Nhật Kí Nữ Pháp Y: Để Người Chết Được Nhắm Mắt

Chương 43



Bố tôi là anh trai cả trong gia đình, sau bố còn có hai người em trai. Chú hai tôi là giáo sư ở Viện mỹ thuật tỉnh Tùng Giang, chú ấy đã đến tuổi nghỉ hưu, có sở thích sưu tầm những bức họa cổ. Chú ấy có thể phân biệt độ thật giả của các tác phẩm hội họa, rất ít khi nhận định sai, vì thế chú ấy rất có tiếng trong giới hội họa cổ ở trong nước. Hồi còn trẻ, chú là một thanh niên sôi nổi nhiệt huyết, trong quá trình đấu tranh vì công cuộc “Cải cách văn hóa”, chú đã bị người ta đánh mù một bên mắt. Sau này khi nổi tiếng, giang hồ thường gọi chú bằng cái tên “Một mắt”, vừa để miêu tả đặc trưng diện mạo, vừa để ngợi ca con mắt tinh tường, độc đáo trong làng hội họa cổ tỉnh Tùng Giang của chú. Chú tôi là một người sống cởi mở, nên rất vui vẻ đón nhận cái biệt danh mà người khác đặt cho mình.

Chú biết tôi đang viết cuốn sách này, nên đã đặc biệt dặn dò tôi không được tiết lộ danh tính thật của chú, khi nào muốn nhắc đến chú thì cứ dùng cái tên “Một mắt” là được.

Cuối tuần này chú có gọi điện cho tôi, nói rằng Viện mỹ thuật tỉnh Tùng Giang có một bức họa cổ hiếm cần được bán đấu giá, chú đã mua vé và nhờ tôi đi cùng đến đó.

Chú hai cả đời không chịu kết hôn, tuổi già neo đơn, nên luôn coi tôi như đứa con gái ruột của mình. Cũng may chủ nhật này tôi không bận, nên đã đồng ý ngay.

Chú hai ngoài chuyên môn ra, thì những mặt khác trong cuộc sống đều rất mờ nhạt. Bao năm tích cóp được khoản tiền, muốn mua cho mình một con xe để đi lại, nhưng dù cố gắng đến nhường nào, cũng không thể thi đỗ bằng lái xe. Sau này nản chí, chú đã hoàn toàn từ bỏ ý định mua xe. Sau khi ra khỏi cổng, chúng tôi đã gọi một chiếc taxi.

Chú hai ngồi trong xe ô tô, nói: “Buổi bán đấu giá lần này, có một bức quốc họa thời đầu dân quốc cuối đời nhà Thanh của họa gia Ngô Xương Thạc tên là “Bảo Cầm lập tuyết”, là bức họa mà chú thích nhất, nếu mua được nó thì chuyến đi lần này sẽ không phí công. Bức họa này chú đã được thấy một lần hồi còn trẻ, là gia sản của ông Tiền Văn Sơ, Viện trưởng Viện mỹ thuật Tùng Giang thời bấy giờ. Đợt “Cải cách văn hóa” suýt nữa bị thiêu hủy, cũng may sau đó được một Phó chủ nhiệm của hội ủy viên cách mạng bảo tồn lại.”

Tôi hỏi: “Bảo Cầm lập tuyết? Đó không phải là câu chuyện trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng sao?”

Chú hai liếc nhìn tôi, dường như đang trách móc, đến một chuyện rõ ràng như vậy mà cũng phải hỏi sao.

Chú đáp: “Không phải, Bảo Cầm lập tuyết là một phân cảnh kinh điển trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng.

Trong truyện có miêu tả như sau, Bảo Cầm đứng trên vách núi, khoác trên mình một chiếc áo choàng lông vũ, đằng sau có một nha hoàn tay ôm một chậu mai. Nàng được ví như cành mai thắm trong trời tuyết trắng. Giả Mẫu rất yêu quý nàng nên ví nàng còn đẹp hơn cả tranh. Nét vẽ của Ngô Xương Thạc đậm nhạt hài hòa, lột tả được cái hay, cái thú của kiệt tác Hồng Lâu. Có thể nói đây là một tuyệt phẩm. Bức họa này đã được chôn vùi hàng chục năm nay, giờ đây lại được đem ra đấu giá, một cảm giác thật khó diễn tả.”

