Các hàng quán ở Minh Kiều được mở theo kiểu tùy tâm sở dục, người chú trọng hình thức thì bày một cửa hàng nhỏ, dù gió thổi mưa xối cũng không sợ. Còn nhà nào không quá để ý, chỉ cần lấy tấm ván gỗ vỡ đặt xuống đất, kê thêm một chiếc ghế vuông nhỏ, là đã thành một quầy hàng. Loại sạp như vậy thường bán những thứ đào được từ trong đất, bị dính đất bẩn, nên cũng không cần quan trọng hình thức.
Ngoài ra còn có những người không lên bờ, chỉ buôn bán dưới vòm cầu và ven sông, phía trước mấy con thuyền ô bồng đang neo đậu có treo lồng đèn giấy, các ngư dân sẽ ngồi bán ngay ở đầu thuyền. Lúc này họ không bán cá tươi nữa, mà chỉ bán các mặt hàng khô như cá khô, tôm khô, lạp xưởng, rong biển,...
Phải qua canh năm, lúc đó mới đổi sang nhóm người tới bán cá tươi, có cả cá sông và hải sản, giá cả của bọn họ hợp lý nên rất được ưa chuộng. Chờ khi mặt trời lên cao, cái lu cũng đã trống rỗng, còn sót lại một ít cá nhỏ vụn sẽ được mang về nhà. Rưới lên chút rượu, rồi cho hành, gừng và tỏi băm vào nồi kho chung, những nhà nào có điều kiện, sáng sớm sẽ nấu một nồi cơm lúa mạch để ăn cùng.
A Hạ nghe thấy tiếng rao to của những ngư dân bên dưới, cùng với tiếng mắt tre nứt tách tách thi thoảng vang lên dưới bếp lò, tiếng nước canh sôi ùng ục và tiếng xào rau trên lửa lớn. Nếu đi ngang qua con phố này mà không mua cái gì, e rằng khi về nhà bụng sẽ réo mãi không yên.
Sơn Đào dùng khuỷu tay chọc chọc cánh tay A Hạ, "Mau xem, một nhà Trương a gia đang biểu diễn múa rối bóng kìa."
Hiểu Xuân và A Hạ nhìn theo phương hướng nàng ấy chỉ, ở chỗ khúc rẽ cuối ngõ mơ hồ có tiếng chiêng trống, một đám người đang mang ghế tre ra ngồi trầm trồ khen ngợi.
"Chúng ta cũng đi xem một lát." A Hạ gõ nhịp.
Nhắc đến múa rối bóng, ở trấn Lũng Thủy chỉ có một nhà Trương a gia là làm cái nghề này, bọn họ từng đi đến thành trấn bên ngoài bái sư học nghệ mấy năm trước khi trở lại trấn.
Ngày thường họ nhận đơn đặt diễn cho các hỉ sự, buổi tối thì đến Minh Kiều biểu diễn cho người lớn trẻ nhỏ xem. Họ không thu phí, còn tiền thưởng có thể cho hay không tùy ý, chủ yếu là muốn đem niềm vui đến với mọi người.
Ghế là do người xem tự mang theo, nếu không mang, bên nhà ông Trương cũng có sẵn vài chiếc ghế tre nhỏ, mượn đến ngồi là được. Nhóm người A Hạ ngồi ở đằng sau, nơi đầu ngõ sâu thẳm phía trước dựng một cái đài, bốn phía có khung gỗ, đằng trước dán giấy hoa đào làm màn sân khấu.
Bên trong treo ngọn đèn chiếu bóng, châm dầu hạt cải, mấy bấc đèn được thắp lên, chỉ có thể diễn tả bằng hai từ, sáng sủa. Phía sau còn có một cái bàn dài, bày biện những vật dụng cần thiết cho buổi biểu diễn, hai bên trái phải là người ngồi thổi kèn xô na và kéo đàn nhị, Trương a gia vừa hát vừa kể chuyện, con trai trưởng của ông ấy điều khiển con rối, cũng chính là đang múa rối bóng.
Lúc này đang diễn vở "Long du tứ hải". Con rồng kia màu xanh lơ, đuôi dài, sừng to, hai chòm râu cong cong uốn lượn, khi nó xuất hiện, phía dưới là mây, sau đó là sương khói lượn lờ, như thể một con rồng thật hiện thân.
