Chủ nhiệm lớp của Hứa Hiểu Húc khi cô còn sống là một giảng viên khoa Lịch sử tên là Hà Văn Địch, khoảng 30 tuổi, dáng người cao, hơi gầy, đeo kính, trông có vẻ rất tri thức. Theo lời kể của Hà Văn Địch, lúc còn sống Hứa Hiểu Húc là một sinh viên ưu tú toàn diện, cũng không có biểu hiện bất thường về sức khỏe, chưa từng đổ bệnh nặng, song lại là một người có cá tính mạnh, vô cùng hiếu thắng. Sau một khoảng thời gian cô ta bị suy nhược thần kinh, khó vào giấc ngủ, dẫn đến tâm tính có chút ức chế, từng đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị.
Bệnh viện trực thuộc đại học Tùng Giang có phòng điều trị về tâm lý cho sinh viên, do 2 bác sĩ tâm lý điều hành. Chủ nhiệm khoa tên là Giả Đào, khoảng 40 tuổi, có hơi phốp pháp của tuổi trung niên, bụng mỡ phệ nệ, ông ta chỉ có duy nhất một thuộc hạ cũng chính là vị bác sĩ còn lại, tên là Khang Vĩnh. Giả Đào thẳng thắn thừa nhận, ông ta là bác sĩ điều trị chính của Hứa Hiểu Húc, từng tư vấn tâm lý cho cô ấy một thời gian. Trong quá trình điều trị ông có cho bệnh nhân sử dụng một lượng nhất định Diprivan để làm dược phẩm hỗ trợ cho quá trình trị liệu bằng phương pháp thôi miên.
Giả Đào nói: “Những chứng bệnh phù hợp để điều trị bằng phương pháp thôi miên chủ yếu gồm các chứng bệnh về thần kinh, như suy nhược thần kinh, căng thẳng thần kinh, ức chế thần kinh, chứng Hysteria, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc khủng b0 tinh thần. Tất cả chúng đều có thể thông qua phương pháp thôi miên để giảm thiểu chứng bệnh tới các mức độ khác nhau. Trong quá trình điều trị, 90% bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái thôi miên tùy mức độ, trong đó 30% bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái thôi miên sâu. Tuy nhiên Hứa Hiểu Húc là cô gái có lý trí vững vàng, tính ám thị thấp, khó hợp tác, thuộc nhóm 10% bệnh nhân khó rơi vào trạng thái thôi miên, nên tôi đã cho dùng Diprivan để hỗ trợ cô ta rơi vào trạng thái bán ngủ, sau đó tiếp tục sử dụng quá trình thôi miên để điều trị.”
Lời kể của Giả Đào vô cùng thành thật, có căn cứ và thuyết phục, hơn nữa hồ sơ bệnh án đều được bệnh viện trực thuộc đại học Tùng Giang ghi chép lại đầy đủ, Thẩm Thư chưa phát hiện bất kì một điểm nghi vấn nào, đành cảm ơn vị bác sĩ rồi quay về phòng hình sự.
Nghe Thẩm Thư tường thuật lại, tôi có chút ngạc nhiên: “Chỉ là một khoa tâm lý của bệnh viện trực thuộc một trường đại học, không ngờ lại có vị bác sĩ am hiểu phương pháp trị liệu bằng thôi miên đến như vậy.”
Thẩm Thư hỏi: “Trị liệu bằng thôi miên là một y thuật cao siêu đến thế ư?”
