Người Tôi Yêu, Nay Đã Bạc Đầu

Chương 43: Nhanh như thỏ



Thầy Giang viết một bản kiểm điểm như đã hứa, mà Du Dao cũng nói được làm được, mua hẳn một cái khung về đóng bản kiểm điểm lại rồi treo ngay đầu giường phòng ngủ.

Cứ thế treo liền suốt ba năm.

Năm nay Dưa Hấu đã gần bốn tuổi, bé thông minh vô cùng, biết nói biết đi từ rất sớm. Du Dao thường tự nhận xét con mình là một đứa trẻ khôn lanh, đảo mắt một cái là nảy ra ngay ý xấu. Tuy hay ăn vạ và hơi bướng bỉnh, nhưng hễ bé ngoan là bố mẹ lại thấy yêu vô cùng.

Có lẽ vì bố mẹ thương Dưa Hấu từ nhỏ, đi đâu cũng dẫn bé theo nên cả nhà như dung hợp thành một bong bóng nước, càng thêm khăng khít gắn bó, mà cùng lúc đó, người làm cha mẹ đồng thời phải từ bỏ một phần bản ngã, hòa làm một thể với gia đình mình. Theo dòng thời gian, khi bé con dần khôn lớn và trở nên độc lập hơn, bong bóng gắn kết mới lại tách ra thành những cá thể riêng biệt.

Ngày xưa Du Dao có mấy người bạn lập gia đình, thi thoảng có dịp tụ tập, đám bạn cô sẽ than thở rằng sau khi có con, các cô dường như không còn là chính mình, không còn được tự do khi phải làm tròn vai một người “mẹ”. Du Dao từng cho rằng cuộc sống đó quá khó để tưởng tượng, trong suy nghĩ của cô, độc lập và tự do là điều quan trọng nhất của con người.

Song sau mấy năm trải nghiệm cuộc sống mới, cô nhận ra nó không khó chấp nhận như mình từng tưởng. Ở đời có cay đắng ngọt bùi, tất cả là do mình lựa chọn, quan trọng nhất vẫn là thái độ của bản thân. Cá nhân Du Dao có thái độ rất tích cực, vì nghĩ con trẻ trước ba, bốn tuổi rất cần sự đồng hành của cha mẹ, sau khi nắm rõ tình hình tài chính trong nhà, cô tạm gác lại dự định tìm việc để tập trung chăm sóc con cùng Giang Trọng Lâm, tiện thể nghiên cứu núi sách chuyên môn để chuẩn bị cho việc thi lấy chứng chỉ.

Giờ Dưa Hấu đã gần đến tuổi học mẫu giáo, Du Dao quyết định đi thi, tiếp tục công việc cũ là làm giáo viên mầm non.

Thời nay, để trở thành giáo viên mầm non thì cần có mười hai loại chứng chỉ, vì có hoàn cảnh đặc biệt, cô phải nhờ thầy Giang can thiệp mới giành được một suất thi ngành Giáo dục Mầm non vừa mở tại Đại học Hải Thành, lấy văn bằng mới. Du Dao là người thuộc phái hành động, đã đạt được chín chứng chỉ, sáng nay cũng dậy sớm để đi thi tiếp.

Trước khi đi, Du Dao thành kính vái lạy thánh học nhà mình, thầy Giang bất lực dung túng cho hành vi mê tín dị đoan của vợ.

Du Dao vái xong còn hô: “Thánh học, mau tiếp thêm sức mạnh cho em!”

Thầy Giang chớp mắt nhìn vợ đang ngửa mặt chờ, cuối cùng lại gần hôn lên trán cô, đoạn nhẹ nhàng động viên: “Được rồi đấy, đi đi, em sẽ làm được thôi.”

Sau khi được thánh học phù hộ, Du Dao dạt dào niềm tin thi đỗ, phấn khởi bế cô con gái đang gà gật lên hôn chùn chụt mấy cái: “Dưa Hấu cũng tiếp thêm sức mạnh cho mẹ nào!”

