Ông cụ Thời thấy Lý Trọng Mạnh nói vậy thì mới chú ý đến Lý Trọng Mạnh, vì ông ta rất thích hai món quà này nên định biết gì sẽ nói nấy.
Lý Trọng Mạnh nói, “Cháu định hỏi cô hai nhà ông Thời đang ở đâu ạ?”
Mặt ông cụ Thời đang vui vẻ vô cùng thoắt cái trở nên nghiêm túc, ông ta ngồi thẳng dậy, có vẻ không vui đáp, “Tôi chỉ có hai đứa con trai, làm gì có con gái.”
“Thế ạ.” Lý Trọng Mạnh gật đầu, “Vậy cháu sẽ mang hai món quà này về.”
Anh ta vẫn mỉm cười dịu dàng như trước, song vẫn khiến người ta ý thức được rằng anh ta không đùa, anh ta nói thật.
Lý Trọng Mạnh nói đoạn bèn đưa tay đóng hộp lại.
Ông cụ Thời thấy thế thì sốt ruột, định đứng lên cản lại nhưng ngại nên cứ dùng dằng mãi.
Ông ta đành nói, “Có một đứa con gái, nhưng nó đã chết rồi.”
Lý Trọng Mạnh không nói gì, chỉ đóng kỹ hai cái hộp lại rồi chồng lên nhau.
Ông cụ thấy Lý Trọng Mạnh định mang đồ về thật thì cuống hết cả lên, đành nói tiếp, “Có có, chậc, tôi có một đứa con gái, nhưng nó bị điên, đang ở bệnh viện tâm thần kìa.”
“Cụ thể là ở đâu ạ?” Lý Trọng Mạnh hỏi.
Ông cụ khó chịu nhìn anh ta rồi lại nhìn tôi, bực bội hỏi, “Cậu Lý ạ, đây là chuyện nhà chúng tôi, có liên quan gì đến cậu không? Chẳng lẽ đến cả chuyện này cậu cũng định nhúng tay vào sao?”
“Nếu không liên quan đến cháu thì đã mặc kệ rồi.” Lý Trọng Mạnh đáp, thể hiện rõ chuyện này có liên quan đến anh ta.
Thời Quan Nguyên sợ ba mình từ chối thì làm hỏng chuyện làm ăn của mình bèn góp lời khuyên, “Ba, ba cứ nói chuyện của em hai cho họ đi.”
“Mày câm mồm!” Ông cụ nổi giận trừng mắt nhìn Thời Quan Nguyên, vì kích động quá nên khó thở, ho khan vài cái đã đỏ bừng mặt, một lúc sau mới trả lời Lý Trọng Mạnh, “Con bé ấy thật sự đã làm nhà tôi mất hết danh dự, tôi không muốn nhắc đến nó chút nào.”
“Ông chỉ cần nói cho cháu biết vị trí của bệnh viện ấy là được.” Tôi hiểu vì sao Lý Trọng Mạnh lại nói vậy.
Ông cụ Thời rất không muốn đề cập đến mẹ tôi, nếu ép quá thì ông ta có thể không cần quà mà tiễn khách luôn.
Ông cụ nhắm mắt, suy nghĩ một lát rồi ngẩng đầu nhìn chúng tôi, “Ở bệnh viện Lục Châu.”
Lý Trọng Mạnh nhíu mày khi nghe thấy đáp án này, anh ta ngập ngừng vài giây rồi hỏi tiếp, “Dùng tên gì đăng ký ạ?”
Khi ông cụ Thời có vẻ đã quá sức chịu đựng thì vợ ông vẫn luôn im lặng lại mở miệng, “Thời Lan Tích.”
Thời Lan Tích.
Mưu Lan Tích.
Vậy thì đúng rồi.
Ông cụ Thời thấy vợ mình nói thì quay phắt ra nhìn bà, nghiêm giọng quở trách, “Tôi cho phép bà nói à? Không có phép tắc gì hết!” Nói năng chẳng khác nào kẻ quyền quý thời cổ đại nói vời người hầu kẻ hạ trong nhà vậy.
Liên tưởng đến mọi thứ trong nhà họ Thời, tôi chỉ cần suy nghĩ chút thôi là đã hiểu được rất nhiều chuyện rồi. Ví dụ như vì sao mẹ tôi lại bị đuổi đi, vì sao tôi và Tống Duyên Minh lại bị đuổi đi, vì sao giờ mẹ tôi lại trở thành sự sỉ nhục không thể nhắc đến trong nhà họ.
Suy cho cùng thì đều do tư tưởng phong kiến thâm căn cố đế của ông cụ Thời thôi.
Tôi nghĩ vậy mà không khỏi tức giận vô cùng.
Lý Trọng Mạnh đưa tay nắm lấy tay tôi và nói với bà cụ, “Cảm ơn.” Sau đó anh ta dẫn tôi rời khỏi đó.
