Tầm lễ Quốc Khánh, Tưởng Hỗ Sinh nhận được điện thoại của Tịch Việt.
Anh chuẩn bị quay lại thành phố Thâm, nhờ anh ta gọi nhân viên vệ sinh quét dọn căn chung cư anh thuê.
Tưởng Hỗ Sinh ngoài miệng phàn nàn ông nội này chỉ giỏi sai khiến người khác nhưng thực tế thì vừa cúp máy đã bắt tay hành động ngay. Anh ta thuê hai nhân viên quét dọn, trả đứt sáu tiếng, còn tự mình giám sát để bảo đảm căn hộ chung cư kia được dọn sạch như mới.
Ngày Tịch Việt về, Tưởng Hỗ Sinh nhín thời gian tự mình ra sân bay đón anh.
Tịch Việt mặc một chiếc áo nỉ liền mũ màu đen, kéo chiếc vali cũng màu đen. Người cao, gầy gò, khuôn mặt tuấn tú phớt đời, để mái tóc dài hiếm thấy trong quần thể nam giới bình thường, lẫn trong đám đông khó mà chìm nghỉm.
Nhưng khí chất của anh lại lạnh nhạt lánh đời quá mức, tuy có con gái nhìn anh nhưng không dám thẳng thừng quá mà chỉ lén lút.
Tưởng Hỗ Sinh đứng ở cửa ra vào, đã trông thấy anh từ đằng xa bèn vẫy tay một cái.
Lên xe, Tưởng Hỗ Sinh hỏi Tịch Việt: “Lát nữa mới ăn tối, hay mình đưa cậu về nhà nghỉ ngơi trước nhé, mình còn phải tới công ty một chuyến.”
Tịch Việt không dị nghị gì.
Tưởng Hỗ Sinh gác cổ tay lên vô lăng, cười hỏi: “Sao lại nghĩ thông mà quay về thế? Mình tưởng cậu định ở chốn rừng thiêng nước độc ấy cả đời chứ.”
Tịch Việt vốn đã mệt mỏi vì bôn ba tàu xe nên chẳng buồn phản ứng lại lời trêu chọc của Tưởng Hỗ Sinh.
Tưởng Hỗ Sinh cũng không để bụng, anh ta đã chơi với Tịch Việt rất nhiều năm, hiểu rõ tính cách anh thế nào.
Lúc lên xe, điện thoại tự động kết nối với loa xe, sau đó phát nhạc trong danh sách.
Tưởng Hỗ Sinh hừ hai tiếng, nói: “A, lần trước ra ngoài ăn cơm mình tình cờ gặp Tần Trừng đấy, hình như cô ấy hết độc thân rồi, cậu có biết không?”
“Biết.”
Tưởng Hỗ Sinh ngạc nhiên, “Sao cậu biết thế? À, Tần Trừng gọi điện cho cậu rồi à?”
Tịch Việt liếc anh ta, mặt tỏ vẻ “cậu còn mặt mũi nhắc đến chuyện này cơ à”.
Tưởng Hỗ Sinh cười phá lên, “Thế không tốt à? Coi như mình đã giải cứu một người khốn khổ còn gì.”
Chung cư của Tịch Việt cách công ty anh và Tưởng Hỗ Sinh hợp tác mở không xa, có hai phòng ngủ rộng rãi.
Căn phòng dùng làm phòng làm việc hướng Nam có diện tích lớn hơn, và một cửa sổ sát đất rất lớn.
Nhà đã được quét dọn qua trông rất sáng sủa sạch sẽ.
Vào đến nhà, Tưởng Hỗ Sinh chỉ vào cái đống tầm hai mươi thùng giấy to có nhỏ có chất đống trên sàn phòng làm việc, “Số đồ cậu gửi về mình đã chuyển hết vào đây cho cậu, cậu kiểm tra xem có thiếu gì không. Lần sau, nếu ngài ra ngoài giải sầu thì mang bản vẽ điện tử là đủ rồi, nhiều đồ thế này có khác gì chuyển nhà không hả?”