Dưa Hấu bị đánh thức mơ màng hôn lên má mẹ theo bản năng. Du Dao hài lòng đặt con gái xuống, chỉnh trang lại quần áo, cầm tài liệu đi đổi giày rồi ra ngoài, thầy Giang ôm Dưa Hấu đang dụi mắt đứng ở cửa tiễn cô.

Lúc Du Dao mở cổng nhà, cô ngoái lại dặn: “Trưa nay mẹ không về, hai bố con ở nhà nhớ phải ngoan, uống thuốc ăn cơm đầy đủ đấy nhé, rõ chưa?”

Dưa Hấu giơ hai bàn tay mũm mĩm ra dấu OK, cười toe đồng ý với mẹ.

Ngay khi Du Dao vừa khuất bóng, Dưa Hấu lập tức cục cựa trượt xuống đất, ôm đầu gối bố Giang, phóng ánh mắt xin xỏ từ con gái đáng yêu đẳng cấp thế giới về phía bố: “Bố ơi, hôm nay mẹ không ở nhà, bố con mình ra ngoài chơi đi bố, mình đi khu vui chơi trẻ em được không bố?”

Cách đây hai con phố có một khu vui chơi dành cho trẻ em, là địa điểm yêu thích của nhiều bạn nhỏ, sau khi đến khu vui chơi lần đầu, Dưa Hấu lúc nào cũng mong được quay lại đó, tiếc là chỉ sau vài lần, bố mẹ không muốn dẫn bé đi nữa, bởi một lẽ giản đơn: Dưa Hấu ta đầu gấu cực kì, suốt ngày ăn hiếp các bạn khác, đi đến đâu là dấy lên tiếng khóc um trời tới đó.

Mỗi khi đưa Dưa Hấu đến khu vui chơi, thầy Giang thấy mình như thả một con cá lớn vào bể đầy cá nhỏ, một mình con gái anh dư sức bắt nạt bằng hết đám trẻ còn lại.

Dưa Hấu còn chưa tròn bốn tuổi, theo lý thì đáng ra không có cửa thắng mấy nhóc năm sáu tuổi, nhưng bé vô cùng láu cá, biết nắm bắt thời cơ và dùng mưu trí, đã vậy còn khôn ngoan có thừa, không mù quáng khiêu khích nhóc nào mình đánh không lại, mà thay vào đó là áp dụng chiến thuật vu hồi.

Ví dụ có lần có một nhóc mập xấu tính, dữ dằn nọ chiếm liền cả ba chiếc xích đu, không cho bạn nào chơi, những bé khác không dám làm nhóc ta giận, chỉ có mình Dưa Hấu thừa dịp không ai để ý, ngã chổng quèo ngay gần nhóc mập rồi òa khóc. Các phụ huynh xung quanh nhìn bé gái đáng yêu bé bỏng nằm dưới đất khóc đến là thương, bé mập lại còn trợn mắt nhìn bạn, ai ai cũng cảm thấy mập ta bắt nạt bạn, vì thế mẹ của nhóc mập xấu hổ xin lỗi Du Dao, bảo cả mình xin lỗi bạn. Nhóc mập ngây đơ như phỗng, bởi nhóc còn chưa nói lời nào hay động một ngón tay vào Dưa Hấu cơ mà, thế là nhóc ta không chịu xin lỗi, cuối cùng mếu máo bị mẹ lôi đi.

Mập ta vừa đi, Dưa Hấu bèn lau nước mắt, kéo hai bé gái gần đó cùng ngồi chơi trên xích đu, vui vẻ đung đưa qua lại.

Thầy Giang vừa hay ngắm trọn màn con nhà mình vờ khóc đánh lui “địch” không biết nên bảo ban con thế nào. Về đến nhà, thầy định dạy cho Dưa Hấu hiểu là không thể vu oan cho người khác, ai ngờ lại bị con dạy ngược.

