Những Cô Em Gái

Chương 6



Buổi sáng, Đông Anh và Bội vừa phân bua với tôi, buổi chiều tôi đã ngồi ở nhà thằng Diên chờ em gái nó đổ bánh xèo đãi tôi.

Tôi đã hết giận các em gái của bạn mình. Tụi nó không đến nỗi bất nhân bất nghĩa như tôi nghĩ. Những ngày vừa qua nhỏ Đinh Lăng và "hoa khôi" trường Sao Mai nóng lòng đi thăm thần tượng của mình biết bao nhưng bị các ông anh trai cản trở nên tụi nó không thực hiện được nỗi khao khát cháy bỏng trong lòng đó thôi. Không đi thăm tôi được, chắc tụi nó buồn lắm.

Tôi ngồi xếp bằng trên tấm phản trước hiên, phấn khởi nghĩ ngợi lung tung và rung đùi chờ bánh xèo đem ra.

Thằng Diên ngồi cạnh không ngừng xun xoe, chắc nó sợ nhà thơ lớn đợi lâu đói bụng đòi bỏ về:

- Mày cố đợi một lát nhé. Gần xong rồi.

Thấy tôi không đáp, Diên sợ run, lại nịnh nọt:

- Lâu như thế vì em tao muốn làm thật ngon để đãi mày đấy.

Tôi nhìn nó, độ lượng:

- Tao có nói gì đâu!

Lát sau, em gái thằng Diên bưng mâm bánh xèo ra.

Diên hớn hở giới thiệu hai bên với nhau.

Em gái thằng Diên bẽn lẽn y hệt em gái Bội và em gái Đông Anh. Nó luống cuống gật đầu chào tôi rồi hấp tấp quay gót trở vô nhà, nhanh như chớp.

Diên khoe:

- Nó tên là Linh San, hay không?

Tôi cười khảy:

- Giống hệt tên con gái Nhạc Bất Quần trong truyện "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung.

Diên nhăn mặt:

- Mày đừng bao giờ nhắc đến tên thằng cha tiểu nhân Nhạc Bất Quần trước mặt em gái tao. Nó nghe được nó buồn lắm đó.

Rồi Diên cẩn thận gợi ý:

- Muốn khen giống thì bảo giống tên người yêu của Lệnh Hồ Xung là được rồi.

Tôi gật gù, hiểu biết:

- Tao sẽ làm theo lời mày.

Diên vỗ vai tôi:

- Ba tao mê Kim Dung. Khi sinh em gái tao, ba tao đang thích nhân vật Nhạc Linh San nên lấy tên này đặt cho nó.

Tôi ngạc nhiên:

- Nhạc Linh San tham vàng phụ nghĩa, bỏ lãng tử Lệnh Hồ Xung để chạy theo tên "thái giám" Lâm Bình Chi, sao ba mày lại thích?

Diên cười khổ:

- Lúc đó, truyện "Tiếu ngạo giang hồ" đang đăng dở dang trên báo, ông Kim Dung chưa viết đoạn sau, ba tao đâu có biết. Đến khi hay ra thì đã muộn mất rồi.

Nghe Diên than thở, tôi không nói gì, chỉ tủm tỉm cười. Cười vì câu chuyện đặt tên con éo le của ba nó. Cũng cười vì nhan sắc của Linh San trong truyện và nhan sắc Linh San ngoài đời khác nhau quá xa.

Nhạc Linh San trong truyện Kim Dung dễ thương hết biết, không tuyệt thế giai nhân cũng thập phần duyên dáng, trong khi em gái thằng Diên nhan sắc quá trung bình, chỉ hơn được em gái thằng Bội chút đỉnh gọi là.

Nhưng tôi không bình luận, mà cũng không có lý do gì để bình luận. Tôi biết thằng Diên rủ tôi về nhà và bắt em gái nó ngồi toát mồ hôi bên bếp lò đổ bánh xèo đãi tôi đâu phải để gả em gái nó cho tôi. Cũng như Đông Anh và Bội, nó chỉ muốn tôi làm thơ tặng em gái nó.

