Nước Sôi Lửa Bỏng

Chương 16: Trại hè (1)



Tại viện điều dưỡng ở Thành Đông.

Chân trước Kỷ Viêm mới bước vào đại sảnh, sau lưng đã có người bí mật báo cáo. 

Anh sải bước đi lên lầu ba, có một nữ y tá đứng dựa vào tường ở hành lang, đã đợi rất lâu.

“Đội trưởng Kỷ, anh đến rồi.”

Khuôn mặt cô ta nổi bật, giọng nói ngọt ngào nhẹ nhàng. Vừa nhìn thấy Kỷ Viêm, đôi mắt thon dài của cô ta như bừng sáng.

Sắc mặt người đàn ông lạnh lùng, giọng nói càng thêm âm trầm: “Y tá Ninh, sao cô lại ở đây?”

Cô ta cong môi cười, trả lời rất tự nhiên: “Bác gái đã đổi phòng rồi. Em sợ anh không biết nên đứng đây chờ anh.”

Kỷ Viêm gật đầu: “Làm phiền rồi.”

Ninh Hạ là y tá của viện điều dưỡng này. Ba năm trước, lúc cô ta bắt đầu kỳ thực tập thì cũng là ngày mẹ của Kỷ Viêm vào viện. Bà ấy là bệnh nhân đầu tiên mà cô ta phụ trách, việc này vẫn tiếp tục cho đến bây giờ.

Người già vào viện dưỡng lão, ít hay nhiều gì cũng mắc bệnh. Nhưng mẹ của Kỷ Viêm không giống vậy, trừ những lúc phát bệnh thì cơ thể bà không có gì khác thường. 

Mỗi khi bà phát bệnh, Kỷ Viêm cũng không tránh khỏi. Nói cách khác, bệnh của bà có tính định hướng nhất định. Ví dụ như bà luôn ôn hoà với mọi người trong viện, nhưng khi đối mặt với Kỷ Viêm, cảm xúc sẽ đột ngột mất kiểm soát, thậm chí còn xảy ra hành vi bạo lực.

Ninh Hạ cảm thấy khó hiểu với hành vi của bà. Bởi vì trong mắt cô ta, Kỷ Viêm là một người trầm ổn nội liễm, chính trực, đẹp trai, dù có ít nói ít cười đi nữa. Chỉ cần nhìn vào sự kiên nhẫn và bao dung vô hạn mà anh dành cho mẹ mình cũng đủ để chứng minh anh là người đàn ông hiếu thuận, đáng gửi gắm cả đời.

Đi qua hành lang dài, cuối tầm mắt là căn phòng nơi mẹ anh đang ở.

Yên lặng, trật tự, tách biệt.

Ninh Hạ dừng lại trước một căn phòng, cúi người dặn dò Kỷ Viêm: “Dì vừa ăn trưa xong, đang ở trong phòng tụng kinh. Anh vào nói chuyện với dì đi, em ở bên ngoài, có việc gì thì gọi em.”

Người đàn ông thấp giọng đồng ý, sau đó nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào.

Đồ đạc trong phòng tuy đơn giản nhưng được quét tước sạch sẽ. Mẹ Kỷ là người thích gọn gàng, trước kia ở nhà, bà cũng dọn dẹp sạch đến mức không có một hạt bụi nào.

Cạnh giường có một cái tủ nhỏ, trên đó có treo ảnh ba anh. Ông mặc quân phục chỉnh tề, trên ngực đeo các huy chương danh dự lớn nhỏ, đại biểu cho cả đời này ông đã anh dũng bảo vệ quê hương, đất nước bằng máu thịt của mình.

Một người phụ nữ đầu tóc bạc trắng quỳ trên đệm, quay lưng về phía anh, đầu hơi cúi, miệng lẩm bẩm chuyên chú đọc kinh.

Kỷ Viêm không vội nói chuyện, anh yên lặng đứng dựa lưng vào tường đợi bà tụng kinh xong. Khi bà xoay người lại, nhìn thấy một người đàn ông cao lớn, thì đôi mắt u buồn của bà bỗng chốc sáng lên, ngay sau đó lại ảm đạm.

Cổ họng của anh khô khốc, anh thấp giọng gọi một tiếng “Mẹ”.

Bà lạnh nhạt dời tầm mắt đi, kéo lê cơ thể khòm lưng từ từ đi đến chiếc giường nhỏ.