Anh ta dạo quanh phòng một vòng, “Tiền điện nước, gas, mạng mình đã đóng cho cậu rồi. Cậu sắp xếp đồ đạc xong, nếu có hứng thì tốt nhất là tới công ty ngó qua đi. Mình vừa tuyển thêm mấy người, nếu cậu rảnh thì huấn luyện bọn họ mấy buổi nhé. Còn bản thân cậu thì sao? Khi nào muốn nhận đơn hàng tiếp? Mình sẽ không thúc cậu, nhưng công ty chắc chắn phải vận hành, nhiều người cần ăn cơm mà.” Anh ta duỗi người một cái, “Thôi, mình đi đây, mất hết nửa ngày làm tùy tùng cho cậu rồi…”
Tịch Việt gọi anh ta lại, “Chờ chút.”
“Sao thế?”
“Dự án lần trước cậu nói, đối phương đã ký với ai rồi?”
“Vẫn chưa ký. Bọn họ vừa sửa lại thiết lập thế giới nên hơi trễ chút.”
“Cậu đi hỏi chút đi.”
Tưởng Hỗ Sinh thoáng kinh ngạc, “Cậu có ý gì? Cậu muốn nhận à?”
“Ừ.”
“Đệt.” Tưởng Hỗ Sinh sướng điên người, “Sao thế, thấy nhiều tiền nên động lòng à?”
Tịch Việt thây kệ anh ta, đưa tay móc điện thoại trong túi quần ra, cúi đầu ấn một hồi, rồi khóa màn hình lại, cất đi, vào phòng tắm tắm rửa.
Điện thoại Tưởng Hỗ Sinh vang lên tiếng báo có tin nhắn Wechat, anh ta mở ra xem, thấy Tịch Việt gửi cho anh ta một bức tranh, ngày ký tên là một tuần trước.
Lướt xem xong, Tưởng Hỗ Sinh không khỏi trầm trồ: “Vãi hàng!”
Tịch Việt được công nhận có trình độ đứng đầu ngành đồ hoạ trong nước, nhưng nếu bảo tác phẩm của anh vô cùng hoàn hảo thì cũng không đúng.
Phần lớn mọi người tán thưởng kỹ xảo cao siêu và vững chắc của anh, nhưng cũng có không ít người phải chậc lưỡi tiếc nuối. Có người cảm thấy tranh của anh quá chú trọng vẻ hoàn mỹ nên khuyết thiếu sự tự do và không gian sáng tạo.
Theo lời một số người thì, Tịch Việt giống như một cỗ máy vẽ tranh đã thông qua kiểm nghiệm, nhưng tình cảm thể hiện trong tranh giống như đã được tính toán sẵn, tuy bắt chước nhân loại nhưng lại không phải là nhân loại thực sự.
Đương nhiên, ý kiến “khác người” này chỉ là thiểu số, lại đều là ý tốt, muốn yêu cầu anh đã tốt lại phải tốt hơn, chứ nếu bàn riêng về kỹ thuật thì trong nước đã chẳng có mấy người sánh bằng anh.
Tưởng Hỗ Sinh biết mấy luận điệu ấy, cũng đồng tình với cách nói của họ nhưng chẳng để tâm.
Anh cứ tưởng Tịch Việt cũng không để tâm.
Nhưng chiếu theo bức tranh mà Tịch Việt mới gửi thì quả thật anh có để bụng chuyện này. Đồng thời, có lẽ anh đã rơi vào giai đoạn chững mà kỹ thuật đã ở mức thượng thừa không còn không gian tiến bộ thêm nên đành phải tìm kiếm đột phá ở phương diện khác.
