cứu hộ nhanh chóng bắt tay dùng thiết bị dọn quang chướng ngại vật chung quanh, chuẩn bị vào cứu người.
Tôi vừa đứng ngoài hô vào: "Bà u ơi, bà u, bà có nghe bọn cháu không?" Bên trong không có ai đáp lại.
Bụng tôi bấn kinh khủng, không ngừng tự an ủi mình có lẽ cụ bà bên trong đang hôn mê hoặc không thể mở miệng được. Bạn nhỏ đứng dán mắt nhìn trân trân theo đội cứu hộ đẩy mảng tường sập cùng đá bể chung quanh ra.
Anh quay phim và bác sĩ cũng vào giúp một tay, tôi hỏi: "Bà u của em ở gian nào?" Bạn nhỏ nghĩ mất một chốc, chỉ vào gian phòng nằm ở mé đông.
"Bên kia, mình cứ đào bên kia trước!"
Đúng vào khi ấy, bọn tôi nghe được bên trong có tiếng rê.n rỉ vì đau, là tiếng của một bà cụ!
"Nhanh, nhanh! Chính là chỗ này!" Năm người bọn tôi cùng kéo lại, anh quay phim đi đầu vùi nửa người xuống chỗ sụp nhìn vào, nói to: "Trần phòng sập rồi! Chân của bà cụ bị đè, nhưng còn cứu được, vừa nãy chắc cụ bị ngất đi! Phải khiêng rường nhà ra trước!"
Trưởng nhóm cứu hộ la: "Không khiêng nổi, mình không đủ người, chỉ có thể lôi qua một bên, sau đó cho một người lòn vào kéo bà cụ." Anh quay phim: "Sao mà vào, chỗ hở này bọn mình không ai vừa cả, phải đào thêm một chút!"
"Đào nữa thì sập mất!"
"Em vào cho!" Tôi nói, ở đây trừ bạn nhỏ thì tôi là bé con nhất rồi, chắc là có thể chui vừa, "Các anh ở ngoài giữ rường nhà, kích đưa em, trước hết kéo bà ra khỏi rường đã."
"Không được!" Bất thần có người nói.
Mình tôi đờ ra, ngoái đầu nhìn.
Cả người phủ sương gió, bộ đồ leo núi dính két bụi cùng bùn đất.
Trên gương mặt vẫn là biểu cảm hay thấy đó, ôn hoà nhưng không có độ ấm.
Đầu của Trang Viễn quấn băng trắng, tay cầm xẻng cứu hộ, đang đứng ngay trước cổng nhà!