Kỷ Viêm nhanh chóng đuổi theo muốn đỡ bà lên giường, mang dép cho bà. Ai ngờ bàn tay anh vừa chạm vào góc áo, mẹ Kỷ mặt đầy chán ghét, dùng sức hất tay anh ra.

Giọng nói bà khàn khàn, mơ hồ có chút tức giận: “Đội trưởng Kỷ hà tất phải giả mù sa mưa như vậy. Ở đây không có người ngoài nên cậu không cần diễn vở kịch đứa con trai hiếu thảo đâu.”

Bàn tay anh cứng đờ giữa không trung, không khí yên lặng vài giây, sau đó anh lẳng lặng thu tay về.

Kể từ khi ba Kỷ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, tính tình dịu dàng của mẹ Kỷ hoàn toàn thay đổi. Kỷ Viêm trở thành nơi phát tiết cảm xúc trực tiếp và duy nhất của bà.

Tất cả mọi người đều nói với bà rằng trận hỏa hoạn năm đó là do thiên tai. Khi lính cứu hoả vào nhà dân cứu viện chỉ còn dư lại một cái mặt nạ dưỡng khí, ba Kỷ đã hi sinh chính mình để lại cơ hội sống cho nhân dân. Kỷ Viêm chỉ làm theo mệnh lệnh của ông, di tản đám người đang gặp nguy hiểm, anh không nên chịu đựng những lời chỉ trích ác độc như vậy.

Trong nỗi bi thương cực độ, mẹ Kỷ không nghe lọt tai bất kỳ điều gì. Bà là một người phụ nữ nông thôn, ít đọc sách, không có tinh thần dâng hiến tình yêu cao cả cho đất nước. Bà chỉ biết trụ cột gia đình đã ra đi, thậm chí không để lại bộ hài cốt hoàn chỉnh, mà Kỷ Viêm cũng ở hiện trường vụ cháy lại còn sống. 

Bà không thể chấp nhận sự thật này.

Bà nằm trên giường, nhắm mắt nghỉ ngơi.

Kỷ Viêm lấy một cái ghế đẩu rồi ngồi xuống dựa vào cạnh giường.

Đã ba tháng kể từ lần cuối anh đến thăm bà. Dù cảm nhận được sự bực tức của bà, nhưng tâm tư anh vẫn như cũ, vẫn muốn trò chuyện đôi câu với bà, dù là những lời lạnh nhạt cũng được.

“Dạo này nhiệt độ tăng cao, mẹ chú ý tránh nóng, trời này mà bị bệnh thì rất khó chịu.”

Không khí yên lặng, thậm chí ngay cả tiếng hít thở cũng bị đè nén đến mức thấp nhất. Mẹ Kỷ mắt nhắm tai ngơ, nhắm hai mắt, hoàn toàn không muốn lên tiếng.

Người đàn ông quay đầu lại nhìn đĩa hoa quả trên tủ đầu giường, cong môi dưới, giọng điệu dịu dàng nói: “Con gọt cho mẹ quả táo.”

Bà hừ lạnh một tiếng, nằm nghiêng người đưa lưng về phía anh, ý muốn cự tuyệt quá rõ ràng.

Anh vươn tay lấy quả táo và con dao gọt trái cây, vừa chuẩn bị gọt vỏ thì bà đột nhiên mở miệng, âm thanh phát ra đầy lạnh lẽo: “Cậu đi đi, sau này không cần đến nữa.”

Người đàn ông nhíu mày: “Mẹ…”

Mẹ Kỷ không nói nữa, một câu cũng không muốn nhiều lời.

Kỷ Viêm khẽ thở dài, cũng không kiên trì nữa. Lúc anh đứng dậy, tầm mắt vừa vặn nhìn thấy con ruồi màu xanh lá cây to bằng hạt đậu đang di chuyển trên khung ảnh, cuối cùng dừng ngay mắt của ba Kỷ.

Anh muốn xua con ruồi đang đậu đi, nhưng mẹ Kỷ nghe thấy tiếng động nhanh chóng xoay người lại đúng lúc tay anh đang nâng lên. Con ngươi bà trợn tròn, không biết bị cái gì kích thích mà cảm xúc kìm nén bấy lâu đã mất khống chế.

“Không được chạm vào ông ấy!” Lòng bà nóng như lửa đốt, bước đôi chân trần xuống giường, dừng hết sức đẩy Kỷ Viêm ra.