Một đứa bé nhỏ xíu thấy cảnh này thì không khỏi kinh ngạc, che miệng nói nhỏ với tiểu đồng bọn bên cạnh: "Nhìn kìa, rồng thật tới rồi."
"Đừng nói chuyện, lỡ nó theo tiếng mà tìm đến đây thì làm sao."
Đứa bé đáp lời có sắc mặt nghiêm túc, tay nắm chặt, ánh mắt vẫn gắt gao nhìn chằm chằm vào con rồng. A Hạ ở phía sau nghe mà suýt bật cười thành tiếng.
Con rồng này quả thật lợi hại, còn biết cả phun lửa. Sau màn sân khấu, Trương đại ca uống một ngụm rượu trắng pha nhựa thông, rồi đột nhiên phun mạnh về phía trước, trong nháy mắt bùng lên một ngọn lửa lớn hừng hực.
Lần này đến cả mấy người A Hạ cũng bị hù cho hoảng sợ.
"A, hỏa hoạn rồi! Mau đi dập lửa!"
"Không phải, đó là lửa do rồng phun."
Đứa bé kia nói một cách nghiêm túc, khuôn mặt nó đầy vẻ kinh ngạc, trong lòng tin tưởng sâu sắc rằng ngọn lửa ấy là do con rồng phun ra.
Khói đặc tản đi, Thanh Long lúc lắc thân mình, cưỡi mây đạp gió lập tức đã bay đến Đông Hải, biển xanh mênh mông vô tận, sóng biển lấp lánh dập dờn.
"Đó chính là biển, khi ta đến vịnh đã thấy qua, rộng và dài lắm."
Có đứa bé sau khi nhìn thấy liền nhảy cẫng, rồi lập tức ngồi xuống, nhỏ giọng mà phấn khích reo lên với đồng bạn bên cạnh.
Gia đình Trương a gia chỉ diễn những vở kịch lẻ, không diễn các vở dài tập, mỗi đêm lại đổi một tiết mục mới, trẻ em và người già ở gần đây ngày nào cũng đến xem. Tuy nói trẻ con trong trấn có nhiều trò để chơi hơn, nhưng thực ra cũng vẫn thiếu thốn. Những vở múa rối bóng mới lạ vào buổi tối mỗi ngày có thể giúp chúng không cần phải lên giường sớm, vậy nên cái sân khấu nhỏ này luôn tràn ngập niềm vui nhỏ bé và sự mãn nguyện của bọn trẻ.
Đây cũng từng là một trong những điều A Hạ mong chờ nhất thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, vào mùa hè, cha nàng sẽ mua cho nàng một chén bánh trôi nhỏ, để nàng vừa xem vừa ăn, nếu đông người, a cha sẽ công kênh nàng trên vai xem múa rối bóng. Còn vào mùa đông, nương sẽ cho nàng một túi hạt dẻ rang đường hoặc khoai sọ ngào đường, dắt nàng đến đây xem một hồi rồi mới trở về nhà ngủ.
Cho nên cái sân khấu nhỏ trong ngõ hẻm này, đã từng là nơi mà nàng thích nhất, giờ đây lại tiếp tục trở thành địa điểm vui chơi yêu thích nhất của những đứa trẻ khác.
Diễn xong một hồi múa rối bóng, sẽ có thời gian nghỉ ngơi, A Hạ đứng dậy, chỉ vào một xe hàng nhỏ có mái che bên cạnh, nói: "Ta đến chỗ Trương a bà mua mấy chén nước trà."
"Được, để Sơn Đào ngồi đây, ta đi cùng ngươi." Hiểu Xuân vừa nói vừa vuốt làn váy đứng lên.
Bên cạnh sân khấu múa rối bóng có một xe hàng có mái che, do vợ của Trương a gia và mấy người con dâu cùng nhau buôn bán, khi bọn họ đến đây dựng sân khấu, Trương a bà cũng sẽ đi theo ra bày quán, kiếm chút tiền.
Họ bán nước trà và đồ ăn vặt, mùa hè bán đồ ngâm chua, mùa đông bán đồ nướng, chỉ có mùa xuân và mùa thu là có cái gì bán cái nấy.
