Người Tìm Xác

Chương 148: Xác người phụ nữ



Chú họ bị tôi làm cho kinh hãi đến mức phanh kít lại dừng ngay bên đường, chú giật mình hỏi: “Cháu nghe ai nói vậy?”

Tôi nhún vai: “Một người bạn cũ của chú…”

Mặt chú họ đầy vẻ nghi ngờ: “Người bạn cũ của chú? Ai vậy?”

Tôi nhìn biểu hiện của chú họ không giống giả vờ, bèn nói: “Chú còn nhớ cái con Hỏa Hồ Ly mà năm đó chú đã thả đi chứ?”

Chú họ dùng ánh mắt quái lạ nhìn tôi: “Nhớ, nó làm sao?”

“Về sau chú có gặp lại nó không?” Tôi hỏi.

Chú họ lắc đầu: “Đương nhiên không, thứ kia cứ gặp người là chạy, nó đã bị sập bẫy một lần thì làm sao còn có thể dễ dàng tiếp cận con người được?”

Tôi cảm thấy có chỗ nào đó không đúng lắm, rõ ràng Trang Hà nói là anh ta quen chú họ. Nhưng sao tôi hỏi thì chú lại nói là chưa từng nhìn thấy anh ta?

Chú họ thấy vẻ mặt tôi rất kỳ lạ thì nghiêm túc hỏi: “Tiến Bảo, sao cháu lại hỏi thế?”

Tôi do dự một chút rồi ngẩng đầu hỏi chú: “Cái gì là ngũ tệ tam khuyết ạ? Có phải cháu có mệnh ngũ tệ tam khuyết không?”

Chú khẽ thở dài rồi nói: “Ngũ tệ là: quan, quả, cô, độc, tàn. Tam khuyết là: tiền, mệnh, quyền*.”

*Xưa nay người đoán mệnh phong thủy thường đoán mệnh ngũ tệ tam khuyết. Năm tệ hại: không vợ hoặc mất vợ, nữ mất chồng thủ tiết, khắc cha mẹ, không con nối dõi, thân tàn tật. Ba khuyết là: không tiền, không thọ, không quyền.

Tôi thấy cũng quá thảm rồi, trên đời này làm gì có ai thảm như thế này chứ? Sao mình lại xui xẻo vậy?

Chú họ thấy mặt tôi lúc xanh lúc trắng thì vỗ vai nói: “Lúc đầu chú cũng không muốn nói cho cháu biết, vì lúc đó cháu còn bé, khi đến lúc chú sẽ nói sau. Sau đó chú bàn bạc cùng với bố mẹ cháu, họ cũng không muốn nói cho cháu biết, cuối cùng chú nghĩ cách sửa lại mệnh cho cháu.”

Tôi vội hỏi: “Sửa lại? Vậy bây giờ mệnh cháu là gì?”

Chú họ cười: “Trong ngũ tệ chú trừ đi tàn, tam khuyết thì bù đắp vào phần thiếu mệnh và thiếu tiền…”

Nhìn chú họ nói nhẹ nhàng như vậy, tôi bỗng có cảm giác không thật, đấy là mệnh mà? Có thể đổi được như vậy sao?

Tôi thấy quá khó tin nên nói: “Làm sao để đổi ạ? Chú nói cho cháu biết chút đi.”

“Sao nói cho cháu biết được? Đây chính là tuyệt kỹ độc môn đấy, đợi khi nào sắp chết chú sẽ truyền lại cho cháu!” Chú họ trợn mắt nhìn tôi.

Tôi biết chú họ đang muốn bỏ qua đề tài này, ông ấy đã không muốn nói thì dù có hỏi nhiều cũng vô dụng. Nhưng nó lại trở thành khúc mắc trong lòng, khiến tôi mơ hồ cảm thấy việc này không hề đơn giản như chú nói…

Đến chợ phiên, tôi bị cảnh tượng đông nghìn nghịt trước mặt dọa hết hồn. Cứ tưởng rằng nó chỉ là một phiên chợ nhỏ, không ngờ lại lớn như thế này. Nghe chú họ nói phiên chợ này đã có từ hồi trước giải phóng và vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay, đây là phiên chợ rất nổi tiếng ở vùng Đông Bắc.

Chú họ biết tôi ham ăn, nên mua một ít lê đông lạnh và quả hồng mà bọn trẻ con thích. Tuy đã không còn là con nít, nhưng dù sao cũng chẳng mấy khi được ăn thứ này, nên tôi cũng muốn thử một ít.

Có lẽ đã quá nhiều năm không đến Đông Bắc, nên tôi nhìn cái gì cũng thấy mới mẻ. Hơn nữa có rất nhiều thứ ở đây, tôi cứ ngỡ như mình là bà già lần đầu bước vào vườn thiên nhiên quốc gia vậy.

Lúc này chú họ gặp được người quen tới chào hỏi, người kia tò mò không biết chú họ định mua hàng Tết năm nay như thế nào?

Chú họ tươi cười vỗ vào tôi đang đứng phía sau, nói: “Chẳng mấy khi cháu tôi về ăn Tết, năm nay phải mua nhiều một chút!”

