– Không cần đâu! Cô vẫn đang trong ngày nghỉ thì về nhà đi!
– Con bé đang ốm thế này tôi về cũng không yên tâm được!
– …
Kiên nghe Dung nói vậy thì cũng không từ chối nữa mà gật đầu, thiết nghĩ Dung chăm sóc con gái mình quen rồi thì ở lại cũng tốt, với con bé thích cô như vậy biết đâu cũng đỡ hơn nên quay ra nhắc nhở hai cô giúp việc nhanh chóng về nhà với hai đứa lớn.
Ở phòng yêu cầu, có dư chỗ ngủ nên Kiên bảo Thùy Dung qua giường bên cạnh nằm còn mình ngồi bên này với con gái nhưng Dung lại nhường chỗ cho anh.
– Không còn sớm, ông chủ qua đó nằm đi! Tôi ngồi đây canh Bảo An được rồi!
– Con bé vẫn đang ngủ nên cô cứ qua kia nằm đỡ đi!
– Bé An chưa thực sự cắt hẳn cơn sốt, lúc nóng lúc lạnh bất thường nên không thể lơ là được.
Dung nói rồi đứng dậy chuẩn bị sẵn một chiếc chậu nhỏ cùng khăn mặt để sẵn, phích nước nóng cũng đầy đủ. Mặc dù thuốc men bác sĩ đã kê rồi và hiện tại con bé đã hạ sốt nhưng thân nhiệt trẻ con yếu ớt vẫn nên có sự sẵn sàng thì tốt hơn.
Kiên đứng bên cạnh nhìn Dung làm mọi việc một cách thuần thục, lại thêm cử chỉ ân cần, cẩn thận chu đáo với con gái thì rất hài lòng. Không định đi ngủ mà tính ra cửa đứng một chút cho thoải mái thì bất ngờ cô lên tiếng nhắc nhở anh:
– Đêm còn dài nên ông chủ cứ qua giường nằm ngả lưng chút, đừng ra ngoài đêm đứng khi trời trở lạnh thế này. Thời tiết mùa này độc lắm!
– Không sao đâu.
– Nhà có một người ốm rồi nên ông chủ vẫn nên cẩn thận ạ!
Bước chân của Kiên đột ngột dừng lại khi nghe câu nhắc nhở đó của Dung, cũng không biết đã mấy lần con người lãnh cảm như anh lại biết nghe lời người khác ngoài người vợ quá cố của mình. Kiên không tiếp lời câu nhắc nhở đó nữa nhưng hành động tự nguyện quay trở lại giường bên kia nằm xuống.
Bảo An cắt cơn sốt từ lúc bác sĩ thăm khám nhưng khi về gần sáng thì con bé lại lên cơn sốt tiếp, lúc nóng, lúc lạnh khiến cho Kiên một phen lo lắng nhưng Thùy Dung thì rất bình tĩnh chăm sóc con bé và sau một lúc thì thân nhiệt Bảo An cũng dịu đi và nằm trong vòng tay cô ngủ rất ngon. Có điều trong cơn say ngủ ấy một lần nữa Bảo An lại nói mớ và câu nói càng ngày càng rõ nét…
– Cô… Cô Dung…Cô ơi…
– Bảo An…
– Cô ơi…
– Con gọi được cô à? Bảo An ơi…
Cả Dung và Kiên đều bất ngờ và sửng sốt, lần này hai người nghe rõ lắm rồi nhưng con bé thì không nghe tiếng hai người gọi, hỏi mình mà nó vẫn nhắm mắt ngủ ngon. Sau nhiều lần gọi, hỏi con không được thì Kiên đoán chắc con chỉ nói được trong cơn mơ màng như lần trước nên không hy vọng nhiều, tự an ủi bản thân kiên trì, chờ đợi vào kỳ tích lần sau…
Hai người lớn đã sẵn sàng tâm lí chờ đợi Bảo An có sự thay đổi vào lần kế tiếp nên khi con bé thức giấc thì vui vẻ hỏi han xem con còn mệt không. Cứ nghĩ câu trả lời lại là cái lắc đầu hay gật đầu như bình thường thôi nhưng cả hai đã bị bất ngờ đến ngây ngốc vì lời nói rõ ràng của con bé:
– Con hết mệt rồi!
