Người Tìm Xác

Chương 209: Bệnh viện thành trường học



Căn cứ vào cuốn ghi chép thì tiền thân của trường học này là một bệnh viện quân y. Thì ra ở cuối những năm 50 thế kỷ trước, đây từng là nơi đóng quân của lữ đoàn pháo binh. Về sau không biết vì sao mà bộ đội rút đi, hiện tại trong trường vẫn còn giữ lại một tòa nhà cũ, chính là nơi năm đó thuộc bệnh viện quân y.

Hôm sau, Bạch Kiện dẫn các đồng nghiệp đến trường học, nhưng kết quả lại làm mọi người phải thất vọng. Tuy tòa nhà cũ kia vẫn còn, nhưng trang trí bên trong đã bị thay đổi hết, không thể nhìn ra được đây từng có bức tường nửa trắng nửa vàng.

Bạch Kiện và đồng nghiệp hầu như đã tìm kiếm từng mét vuông một, nhưng vẫn không tìm ra được nơi mà tôi nói tới. Hiện giờ Thẩm Cường đã chết, Chử Hoài Lương lại không chịu khai, mà căn phòng u ám trong trí nhớ của Lý Lâm Lâm là một chi tiết quan trọng trong vụ án này, cho nên chúng tôi nhất định phải tìm ra nó!

Đến tối, tôi, Đinh Nhất và Bạch Kiện quyết định đi tìm trong trường học một lần nữa. Vì từ đầu đến giờ chúng tôi vẫn luôn tin rằng, căn phòng đó ở trong trường học…

Lúc vào trường, tôi phát hiện môi trường của ngôi trường này rất tốt, thích hợp cho học sinh học tập và sinh hoạt. Nhưng ai có thể ngờ rằng, một nơi như vậy cũng tồn tại tội ác chứ. Đúng là ở nơi ánh sáng tràn ngập, bao giờ cũng sẽ có những góc tối u ám.

Bác bảo vệ đã quen mặt Bạch Kiện, thấy là người của Cục công an đến, ông ấy lập tức cho chúng tôi vào trong. Tôi thấy bác bảo vệ này cũng khá lớn tuổi, nên bắt chuyện:

“Bác à, bác làm ở đây bao nhiêu năm rồi?”

Bác bảo vệ nghĩ một lúc rồi nói: “Ài, cũng nhiều năm lắm rồi, năm đó lúc bác xuất ngũ về, vì lúc ở quân ngũ bác bị thương trong một lần diễn tập, thành thương binh, nên bác được phân đến gác cổng cho bệnh viện quân y. Về sau bệnh viện rút đi, nơi này thành trường học, lãnh đạo cân nhắc chuyện sức khỏe bác không được tốt, nên để bác tiếp tục ở lại trường làm bảo vệ luôn.”

Tôi thấy vui mừng, vội hỏi: “Bác nói trước đó bác đã từng làm việc ở bệnh viện quân y ạ?!”

“Đúng vậy! Cậu thanh niên, đừng nhìn bác bây giờ như thế này, nhớ năm đó lúc tới nơi đây làm việc, bác cũng chỉ mới hơn hai mươi tuổi thôi, chớp mắt mà đã qua mấy chục năm, bác cũng đã thành một lão già hom hem rồi.” Bác bảo vệ tự hào.

Tôi hơi kích động, nói: “Tốt quá rồi! Bác à, bác có thể nói cho cháu biết một số chuyện ở đây vào năm đó không. Ví dụ như nơi này có nơi nào đặc biệt không?”

Ông bác hơi sững ra, sau đó thắc mắc hỏi lại: “Chỗ đặc biệt là sao?”

“Không phải trước đây nơi này là khu quan trọng của quân đội ạ? Có phải nó có một nơi nào đó chuyên dùng để cất giữ những thứ quan trọng không ạ?” Tôi thử dẫn dắt.

Ông bác đó gõ gõ tay vào chỗ giữa trán mình, suy nghĩ một hồi rồi đột nhiên ngẩng đầu nói: “Hầm trú ẩn có được tính không? Nhưng bác cũng chỉ nghe nói thôi, năm đó bên dưới tòa nhà này có một hầm trú ẩn, nó được dùng để cất giữ thuốc cho bệnh viện. Năm đó mật thám của địch quá nhiều, nên có nhiều chỗ được giữ bí mật. Nhưng đó cũng chỉ là truyền thuyết thôi, nó có thực hay không thì bác cũng chả biết.”

Nghe bác ấy nói thế, chúng tôi như bắt được đầu mối, nhưng lại bởi vì đầu sợi dây quá nhỏ mà không làm sao quấn chặt lại được…

Tạm biệt bác bảo vệ xong, chúng tôi đến sân thể dục của trường, đứng ở đây có thể nhìn bao quát được vị trí của từng tòa nhà. Nghe Bạch Kiện nói, những tòa nhà mới trong trường đa số đều được một người Hồng Kông bỏ vốn ra xây, nên đến bây giờ họ vẫn dùng tên người kia để gọi những tòa nhà đó.