Xe hàng mà mấy người bọn họ mời người làm cũng rất thú vị, trên đỉnh là mái che bằng gỗ cong cong, có hai thanh giá đỡ làm từ gỗ, một thanh đang buộc giỏ lò than. Giỏ lò than được đan bằng tre, bên trong đặt một cái ấm lớn. Đầu bên kia là một tủ tre lớn, nắp mở, lộ ra không ít hũ, bình, cùng với chén nhỏ bằng gốm sứ và đũa.
Trương a bà tuổi đã lớn, đang ngồi ở đó nghỉ ngơi, việc bán hàng chủ yếu do con dâu cả Trương Trần thị của bà ấy phụ trách, nàng ta rất thân với nương của A Hạ, vừa thấy A Hạ từ xa liền vẫy tay, "A Hạ, lại đây, lại đây, hôm nay sao rảnh rỗi mà đến chơi vậy, nào, a di lấy món kho cho con ăn."
Nói xong nàng ta định cầm chén, A Hạ vội vàng ngăn lại, "Trần di, nếu dì cho con thì con không nhận đâu, hôm nay con mang theo tiền tới mà."
"Con, cái đứa nhỏ này, nói linh tinh cái gì thế, chỉ là một chút món kho thôi mà, lúc trước khi ta và mẹ con cùng bày quán, nàng có thể tặng không cho bọn trẻ nhà ta mấy cái tượng bột, giờ ăn chút đồ thì có sao, con đừng khách sáo với dì." Trương Trần thị giả vờ nghiêm mặt.
A Hạ cười nói: "Hôm nay con có mang theo tiền, nếu nương con biết con ăn chùa ở chỗ Trần di, về nhà sẽ bị mắng. Hơn nữa chúng con có ba người, ăn nhiều lắm, nếu Trần di tặng không thì sẽ lỗ vốn mất. Lát nữa dì cho thêm vài miếng là được rồi ạ."
"Được rồi, được rồi, cái nha đầu này, thật là nói không lại con mà! A Hạ, con muốn ăn gì? Hôm nay chúng ta có chân gà, chân vịt, mề vịt và đậu phụ khô."
"Con muốn năm chén trà, ba phần đậu phụ khô và mề vịt."
Nghe nàng nói xong, Trương Trần thị khiếp sợ, "Năm chén trà, A Hạ con uống sao hết nổi, mua nhiều thế để làm gì?"
A Hạ chỉ chỉ về phía sân khấu, mặt mày dịu dàng, "Con mua cho mấy người Trương a gia, đã nghe diễn miễn phí rồi, nên mua vài chén nước trà cho bọn họ nhuận giọng."
"A Hạ, con không cần mua đâu, lát nữa ta sẽ mang cho bọn họ." Trương a bà cũng không nhịn được mà lên tiếng.
"Ai nha, coi như một chút tấm lòng của con, muốn mượn hoa dâng Phật. A bà, nếu mọi người không bán cho con, về nhà con sẽ không ngủ ngon được mất."
Bị nàng trách móc một hồi như vậy, mọi người đành phải chiều theo ý nàng. Trà bọn họ bán là trà rời, hương vị cũng khá được, rót ra năm chén trà rồi đưa mấy chị em dâu khác mang qua.
Còn đậu phụ khô và mề vịt được ngâm trong hũ nhỏ, vừa mở ra đã thơm lừng mùi món kho. Trương Trần thị dùng kẹp tre gắp ra từng miếng, bỏ vào trong túi giấy dầu, mỗi túi đều khá nặng, khi đưa cho A Hạ vẫn còn ấm.
Trả tiền xong lại hàn huyên thêm vài câu, nàng và Hiểu Xuân mới trở về chỗ, đưa túi đồ ăn cho Sơn Đào, sau khi ngồi xuống liền nói: "Mau nếm thử đi, món kho của Trần di bọn họ làm rất ngon đó. Ăn không hết thì mang về cho Sơn Nam ăn."
Nói xong, nàng tự mình dùng que tre xiên một miếng đậu phụ khô kho, miếng đậu này ăn vào cực kỳ thơm, hoàn toàn thấm vị, rất mềm mại và không hề có vị nhạt nhẽo của đậu phụ khô.
Người nhà họ Trương rất khéo tay, đậu phụ này là do chính họ tự làm. Dùng loại đậu nành được trồng ở Sơn Gia Loan, xay thành sữa và làm thành đậu phụ, rồi chọn những ngày trời đẹp đem ra phơi khô, sau đó cho vào nồi nước kho lâu năm, nấu đến khi vỏ ngoài nhăn lại, bên trong thấm đẫm nước sốt, màu sắc cũng thay đổi thì mới tắt bếp.