– …
– Cô ơi… Bố ơi…
Khi cả hai người lớn vẫn còn đứng chôn chân một chỗ và không nói lên lời thì Bảo An lại tiếp tục gọi:
– Bố ơi… Cô ơi…
– An… Bảo An… Con vừa gọi bố phải không?
– Bố!
Kiên bình thường rất bình tĩnh và cứng rắn, thế nhưng giờ này trước sự thay đổi đột ngột của con gái thì anh đã không kìm được xúc động, giọng nói cũng trở nên nghèn nghẹn:
– Con gái của bố…
– Bố ơi…
– Ừ. Bố đây! Bố yêu con!
– Cô ơi…
Bảo An nằm ngả trên vai bố Kiên nhưng lại không quên chìa tay qua Dung gọi nhỏ thì cô cũng sực tỉnh, với vội tay sang con bé:
– An giỏi quá! Bảo An cuối cùng cũng gọi được cô rồi!
– Cô bế con…
Kiên mặc dù vẫn đang xúc động nhưng anh không vì quá vui mà giữ chặt con bé bên cạnh, anh thật sự muốn chia sẻ niềm vui mừng này với Thùy Dung nên đưa con bé qua cho cô.
– Thật tốt quá rồi!
– Chúc mừng ông chủ! Cuối cùng bé An cũng nói được rồi!
– May mắn là một phần nhưng tôi vẫn cảm ơn cô! Cảm ơn cô thời gian qua đã chăm sóc con bé rất tốt!
– Đổi lại Bảo An nói được thì mọi vất vả không có nghĩa lý gì! Chúc mừng ông và gia đình lần nữa ạ!
– Cảm ơn!
Thùy Dung bế An một lúc rồi cho con bé đi làm vệ sinh cá nhân, hai cô cháu lại trò chuyện một hồi trong đó rồi mới ra ngoài thì bác sĩ cũng qua thăm khám lại. Bảo An đã không còn sốt nữa, sức khỏe bình thường trở lại nên được cho ra viện.
Về đến nhà Bảo An tung tăng như chưa hề bị ốm, con bé líu lo với anh chị cả buổi không chán nhưng lại rất xa lạ với người nó không thích.
Kiều biết tin đến thăm hỏi nhưng con bé tỏ ra không muốn gần gũi và còn giữ vẻ im lặng như trước đây khiến Kiên có chút không an tâm. Anh sợ con gái quay về như trước thì không ổn nên nói khéo với Kiều:
– Con bé mới nói được chút ít, em và mọi người cứ tránh ra ngoài, để từ từ con bé quen rồi nói chuyện sau cũng được.
– Dạ, em sơ ý quá!
– Được rồi! Mình qua phòng khách nói chuyện đi!
Kiên nói với Kiều xong liền nhắc nhở hai cô giúp việc đi lo bữa tối sau đó giục hai con lớn về phòng thay đồ thì Dung biết ý cũng bế Bảo An về phòng của mình. Nhưng khi đóng cửa phòng lại thì con bé lại cười khanh khách, Thùy Dung thấy Bảo An láu cá vậy thì nhéo mũi con bé mắng yêu:
– Bảo An hư quá nè!
– Là con không thích cô Kiều, con chỉ thích mỗi cô thôi!
– Cô Kiều xinh đẹp lại yêu quý bố Kiên và các con mà!
– Không! Con thích cô Dung yêu bố Kiên cơ, không thích cô Kiều!
– Ây… Bảo An không được nói linh tinh nhé! Ai nghe được thì không hay đâu.
– Con…
Thùy Dung sợ bé An nói mấy câu linh tinh nữa nên vội ngăn con bé lại:
– Thôi, qua đây cô thay đồ cho nào!
– Vâng ạ!
Tắm qua cho con bé xong thì hai cô cháu lại lên giường ôm nhau nằm đọc truyện, đúng lúc Dung chuyển sang đọc truyện Tấm Cám cho An nghe thì có tiếng gõ cửa và sau đó là Kiên bước vào:
– Hai cô cháu thay đồ xong chưa?
