Ngồi Khóc Trên Cây

Chương 46



Lần này chia tay thím Lê, cô Út Huệ, thằng Thục và bé Loan, hiển nhiên tôi rất buồn. Có thể đây là lần cuối cùng tôi được nhìn ngắm những gương mặt thân yêu này.

Những ngày ở làng, tôi đã không hé môi với bất cứ ai về căn bệnh tôi đang mang trong người. Khi tôi từ giã mọi người bằng một cái ôm chặt hơn bình thường, không ai biết đó là cái ôm cuối cùng của tôi. Và khi tôi quay mặt đi, không ai biết tôi muốn giấu những giọt nước mưa từ cành duối vô hình vừa rơi vào mắt tôi.

Buổi chiều trước khi đi, tôi kêu thằng Thục dắt tôi qua chơi nhà thằng Hợi.

- Qua nhà nó làm chi! - Thục nhún vai - Tụi em lớn rồi, không chơi trò lấy cọng dừa làm tiền nữa.

Dĩ nhiên không cần thằng Thục nói, tôi cũng nhận ra điều đó. Lần này về làng, tôi chỉ thấy mỗi bé Loan và những đứa nhóc cùng tuổi nó hoặc nhỏ hơn nó say mê trò chơi này.

Thằng Thục năm nay học lớp mười hai trong Tam Kỳ, đã chuyển giao các mùa giấy kính, mùa nắp keng… cho lớp đàn em. Bây giờ có lẽ nó đang mơ màng đến mùa phượng vĩ khi bâng khuâng nhớ tới cô bạn học ngồi bên.

Tôi đá vào chân Thục:

- Tao có bảo mày đem châu chấu cào cào qua đổi kẹo đâu. Qua thăm nó chút, mua vài miếng kẹo rồi về.

Vẫn vòng đeo tay, chiếc kẹp tóc, những hộp chì màu và những hộp bi ve, chai nước mắm, lọ xì dầu, những thẩu bánh tai heo, kẹo đậu phộng… bày khêu gợi trong tiệm tạp hóa bên kia đường nhưng bây giờ ngồi trên ghế nhựa thấp cạnh sạp hàng là một thằng nhóc trạc mười tuổi thay chỗ thằng Hợi. Thằng này trông láu lỉnh, có màu da của một củ khoai lang chưa gọt vỏ.

- Thằng Ngọ, em thằng Hợi đó.

Thục bảo tôi và nó cúi xuống kéo tai thằng này:

- Anh mày đầu rồi?

Thằng Ngọ đang hào hứng đổi kẹo lấy các con bọ tết bằng cọng dừa của mấy đứa nhóc trong xóm, bị kéo tai liền ngước mắt la ầm:

- Á… á… anh Thục chơi kỳ nha! Em méc mẹ em à!

- Mày méc đi! - Thục hừ mũi - Rồi tao méc mẹ mày chuyện mày bán kẹo mà không thu tiền, xem ai bị ăn đòn cho biết!

Bị đụng tới chỗ hiểm, thằng Ngọ nói lảng:

- Anh tìm anh Hợi có chuyện gì không? Anh Hợi đi xay bột rồi, lát mới về.

- Đợi nó không? - Thục quay sang tôi.

- Thôi, khỏi. Bây giờ mày dẫn tao đến tiệm sửa đồng hồ của ông Bốn Lai đi!

Lần này thằng Thục không thắc mắc nữa. Nó làm thinh dẫn tôi đi dù nó chưa thấy tôi đeo đồng hồ bao giờ.

Tôi và thằng Thục đứng cạnh tủ kính xem ông Bốn Lai làm việc với những chiếc đồng hồ bằng các dụng cụ tí hon. So với lần tôi gặp ông trước đây, bụng ông vẫn còn bự (từ ngày giã từ nghề săn bắn có thể nó còn bự hơn) nhưng đôi tay ông cử động vô cùng khéo léo, nhẹ nhàng. Khi thấy tụi tôi đứng nhìn, ông Obelix làng Đo Đo cười nói: “Tụi con tới xem chú để học lỏm hả?”, mắt vẫn dán vào chiếc đồng hồ ông đang xoay qua xoay lại trên tay.

Không có cây súng săn vắt ngang vai, ông Bốn Lai nom hiều hậu hơn lần tôi nhìn thấy ông trước đây. Tôi không biết ông còn nhớ tôi và thằng Thục là hai đứa có mặt lúc ông và những người thợ săn khác bao vây con Rùa trong một buổi trưa nắng chang chang ở dọc đường lên xóm trên hay không, nhưng trong đầu tôi hiện lên rõ mồn một cảnh ông mím môi ném cây súng kíp xuống dòng sông nước xiết mặc dù tôi chỉ biết điều đó qua lời kể của con Rùa.

Bữa đó, tôi còn rủ thằng Thục lấy xe chạy xuống quán ăn của hai ông “Asterix” Hai Sắn và “Panoramix” Bảy Thành ở dưới chợ Kế Xuyên. Tôi nói “Xuống đó tao đãi mày ăn tối” nhưng thằng Thục lập tức từ chối. Lý do của nó chính đáng đến mức tôi không thể không nghe:

- Tối nay mẹ em nấu cháo gà đãi anh đó.