Anh bạn 18 tuổi mấy hôm nay đang lên tiếng đòi tự do: Được mua xe mới để tự lái đi học thay vì để ba đưa đón hoặc đón xe bus, được đóng cửa phòng khi tiếp bạn thay vì mở cửa như mẹ quy định, được thỉnh thoảng ngủ đêm lại nhà trọ của bạn cùng lớp khi có liên hoan thay vì phải về nhà trước mười rưỡi tối…
Bạn nói với tôi rằng thật quá “oải” với sự bảo bọc của cha mẹ. Thậm chí, mỗi lần cắt tóc bạn đều phải theo ba đến tiệm quen. Trong câu chuyện, bạn thú nhận rằng, cho đến tận hôm nay, bạn chưa bao giờ tự xúc cơm vào chén của mình. Đó là việc của mẹ, bà, hoặc cô giúp việc. Bạn chỉ việc bưng tô cơm đã xúc sẵn lên ngồi trước ti vi và ăn.
Đến năm mười bốn tuổi tôi vẫn chưa tự xếp quần áo cho mình. Tất cả đều là việc của mẹ. Giặt, phơi, xếp, ủi, treo lên móc. Mỗi sáng, tôi chỉ việc mặc những chiếc áo rất thẳng thớm tinh tươm để đến trường. Cho đến một ngày nọ mẹ đi vắng, và trời trưa đang nắng bỗng lắc rắc vài hạt mưa. Không cách nào khác, tôi phải làm. Lấy quần áo từ sào phơi, ôm vào phòng. Tôi chợt nhận ra quần áo vừa lấy từ sào xuống thật là thơm, một mùi hương mới mẻ, lạ lẫm, thanh sạch, “nóng giòn”. Mùi của nắng. Và lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi xuống bên đống quần áo, lóng ngóng, bắt đầu xếp từng cái một.
Tôi chỉ muốn nói rằng …những ví dụ đó không hoàn toàn là những việc nhỏ nhặt.
Khi không tự làm điều gì đó cho bản thân - chẳng hạn như việc xúc cơm, với bạn, hay việc xếp quần áo, với tôi - ta có thể tận hưởng cảm giác thoải mái của sự bảo bọc (hay lười biếng), nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang đánh mất dần - từng chút - một điều rất có ý nghĩa với đời mình: bản năng độc lập.
Bản năng mạnh mẽ nhất của con người là học lấy những kỹ năng sống nhằm tự tồn tại. Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta khóc oe oe đòi sữa, vì “con khóc mẹ mới cho bú”. Không có ai dạy cả, Rồi ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi… Rồi nhảy cú nhảy đầu tiên. Ngã cú ngã đầu tiên… Cha mẹ đứng quanh vỗ tay cổ vũ, khen ngợi. Nhưng chính chúng ta, dù bé nhỏ, mong manh như vậy, khi mới vài tháng tuổi đã tự mình làm nên những kỳ tích.
Hãy nhớ lại lúc bé thơ. Khi nào mẹ cho bạn cầm kéo cắt hình chiếc lá: đó là khi mẹ tin rằng bạn có thể cầm kéo mà không tự cắt vào tay mình. Ba mẹ không bế ẵm ta nữa, nếu ta đã biết đi, muốn tự đi một mình và quan trọng nhất là khiến ba mẹ tin rằng ta có thể tự đi một mình, biết vịn vào ghế, biết tự đứng dậy được khi vấp ngã. Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao cha mẹ có thể thả tay ra cho bạn đứng chựng khi bạn mới mười tháng tuổi, mà vẫn xúc cơm cho bạn khi đã mười tám tuổi. Nếu mẹ có thể xúc cơm cho bạn thì có gì lạ đâu nếu ba không yên tâm để bạn lái xe một mình…
Nếu chúng ta không chứng tỏ được rằng mình có thể tự làm, người khác sẽ tin rằng chúng ta không thể tự làm. Nếu bạn không tự làm được điều dễ dàng, cớ sao tôi phải tin rằng bạn có đủ trách nhiệm và nhận thức để làm điều khó hơn?
Trang Tử nói: “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng”. Chúng ta có giống được những con gà rừng không? Nếu chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do?
Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc, kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta sẽ quá quen với việc được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự mình vạch ra. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim trong rất nhiều lớp lồng.
Như vậy đó, anh bạn! Không ai lấy mất tự do của chúng ta, chỉ có chúng ta tự nguyện đánh mất thay vì cố gắng giữ lấy nó. Chúng ta, ở tuổi mười tám, thỉnh thoảng kêu gào rằng tại sao cha mẹ lấy hết tự do của con, mà quên rằng chính mình đã đánh mất tự do - từng chút một - từ lâu lắm. Khi được ai đó làm thay một việc nhỏ, và ta chấp nhận việc ấy như điều hiển nhiên, nghĩa là chúng ta đã tự đan thêm một song tre cho chiếc lồng đời mình.
Robert Fulghum từng trở thành tác giả best seller với một cuốn sách có tựa đề thú vị “Tất cả những gì cần phải biết tôi đều được học ở nhà trẻ”. Đó là những nguyên tắc sống: chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy nghĩ một ít, vẽ và hát và nhảy múa và chơi và làm việc một ít mỗi ngày, ngủ trưa, có ý thức về những điều kỳ diệu, cây cối và các con vật đều chết - và chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học: quan sát.
Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình.
Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta tưởng. Thậm chí có thể nói rằng cuộc đời này rất giống một nụ hôn, nó có thể tệ hơn, hay tuyệt hơn nụ hôn trước đó, nó có thể khiến bạn hạnh phúc, cũng có thể làm bạn vỡ mộng, nó có thể khiến bạn nhận ra mình yêu, hay nhận ra mình hoàn toàn không yêu. Nó chứa đựng những bí mật mà bạn chỉ khám phá được sau khi đã hoàn thành.
Hãy tự mình hoàn thành, và bạn có thể nói bạn là chúa tể của chính mình. Như những chú gà rừng.
Hãy luôn luôn kiêu hãnh và tự do như những chú gà rừng.