Vì vẫn còn sớm nên tôi tra địa chỉ bệnh viện Lục Châu trên điện thoại. Bệnh viện đó ở vùng ngoại ô, lái xe khoảng hai tiếng là tới nơi, tôi bèn nói với Lý Trọng Mạnh, “Hay là chúng ta qua đó luôn?”
Nói thật là tôi không thể đợi được nữa.
“Được.” Lý Trọng Mạnh vỗ nhẹ lên mái tóc tôi.
Khi lên xe, tôi mới hỏi, “Hai thứ anh tặng ông cụ Thời quý lắm à?”
“Anh không biết.” Lý Trọng Mạnh cười, “Với người yêu thích nó thì nó là vô giá, với người không thích nó hoặc không am hiểu về nó thì nó chẳng đáng một đồng.”
Tôi hiểu ý của Lý Trọng Mạnh. Trước đây Mưu Đạo Sinh cũng nói một câu tương tự, bất kể là ngọc thạch hay phỉ thúy, hạch đào hay đồ chơi văn nhã, phải gặp được người thích nó thì nó mới vô giá, mới được đối xử tử tế.
- --
Chúng tôi lái xe hai tiếng mới đến bệnh viện Lục Châu.
Bệnh viện đó trông tiêu điều xơ xác, cổng chính khóa kín, bên cạnh có một chiếc cửa nhỏ cũng bị khóa. Có lẽ vì đang mùa đông nên cả bệnh viện cứ như bị bao phủ bởi một màu xám. Tường bệnh viện rất cao, bên trên rải thủy tinh và thanh sắt, phòng ngừa có ai đó trèo tường. Trong khuôn viên chỉ có một tòa nhà lớn. Nhìn từ bên ngoài thì tòa nhà ấy vô cùng cũ nát, rất nhiều cửa sổ đều bị che bởi tấm tôn.
Cả bệnh viện như hoàn toàn không có chút sự sống nào.
“Nơi này vẫn còn hoạt động ư?” Tôi nghi ngờ, bệnh viện này cứ như bị bỏ hoang lâu lắm rồi vậy.
“Còn.” Lý Trọng Mạnh khẳng định, “Ở Vĩnh An chỉ có vài bệnh viện tâm thần thôi, đây là nơi lâu đời nhất, cũng nổi tiếng là tệ nhất, giờ không có mấy ai đưa bệnh nhân đến đây.”
Trái tim tôi đau nhói khi nghe Lý Trọng Mạnh nói vậy.
Nó nghĩa là gì? Bệnh nhân ở bệnh viện này sẽ nhận được đãi ngộ thế nào?
Tôi không cần nghĩ cũng có thể đoán được.
Tôi căng thẳng nói với Lý Trọng Mạnh, “Chúng ta mau vào thôi.”
“Được.”
Chúng tôi đi về phía cổng.
Bên cạnh cổng có phòng bảo vệ, khi chúng tôi đến, ông lão bảo vệ mặc áo khoác dài màu xanh lục, nằm trong phòng nghe radio.
Đài mở rất to nên chúng tôi gọi một lúc ông ta mới nghe thấy.
Ông lão bực mình nhìn chúng tôi, kéo cửa sổ phòng bảo vệ ra một cái khe nhỏ.
“Chào ông, chúng tôi muốn...”
“Lễ tết không được vào thăm bệnh nhân.”
Tôi chưa nói xong, ông ta đã chặn họng trước rồi kéo sập cửa lại. Chắc sợ chúng tôi gây rối gì thêm, ông bảo vệ còn khóa cửa từ bên trong.
Tôi thấy vậy thì cuống hết lên.
Lý Trọng Mạnh bình tĩnh rút ví trong túi ra, cầm vài đồng tiền giá trị cao giơ ra trước cửa sổ. Ông bảo vệ thấy vậy thì mắt sáng lên, không mở cửa sổ nữa mà lần này mở thẳng cửa chính, sau đó mở khóa cửa nhỏ bệnh viện đi ra, mỉm cười với chúng tôi, “Hai cô cậu có chuyện gì không?”
“Tìm người.” Lý Trọng Mạnh nói.
Ông bảo vệ nhìn chằm chằm mấy tờ tiền trong tay Lý Trọng Mạnh, nuốt nước bọt vài cái rồi nói, “Đang thời gian lễ tết nên không được vào thăm nom, các y bác sĩ đều về nghỉ tết gần hết rồi, chỉ còn vài người ở lại trực thôi.”
“Vậy ông nghĩ cách đi.” Lý Trọng Mạnh nói xong bèn đưa tiền ra.
Ông bảo vệ thấy đúng là Lý Trọng Mạnh đưa hết tiền cho mình thật thì mắt sáng như sao. Ông ta thử đưa tay ra, thấy Lý Trọng Mạnh không rụt lại thì vội vàng giật lấy tiền rồi cười hớn hở, “Rồi rồi, hai cô cậu cứ chờ ở đây, để tôi bảo người ra đón.”