– Dạ, rồi ạ!
– Vậy ra ăn cơm đi!
Kiên nhắc Dung rồi chìa tay qua bế con gái:
– An của bố đói chưa nhỉ?
– Con đói meo bụng rồi bố Kiên ạ!
– Đâu? Để bố kiểm tra nào!
Thùy Dung đã ngồi dậy nhưng Bảo An vẫn nằm dài ra giường, cái tay còn xoa xoa cái bụng nhỏ của mình làm trò với bố khiến Dung cũng phải phì cười.
– Hình như cô Dung nghe thấy tiếng bụng ai đó réo lắm rồi!
– Thì con đói mà!
– Vậy chúng ta đi ăn nào!
– Cô bế con cơ…
– Ra bố bế chứ con cũng nặng lắm đó!
Kiên bảo con để mình bế nhưng bé An không chịu mà cứ làm nũng với Thùy Dung thì cô cười cười đáp:
– Được rồi! Qua đây cô bế con!
– Con yêu cô nhiều lắm!
– Cô cũng yêu con rất nhiều nhưng nếu tối nay con ăn hai bát cơm thì cô sẽ yêu con nhất trên đời luôn!
– Con sẽ ăn ba bát luôn ạ!
– Vậy chúng ta đi thôi nào!
Kiên bị bỏ lại phía sau nhưng lần này anh không có ganh tị với cô bảo mẫu Dung nữa mà vui vẻ đi theo hai cô cháu ra ngoài. Ra tới bàn ăn Thùy Dung kéo ghế định cho Bảo An ngồi xuống bên cạnh Kiên thì Kiều đã nhanh tay hơn ngồi xuống trước, cô ta miệng cười đon đả như quan tâm lắm:
– Dung cho bé An ngồi bên cạnh chị để chị làm quen với bé dần nhé!
– Dạ. Vâng.
Tưởng đã được như ý nhưng Bảo An lại khiến cho cô ta thất vọng, con bé ngay lập tức trượt xuống khỏi ghế, chạy lại chỗ Kiên kéo tay anh qua ngồi với nó và Dung bên này. Ngọc Anh và Tuấn Anh chứng kiến cảnh đó thì tủm tỉm cười còn Kiều thì mặt ngắn tũn lại. Có điều cô ta không muốn làm mất lòng Kiên nên cố gắng tỏ ra vui vẻ, còn tự nhiên gắp thức ăn cho mọi người nữa. Bụng bảo dạ cố gắng nhịn xuống cho qua bữa cơm nhưng không ngờ Bảo An lần nữa khiến cô ta sôi máu.
Con bé ngồi giữa Dung và Kiên thực sự đã giống như một nhà ba người rồi mà suốt bữa ăn nó cứ bắt bẻ nhắc nhở Kiên gắp thức ăn cho cả cô bảo mẫu của nó nữa, đương nhiên là Kiên muốn con gái vui nên làm theo lời nó như cái máy mà vẻ mặt còn rất ư là thoải mái.
Cái cảm giác bị mấy đứa con của Kiên ghét bỏ, chống đối khiến cho Kiều ghét lây cả sang Thùy Dung và càng thấy chán ghét nhiều hơn khi Dung nhận được sự quan tâm điềm đạm, ân cần của Kiên. Cuối cùng bữa tối cũng kết thúc nhưng bụng cô ta chỉ có chút xíu canh và mấy miếng rau xào còn đâu là toàn chống đũa gặm nhấm nỗi oán hận với ba đứa trẻ và Thùy Dung.
Nhận rõ thái độ không thiện cảm từ các con của Kiên nhưng Kiều vẫn trơ mặt đến nhà anh thường xuyên. Ở công ty biết tính Kiên không mang chuyện tình cảm vào công việc nên cô ta rất giữ ý tứ với anh nhưng khi về nhà thì Kiều tỏ vẻ là em gái ngoan và thật sự muốn gần gũi với bố con Kiên.