Tuy nhiên khi ăn đến mề vịt, hương vị lại hoàn toàn khác với đậu phụ khô. Mề vịt, chân vịt hay chân gà đều được bán như nội tạng, nhiều người thích ăn nhưng ít ai bằng lòng sơ chế, nên giá cả cũng tương đối rẻ.
Mấy người Trương Trần thị đã thỏa thuận với thôn chuyên nuôi vịt, để họ mỗi ngày đều mang nội tạng vịt đến, trời còn chưa sáng đã bắt đầu xử lý, không được để sót một chút chất thải nào bên trong mề vịt. Sau đó xát muối, xâu lên và đem đi phơi khô.
Khi số mề vịt đã phơi trước đó hơi khô quắt lại, sẽ được cho vào nồi nước kho, nấu nhỏ lửa trong khoảng nửa khắc rồi tắt bếp, để mề vịt ngâm trong nước kho qua đêm.
A Hạ rất thích kết cấu dai dai đặc biệt này, cắn một miếng to mề vịt, hoàn toàn không bị xơ, mặn nhạt vừa phải, vẫn có thể cảm nhận được độ dai sau khi hong gió và độ giòn sau khi nấu chín.
Nàng vừa xem múa rối bóng, vừa phồng má nhai, càng nhai càng thơm. Tuy nhiên, nàng nhanh chóng nhận ra có điều không thích hợp, mấy đứa trẻ đằng trước không còn nghiêm túc xem diễn nữa, mà thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn các nàng, thậm chí có một cô bé còn chảy cả nước miếng.
A Hạ thấy mà buồn cười, dù sao nàng cũng ăn không hết chỗ này, vốn dĩ định đem về cho người nhà, nhưng thôi chia bớt rồi lại mua thêm một ít mang về vậy.
Nàng vẫy tay, nhẹ nhàng nói: "Các em muốn ăn thì lại đây lấy."
Mấy đứa trẻ ngươi nhìn ta, ta nhìn người, nuốt nuốt nước bọt, nhưng đều ngượng ngùng không dám tiến lên, chỉ có cô bé kia tuổi còn nhỏ lại thèm ăn, nó vùng khỏi tay chị mình, loạng choạng bước tới, ghé vào bên chân A Hạ mà mềm mại gọi: "Tỷ tỷ, ăn."
"Đây, cẩn thận chút nhé."
A Hạ sợ cô bé còn quá nhỏ, ăn mề vịt dễ bị nghẹn, nên đưa cho nó một miếng đậu phụ khô mềm nhũn. Cô bé ngậm trong miệng, đôi lông mày cong lên, lúng búng nói: "Cảm, cảm ơn."
Thấy thật sự có đồ ăn, mấy đứa trẻ khác cũng rụt rè đi tới, A Hạ rất hào phóng, chia hết cả hai túi đồ ăn và nhận lại được vô số lời cảm ơn. Mỗi đứa trẻ đều có phần, vừa vặn chia hết.
Nàng không chịu lấy phần Sơn Đào và Hiểu Xuân nhường cho mình, mà tự đi mua thêm hai túi nữa, khi mua xong quay lại thì trời đã khá muộn, mấy người các nàng cũng chuẩn bị về nhà.
Được cho ăn, mấy đứa trẻ híp đôi mắt nhỏ lại, chắp tay thi lễ với các nàng, trên mặt cười hì hì. A Hạ cũng mỉm cười, khuôn mặt nàng được ánh nến chiếu rọi trở nên dịu dàng, trong mắt lấp lánh ánh sáng, bím tóc rũ xuống bị gió thổi bay bay.
Ba người cầm đèn lồng đi trên con đường nhỏ về nhà, ven đường vẫn còn không ít người qua lại, một đường trải đầy ánh nến.
"A Hạ, quay lại đây, duỗi tay ra."
Sơn Đào bỗng nhiên gọi nàng, A Hạ không hiểu chuyện gì, xòe bàn tay ra, Sơn Đào lấy ra một viên kẹo mạch nha đặt vào tay nàng.
"Ăn kẹo đi."
