Nhà Nơi Trấn Nhỏ

Chương 6: Cá diếc om hành



Sơn Nam đưa tới một đĩa cá bạc xào trứng, giữa màu trứng vàng nhạt là chút sắc xanh của hành lá, thịt cá bạc trắng như tuyết được bao ở bên trong không quá dễ thấy, nhưng lại tỏa ra hương thơm ngập tràn.

Cha Phương vừa ngửi mùi là biết ngay cá bạc này mới được vớt từ trong hồ lên, vỗ tay cười to, "Sơn Nam thật biết ăn, cá này tươi quá, nhắm rượu ngon."

"Chàng chỉ lo nhắm rượu thôi," mẹ Phương đặt đĩa cá bạc xào trứng ở giữa bàn, liếc mắt nhìn cha Phương, "Cũng không hiểu được cá này giá không rẻ, ngày mai chàng làm chút đồ ăn, ta bảo A Hạ mang qua đó."

A Hạ gật đầu liên tục, nàng đã sớm bị mùi thơm kia mê hoặc, dù mới ăn tương xương nhuyễn no bụng, vẫn vội vàng gắp một đũa.

Trứng là do gà mái già nhà Sơn Nam tự nuôi đẻ ra, mỗi ngày đều cho ăn gạo tấm, nuôi đến béo mập, trứng cũng tự nhiên thật lớn. Đập một quả trứng to màu vàng óng, cho vào chảo dầu nóng sẽ không có mùi tanh, trứng mềm xốp chạm vào răng liền trôi vào trong miệng.

Lại nói đến cá bạc kia, nhỏ nhưng tinh túy, ít xương, cũng không cần thêm muối, rượu, hay giấm gì, chỉ cần xào qua đơn giản, vị rất tươi ngon như đang ăn cá sống.

A hạ vốn đã ăn no, nhưng thấy thèm nên lại ăn thêm một bát cơm nữa. Đến cuối cùng, miệng và bụng nàng đều tràn ngập vị tươi ngon, căng to đến mức làm nàng choáng váng, ghé vào trên bàn rên hừ hừ.

"A Giác, con dắt con heo con này đi dạo đi," mẹ Phương lấy lại đĩa cá bạc xào trứng, nghẹn cười sai bảo Phương Giác.

A Hạ im lặng, lẩm bẩm nói: "Mới không phải heo con."

Nàng lồm cồm đứng dậy, đẩy đẩy lưng Phương Giác, còn cố ý chọc giận người, "Đại ca, chúng ta mau đi ra ngoài, đừng nói chuyện với mẹ nữa."

Mẹ Phương mới không thèm phản ứng lại nàng, vẫn là bà nội đuổi theo ra, từ chỗ treo đèn trên tường lấy đưa cho bọn họ một chiếc đèn lồng, dặn dò một tiếng sớm về nhà.

Chiếc đèn này là một chiếc đèn lồng hình trăng, được A Hạ suy nghĩ ra vào Nguyên tiêu năm nay, khung làm theo hình trăng cong, bên dưới đặt một đĩa nến nhỏ. "Phanh" một tiếng thắp sáng, trên giấy hiện ra một con thỏ đang ngó đầu thăm dò.

Ngoài hành lang tối om, đèn trăng trong tay A Hạ tỏa ra ánh sáng nhu hòa. Nàng nhảy, ánh sáng liền nhảy lên tường, nàng lắc, ánh sáng liền lắc xuống đất, nàng đột nhiên chạy ra xa, ánh sáng liền đuổi theo phía sau.

Nàng lại xách đèn lồng chạy về, thanh âm vui vẻ của nàng vang vọng trong gió, chiếc đèn lồng hình trăng được nàng giơ lên cao, "Đại ca, huynh xem, muội câu được một vầng trăng này."

Phương Giác cười lớn, rồi sau đó chỉ ngón tay lên trời, "Vậy thì ta sẽ biến thành bầu trời đầy sao, vừa khéo xứng với vầng trăng của muội."

