Những Ghi Chép Chốn Hậu Cung - Bạch Mộng Quân

Chương 1



Bảy ngày trước khi nhập cung, Cô Tô có mưa, ta vào sơn cốc lắng nghe tiếng mưa cả một ngày. Những hạt mưa xuân nặng nề tưởng chừng như chậu ngọc rơi từ trên trời cao xuống, vang lên từng tiếng đinh đang thưa thớt, giờ lại như gió vờn cây cỏ, thanh thúy động lòng người.

Hôm qua khi ta trở về nhà thấy tỷ tỷ ở đứng bồi hồi dưới tàng cây, tỷ không nói gì chỉ che mặt khóc lóc nức nở. Vài vị quý nhân bước ra từ nội đường thấy ta trở về liền hỏi: Đây là nhị cô nương Bạch gia sao? Hiện giờ đã bao nhiêu tuổi? Mẫu thân đáp: Vừa mới qua lễ cập kê.

Sáu ngày trước khi nhập cung, trời còn chưa sáng ta đã ra bến đò. Sương trắng chưa tan, ánh đèn chài lập lòe, nước trời một màu, mặt sông mênh mông. Tiếng chuông từ chùa Hàn Sơn văng vẳng truyền khắp bốn phía, tiếng hát chài lưới, tiếng rao của tiểu thương trong phiên chợ sớm cũng bắt đầu nhộn nhịp. Ông Trương đã bán bánh bao ở bến đò nhiều năm, ông gánh hàng đi về phía ta, cười cười trao cho ta một cái bánh bao. Ta nuốt một miếng bánh hỏi ông: Hôm nay có thuyền từ Tang Châu qua đây không?

Ông lấy ra một quyển ghi chép thuyền, ngón tay lật trang giấy đã ố vàng, miệng lẩm bẩm: Thuyền Tang Châu à, có đấy, hôm nay sẽ có thuyền từ Tang Châu.

Năm ngày trước khi nhập cung, hôm qua ta không đợi được thuyền từ Tang Châu, chỉ có thuyền Lư Châu mà thôi. Đến trưa mẫu thân mới gọi ta dậy, dù mẫu thân mắng ta nhưng bà cũng mang cho ta chén cháo ngọt.

Ta cúi đầu ăn cháo, hoa Hợp Hoan đã nở rộ bên ngoài cửa sổ. Ta hỏi mẫu thân: Địa vị của các quý nhân hôm trước là gì? Mẫu thân đang gấp áo chợt khựng tay lại, bà nói: Lệnh trong cung truyền xuống, bảo gia đình chuẩn bị. Ta hỏi: Chuẩn bị gì?

“Vào cung hưởng phúc."

Bốn ngày trước khi nhập cung, mẫu thân lấy ba cuộn vải Thục may y phục mùa hè cho ta. Lúc ăn tối, mẫu thân giới hạn đồ ngọt của ta. Đêm đến, tỷ tỷ mang đến cho ta ly nước hạnh nhân, tỷ ấy dựa vào đầu giường, bỗng hỏi: Tiểu muội có còn nhớ Vương Sinh đã mua bánh hoa tô cho muội vào tiết Thượng Nguyên không?

Ta uống một ngụm nước ngọt: Nhớ, nhớ. Ăn no uống đủ, ta nằm gục trên giường hoa.

Sau cơn mưa xuân, chim én tranh nhau làm tổ, cỏ mọc hoa ngủ, ta vùi đầu vào gối mềm nhưng vẫn nghe được giọng nói gần như cầu xin của tỷ tỷ: Chàng là người trong lòng của tỷ.

Ba ngày trước khi nhập cung, mẫu thân gọi ta và tỷ tỷ đến trước giường, bà hỏi: Hai tỷ muội các con, ai thích cây trâm hoa này? Tỷ tỷ không nói, ta liền đáp: Con thích.

Thế là mẫu thân nhẹ nhàng vuốt tay ta nói: "Con phải nhớ, sau khi vào cung không được tranh giành với người, vạn sự phải cẩn thận giữ gìn thể diện của tổ tiên, không cầu phú quý, an phận thủ thường cả đời là được." Nói xong mẫu thân khẽ khóc, trong thoáng chốc ta nhìn thấy mình trong gương trang điểm, thấp giọng nói: Vâng, con biết rồi.

Hai ngày trước khi nhập cung, sáng sớm ta đã lên núi, sau giờ ngọ thì hái hoa, tối lại tham ăn, bụng ta có chút khó chịu rồi. Thường ngày mẫu thân luôn ngăn ta ăn đồ ngọt, nay ta sắp đi rồi, bà lại không ngăn nữa. Lâu rồi phụ thân không về nhà, lần này ông về thẳng phòng ta, theo sau ông là hai vị huynh trưởng của ta. phụ thân mới từ phương Bắc trở về, trên người vẫn còn mang theo hơi lạnh biên cương, ông nhìn ta, nhìn thật lâu mới nói một câu: “Phụ mẫu ở đây sẽ luôn nhớ con."

Một ngày trước khi nhập cung, ta viết thư suốt đêm, chữ viết hơi nguệch ngoạc, nhưng vẫn bảo A Nô gửi đi. Viết cho ông Trương ở bến đò, các tỷ muội bán đào, tiểu công tử Vương phủ, lính gác núi cửa Bắc, Quan Quan* Tô Tần ở Dương Xuân Lâu.

*Quan quan (倌倌) là một cách gọi thân mật hoặc tôn kính, thường dành cho những người có địa vị hoặc kỹ năng đặc biệt trong lĩnh vực giải trí hoặc nghệ thuật.

A Nô đi gửi thư nửa ngày, ta đi lại trước cửa nửa ngày, cuối cùng vẫn là không bước ra được mấy bước đến bến đò. Ta lấy túi lụa đỏ từ trong hộp gấm, chôn dưới gốc cây Hợp Hoan, thầm thì: Về sau, ngươi đừng tìm ta.

Ngày vào cung, mẫu thân đặt cây trâm ngọc mạ vàng vào tay ta, bức tường hoàng cung xuyên suốt cuộc đời cũng bắt đầu từ cây trâm này.

Ngày nhập cung, bốn góc cung xa lắc lư theo nhịp trống, màn cửa nhỏ khẽ mở, hai bên đường là những hàng cây liễu san sát, dòng người thật đông đúc. mẫu thân che mặt không nỡ nhìn ta rời đi, phụ thân nhíu mày, tỷ tỷ cũng khóc, Bạch quản gia, phủ vệ A Quân, A Lực, bốn tỷ muội tiểu tỳ và người dân Cô Tô, họ đều đang nhìn ta, nhìn nữ tử phong quang vô hạn.

Qua bến đò, gió nổi Trường Bình*, ta quay đầu nhìn lại, một cái nhìn này là mười bốn năm.

*Gió thổi Trường Bình: Trận Trường Bình (长平之战), diễn ra vào năm 260 TCN giữa quân Tần và quân Triệu trong thời Chiến Quốc. Cụm từ này có thể gợi lên hình ảnh của trận Trường Bình, nơi mà một cuộc chiến lớn đã xảy ra, và “gió thổi” có thể tượng trưng cho sự thay đổi, thời gian trôi qua hoặc những biến cố đã qua. “Gió thổi Trường Bình” tạo nên một hình ảnh gợi lên cảm xúc và kỷ niệm.