"Sao hôm nay ngươi tốt bụng như vậy, viên kẹo này không phải là nhặt trên đường đó chứ?"
A Hạ thực hoài nghi, Hiểu Xuân ở bên cạnh che miệng cười khúc khích.
Sơn Đào dựng lông, "Phương Tri Hạ, ngươi không ăn thì trả ta, chó cắn Lã Động Tân, không biết lòng người tốt."
"Ồ, ta càng không trả đấy," A Hạ lắc lắc tay mình, làm mặt quỷ, rồi cầm đèn thuận chiều gió chạy về phía trước, tất cả bím tóc đều bay hết lên.
"Ngươi đứng lại đó cho ta," Sơn Đào đuổi theo phía sau, Hiểu Xuân vừa chạy vừa cười, suýt nữa thì bị rót đầy một miệng gió.
Chạy đến khi mệt lừ, cũng đã gần tới phường Minh Nguyệt, A Hạ xua tay, ngồi xổm xuống đó thở dốc, "Ta không chạy nữa."
"Ta cũng mệt, ôi, về đến nhà rồi," Sơn Đào vừa nhìn thấy cửa nhà mình, thì nhanh chóng ngừng chiến, lấy lại hơi rồi nói tiếp: "A Hạ, Hiểu Xuân, ta về đây, mai lại đến nhà A Hạ chơi đi."
"Được, ta cũng về nhà, A Hạ, ngươi cầm đèn đi cẩn thận nhé,"
A Hạ đứng thẳng người dậy, gật đầu, nhìn bọn họ bước về nhà, trên con đường nhỏ chỉ còn lại nàng cùng một chiếc đèn.
Chỗ cầu này còn cách nhà nàng một đoạn đường, A Hạ bước đi cẩn thận, đi chưa được mấy bước đã thấy ở giao lộ phía trước có người cầm đèn.
Nàng nhìn kỹ một lúc, rồi sau đó nhanh chóng chạy đến, reo lên đầy phấn khích: "Đại ca, sao huynh lại ở đây?"
Phương Giác đứng dựa ở đó đã lâu, hắn thở phào nhẹ nhõm, xụ mặt nói với nàng: "Sao muộn như vậy muội mới trở về? Nếu gặp phải chuyện gì đó thì làm thế nào bây giờ, lần sau đi chơi cũng không được quên giờ giấc."
A Hạ đuối lý nên gật đầu liên tục, nàng lại không ngốc, vừa nhìn là biết đại ca đã ở chỗ này đợi nàng hồi lâu. Dù sao cũng chỉ có giao lộ này là con đường nàng nhất định phải đi qua để về nhà, những con đường khác đều quanh co, lòng vòng.
Nàng vội vàng lấy ra hai túi đồ ăn, như hiến vật quý mà nhét vào tay Phương Giác, rồi giải thích: "Bọn muội đi xem Trương a gia múa rối bóng nên mới về muộn, muội còn mua đậu phụ khô và mề vịt cho mọi người."
Phương Giác thu lại vẻ mặt nghiêm túc, giọng nói cũng mềm xuống, "Thế muội còn làm những gì nữa?"
"Muội còn mua năm chén trà cho mấy người Trương a gia, rồi đem hai túi đồ ăn muội mua trước đó chia hết cho bọn trẻ, mọi người đều ăn rất vui vẻ, bữa tối thì bọn muội ăn mì hải sản."
Chỉ là cái túi tiền mang theo ra ngoài cũng đã trở nên trống rỗng.
Phương Giác nghe giọng điệu vui vẻ của nàng, trong lòng cũng vui lây, hắn nhón một miếng đậu phụ khô kho, vừa ăn vừa nói: "Hết tiền rồi phải không, lát nữa ta sẽ lén đưa cho muội một ít."
"Thật vậy ạ?"
A Hạ chạy lên phía trước, xoay người lại, ngẩng mặt lên hỏi.
"Thật mà. Muội mau đi nhanh lên, thái bà và mọi người vẫn chưa ngủ, chỉ chờ mỗi muội thôi đó, về nhà thể nào muội cũng sẽ bị mắng." Phương Giác có chút vui sướng khi người khác gặp họa.
"Aaa..."
Thanh âm của nàng dần dần chìm vào con đường nhỏ vắng lặng, bóng dáng càng lúc càng xa, cuối cùng là biến mất không nhìn thấy nữa.