Chỉ có duy nhất tòa nhà cũ ở góc Tây Bắc là được giữ lại, cũng chính là bệnh viện quân y lúc trước. Tôi không nóng lòng đi vào tìm kiếm cái hầm trú ẩn trong truyền thuyết kia, bởi vì tin chắc rằng nếu người của Bạch Kiện đã không tìm thấy, thì tôi cũng không, nhưng nhất định có người có thể tìm ra…

Nghĩ thế, tôi quay lại hỏi Bạch Kiện: “Anh có thể tìm được người năm đó thi công xây dựng tòa nhà cũ này thành trường học không?”

Bạch Kiện nhíu mày, nói: “Chuyện này đã qua bao nhiêu năm rồi, đi đâu mà tìm bây giờ?”

Anh ta nói cũng đúng, dù sao đó cũng là chuyện của mấy chục năm trước rồi. Nhưng cho dù là thế, hẳn là ở Cục quy hoạch hoặc Cục xây dựng sẽ có ghi chép về đơn vị đã cải tạo lại tòa nhà cũ này. Chắc chắn họ sẽ không khó khăn trong việc tìm ra những ai đã thi công năm đó.

Tôi nói suy nghĩ của mình, Bạch Kiện cân nhắc một lúc: “Sao tôi lại không nghĩ tới chuyện này nhỉ?”

Thế là ngay hôm sau, chúng tôi chạy với Cục quy hoạch huyện, nói rõ tình hình cho họ biết, làm người phụ trách tiếp chúng tôi phải đau cả đầu! Theo như anh ta nói, thì số tuổi của những văn kiện kia còn lớn hơn anh ta nữa, thật sự là không dễ mà tìm ra được.

Nhưng khó tìm cũng không phải là không thể tìm được. Từ sau khi công việc được tự động hóa, đa số văn kiện đều được lưu vào máy tính, để tiện cho việc thẩm tra. Nhưng nếu là những năm quá xa xưa, thì sẽ không được lưu vào trong máy. Những tư liệu đó được đặt trong kho, làm nhân chứng cho lịch sử. Nó được lưu giữ lại, chờ đến một ngày sẽ trở thành hiện vật.

Khi nhìn thấy những tập văn kiện cũ này, tôi lập tức cảm nhận sâu sắc được những lời trước đó của anh nhân viên…

Mọi người nhìn từng chồng văn kiện hơi ố vàng, lòng dâng lên cảm giác tuyệt vọng, phải tìm đến đời nào mới ra đây!

May mà Bạch Kiện và những đồng nghiệp khá thông minh. Anh ta nói những văn kiện này chắc chắn sẽ không để lung tung, chỉ là không biết cách làm việc ở cơ quan nhà nước thôi, dù hiệu suất không cao, nhưng họ vẫn có những cách làm việc của mình. Như loại văn kiện xưa cũ này, ít nhất họ cũng sẽ sắp xếp nó theo thời gian ngày lập, để phòng ngừa có một ngày lãnh đạo nào đó muốn tìm lại, đến lúc đó mà tìm không ra có phải là phiền lớn rồi không?

Tôi cười với anh ta: “Đúng vậy nhỉ, như anh bây giờ không phải chính là một vị lãnh đạo nào đó à?”

Chúng tôi dựa theo lời Bạch Kiện nói, đúng là phát hiện ra từng chồng văn kiện này đều được sắp xếp theo từng năm. Căn cứ vào những ghi chép trong quyển thông tin về huyện Lâm An, thì năm bệnh viện được đổi thành trường học là 1965.

Kết quả chúng tôi phát hiện, trong vòng một năm, ở đó đúng là đã làm nhiều lần quy hoạch xây dựng, dù đều lợi dụng những kiến trúc cũ, nhưng cũng có khá nhiều tư liệu viết về nó. Chúng tôi lần mò trong đống văn kiện chất đầy bụi này hơn một tiếng đồng hồ, mới tìm ra được phần quy hoạch trường học mà mình muốn tìm.

Trời cao không phụ người có lòng, chúng tôi tìm được trong phần văn kiện kia một bản vẽ mặt phẳng của bệnh viện cũ. Quả nhiên phát hiện một nơi ở tầng một có lối vào hầm trú ẩn dưới lòng đất. Nhưng về sau, nơi này được chuyển thành trường học, vì nghĩ đến vấn đề an toàn của học sinh, nên họ đã lấp kín lối vào.

Nhưng những văn kiện này đều là đồ cổ, chỉ có thể xem mà không thể lấy ra ngoài, cho nên chúng tôi đành phải lấy di dộng chụp lại tất cả mấy bản vẽ, sau đó dựa vào chỉ dẫn để tìm lối vào hầm trú ẩn kia.

Nếu như tôi không đoán lầm, thì lúc trước Thẩm Cường đã vô tình phát hiện ra lối vào hầm trú ẩn này. Sau đó hai bọn chúng mới dùng nơi này để tra tấn và giết người, nên dù ở đây khá bí ẩn, nhưng hẳn là đã sớm bị bọn chúng cạy ra được rồi. Chỉ cần chúng tôi có thể tìm được cửa, thì sẽ không gặp khó khăn trong việc đi vào bên trong.