A Hạ cũng cười, hôm nay mặt trăng bị con thỏ ăn mất một nửa, tình cờ đúng với hình dáng chiếc đèn lồng trong tay nàng, trên nền trời những ngôi sao đang sáng rực rỡ.

Ra khỏi con đường nhỏ, ánh trăng bắt đầu rơi xuống, nhìn như bóng cây loang lổ. Đi qua những khung cửa sổ cũng có một chút ánh sáng hắt ra, tựa như gợn sóng lăn tăn.

A Hạ và Phương Giác ngẫu nhiên sẽ đoán hình dáng của ánh sáng tiếp theo.



Một đường đi đến bờ sông Minh Nguyệt, nơi đó có những con thuyền đánh cá neo đậu, dưới mái hiên đèn đã tắt, ảnh ngược của thuyền và cây trôi nổi trên sông.

Hai người dựa vào trên cầu, một trận gió đêm thổi qua, trong gió vang lên tiếng hát của ca nương trên thuyền hoa, "Một vầng trăng sáng treo trên cao, đi qua lầu nam nhìn thấy nàng, e thẹn, làm bộ không thấy không nói lời nào..."

A Hạ ngâm nga, đèn lồng trăng trong tay lắc lư theo điệu nhạc.

Sau khi đi đến đuôi cầu, A Hạ cuối cùng cũng cảm thấy thoải mái, Phương Giác hỏi nàng, "Chúng ta trở về nhé?"

Sắc trời bây giờ đã khuya, mọi người trong phường Minh Nguyệt đã sớm nghỉ ngơi, nàng cũng phải quay về nhà.

Hai người chậm rì rì đi về, mẹ Phương để cửa cho bọn họ, A Hạ rửa mặt xong, thay đôi giày mềm rồi lên lầu, chiếc đèn lồng treo bên cạnh cầu thang, chiếu sáng rực rỡ.

Bánh Gạo từ trong ổ nhỏ của nó thò đầu ra, liếm liếm lông, kêu meo một tiếng rồi lại cuộn tròn thành một cục ngủ thiếp đi.

A Hạ cũng phải đi ngủ, nàng đốt hương lên, tắt đèn và rúc vào đệm chăn, ngoài cửa sổ gió lạnh đập vào tường, thổi qua mái ngói, nàng chìm vào giấc ngủ trong tiếng gió rì rào.

Ngày hôm sau, trời dần sáng, trên sông Minh Nguyệt phủ một tầng sương mù mỏng, một con thuyền đánh cá đầu nhọn đuôi rộng xé sương tiến về phía trước. Người lái thuyền có giọng nói vang vọng, hắn đọc lên câu tục ngữ của trấn Lũng Thủy, "Thà vứt bốn lạng dầu, cũng không bỏ đầu cá diếc."

Hắn lại rao: "Đầu cá diếc đây, nhà ai muốn mua đầu cá diếc không?"

"Nhà đò," mẹ Phương vội vã từ trong phòng bước ra, đẩy cửa nhỏ đi lên sân phơi bên bờ sông Minh Nguyệt. Bà chống tay vào lan can gỗ, ngó đầu xuống hỏi: "Cá diếc mới bắt sáng nay à?"

"Đúng vậy, trời chưa sáng đã giăng lưới bắt, còn sống đấy, ngươi muốn mua không?"

Nhà đò chống mái chèo dưới nách, tay nhấc lên một cái túi đựng những con cá diếc nhỏ đang còn tung tăng bơi lội trong nước cho mẹ Phương ở trên nhìn xem.

"Ta muốn, bao nhiêu tiền một con?"

"Rẻ lắm, một con năm văn là được."

Mẹ Phương tính toán thấy cũng phải chăng, liền nhanh tay đếm ra mười văn tiền đồng nắm trong lòng bàn tay. Bên cạnh lan can có một cái thùng gỗ buộc dây thừng, bà bỏ tiền vào bên trong, rồi cởi dây thừng thả xuống.