Tôi đáp: “Có thể coi là vậy, số bác sĩ am hiểu thuật trị liệu bằng thôi miên tại Tùng Giang này e là chưa quá mười đầu ngón tay. Phương pháp trị liệu này được ví như một con dao hai lưỡi, nếu biết dùng thì sẽ trị được những chứng bệnh khó chữa, ví dụ như chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay chứng suy nhược thần kinh. Nếu dùng không đúng chỗ, ngược lại có thể gây suy tổn đến thần kinh người bệnh. Trong cuộc chiến tình báo của nhiều nước trên thế giới, rất nhiều cơ quan gián điệp đã sử dụng phương pháp này để thu thập thông tin tình báo, thậm chí thông qua việc thôi miên, họ còn khiến cho những cán bộ nhân viên đã xuất ngũ song vẫn nắm những thông tin tình báo tuyệt mật phải phát điên, nhằm ngăn chặn việc những người này qua cầu rút ván, để lộ thông tin ra ngoài.”
Thẩm Thư nói: “Quả là một phương pháp thần kì, hồi trước trong quá trình phá án, tôi có chứng kiến một số đồng nghiệp sử dụng mê hồn dược, hồi đó tôi đã nghĩ thứ thuốc họ dùng thật kì diệu, giờ đem so với thuật thôi miên, phải nói là núi cao còn có núi cao hơn.”
Tôi đáp: “Cái gọi là mê hồn dược, thực ra là bước sơ cấp nhất trong quá trình trị liệu bằng thôi miên, so sánh thế nào được, chả qua chỉ là mấy trò mèo che mắt thiên hạ mà thôi.”
Thẩm Thư lại nói: “Bảo sao đại học Tùng Giang lại được xếp ở top đầu các trường đại học trên toàn quốc, đến cả cái bệnh viện nhỏ trong trường còn tàng long ngọa hổ cơ mà. Tuy nhiên cái chết của Hứa Hiểu Húc không liên quan đến việc cô ta từng điều trị tâm lý, Lương Tư Tề cũng đã thú nhận, lời khai về thời gian, địa điểm, động cơ gây án và thủ đoạn ra tay đều trùng khớp, có thể trình lên viện kiểm sát để phê chuẩn lệnh bắt được rồi.”
Tôi đáp: “Đó là việc bên hình sự các anh, không liên quan gì đến tôi cả.”
Một tháng sau, Lương Tư Tề chính thức bị viện kiểm sát ra lệnh bắt. Ba tháng sau, phiên tòa xét xử được diễn ra, do Lương Tư Tề đã khai nhận toàn bộ quá trình gây án nên chủ tọa đã khép cô vào tội danh cố ý giết người, kết án tử hình, thi hành sau 2 năm. Tại phiên tòa, Lương Tư Tề tỏ ra phục tùng với phán quyết, từ chối kháng cáo.
Đại diện cho bên truy tố, Thẩm Thư cũng đến tòa đúng giờ. Trong phần tranh biện, phía luật sư bào chữa cho rằng, Lương Tư Tề do áp lực học tập quá lớn, từng có tiền sử bị suy nhược thần kinh mức trung, có qua điều trị tâm lý, những điều này có thể được xem xét như tình tiết giảm án.
Sau khi thảo luận, phía tòa quyết định bác bỏ tình tiết giảm nhẹ. Thế nhưng trong lòng Thẩm Thư có chút dao động, một suy nghĩ chợt thoáng qua, cứ luẩn quẩn trong đầu anh ta một cách khó hiểu, không sao lý giải được. Suy nghĩ lẫn lộn ấy khiến chàng cảnh sát cảm thấy hơi đau đầu.
Đợi phiên tòa tạm nghỉ, Thẩm Thư lập tức đi tìm Phú Cường, nói: “Tôi cảm giác vụ án này của Lương Tư Tề có chút kì lạ.”
Phú Cường nhìn anh ta một cách hoài nghi: “Vụ án này do cậu phụ trách, nhân chứng vật chứng và lời khai của nghi phạm đều có đủ, mọi tình tiết đều rõ như ban ngày, tòa cũng đã tuyên án rồi, cậu còn hoài nghi điều gì?”
Thẩm Thư nói: “Tôi không biết phải nói như thế nào, chỉ là trực giác của người làm nghề, vụ án này không đơn giản như vậy, chắc chắn còn điều gì đó uẩn khúc đằng sau.”