Thực chất Kiều không làm gì quá đáng nên Kiên cũng không có lí do để đuổi hay từ chối thẳng thừng sự quan tâm này, dẫu sao với quan hệ thân thiết của hai nhà thì Kiên chỉ có thể im lặng coi như bình thường. Nhưng chính sự im lặng của anh lại tạo điều kiện cho Kiều kiên trì, cô ta vẫn luôn làm mọi cách để lấy lòng anh nhưng khổ nỗi lần nào tới không phải là hai đứa lớn làm cho mất mặt thì lại là đứa nhỏ làm cho bực tức. Hôm nay cũng vậy, vừa hí hửng mang đồ ăn tới cho mấy bố con thì gặp ngay cảnh anh đang dạy Thùy Dung và Bảo An tập bơi.
Bảo An tập tành cả tuần thì cũng biết bơi rồi nhưng Thùy Dung thì cứ mỗi lần thả người xuống nước là chìm nghỉm. Cái gì cũng tài, cũng hay mà động đến môn bơi lội là cô như gà mắc tóc, lúng túng, vụng về, bị uống nước mấy lần nên cô không có dũng khí tiếp tục nữa.
– Ông chủ! Tôi không bơi nữa đâu!
– Cô thế mà còn kém hơn cả Bảo An. Con bé tập có một tuần mà nó bơi giỏi rồi kia kìa!
– Thôi… Tôi không bơi nữa đâu. Từ nãy giờ tôi uống khá nhiều nước rồi!
– Trước cô hăng lắm mà! Còn cho cả chuồn chuồn cắt nát rốn mà giờ lại sợ à?
– Không phải sợ mà tôi không có năng khiếu nên tốt nhất là dừng lại để đỡ mất thời gian mà ông chủ cũng không bị phiền hà.
– Tôi thấy phiền nếu như cô không biết bơi, mà không biết bơi thì sao bảo vệ con gái tôi được chứ! Nên là cô suy nghĩ đi! Muốn giữ công việc lương cao này thì cố gắng học, còn nếu không thích thì làm nốt tháng này có thể nghỉ!
Thùy Dung mặt nghệt ra khi nghe mấy lời nói tưởng chừng như bình thường nhưng lại mang tính chất đe dọa của Kiên. Lúc đầu rõ là năn nỉ nhờ cô giúp mà giờ khi con bé khỏe mạnh, ăn được, nói được lại tính qua cầu rút ván. Đúng kiểu người làm kinh doanh, khi không có lợi là lấy cớ đuổi khéo ngay, có điều lần này Dung không sợ bị thất nghiệp nữa rồi, ít nhất cũng có Trung Hiếu hứa sẽ giúp cô tìm đúng công việc phù hợp nên đã không suy nghĩ nhiều mà đáp trả Kiên cứng rắn:
– Nếu ông chủ đã là người như vậy thì tôi xin phép đi tìm công việc khác vậy.
Không nghĩ Thùy Dung lại trả lời thẳng thắn thế nên Kiên có hơi bất ngờ.
– Cô… Cô tính nghỉ thật à?
– Điều kiện ông chủ đưa ra khó quá nên tôi xin phép được tìm công việc phù hợp hơn.
– …
Kiên chỉ là muốn thử Thùy Dung một chút nhưng xem ra là cô không đùa, thái độ kia không lẽ là cô muốn tìm việc khác thật ư…
– Học bơi lại khó khăn vậy sao?
– Cũng như ông chủ chỉ thích xem bóng đá mà không thích nghe ca nhạc ấy!
– Vậy không cần học nữa! Lần khác có đi chơi biển ở đâu thì tự lượng sức mình!
– Tôi chỉ ngồi trên bờ ngắm người ta bơi thôi!
– Tùy cô!
Ai đó chỉ nói mỗi hai từ tùy cô rồi đi lên trên ghế ngồi, còn Thùy Dung thì qua chỗ Bảo An đùa nghịch. Con bé bơi quanh Dung chán chê thì rủ cô ra xa hơn một chút nhưng vì Dung sợ đuối nước nên không dám mà chỉ mon men gần bờ. Thế nhưng bơi gần bờ mà không may bị chuột rút thì cũng là một sự khiếp vía và Thùy Dung đã rơi vào hoàn cảnh ấy khi đang đứng vui đùa với Bảo An.