Tôi tỏ ra hứng thú, hỏi: “Tại sao nó lại bị chôn vùi hàng chục năm vậy ạ?”

Chú hai đáp: “Chủ nhân trước của bức họa này là một chủ thầu xây dựng. Năm đó ông ta trúng lớn, sau khi phát tài rồi mới bắt đầu học làm sang, không biết bằng cách nào đã mua về được bức họa này, đem về treo ở phòng khách. Sau này ông ta bị người khác giết trong chính ngôi nhà mình, tài sản của ông ta được phân chia cho bà vợ và cậu con trai, trong đó có cả bức họa này. Nếu tính ra thì cũng là chuyện của mười sáu, mười bảy năm trước rồi, lúc đó chắc cháu đang học cấp 2.”

Bác tài lái xe taxi bỗng nhiên chen lời vào: “Cái người mà ông vừa kể là bị giết có phải họ Vương, tên Vương Thủ Tài đúng không?”

Chú hai đáp: “Hình như là cái tên đó, anh quen ông ta à?”

Bác tài nói: “Không những quen, mà tôi còn từng làm thuê cho ông ta. Không phải nói xấu người đã khuất, nhưng hồi đó ông ta không phải là người quá tốt, thường xuyên bắt người khác làm việc không công. Chúng tôi đều bị ông ta khất trả lương ít nhất một lần, sau này có một người công nhân vì không nhịn nổi, đã đến gặp ông ta để đòi tiền. Trong lúc cả giận mất khôn, cậu ta đã gi3t ch3t ông ấy, bị xử tử hình nhưng hưởng án treo, hiện tại vẫn đang bị giam trong tù.”

Tôi đáp: “Không ngờ đằng sau một bức tranh là cả một câu chuyện dài đầy sóng gió.”

Địa điểm đấu giá tại nhà đấu giá Trăn Quan của thành phố Sở Nguyên, đó cũng là công ty đấu giá lớn nhất của Tỉnh. Do mặt hàng đem ra đấu giá lần này không tầm thường, nên đã thu hút sự chú ý của rất nhiều những họa sĩ và nhà sưu tầm trong và ngoài tỉnh, kể cả những nhà buôn đồ cổ.

Chú hai đam mê tranh cổ đến mức điên cuồng. Nhưng tình hình tài chính không cho phép chú làm điều đó, khóe mắt cay ngắm nhìn cảnh những bức tuyệt tác rơi vào tay người khác, còn phần mình chỉ biết nuối tiếc mà thôi. Đợi mãi cũng đến lúc “Bảo Cầm lập tuyết” được mở bán, chú hai lập tức lấy lại tinh thần, lưng duỗi thẳng, ánh mắt tập trung cao độ vào cái búa đồng trên tay MC đấu giá, hai tai vểnh lên vì sợ sẽ bỏ lọt thông tin.

Giá khởi điểm của bức họa “Bảo Cầm lập tuyết” là 17 vạn nhân dân tệ. Chú hai cảm thấy rất gần với giá mà mình mong đợi, là người đầu tiên báo giá. Ngay lập tức có người đưa ra giá 17 vạn 5 ngàn tệ. Chú hai liếc nhìn cái người vừa ra giá, là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, mặc áo vest, đi giày da. Chú hai không do dự, giơ tay lên ra giá 18 vạn tệ.

Có vẻ người kia cũng quyết tâm có được bức họa, lập tức ra giá 18 vạn 5 ngàn tệ.

Hai người giằng co qua lại, rất nhanh giá đã được đẩy lên 20 vạn tệ. Cuối cùng chú hai cũng hụt hơi, đành chịu thất bại. Chú ấy chỉ là một giáo sư mưu sinh bằng nghề vẽ, nếu đem so với những thương nhân đang ngồi ở đây, thực lực tài chính chắc chắn không bằng.