“Nếu bạn ấy ngoan thì mới không thể vu oan, đằng này bạn ấy bắt nạt mấy bạn khác, hư ơi là hư, thế nên con mới bắt nạt lại. Nhân danh mặt trăng, con phải trừng trị bạn ấy!” Dưa Hấu nói xong, vỗ vỗ tay bố: “Thế nên mẹ mới bảo là bố cổ hủ đó.”

Du Dao đang đứng cạnh cười ngặt nghẽo nào có ngờ lửa sẽ bén tới mình, tức khắc biến sắc: “Mẹ đâu có nói vậy, mẹ nói thế bao giờ, con đừng có bốc phét, sao mẹ có thể nói bố con như vậy.”

“Bố thấy chưa, mẹ cũng nói dối kìa.”

Chuyện hạ màn với cuộc khẩu chiến giữa hai mẹ con và thầy Giang luống cuống khuyên can cả đôi bờ.

Nếu Dưa Hấu chỉ thấy bé khác bắt nạt các bạn nên thay trời hành đạo đã đành, nhưng bản thân bé cũng có nhiều thói xấu của trẻ con. Hễ thấy thích hoặc không thích gì là bé cũng phải ngứa tay sờ một cái, thấy bạn nào có đồ chơi sẽ đi giành, sẽ đánh nhau với bạn nghịch ngợm khác, có lúc thì cáu kỉnh vô lý, cho dù thầy Giang cố dạy cho bé biết hành vi nào là sai, thì ở tuổi này bé vẫn chưa hiểu được hết, gần như chỉ hành động theo bản năng.

Nhớ tháng ngày đưa Dưa Hấu đến khu vui chơi trẻ em rồi phải liên tục xin lỗi phụ huynh của các bé khác, thầy Giang thấy hơi khó xử, anh thật sự không muốn cho con đến đó trêu các bạn. Nhưng Dưa Hấu có tuyệt chiêu làm nũng rất ghê gớm, thấy bố do dự mãi, bé nhỏ nước mắt cá sấu: “Con chẳng có bạn nào để chơi cùng, chơi một mình buồn lắm, con muốn làm bạn với những bạn khác cơ.”

Bé kế thừa chiêu giả khóc này từ mẹ một cách toàn diện, không mấy người có thể kháng cự được, cuối cùng thầy Giang đành phải chào thua, hứa sẽ dẫn bé đi chơi vào buổi chiều.

Vừa đến khu vui chơi trẻ em, Dưa Hấu trượt khỏi vòng tay bố như một con lươn, khéo léo trèo qua hàng rào nhỏ, chạy ù về phía biển bóng rồi nhảy vào trong.

Thầy Giang đứng ngoài ngó nghiêng, thấy hôm nay trẻ con không đông mấy, anh thở phào, lấy làm may mắn. Anh xoay người, đang định đến khu vực phụ huynh ngồi chờ thì bỗng nghe thấy tiếng khóc vỡ òa từ sau lưng.

Giang Trọng Lâm ngoái lại xem thử, phát hiện tiếng khóc truyền ra từ biển bóng, thầy Giang suy nghĩ bằng mắt kính cũng có thể đoán Dưa Hấu lại tác oai tác quái.

Mới chơi một tiếng đồng hồ mà Dưa Hấu đã bắt nạt gần hết các bạn, thầy Giang đành phải vào bế con ra để đám trẻ được nghỉ ngơi, Dưa Hấu bị đưa ra vẫn vui vẻ lúc lắc đầu. Đứa trẻ nào cũng thích chơi với nhiều bạn cùng trang lứa, bé không hề thấy mới nãy mình “đùa” với các bạn như thế có gì không đúng. Nhìn bố ngó mình đầy bất lực, bé cười lắc lắc tay bố: “Bố ơi, con muốn uống coca lạnh, có được không hả bố?”