Bức tranh này có khung cảnh rộng lớn, được vẽ theo phong cách game Wasteland Punk, miêu tả cảnh một cô gái có một chân giả bằng máy cầm một cái nỏ bắn tên lửa, đứng trên ống khói cao cao nhìn về phía xa. Thứ cô ấy thấy là khung cảnh nhà máy hoang tàn với khói bụi đen nghịt, không thấy ánh mặt trời.
Tông màu sáng duy nhất trong tranh, rõ ràng không hợp lẽ thường nhưng lại rất có mỹ cảm là một chùm sáng rọi xuống người cô gái, bụi bặm trôi nổi bên trong ánh sáng đó.
Cô gái đeo một chiếc mặt nạ phòng độc thô sơ, chỉ lộ mỗi đôi mắt, đó cũng là mắt của cả bức tranh, quật cường tới cùng cực, như mắt của một con sói cô độc.
Bức tranh này của Tịch Việt đã vứt bỏ sự đeo đuổi cảm giác hoàn mỹ mà thiên về cảm xúc hơn, chỉ dùng khối màu để thể hiện mối liên quan và màu sắc vốn có, song nơi thực sự vẽ rồng điểm mắt thì lại được khắc họa tinh tế hơn trước, ví dụ như đôi mắt.
Cảm giác đầu tiên của Tưởng Hỗ Sinh khi xem bức tranh này là thấy nó cực kỳ giàu sức sống, tính linh hoạt và tính cảm xúc, đây là thứ anh ta không nhìn thấy trong tranh của Tịch Việt trước đó.
Sợ hãi và thán phục xong, anh ta cũng rất cảm khái, thiên tài đúng là thiên tài, một khi đột phá điểm bão hòa thì lại có thể bỏ xa những kẻ chất vấn anh lại phía sau mà một đường phóng ngựa xông tới.
Tưởng Hỗ Sinh gọi với theo: “Đột phá này của cậu lớn quá đi mất, cậu trâu quá đi Thánh Tịch.”
Anh ta mừng rỡ huýt sáo hai tiếng, “Mình sẽ đi nói chuyện với bên bố A, hỏi xem ý họ thế nào… Mình đi trước nhé, tới giờ cơm sẽ tới tìm cậu."
Anh ta hiểu rõ Tịch Việt, về mặt công việc anh luôn làm đến nơi đến chốn, không bao giờ bỏ ngang, chắc chắn 100% sẽ hoàn thành yêu cầu của đối phương.
Có lẽ đây là điểm duy nhất không giống nghệ sĩ của Tịch Việt, anh có thể phân rõ giới hạn giữa phục vụ người khác và sáng tác cá nhân.
*
Sáu giờ chiều, Tưởng Hỗ Sinh tới mời Tịch Việt ăn cơm.
Gần đó là khu văn phòng nên chẳng thiếu nhà hàng.
Thật ra Tưởng Hỗ Sinh không thích ăn cơm với Tịch Việt cho lắm, con người anh chẳng hiểu gì về ẩm thực, nhà hàng có ngon cách mấy mà đưa anh tới cũng chỉ tổ lãng phí.
Nhưng anh ta lại không muốn tra tấn chính mình, mình ăn là để mình thấy vui trước, bèn thoải mái chia sẻ một nhà hàng chay anh ta giấu nhẹm làm của riêng với Tịch Việt.
Nhà hàng không có thực đơn mà lấy các tiết trong năm làm chủ đề món ăn, gần đây chủ đề mới đổi thành “Hàn lộ”.
Trà dùng trước bữa ăn là Thiết Quan m, thức uống ô mai và một món mà nhà hàng tự sáng tạo ra có tên “Ba vị kem”, rau trộn gồm có nấm mối và nấm tre, khai vị là một chén súp dừa thu, món chính có đủ bốn vị đắng, mặn, chua, cay, món ngọt có tuyết liên hầm mật ong và mật đào.
Tưởng Hỗ Sinh uống nước ô mai, ngồi nhởn nhơ chém gió với Tịch Việt: “Cô bé ở dưới lầu nhà cậu chắc đã thực tập xong về nhà rồi nhỉ?”