Nhưng người đó vẫn chưa thể tận hưởng được niềm vui, một người phụ nữ đột nhiên lên tiếng đưa ra giá 21 vạn tệ. Chú hai hướng sự chú ý về nơi phát ra âm thanh thì bắt gặp một gương mặt quen thuộc. Người đó đang vẫy tay với chú hai, chớp chớp con mắt. Đó là học trò khi xưa của chú, tên là Hứa Điềm Điềm. Năm nay cô ấy đã ngoài 30 tuổi, sở hữu ba khu triển lãm tranh ở tỉnh Tùng Giang, là một nhà kinh doanh cũng có chút tiếng tăm trong vùng.

Trong tiếng reo hò của đám đông, hai người đã đẩy giá lên đến 27 vạn tệ, cuối cùng người đàn ông kia cũng chịu nín miệng, chiến thắng thuộc về tay Hứa Điềm Điềm.

Buổi đấu giá kết thúc, Hứa Điềm Điềm đến chào hỏi chú hai: “Em chào thầy. Hai, ba năm không gặp, trông thầy vẫn khỏe mạnh như ngày nào. Lúc thầy báo giá, em không dám đấu giá với thầy, không dám tranh giành thứ mà thầy yêu thích. Thầy không giận em chứ.”

Chú hai phá lên cười: “Nói gì vậy, thầy em sao dám nổi giận với học trò của mình chứ. Đồ quý chỉ cần rơi vào tay người có tri thức, thì không lo viên ngọc sáng bị quăng vào chỗ tối tăm. Em mua được là tốt rồi, như vậy thầy cũng có thể đến ngắm bức tranh bất cứ lúc nào mình muốn.”

Hứa Điềm Điềm hỏi: “Em ra giá như vậy có cao quá không?”

Chú hai đáp: “Một tác phẩm đẹp thì vô giá, em cho là đáng thì nó đáng, không quan trọng giá thấp hay cao. Đương nhiên, nếu em có thể kiếm lời từ nó thì đó lại là một chuyện khác.”

Hứa Điềm Điềm nói: “Đối thủ ban nãy khá là cứng rắn, đây không phải lần đầu ông ta đối đầu với em. Ông ta là chủ nhiệm văn phòng của công ty khai thác bất động sản La Sát Hải, tên là Chu Hoán, một cánh tay phải đắc lực của giám đốc công ty. Lần trước em đã bị ông ta vượt mặt, cuối cùng lần này cũng có cơ hội trả đũa.”

Chú hai đáp: “Các em đều làm kinh tế, không nên kèn cựa nhau thế chứ?”

Hứa Điềm Điềm cười: “Thầy nói phải, dù sao bức họa này cũng có khả năng cao sẽ lên giá, lát nữa vẫn phải phiền thầy giúp em nhận định bức họa này.”

Dưới sự hướng dẫn của ông Lưu Viễn Chinh, phó Tổng giám đốc khu đấu giá Trăn Quan, ba người chúng tôi đã được chiêm ngưỡng bức họa “Bảo Cầm lập tuyết” đỉnh cao được chôn vùi bấy lâu nay. Vào khoảnh khắc bức tranh được trưng ra, đôi mắt chú hai cứ nhìn chằm chằm vào nó, đó là ánh mắt đam mê nhiệt huyết của một người chết mê chết mệt vì nghệ thuật. Miệng chú cứ mấp máy, không rõ nói gì, dường như đang ngây ngất trước vẻ đẹp của tuyết trắng hòa quyện với sắc thắm của những nhành mai. Đó là một thế giới xa xăm, cổ kính, mộng tưởng, mang theo những hướng vọng của loài người về một cuộc sống tươi đẹp, sự trốn chạy khỏi thực tại cam chịu, giọt mắt trong veo của hồng trần thê lương.

Đột nhiên, toàn thân chú hai run lên, con mắt ánh lên hào quang dị dạng, ngón trỏ của tay phải run rẩy chỉ vào đằng trước, nói: “Đây là cái gì, đây là cái gì?”