Vì vậy mà suốt buổi, tôi cắm cúi ăn bánh xèo. Linh San không đẹp nhưng nó đổ bánh xèo ngon tuyệt cú mèo.

Tôi ăn một lèo sáu cái. Rồi đứng dậy:

- No rồi, tao về!

Diên chẳng hề phật ý trước thái độ bất lịch sự của tôi, chỉ nói:

- Nhớ nhé?

Đã quá quen với vai trò của mình, tôi cười toe:

- Sáng mai tao sẽ đưa bài thơ ày.

Tôi không nghĩ bài thơ tôi làm cho nhỏ Linh San lại khiến thằng Diên thích thú đến vậy.

Sáng hôm sau nó kê bài thơ của tôi vào sát mắt, ra rả ngâm tới ngâm lui:

- Đừng như hoa lá, đừng như cỏ

Phủ xuống hồn anh một tối đầy

Mà như hoa lá, mà như cỏ

Thức dậy tình anh những sớm mai.

Ngâm nga chán, nó huơ qua huơ lại bài thơ trên đầu như thể bắt được một báu vật, mặt mày rạng rỡ:

- Tuyệt, tuyệt! Trên đời này không thể có bài thơ nào hay hơn!

Tôi sung sướng:

- Mày nói thật đấy hở?

- Thật.

Trước khi làm thơ tặng Linh San, tôi cũng đã làm thơ tặng nàng Đinh Lăng và "hoa khôi" trường Sao Mai. Nhưng Đông Anh và thằng Bội chẳng buồn ganh tị, cũng chẳng buồn bất bình giùm em gái tụi nó.

Nghe thằng Diên bốc "bài thơ hoa cỏ" lên mây, hai đứa nó xúm vào tán tụng:

- Ừ, thằng Khoa làm thơ hay ghê!

- Nó là Rimbaud.

Minh Khôi bước lại:

- Là Lý Bạch nữa.

Lời khen của Minh Khôi làm tôi đỏ mặt. Tôi ngờ rằng nó xỏ xiên chuyện tôi làm anh hùng rơm trong bàn nhậu bữa trước.

Nhưng tôi đã nghĩ oan cho Minh Khôi. Khen xong, nó vỗ vai tôi:

- Mày chưa đến nhà tao đấy nhé.

Hôm trước tôi nhớ Minh Khôi khoe với tôi em gái nó đẹp lắm. Nó bảo em gái nó đẹp hơn em gái thằng Đông Anh gấp tỉ lần. Lần đó nghe nó nói, tôi hơi tin tin. Nhưng bây giờ thì tôi không còn háo hức xem mặt em gái Minh Khôi nữa. Thằng Bội và thằng Diên đã làm tôi hụt hẫng. Hôm đầu tiên, lúc cùng tụi bạn trong lớp đem nhan sắc em gái ra đọ nhau để lấy lòng tôi, Diên tán tụng sắc đẹp của nàng Linh San đến tung tóe nước bọt. Nhưng sự thật hoàn toàn không giống chút gì như nó nói. Bội cũng vậy. Nó đã quảng cáo xằng về hoa khôi trường Sao Mai khiến tôi đâm ra bớt tin lời bạn bè hơn trước.

Tôi nhìn Minh Khôi, nhún vai nói:

- Mày yên tâm. Tao không đến nhà mày nhưng tao sẽ làm thơ tặng em gái mày.

Minh Khôi cũng chỉ cần có thế. Nó đồng ý ngay, còn nhắc:

- Nhớ đấy nhé!

- Nhớ!

Tôi nói, giọng quả quyết. Và tôi biết ngày mai tôi sẽ có thơ cho Minh Khôi đem về giúi vào tay em gái. Làm thơ tặng em gái bạn bè, từ lâu tôi đã là một "chuyên gia" có hạng, và có lẽ là "chuyên gia" duy nhất trên thế giới trong lãnh vực kỳ quái này.

o O o

Tôi mừng húm khi Minh Hoa bất ngờ rủ tôi đến nhà nhỏ Quyên chơi:

- Minh Hoa nói thật đấy hở?