Tiếng kêu bất ngờ có chút sợ hãi kèm cả đau đớn của Thùy Dung đã thu hút sự chú ý của Kiên, anh nhận ra sự bất thường nên vội lao xuống giúp cô. Dù ngay lúc đó được anh bế lên bờ nhưng Thùy Dung vẫn bị sặc nước và mặt tái đi vì đau…
– Bình tĩnh! Đừng sợ!
– Khụ …khụ…
– Hít thở đều nào! Từ từ thôi…Giờ cố chịu để tôi giúp cô hết bị chuột rút, chịu khó tí mới đỡ được…
Lần trước đi vịnh Lan Hạ là cô có mặc áo phao nên khi ngã xuống cô không sợ mấy, còn lần này ở bể bơi gia đình nên cô chủ quan không mặc, với nghĩ mon men gần bờ cứ nước không ngập quá cổ thì sẽ không sao nhưng một màn vừa rồi khiến cô sợ khiếp vía rồi.
– Cô ổn hơn chưa?
– Tôi không sao rồi!
– Vào nhà thôi! Bảo An! Con vào trước bảo bác Lành thay đồ cho con nhé!
– Vâng ạ!
Kiên đỡ Thùy Dung rồi tiện nhắc nhở con gái vào thay quần áo thì con bé nghe lời ngay lập tức. Nó chạy nhanh vào trước gọi bác giúp việc còn Kiên và Dung thì đi phía sau. Lúc này Kiều cũng không lấp ló ở ngoài nữa mà đi thẳng vào cửa chính, cô ta làm như vừa mới đến và thấy cảnh này thì tỏ vẻ quan tâm:
– Ơ… Dung bị sao thế em?
– Chị đến chơi ạ! Em đang tập bơi thì không may bị chuột rút!
– Khổ ghê cơ! Nào để chị đỡ về phòng!
Cô ta miệng nói tay làm, đi lại đỡ Thùy Dung liền rồi còn ngọt nhạt nhắc nhở Kiên nữa:
– Anh cũng về phòng thay đồ đi, để em giúp Dung cho!
– Ừ.
Kiều vẻ mặt đon đả với Kiên vậy chứ khi cô ta đỡ Thùy Dung vào phòng riêng thì thái độ thay đổi một trăm tám mươi độ luôn:
– Tôi nghĩ cô không nên cố học bơi làm gì. Càng không cần tỏ ra yếu đuối để lấy lòng anh Kiên vậy đâu.
Nhận thấy thái độ và giọng điệu của Kiều lạnh nhạt lại có ý tứ thì Dung lập tức đáp lời ngay:
– Chị Kiều! Chị có hiểu lầm gì phải không?
– Tôi không hiểu lầm mà chỉ hiểu đúng. Không phải cứ chăm sóc tốt cho con gái anh ấy mà tưởng mình được một bước lên mây. Tính anh ấy tốt nhưng không có nghĩa là dành tình cảm cho người như cô.
– Em biết mình đang ở vị trí nào nên không cần chị nhắc nhở, với cơ bản là giữa em và ông chủ không hề tồn tại thứ tình cảm mà chị đang nói đâu.
Thế nhưng Kiều không cần nghe mấy lời giải thích của Thùy Dung mà càng lúc cô ta càng mất hết lịch sự mà buông những lời rất khó nghe:
– Tao biết loại người bần cùng như chúng mày sẽ tìm đủ mọi cách để mồi chài những người nhiều tiền và tử tế như anh Kiên nhưng rất tiếc mày không có cửa đâu. Bớt cái sự ngây thơ và cố làm ra vẻ vô tư đi.
– Chị đừng có ăn nói hàm hồ!
– Mày tưởng tao là con nít lên ba à? Hàm hồ hay là mày định lừa cả bố mẹ anh Kiên rồi tới hai anh em nhà anh ấy hả con khố rách áo ôm? Mới đầu tao cứ tưởng mày hiền lành vô tư thật nhưng xem ra là tao đánh giá mày sai rồi. Tâm cơ mày cao quá nên tao sẽ không để mày có cơ hội làm càn đâu. Hôm nay tao cảnh cáo mày, nếu mày còn dám gần gũi, ve vãn Kiên nữa thì mày cứ liệu hồn.