Mọi người hướng theo ngón tay đang chỉ của chú, sau lưng Bảo Cầm là một nha hoàn tay ôm bình mai, lốm đốm những sắc hồng, nổi bật trên nền tuyết trắng, không hề có gì khác lạ. Mọi người đang ngơ ngác, còn Hứa Điềm Điềm dường như bắt đầu nhận ra, nói: “Những bông hoa mai này đã bị vấy bẩn, làm phá hỏng giá trị nghệ thuật của bức tranh, tôi không thể lấy nó được, các anh là đồ lừa đảo” Câu nói cuối cùng là dành cho Lưu Viễn Chinh.

Lưu Viễn Chinh cũng có chút hoang mang, nói: “Ở đâu, ở đâu vậy? Đừng vội, có phải là mọi người nhìn nhầm không?”

Chú hai kích động nói: “Tôi tuy chỉ có một mắt, nhưng lại tinh tường hơn hai mắt của các anh đấy. Trên những nhành mai kia có tì vết, dù chỉ rất nhỏ thôi, cũng đủ phá hỏng ngụ ý của tác giả, điều này không thể chấp nhận được.”

Hứa Điềm Điềm cũng hét lên: “Hàng công ty các anh cung cấp không giống với những gì mà các anh đã quảng bá, thương vụ này không thể chấp nhận được, các anh còn phải bồi thường tổn thất cho tôi.”

Lưu Viễn Chinh vội đáp: “Hứa tiểu thư đừng nóng, vụ việc này nếu thuộc trách nhiệm của công ty, chúng tôi tuyệt đối sẽ không thoái thác, chúng tôi sẽ chịu mọi tổn thất. Đối với chúng tôi, danh dự và sự hài lòng của khách hàng còn quý hơn 20 vạn tệ kia gấp trăm lần.”

Dưới sự thuyết phục của Lưu Viễn Chinh, cuối cùng Hứa Điềm Điềm cũng chịu bình tĩnh lại, nhưng chú hai thì cứ lấy tay đấm vào ngực, tỏ ra nuối tiếc cho một tuyệt phẩm đã bị làm ô uế.

Lưu Viễn Chinh thỉnh giáo một cách cẩn thận: “Giáo sư, theo kinh nghiệm của thầy, thì thứ chất lỏng gì đã vấy bẩn lên bức tranh này?”

Chú hai nói: “Đây là máu chứ gì, anh nhìn những đóa mai kia, nó có màu giống với chu sa, lượng máu khá ít, nên những ai không qua huấn luyện sẽ khó mà phân biệt nổi. Màu sắc dùng để vẽ được pha bằng nước, vẽ lên giấy Tuyên Thành, nên các màu dễ hòa trộn với nhau. Những giọt máu kia đã thẩm thấu hoàn toàn vào bên trong lớp giấy. Ở chỗ này còn có những vệt còn nhỏ hơn, nếu là nước bắn lên mà được xử lý tốt, sau đó đem sấy khô thì hoàn toàn sẽ không để lại dấu vết. Còn những giọt máu kia sẽ để lại protein trong giấy, trông sẽ rất bẩn, lại còn phá hoại đi sự hài hòa trong màu sắc của hoa mai. Bức họa này coi như hỏng rồi.”

Chú hai nói trong đau đớn, Lưu Viễn Chinh và Hứa Điềm Điềm ngớ người ra nghe.

Lưu Viễn Chinh nói với Hứa Điềm Điềm: “Hứa tiểu thư, cô là khách hàng lâu năm của chúng tôi, hai bên hợp tác đều rất vui vẻ. Giáo sư là tượng đài trong giới thẩm định hội họa của tỉnh, tôi rất tôn trọng ý kiến của thầy. Chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm trong vụ việc lần này, chúng tôi sẽ bồi thường cho cô trong khả năng cho phép, đồng thời sẽ trả lại tranh cho người ủy thác. Xin hãy tin vào thành ý của tôi.”

Hứa Điềm Điềm thấy thái độ của Lưu Viễn Chinh rất thành khẩn, chủ động nhận lỗi, nên cũng không muốn gây khó dễ cho ông ấy.

Chú hai dẫn tôi về nhà. Lúc đi thì hào hứng biết mấy, còn lúc về thì cúi đầu ủ rũ biết bao…

- -----oOo------