Phú Cường nói: “Thẩm Thư, cậu ổn chứ, vụ án này do cậu đảm nhận đó, mọi tài liệu vật chứng đều do cậu giao cho viện kiểm sát, bây giờ cậu lại đi nghi ngờ chính bản thân, thế khác gì gậy ông đập lưng ông?”
Thẩm Thư đáp: “Vụ án này cần được tiếp tục điều tra, nếu bên cục không chấp thuận thì tôi sẽ tự mình hành động, dù cho có bị chửi lên bờ xuống ruộng cũng phải làm. Ngộ nhỡ thực sự còn uẩn khúc, hai mạng của Hứa Hiểu Húc và Lương Tư Tề có lẽ sẽ không thể nhắm mắt dưới cửu tuyền.”
Phú Cường nói: “Việc cậu đã quyết, tôi có cản cũng vô ích, nói về điều tra thì cậu giỏi hơn tôi nhiều, thế thì hãy làm theo những gì con tim mình mách bảo. Nhân công và tài lực ở cục hiện giờ đều đang rất bận, để lật lại một vụ án đã được tòa phán quyết e là không thể, nhưng tôi vẫn sẽ ủng hộ cậu.”
Thẩm Thư sau khi tan làm đến phòng giám định pháp y để tìm tôi, nói: “Tôi hỏi cô một câu khá ngớ ngẩn, nghe qua thì có vẻ giống phim khoa học viễn tưởng. Các cô là bác sĩ, liệu có thể thông qua một vài thủ thuật nào đó để gieo cấy kí ức vào bên trong bộ não con người không? Nghĩa là, giả sử có một người dù không làm một việc nào đó, nhưng thông qua việc gieo cấy kí ức vào đầu, khiến cho cô ta tin rằng mình đã làm việc đó.”
Tôi đáp: “Có thể, hiện nay có một loại chip điện tử, chỉ cần điều chỉnh tần suất sao cho trùng khớp với sóng não của con người, thì nội dung bên trong con chip ấy có thể truyền vào và lưu trữ dài hạn trong đại não của con người.”
Thẩm Thư nói: “Sao nghe có vẻ hư cấu vậy nhỉ, tỉnh Tùng Giang này có năng lực khoa học kỹ thuật ấy không?”
Tôi đáp: “Tỉnh Tùng Giang không có, ngay cả Trung Quốc cũng không, nghe đâu trong phim Hollywood của Mỹ thì có đấy.”
Thẩm Thư cười: “Hóa ra thần y cũng biết đùa.”
Tôi nói: “Tuy nhiên cái gọi là gieo cấy kí ức mà cậu nói không phải hoàn toàn không có khả năng. Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng hồi còn tại ngũ trong Đại học quân y PLA tôi có đọc qua một cuốn sách của vị giáo sư Tâm lý học nổi tiếng thế giới, có lẽ ông ta sẽ giải đáp được thắc mắc của cậu. Bây giờ tôi sẽ thử liên hệ với ông ta.”
Vị giáo sư Tâm lý học này tên là Âu Dương Địch Phi, là cố vấn quân sự của Quốc vụ viện, chuyên gia đặc phái của Cục tình báo quân ủy trung ương. Trong chiến dịch lợi dụng phương pháp thôi miên để hủy hoại ý chí của nhân viên tình báo, ông ta đã nhiều lần lập công. Hồi đi học tôi có đăng kí lớp Tâm lý của thầy ấy, có lẽ thầy vẫn còn chút ấn tượng về tôi.