- Thật.

Tim đập thình thịch nhưng tôi vẫn làm ra vẻ:

- Có gì đằng đó mà chơi?

- Hôm nay sinh nhật Quyên.

- Sinh nhật? - Tôi trố mắt.

- Ừ. Không gặp Khoa, Quyên nhờ Minh Hoa mời giùm.

Tôi không nghĩ có ngày nhỏ Quyên mời tôi về nhà chơi. Nhỏ Quyên xinh đẹp nhưng nghiêm nghị và mực thước. Thậm chí có lúc tôi thấy nó hơi lạnh lùng, xa cách. Lần nào gặp nó, tôi cũng lúng ta lúng túng, hệt như những lúc đứng trước thầy giám thị, nói không dám nói lớn, cười chẳng dám cười to.

Tất nhiên tình cảm của tôi trước sau vẫn dành cho nàng Stéphanette, điều đó đời đời không đổi. Nhưng tôi chưa từng thấy mặt chủ nhân của trái tim tôi bao giờ, nên mỗi khi muốn hình dung ra nàng, tôi đành phải mượn đỡ hình bóng mỹ miều của nhỏ Quyên.

Nàng Stéphanette dường như chẳng phật ý gì về chuyện đó. Cho nên trong những giấc mơ ngọt ngào của tôi, nàng cũng sẵn lòng cười với tôi bằng nụ cười của nhỏ Quyên, âu yếm nhìn tôi bằng đôi mắt đen lay láy của nhỏ Quyên và vén rèm cửa sổ cũng bằng đôi tay trắng thuôn như làm bằng sứ của nhỏ Quyên nốt.

Nhưng chuyện "vay mượn" này dần dần trở nên phức tạp, không đơn giản như khi tôi mượn tiền thằng Hồng Hà trên lớp.

Thoạt đầu tôi mượn hình bóng của nhỏ Quyên chỉ đơn giản là để bày tỏ nỗi mong nhớ của tôi với nàng Stéphanette nhưng chẳng bao lâu sau tôi giật mình nhận ra sở dĩ càng ngày tôi càng mong nhớ nàng Stéphanette chính bởi nàng luôn đến với giấc mơ tôi qua hình bóng của nhỏ Quyên kiều diễm. Phát hiện bất ngờ đó khiến tôi bối rối khôn tả.

Minh Hoa không hiểu tâm trạng của tôi nên thấy tôi bần thần, nó bèn nói:

- Khoa không biết nhà Quyên thì tối nay, sáu giờ Khoa ghé chở Minh Hoa đi.

- Tôi không có xe.

- Đi bằng xe của Minh Hoa.

Tối đó tôi lếch thếch đến nhà Minh Hoa với gói quà khệ nệ trên tay.

- Gì mà lớn vậy?

Minh Hoa nhìn bọc quà đã gói sẵn trên tay tôi, mỉm cười hỏi.

- Chẳng có gì đặc biệt. Mấy cuốn sách thôi.

Tôi đèo Minh Hoa, cong lưng đạp qua cầu Vồng cao vòi vọi.

Minh Hoa ngồi phía sau, chốc chốc lại "chỉ đạo":

- Quẹo trái!

- Cứ chạy thẳng!

- Quẹo trái nữa!

Tôi quẹo đến lần thứ tư thì xe vào đường Nguyễn Du.

"Con đường tình ái" với khung cảnh quen thuộc đập vào mắt khiến các mạch máu trong người tôi căng ra như sợi dây đàn.

- Khoa làm sao thế?

Thấy tôi đạp pê-đan trật lên trật xuống liên tục, Minh Hoa ngạc nhiên hỏi.

- Không có gì!

Minh Hoa vẫn không yên tâm:

- Nếu Khoa mệt thì ngừng xe lại đi. Để Minh Hoa chở cho.