"Cho ta 2 con."

"Được."

Người lái thuyền chèo thuyền nhỏ lại gần, lấy tiền ra, từ túi lưới bắt lên hai con cá thả vào thùng gỗ sâu, cá cũng không nhảy ra được.

Mẹ Phương giữ chặt dây rồi kéo lên, liếc mắt một cái liền biết là cá diếc vừa mới bắt được.



Bà gọi cha Phương ra, đá đá thùng cá bảo ông đi dọn dẹp, rồi tự mình đóng cánh cửa nhỏ lại, thật là lạnh mà.

"Mắt thấy sắp đến rét tháng ba, A Hạ rất dễ bị trúng gió lạnh, gió mà dính vào trên người liền sẽ bị cảm, nên là làm cá diếc om hành để bồi bổ đi."

Mẹ Phương nói rồi, cúi nửa người xuống nhặt từ chum ra mấy viên than, nhét vào trong mắt lò. Sau khi đốt lửa lên, lại cầm cái ấm đi đổ nước, đặt ở phía trên, đun một ấm nước sôi.

"Ta đã biết," cha Phương cười đến vui tươi hớn hở, dùng dao cạo vảy mấy con cá diếc nhỏ bằng bàn tay. Sau đó lấy kéo rạch bụng, lôi hết nội tạng ra rồi vứt vào thùng đồ ăn cặn.

Cha Phương làm việc rất nhanh nhẹn, trên cái thớt bên kia mẹ Phương đang cắt hành lá và hâm nóng nồi đất.

Cha Phương bỏ hai con cá diếc vô nồi, rải toàn bộ hành lá lên trên, rồi rưới qua một lớp dầu hạt cải. Sau đó cho chút rượu Thiệu Hưng tinh khiết, thơm ngon vào, rắc thêm một nhúm đường, cuối cùng là đổ nước tương lên, đun nhỏ lửa để cá chín từ từ.

Cha Phương lau lau đôi bàn tay dính nhớp của mình, sau đó dùng muỗng xúc múc gạo nấu chén cháo. Chờ nồi đất sôi lên sùng sục, than phía dưới cũng vừa vặn cháy hết.

Bên ngoài A Hạ bọc mình trong áo khoác dài, ngáp một cái rồi đẩy cửa tiến vào, một bộ dáng nhập nhèm.

"Con đến vừa đúng lúc, cũng đỡ cho ta phải thỉnh con xuống ăn, đi gọi thái công thái bà và đại ca, sáng nay ăn tạm một bữa ở nhà bếp."

"Vâng."

Mẹ Phương đổ nồi cá diếc om hành vào trong chiếc bát sứ tráng men, mang đến chiếc bàn vuông chân hoa giữa nhà bếp, rồi lại lấy chén nhỏ rau ngâm ra.

Sau khi mọi người tới đủ, cháo cũng đã được múc xong, A Hạ rút đũa, phát cho từng người một, lại so đũa cho mình và ngồi xuống.

Cá diếc om hành ăn cùng cháo là tuyệt nhất.

Cá diếc được ninh nhừ, xương đã sớm chín kỹ, cắn một nửa, xương xốp mềm rớt ra. Nếm một ngụm nước om, vị rượu lâu năm nồng nàn, mùi hành lá thơm phức hòa quyện với vị ngon của cá tươi.

Chọn một ít thịt cá cùng cháo dọc theo mép bát đưa vào miệng, nóng hầm hập nuốt xuống bụng, A Hạ cứ như vậy cọ tới cọ lui ăn hơn phân nửa bát.

Nàng nghe thấy cha hỏi: "A Hạ, đi chợ sáng không?"

Nàng nghĩ nghĩ, rồi gật đầu: "Đi ạ."

"Vậy con ăn nhanh lên, muộn thì người ta thu quán mất."

Mẹ Phương thúc giục, A Hạ vội ăn thêm mấy muỗng cháo, sau đó lau mặt rồi cùng cha Phương đi ra ngoài.