Nhà chú họ không có con, nên vẫn luôn coi tôi như con trai mình. Nghe lời ông ấy nói như vậy, tôi bỗng thấy ấm lòng.

Buổi trưa qua rất nhanh, chúng tôi mua được mấy con gà đất, còn mua được một con cá hồi rất lớn! Khi còn bé ăn cá thường không nhằn nên tôi hay bị hóc xương, về sau đến nhà chú họ, thím biết kiểu ăn cá của tôi nên thường mua loại cá hồi ít xương này ăn.

Lúc đi về trở trời, gió Tây Bắc nổi lên lạnh thấu xương, nhưng tôi không hề cảm thấy lạnh, vẫn vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ cùng chú…

Ai ngờ khi xe đi qua một sân nhà, tim tôi hơi giật lên, tôi vội bảo chú họ dừng lại.

Chú họ thấy sắc mặt tôi không tốt, bèn dừng xe lại, quan tâm hỏi: “Sao thế? Không khỏe ở đâu à?”

Tôi lắc đầu, sau đó khẽ nói: “Nhà này của ai vậy ạ? Trong sân có chôn người chết!”

Sắc mặt chú họ thay đổi, chú nhìn quanh, phát hiện không có ai mới nói nhỏ với tôi: “Cháu cũng nhìn ra hả? Có phải là người phụ nữ không?”

Tôi gật đầu: “Vâng, là nữ, hình như hơn 30 tuổi? Cô ấy để…” Tôi còn chưa nói hết lời đã bị chú họ cắt ngang.

“Về nhà rồi nói sau!” Chú họ nói xong thì khởi động xe, tiếp tục lái về nhà.

Về đến nhà, thím đang làm bánh nhân đậu, thấy chúng tôi trở về, thím cười hỏi tôi: “Thế nào, đi chợ náo nhiệt chứ hả?”

“Rất náo nhiệt ạ! Còn nhiều người hơn siêu thị trong thành phố lúc trước Tết ấy. Đồ cũng nhiều, cái gì cũng có!” Tôi khoa trương nói.

Tôi giúp chú họ để đồ Tết vào trong sân, sau đó theo chân ông ấy vào phòng. Chú họ để tôi chui vào giường làm ấm người một chút, xua đi cái lạnh dưới chân. Tôi vừa mới trèo lên giường thì thấy chú móc ở bên trong bếp lò ra mấy thứ.

“Chú, chú tìm cái gì ở trong lò vậy ạ?” Tôi tò mò hỏi.

Chú họ cười thần bí nói: “Một lúc nữa cháu sẽ biết.”

Chỉ một lát sau, chú họ đã lôi mấy thứ đen sì trong lò ra rồi để lên mặt bàn, thì ra là khoai lang nướng. Tôi vội cầm một củ định lột vỏ ăn.

Ngờ đâu vì mới được lấy ra từ trong lò nên khoai nóng bỏng tay, tôi vừa mới cầm lên đã phải buông xuống!

Chú họ thấy tôi bị bỏng thì nói: “Cẩn thận một chút, đừng để bị bỏng chứ, gấp cái gì? Chờ chú lấy cho cháu đôi găng rồi hẵng lột vỏ khoai!”

Tôi vừa ăn khoai lang nướng vừa hỏi chú: “Vừa rồi ở nhà kia có chuyện gì vậy ạ? Người phụ nữ được chôn trong vườn là ai? Cháu thấy cô ấy chết không được bình thường.”

Chú họ nhỏ giọng nói với tôi: “Thực ra chú đã nhìn ra từ sớm rồi, nhưng vẫn không nói gì. Có một số việc không phải cháu cứ thấy rồi là nói rõ ra được, tiết lộ quá nhiều thiên cơ sẽ bị đoản mệnh!”

Tôi ảm đạm nói: “Có phải giống như cháu không ạ?”

Chú họ tôi lại lắc đầu, nói: “Không phải, cháu là do trời sinh! Cho nên đời này dù cháu có tiết lộ thiên cơ hay không thì đều là mệnh này cả!”

Tôi cắn phập một miếng khoai nướng, thầm nghĩ: Mẹ nó chứ, tôi đắc tội với ông trời khi nào vậy? Ngay từ đầu đã muốn chơi tôi rồi? Dù chú họ không chịu nói cách để giúp tôi đổi mệnh, nhưng bất an trong lòng lại ngày càng mãnh liệt, tốt nhất là đừng để bị tôi đoán trúng…

“Vậy chuyện của người phụ nữ kia, chú biết bao lâu rồi?” Tôi tò mò hỏi.

Chú họ đốt điếu thuốc, hút một hơi rồi mới chậm rãi kể cho tôi nghe về chuyện nhà đó.

Gia đình kia họ Ngô, lão Ngô Tứ Đại trong nhà đấy là trưởng thôn tiền nhiệm, về sau vì sức khỏe không tốt nên Ngô Tứ Đại rút lui, để cho cháu ruột là Ngô Ái Đảng lên thay thế.