- Không. Khoa chở được mà.

Tôi nói, và cố guồng chân một cách khoan thai.

Căn nhà của nàng Stéphanette ở bên tay phải dần dần hiện ra trong tầm mắt. Tôi nhìn chăm chăm lên tầng hai, tim đập rộn.

Phòng vẫn sáng đèn nhưng bóng người con gái tóc dài đã không thấy in trên rèm cửa như mọi lần. Tiếng dương cầm cũng im bặt khiến tôi bất giác thẫn thờ, bàn chân đạp xe trở nên lười nhác. Tôi uể oải nhấn từng vòng rời rạc.

Tôi đã lang thang qua đây bao nhiêu đêm, đã ngồi bệt xuống vỉa hè bên kia đường bao nhiêu đêm. Chỉ để nghe tiếng đàn du dương của nàng Stéphanette rót vào tai như những lời thủ thỉ. Chưa bao giờ nàng Stéphanette quên dạo nhạc cho tôi nghe. Trong những ngày tháng cô đơn nhất, chính tiếng đàn của nàng đã giúp tôi nguôi ngoai nỗi buồn xứ lạ. Tiếng đàn của nàng như cơn mưa mùa hè tưới xuống sa mạc lòng tôi, giúp cây mộng mơ trong hồn tôi nở hoa suốt bốn mùa mười hai tháng. Tiếng đàn của nàng đã sinh ra những câu thơ lấp lánh nhất trong sự nghiệp còm cõi của Rimbaud Việt Nam:

Đôi khi ta vẫn

Rong chơi một mình

Chợt hay phố xá

Bỗng dưng rộng thênh

Khiến cho ta nhớ

Một người không quen.

Ở trong xa cách

Một đôi vai gầy

Ở trong tan vỡ

Nụ cười thơ ngây

Ở trong mờ tối

Em ơi sáng đầy.

Vậy mà đêm nay tiếng đàn quen thuộc kia đột ngột rời bỏ tôi không một điềm báo trước, bảo làm sao tôi không ngỡ ngàng, hụt hẫng.

- Khoa làm gì nãy giờ cứ như người mất hồn vậy? Ngừng lại đi!

Tiếng Minh Hoa đột ngột vang lên sau lưng khiến tôi giật mình choàng tỉnh:

- Ờ... ờ...

- Ngừng lại đi Khoa! - Minh Hoa lại giục.

- Không sao đâu mà! - Tôi liếm môi - Minh Hoa cứ ngồi yên đó, Khoa chở cho!

- Chở đi đâu nữa! - Minh Hoa cười khúc khích - Tới nhà Quyên rồi.

Tôi ngơ ngác:

- Nhà Quyên đâu?

Minh Hoa chỉ tay vô nhà nàng Stéphanette:

- Nhà này nè.

Người tôi lập tức ngay ra như cán cuốc.

Tôi chưa bao giờ bị sét đánh, cũng chưa bao giờ bị điện giật. Nhưng tôi tin rằng dù bị cả hai thứ cùng một lúc, tôi cũng không thể nào choáng váng hơn lúc này.

Ngơ ngẩn, bàng hoàng, tôi lẽo đẽo dắt xe theo Minh Hoa như người mộng du. Cảnh vật chung quanh bỗng trở nên hư hư ảo ảo. Tôi tưởng tôi đang đi trong sương mờ. Tôi tưởng tôi là con chiên ngoan đạo đang bần thần dắt xe vào cổng thiên đường.

Ở lycée Pascal, thiên đường có thánh Pierre trấn giữ, chìa khóa cổng ngài luôn cất kỹ trong túi, muốn vào phải trả lời được câu hỏi "Comprenez-vous?" hóc búa. Thiên đường của nàng Stéphanette đêm nay không người gác cổng, chẳng ai hỏi han, lại có thiên sứ Minh Hoa làm người dẫn đường tin cậy, bảo thằng Khoa tỉnh lẻ là tôi bước chân làm sao không đột nhiên xiêu vẹo như thi hào Lý Bạch cho được!

o O o

Sau bữa tiệc, tôi ngồi co ro ở góc nhà xem nàng Stéphanette dạo nhạc. À, bây giờ nàng đã là nhỏ Quyên xinh đẹp. Kể từ đêm nay, chủ nhân của trái tim tôi đã có tên, có diện mạo đàng hoàng.

