Ngọn Nến Trong Gió

Chương 2



4.

Sau khi Video nổi tiếng, tài khoản của tôi nhận được rất nhiều tiền quyên góp, Lưu Huyên đếm kỹ một lượt, phải rơi vào gần 300 vạn.

Chúng tôi quyên góp số tiền đó cho Quỹ Người mù.

Cánh tay tôi đau nhức, đưa tay lên xoa nhẹ, nghĩ lại thì đã rất nhiều ngày tôi không ra ngoài rồi.

A Bố là chó dẫn đường của tôi, thuộc giống Labrador, nó đang ngủ ở góc bàn và phát ra tiếng ngáy nho nhỏ.

Tôi cười nhẹ, cúi đầu đánh thức nó.

“Đi, đi ra ngoài chơi nào!”

Phía Tây mặt trời đang lặn, A Bố bước từng bước theo tôi, không nhanh không chậm.

Đi được vài bước, nó bỗng nhiên dừng lại.

Có một người đàn ông đứng trước mặt tôi, vừa hay che đi ánh mặt trời ấm áp từ đằng tây.

Anh gọi tên tôi: “Giang Chúc, đã lâu không gặp.”

Tôi đã từng tuyệt vọng mong chờ hai chữ “Giang Chúc”, cũng bình tĩnh tưởng tượng nếu một ngày nào đó gặp lại, tôi sẽ phải lạnh nhạt đến mức nào mới có thể cho thấy sự bất công của số phận đối với tôi.

Nhưng đột nhiên chúng tôi thực sự gặp lại nhau.

Bước chân của tôi trở nên nặng trĩu, A Bố cũng dậm chân tại chỗ.

Đành phải lịch sự mà xa lạ đáp lại anh.

“Xin chào, anh Trần.”

Anh hỏi tôi muốn đi đâu, tôi nói công viên Lâm Hồ.

Làn gió lướt qua mặt, trong một lúc không ai nói gì.

Trong đầu tôi nghĩ ra hàng ngàn câu hỏi, hỏi anh vì sao không tuân thủ lời hứa, vì sao đi rồi lại không trở về, hỏi rằng liệt anh có còn nhớ tôi không, cũng hỏi luôn 10 vạn tệ mỗi tháng trong ngân hàng có phải do anh gửi không.

“Đôi mắt của em, là bởi vì anh, đúng không?”

Anh mở miệng, rõ ràng người đang đứng ngay gần tôi nhưng giọng nói lại như phát ra từ thung lũng vắng vẻ, vừa xa xôi vừa xa lạ.

Tôi không gật đầu, cũng chẳng lắc đầu.

“Chẳng phải anh đều đoán được hết sao, anh Trần.”

5.

Bố tôi, người mà tôi chưa từng gặp, bằng cách nào đó đã lấy được thông tin liên lạc của tôi.

Sau khi điện thoại kết nối, giọng nói của ông ta vừa nịnh nọt vừa đáng thương.

“Giang Chúc đấy à?”

“Vâng.”

“Bố bị bệnh, nghe nói gần đây con có tiền…”

Vẻ mặt tôi không vui, trực tiếp cúp điện thoại, không cho ông ta cơ hội nói thêm điều gì nữa.

Trước khi mẹ qua đời, tôi cũng từng hèn mọn gọi cho ông ta một cuộc điện thoại cuối cùng.

Tôi nhớ rất rõ, phải sau ba lần gọi, ông ta mới không kiên nhẫn nhấc máy.

Âm thanh bên kia ồn ào, ông ta rít mạnh một hơi thuốc, sặc đến mức ho khan.

“Con đ ĩ khốn kiếp, nhân lúc còn sớm thì chết đi.”

Sao ông ta có thể xứng làm người.

Ngày hôm sau, dư luận trên mạng bắt đầu nổi sóng, có không ít account marketing bắt đầu đào bới về tôi, nói hoạt động nghệ thuật của tôi là giả vờ đáng thương, Trần Đăng bị hình tượng của chúng tôi lừa gạt, tôi biển thủ tiền là vì để chữa bệnh cho bố.

Nhưng có được tiền trong tay, tôi lại đổi ý.

Người cha già bơ vơ không nơi nương tựa, khóc lóc thảm thiết trên màn hình, phần bình luận đều tức giận mắng tôi là người phụ nữ lòng dạ hiểm độc.

Khi Lưu Huyên đọc những thứ này, tôi nghe mà sửng sốt.

“Hồ sơ quyên góp của chúng ta đâu? Còn không?”

Lưu Huyên thở dài, nói rằng không thể liên lạc với người bên đó được nữa.

Những lời chửi rủa che trời lấp đất bủa vây tôi, tôi không nhìn thấy, ngược lại cũng có thể thanh tịnh.

Nhưng Lưu Huyên đã một đêm không chợp mắt.

Ngày hôm sau, cô ấy đột nhiên nhảy dựng trên sô pha.

“Giang Chúc Giang Chúc, người đàn ông kia! Lên tiếng vì cậu kìa!”

Tôi uống một ngụm nước: “Anh ta nói gì.”

Cô ấy kích động đến mức giọng nói hơi run rẩy.

“Anh ấy đăng lại video trước của cậu, kèm theo là: Ánh nến thắp sáng ngọn đèn kia. Những gì tôi nợ em, làm thế nào để lấy mạng đền bù.”

6.

Ngày tháng lặng lẽ trôi qua kẽ tay, đây là ngày thứ mười hai tôi và Trần Đăng gặp lại nhau.

Mọi dư luận tiêu cực giống như một cơn lũ bị con đập ngăn lại, lúc ập đến thì dữ dội, nhưng chỉ một lúc sau đã bình lặng trở lại.

Ngay cả người liên lạc của quỹ đã mất tích ba ngày giờ đây cũng đưa ra bằng chứng chúng tôi quyên góp, đồng thời muốn tới nhận lỗi.

Có thể làm được những chuyện này chỉ có Trần Đăng.

Có tiền, có thế, có danh tiếng.

Đáng tiếc, anh lại buộc chặt tên của mình với tôi ở nơi đầu sóng ngọn gió như vậy.

Tôi chợt nhớ đến mình khi còn bé thường hay xấu hổ không dám bày tỏ, lòng tràn đầy vui vẻ nhìn cậu thiếu niên nho nhỏ ngồi đọc sách phía bên phải, khuôn mặt cậu ấy bình tĩnh đến mức không thể nhìn thấy cảm xúc.

Tôi viết tên mình từng nét một xuống quyển vở mới toanh.

“Giang Chúc.”

Như thể vô tình, tôi lặng lẽ di chuyển cuốn vở vào tầm mắt của Trần Đăng.

Anh chỉ liếc nhìn tôi một cái, sau đó lấy ra một nửa cây bút chì từ hộp bút chì màu xanh.

“Trần Đăng.”

Từng chữ một lấp đầy bốn ô vuông trong tập viết.

Tôi cười toe toét.

“Anh nhìn này, tên của chúng ta đều có bộ hỏa đấy!”

Đây là câu đầu tiên tôi nói với anh ấy.