Thầy Giang ngẫm nghĩ, đoạn đáp: “Uống coca thôi, không được uống lạnh.”

Dưa Hấu đồng ý luôn: “Vậy mình không mua coca lạnh, mua coca là được ạ.”

Thầy Giang bèn mua cho bé một lon coca nhỏ, Dưa Hấu không uống mà cất vào cặp. Thầy Giang tò mò hỏi con: “Sao con không uống luôn?”

Dưa Hấu cười đáp: “Con để dành về nhà bỏ tủ lạnh, tối uống sau ạ.”

Thầy Giang: “…” Nhiều lúc anh không hiểu vì sao con mình lại láu cá đến thế, chẳng bù cho anh hay được nghe kể hồi nhỏ mình ngố lắm, thường xuyên bị người khác bắt nạt.

Con gái vẫn giống Du Dao hơn. Thầy Giang nghĩ vậy, ánh mắt dịu xuống, xoa đầu con gái, không nói nổi một câu răn dạy.

Vì vừa quậy tưng bừng nên đầu tóc Dưa Hấu rối bù, thầy Giang lấy cặp của bé mò tìm lược, khéo léo chải lại tóc rồi tết thành bím gọn gàng như cũ cho con. Dưa Hấu xinh xắn nhanh nhẹn như thỏ, vừa rời khỏi vòng tay bố đã vội nhảy bổ vào giữa các bạn ngay.

Du Dao thi xong về trước giờ, vì đã gọi cho Giang Trọng Lâm và biết hai bố con đang ở khu vui chơi trẻ em, cô bèn qua thẳng đó đón hai người.

Dưa Hấu thấy mẹ thì vui quên trời đất, nhào vào lòng cô: “Mẹ ~”

Du Dao sờ bím tóc lại bị tuột của con: “Hôm nay Dưa Hấu có bắt nạt các bạn không?”

Dưa Hấu lắc đầu, mở to đôi mắt ngây thơ: “Con không bắt nạt các bạn, cũng không đánh nhau ạ.”

Du Dao cười: “Ngoan thế cơ à? Rồi, Dưa Hấu muốn được thưởng gì nào!”

Dưa Hấu giơ tay: “Con muốn ăn một cây kem siêu to khổng lồ!”

“Được thôi.” Du Dao tủm tỉm đồng ý.

Dưa Hấu hớn hở kéo bố mẹ sang cửa hàng kem cạnh đó, hỏi mua cây kem lớn nhất, thầy Giang sợ con ăn hết cả cây kem to sẽ bị đau bụng, dợm bảo đổi một cây khác thì vợ đã dứt khoát mua luôn.

Dưa Hấu cầm kem sướng rơn người, đang định ăn thì bỗng nghe mẹ hỏi: “Dưa Hấu ơi, cho bố mẹ xin một miếng nhé?”

Dưa Hấu thấy kem của mình cũng to mà, thế là bé hào phóng giơ kem lên cho bố trước: “Bố ăn một miếng đi bố.”

Thầy Giang cảm động khôn xiết, chỉ cắn một miếng nhỏ tượng trưng, nhưng lúc đến lượt Du Dao, cô há to miệng cắn mất cả nửa cây kem. Dưa Hấu trợn mắt há hốc mồm nhìn nửa cây kem còn lại, còn chừng này thì khác gì mấy cây bé từng ăn chứ?

Du Dao che cái miệng như muốn đông cứng lại, trông vẻ sững sờ của Dưa Hấu, cô cười thầm trong bụng, nhóc con, định lừa mẹ vào tròng hả, chờ thêm hai chục năm nữa đi nhé.

Dưa Hấu bịu xịu khóc toáng lên, Du Dao nuốt kem, ghé sát tai con gái phả hơi lạnh: “Cho mẹ xin miếng nữa.”

Bé nghe vậy nín khóc tức thì, vội vàng cầm kem ăn sạch bách.