Tôi ngồi đó, lặng lẽ thu mình giữa những khuôn mặt xa lạ, ngây ngất ngắm những ngón tay thon dài, trắng muốt của nhỏ Quyên lướt trên các phím đàn, những ngón tay nom mềm mại, thanh thoát như bầy thiên nga đang nhảy múa.

Bây giờ tôi mới thấy tôi ngu. Lẽ ra ngay từ đầu tôi phải nhận ra những ngón tay của nhỏ Quyên là những ngón tay được sinh ra để dạo dương cầm.

Tôi thua xa bác Đán tôi. Lần đầu tiên nhìn thấy nhỏ Quyên, bác đã phán một câu xanh dờn, chắc như đinh đóng cột: "Con đừng giấu bác! Bác biết, chính là con bé đó". Bác Đán tôi chẳng căn cứ vào đâu cả. Bác chỉ buột miệng theo linh cảm của một người bác thương cháu và chắc là của cả một người đàn ông nhiều năm đau khổ vì tình.

Suốt buổi tối hôm đó, tôi chẳng nói mấy câu. Tim tôi rộn rã nhưng lòng tôi vẫn chưa hết hoang mang. Tôi vẫn chưa kịp hiểu hết những gì vừa xảy ra đến trong cuộc đời lắm hạnh ngộ của tôi.

Khi tôi chào về, nhỏ Quyên nhìn tôi:

- Sao bữa nay Khoa ít nói thế?

Tôi chối quanh:

- Chắc có nhiều người lạ.

- Không nói thì cười đi! Hôm nay là ngày vui của Quyên mà.

Nhỏ Quyên xưa nay nghiêm nghị, ít bao giờ nói những câu như thế. Hôm nay có lẽ lòng nó đang vui vẻ nên phá lệ đùa với tôi.

Tôi nhe răng cười, chắc giống đười ươi.

Khuya đó, tôi chong đèn, gò mình trên trang giấy, tưởng sẽ làm được khối thơ. Nào ngờ tôi nhá đến dập cán bút, thơ vẫn tặc tị.

Rốt cuộc, khi tôi tắt đèn leo lên ghế bố, trang giấy vẫn ttrắng tinh. Ấy là tại vì lòng tôi đang rối bời. Xưa nay tôi không quen làm thơ cho nhỏ Quyên mặc dù tôi hay nghĩ về nó. Tôi chỉ làm thơ cho nàng Stéphanette. Nay hai nàng tự dưng nhập lại làm một, cảm hứng của tôi không biết bắt đầu từ đâu.

Tối hôm sau, tôi lại xuất hiện trên đường Nguyễn Du.

Tôi đứng tần ngần trước cửa nhà nhỏ Quyên có đến mười phút, lắng tai nghe suối nhạc êm ái rót xuống từ trên cao, lòng tự nhiên bâng khuâng lạ.

Tới phút thứ mười một, tôi ngoảnh nhìn sang vỉa hè bên kia đường, nơi chàng chăn cừu cô đơn đã từng ngồi mơ mộng hằng đêm, bằng ánh mắt lưu luyến như một kẻ sắp sửa lên đường đi xa nhìn lần cuối cùng nơi chôn nhau cắt rốn đầy kỷ niệm, rồi tặc lưỡi đưa tay lên nhấn chuông cửa.

Cửa mở hé, và một người phụ nữ thò đầu ra:

- Cậu tìm ai?

Tôi chưa kịp trả lời, người phụ nữ như chợt nhận ra tôi.

- A, cậu là bạn nhỏ Quyên. Để tôi vào gọi nó.