Sức lực chênh lệch nhau, bà không đứng vững ngã nhào ra trước. Hai tay Kỷ Viêm ôm lấy cơ thể yếu ớt của bà, dùng lời nhỏ nhẹ giải thích: “Mẹ, con không có làm gì ba cả… Con…”

“Mày không có à? Không phải mày đã đẩy ông ấy vào đám cháy sao? Mày trơ mắt nhìn ông ấy vùi thân nơi biển lửa, sau đó mày thăng quan tiến chức lên làm trung đội trưởng, nhưng ông Kỷ thì sao? Ông ấy chết không toàn thây, thi thể bị lửa thiêu cháy không còn sót lại mảnh vụn nào cả, những thứ này không phải do mày ban tặng sao?”

Hốc mắt bà đỏ bừng, càng nói càng kích động. Nhất thời khó thở, bà phải thở hổn hển mấy cái, sau đó bà dùng ánh mắt lạnh như băng nhìn Kỷ Viêm, từng chữ căm thù.

“Sao người chết lại là ông ấy mà không phải mày.”

Kỷ Viêm chật vật quay đầu đi chỗ khác, khóe mắt anh đã đỏ lên. Quân nhân chảy máu chứ không chảy nước mắt, anh không có thói quen dùng nước mắt để giải tỏa cảm xúc.

Nhưng vào giờ phút này, không ai biết trái tim anh bị xé thành hình dạng gì. Máu rỉ ra nơi lồng ngực, còn độc hơn cả thạch tín, càng xé nát vụn càng đau đớn.

Cơn gió nóng dữ dội từ ngoài cửa sổ thổi vào, nâng mép khung hình lên và đập mạnh xuống đất.

Anh khom người nhặt lên, mẹ Kỷ ở sau lưng hét lên: “Không cho mày đụng vào ông ấy!!”

Đầu ngón tay anh mới chạm vào góc khung hình liền thoáng thấy ánh sáng màu bạc lạnh lẽo, anh nhanh nhẹn né tránh, con dao vốn sẽ đâm vào mu bàn tay, nhưng lại quẹt qua cánh tay, để lại một đường máu rõ ràng.

Không biết vết thương sâu hay nông, máu đỏ tươi tuôn ra, một giọt rồi một giọt rơi trên sàn nhà.

Mẹ Kỷ ôm khung hình vào ngực, tay phải cầm con dao đã tổn thương Kỷ Viêm, cả người lùi về mép giường, ánh mắt đầy cảnh giác nhìn anh.

Y tá Ninh nghe thấy tiếng động liền nhìn thấy cảnh này, nhất là vết thương nhỏ ở cánh tay Kỷ Viêm. Cô ta bình tĩnh bấm chuông báo ở đầu giường.

Các bác sĩ và y tá đến rất nhanh, cảm xúc tiêu cực của mẹ Kỷ cũng đã từ từ nguôi ngoai.

Ninh Hạ đưa anh đến phòng bệnh để xử lý vết thương. Từ đầu đến cuối người đàn ông chỉ cúi thấp đầu, im lặng không nói gì.

Cô ta cẩn thận băng bó cho anh, ngoài miệng dịu dàng khuyên bảo: “Tính tình của người già như con nít vậy, cũng cần anh dỗ dành. Anh kiên nhẫn một chút thì dì sẽ hiểu thôi.”

Anh không nói gì, suy nghĩ hoàn toàn không ở nơi này. Ninh Hạ thấy vậy cũng không nói nhiều. Xử lý vết thương xong, cô ta tri kỷ tiễn anh ra ngoài viện điều dưỡng.

Khi người đàn ông xoay người, cô ta nóng lòng gọi anh lại: “Kỷ Viêm.”

Đội trưởng Kỷ dừng bước, chậm chạp xoay người lại.

Ninh Hạ tràn ngập mong chờ, nhẹ giọng hỏi: “Anh có Wechat không?”

Kỷ Viêm im lặng hai giây rồi trầm thấp nói: “Không.”

Vừa dứt lời, anh lại bỏ thêm một câu: “Nếu là chuyện của mẹ tôi, cô có thể liên lạc với tôi qua điện thoại.”

Ninh Hạ rũ vai, bị người ta từ chối thẳng thừng như vậy quả thật không dễ chịu.

Chờ cô ta điều chỉnh tâm trạng xong, lúc ngẩng đầu, người đàn ông ban nãy còn đứng trước mặt cô ta giờ đã biến mất không thấy tăm hơi.