“Ừ.”
Tưởng Hỗ Sinh cười nói: “Đừng nói vì cô ấy không ở đó nữa nên câụ cũng chuyển đi nhé.”
Mặt Tịch Việt tối lại.
Tưởng Hỗ Sinh liếc thấy, đoán ý anh, “Không phải chứ? Đúng là vì cô ấy à?”
Vẻ mặt Tịch Việt giống như nằm giữa mặc kệ anh ta và ngầm thừa nhận.
Anh ta cảm thấy chột dạ cười, “Người anh em, xin lỗi cậu nhé. Nếu biết cậu hãm sâu như vậy thì mình đã không xen vào chuyện của người khác.”
Tịch Việt nhíu mày hỏi anh ta, “Cậu có ý gì?”
Tưởng Hỗ Sinh kể lại chuyện trước khi về thành phố Thâm anh ta đã khuyên Hoàng Hi Ngôn ra sao cho Tịch Việt nghe, “… Mình thật sự không có ác ý, chỉ mong cô bé biết rõ hoàn cảnh của cậu, tốt hơn hết là suy nghĩ kỹ rồi hẵng quyết định.”
Giọng Tịch Việt lành lạnh không nghe ra cảm xúc gì, “Cậu nói cũng không sai.”
Nếu như lúc trước còn là lời đùa, thì bây giờ Tưởng Hỗ Sinh đã nghe ra ý khác thường trong câu nói này của Tịch Việt, “Vậy bây giờ hai người thế nào rồi?”
Tịch Việt không lên tiếng.
Tưởng Hỗ Sinh là người tinh ý, vừa nhìn nét mặt đã biết chắc là không thành, đoán chừng hỏi thêm sẽ khiến anh bực nhưng vẫn không dằn nổi lòng hiếu kỳ: “Cậu tỏ tình mà cô ấy từ chối à?”
Đúng là khiến đại ca Tịch Việt bực mình nhíu mày thật, “Ăn cơm với cậu sao mà phiền thế không biết.”
Tưởng Hỗ Sinh nhún vai, “Ông đây trả tiền, không chịu được cũng phải chịu.”
Tịch Việt không nói gì, Tưởng Hỗ Sinh cũng hết cách với anh, nhưng kẻ đi hóng hớt đâu chê lớn chuyện, đổ tí dầu vào lửa cũng vui đáo để. “Mình thấy thằng nhóc ở siêu thị dưới lầu cũng thích cô ấy lắm đấy. Hai người họ thế nào?”
“…” Lần này Tịch Việt mất hứng thật, “Mình mời khách, cậu ngậm miệng lại được không?”
Tưởng Hỗ Sinh cười phá lên.
Hồi sau, món nguội được bê lên.
Tưởng Hỗ Sinh chờ Tịch Việt nhận xét vài câu, nhà hàng này trang trí theo lối thiền, anh ta rất thích.
Không ngờ, Tịch Việt chẳng hào hứng gì, cầm đũa lên ăn luôn.
“Ôi nghệ sĩ.” Tưởng Hỗ Sinh nói mỉa rồi cũng cầm đũa lên.
Tưởng Hỗ Sinh ngước mắt, để ý tới tay cầm đũa của Tịch Việt, “Trên ngón tay cậu có cái gì thế?”
Tịch Việt khựng lại, “Đây á?”
Tưởng Hỗ Sinh xích lại gần một chút, nhìn thấy rõ mồn một.
Trên lưng ngón trỏ bàn tay phải của Tịch Việt, chỗ gần đốt thứ hai, có một hình xăm hai chữ cái rất đơn giản: xy.
Tưởng Hỗ Sinh chế giễu: “Cậu yêu bản thân vừa thôi chứ, lại còn xăm tên mình…”
Đang cười, Tưởng Hỗ Sinh bỗng hết cười nổi, chửi một tiếng “Đệt”, ngộ ra.