Năm phút sau, nhỏ Quyên xuất hiện, rực rỡ như một nàng công chúa vừa bước ra từ tòa lâu đài cổ tích:

- Khoa hả? Vào đây chơi!

Nhỏ Quyên dắt tôi lên phòng học của nàng trên tầng hai, nơi đặt chiếc đàn piano bên rèm cửa.

Thấy tôi đứng sớ rớ, nhỏ Quyên mỉm cười:

- Khoa ngồi đi!

Rồi nó hỏi, giọng tự nhiên:

- Khoa đi đâu về ghé hở?

- Ừ, Khoa đi dạo.

Tôi đặt đít xuống ghế, bối rối đáp, giấu biến chuyện mình từ nhà đi thẳng đến đây.

Nhỏ Quyên không để ý đến vẻ lúng túng của tôi, vui vẻ nói:

- Khoa ngồi chơi nhé. Để Quyên đi rót nước.

Còn lại một mình, tôi tò mò đưa mắt nhìn quanh. Phòng học của nhỏ Quyên thật xinh. Cạnh cây đàn piano là chiếc bàn học nhỏ nhắn, vuông vức ngổn ngang tập vở. Kế đó là một tủ sách nhỏ, những con búp bê đủ kiểu nằm chen chúc quanh chiếc lọ hoa đặt trên đầu tủ. Đầu giường là chiếc máy nghe nhạc với hàng chồng đĩa xếp ngay ngắn phía trên.

Ngắm nghía một hồi, tôi đứng lên lững thững bước về phía cửa sổ, vén rèm nhìn ra ngoài.

Tôi nhìn sang vỉa hè bên kia, thấy vắng tanh. Chàng chăn cừu đã vào trú trong nhà nàng Stéphanette, vỉa hè mới trống trải làm sao! Trong một thoáng, tôi không rõ lòng tôi đang buồn hay đang vui.

Những đêm trước chàng chăn cừu thèm được đặt chân qua ngưỡng cửa nhà nàng Stéphanette đến chết được. Nay mộng ước đã thành, nhưng khi đứng trong tòa lâu đài cao sang nhìn trở lại "chốn xưa", chàng thấy lòng mình bỗng dưng xao xuyến, thầm rưng rưng nhớ lại thuở "hàn vi".

- Khoa đứng làm gì đó? - Tiếng nhỏ Quyên dịu dàng cất lên sau lưng - Buông rèm xuống kẻo trúng gió đấy!

Tôi buông rèm xuống và hiểu ra nếu Minh Hoa không dẫn tôi đến đây, nàng Stéphanette sẽ vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy tôi ngồi dán mình hằng đêm bên kia đường thổn thức nghe nàng dạo nhạc. Nhỏ Quyên sợ trúng gió nên sẽ không ngứa tay vén rèm như tôi đã từng mơ ước viển vông.

Hôm đó, tôi và nhỏ Quyên ngồi chuyện trò với nhau khá lâu. Và qua câu chuyện, tôi dần dần phát hiện ra nó không lạnh lùng như tôi tưởng. Nhỏ Quyên chỉ khép kín với người lạ. Còn khi đã quen thân, nó nói chuyện vui vẻ, tự nhiên và đáng yêu không thể tưởng.

Lúc tôi ra về, nó còn ân cần dặn:

- Quyên biết Khoa ở ngoài này ít bạn bè, nếu rảnh cứ đến chỗ Quyên chơi. Đừng ngại!

Nhỏ Quyên nói với tôi y như Minh Hoa nói với tôi hôm trước. Chắc Minh Hoa kể với nó là tôi ra Đà Nẵng cô đơn lắm lắm. Như vậy chắc nó sẽ quan tâm đến tôi nhiều hơn trước. Và một khi đã nhất định quan tâm thì nó nỡ lòng nào không đáp lại tình tôi?

Ý nghĩ lạc quan đó đã sưởi ấm tôi suốt dọc đường về. Gió sông Hàn vào khuya thổi lên lạnh buốt mà sao tôi thấy trong lòng như có ai đang ngồi quạt lửa cời than!