Trước khi tan làm tôi có gửi email cho thầy Âu Dương Địch Phi, ngay tối đó thầy đã hồi âm lại và không ngần ngại kể cho tôi nghe toàn bộ chi tiết về quá trình gieo cấy kí ức bằng liệu pháp thôi miên. Trong bức thư, thầy nói rằng việc gieo cấy cũng như xóa bỏ kí ức thông qua liệu pháp thôi miên, đều là đề tài nghiên cứu hoàn toàn mới trong lĩnh vực Tâm lý học. Mặc dù cách đây hơn 10 năm đã có những tổ chức chuyên nghiệp nghiên cứu và sử dụng phương pháp này, song chỉ bó hẹp trong một phạm vi rất nhỏ. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay cũng như yếu tố nhân văn của loài người, chúng ta không có điều kiện để phát triển nó một cách rộng rãi. Việc gieo cấy ký ức cũng giống như nhân bản vô tính, gặp phải những tranh cãi về mặt luân lý con người.
Trong email, thầy Địch Phi nói, việc gieo cấy và xóa bỏ kí ức thông qua thôi miên không đơn giản như việc thêm hoặc xóa như định nghĩa của Vật lý, mà phải đem kí ức đó lưu giữ trong sâu thẳm tâm trí con người, hoặc cưỡng chế lưu thông nó trên bề mặt của não bộ. Những kí ức được gieo cấy sẽ trở thành kí ức được người tiếp nhận nhớ lại nhiều nhất, khó thể quên được, chỉ cần nhận một k1ch thích rất nhỏ từ môi trường bên ngoài, nó sẽ trồi lên một cách mất kiểm soát. Mặt khác loại cảm giác này không ngừng bị cường hóa mạnh mẽ trong quá trình nó thể hiện ra bên ngoài, vì vậy gieo cấy kí ức còn bị coi như là chứng thần kinh nhân tạo.
Lời hồi âm của thầy Địch Phi khiến tôi và Thẩm Thư phải ngơ ngác nhìn nhau, không khác gì cổ tích Nghìn lẻ một đêm ngoài đời thật. Nếu con người có thể gieo cấy kí ức thành công, thì tương lai nhân loại sẽ thật đáng kì vọng, và cũng thật đáng sợ. Loại khoa học kỹ thuật này một khi được phổ cập thì tương lai nhân loại sẽ thay đổi một cách triệt để. Có thể nền khoa học và văn minh nhân loại sẽ có một bước nhảy vọt lớn, cũng có thể thế giới sẽ trở nên hỗn loạn khôn lường, đạo đức con người sẽ rơi xuống đáy vực sâu thẳm.
Bất luận thế nào, câu trả lời của thầy Địch Phi cũng mang đến một suy nghĩ hoàn toàn mới cho Thẩm Thư, giúp mở rộng phạm vi điều tra về vụ án của Hứa Hiểu Húc.
Thông qua tiếp xúc với giáo viên và bạn học của Lương Tư Tề, chúng tôi biết được rằng hơn một năm về trước, cô ta từng bị trầm cảm do áp lực tinh thần trong việc học tập, sau đó đến điều trị tại khoa Tâm lý tại bệnh viện trường. Nhưng có vẻ việc điều trị không đạt được hiệu quả, Lương Tư Tề liên tục rơi vào trạng thái hoảng loạn, biểu hiện ra rất nhiều triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong sinh hoạt hàng ngày. Cũng có người bắt gặp cảnh mộng du của Lương Tư Tề, tuy nhiên trong môi trường đại học, thì những việc như vậy không có gì là hiếm gặp, vì thế không mấy ai quan tâm.
Bệnh viện của trường đại học Tùng Giang không lưu trữ lại hồ sơ khám bệnh của Lương Tư Tề. Ở bàn đăng kí khám có ghi chép lại nhật kí xếp sổ, song sau đó bệnh viện không hề lập hồ sơ bệnh án cho cô ta. Theo lời kể của bác sĩ tâm lý Giả Đào, Lương Tư Tề có đến đây một lần, nhưng cô ta đã từ chối trị liệu, càng không dám sử dụng Diprivan, nên đã không khám nữa. Hơn nữa việc điều trị tâm lý không thể một sớm một chiều mà thu được kết quả, mà cần điều trị trong một thời gian dài, vì thế họ đã không lập hồ sơ bệnh án cho cô ta.