Ở Rể - Tiêu Lâm

Chương 8: Ta vẫn ổn



Ngày thi Hương.

Thi Hương là con đường duy nhất để người bình thường ra làm quan ở thời cổ đại, ai ai cũng vô cùng chú trọng.

Thi Hương kéo dài liên tục ba ngày, trước khi làm bài xong, bất cứ ai cũng không được ra khỏi trường thi.

Thí sinh tự chuẩn bị thức ăn và chăn gối. Vách ngăn nơi thi không có cửa, Đại Ngụy mưa nhiều, nên thí sinh sẽ tự chuẩn bị vải dầu làm mành che.

Tiêu Lâm nài nỉ đầy tớ cho mượn nửa lượng bạc, thuyết phục một thôi một hồi, đầy tớ cho ngựa ăn mới miễn cưỡng cho mượn.

Nửa lượng bạc này là Tiêu Lâm dùng để phòng hờ.

Tần gia biết hắn đi thi nhưng không hỏi han gì, chỉ chuẩn bị cho Tần Nam, Tần Bắc đầy đủ mọi thứ. Không những có bút mực giấy nghiên tốt nhất, mà còn có thức ăn tinh tế và vải dầu dày cộm, chỉ có tốt hơn chứ không có thua kém người khác.

Tần Nam và Tần Bắc được người người hộ tống rời khỏi Tần phủ, lão thái thái còn nhét hơn trăm lượng cho họ phòng hờ, còn sử dụng xe ngựa xa hoa đưa đi.





Sáng sớm Tiêu Lâm đã ra ngoài từ cửa sau của phòng bếp hạ nhân, không có ai đưa tiễn. Hắn lẻ loi một mình nhưng lại không hề cô đơn, ngược lại vô cùng phấn chấn.

Đến bên ngoài trường thi ở kinh thành, nhiều sĩ tử quý tộc nhà quan đã xếp hàng. Mặc dù kiểu dáng trang phục như nhau, nhưng chất liệu vải của bọn họ cao cấp hơn, còn thêu hoa ngầm, tay xách hộp đựng sách được làm từ gỗ hoa lê.

So sánh hai bên, đồ dùng và quần áo của Tiêu Lâm nghèo nàn hơn nhiều. Ngoài ra cũng có không ít con cháu nhà nghèo giống như hắn, tuy mặc áo gai vải bố nhưng thắng ở chỗ khí chất tinh thần không tệ.

Chỉ khác là dù bọn họ có tệ thế nào cũng xách theo bao lớn bao nhỏ, không giống Tiêu Lâm chỉ mang theo đồ dùng để thi và hai cái bánh bao chay.

Quan viên coi thi chia ra quan bên trong và quan bên ngoài. Quan bên ngoài là quan giám khảo, phụ trách chuyện thi cử. Quan bên trong chỉ phê duyệt bài thi, không quản lý những chuyện khác, hơn nữa quan bên trong và bên ngoài không liên hệ với nhau.

Bây giờ các sĩ tử đang được quan giám khảo kiểm tra, đề phòng có người đem tài liệu gian lận và mạo danh đi thi thế.

Sau khi kiểm tra xong, quan giám khảo sẽ đưa cho các sĩ tử một thẻ ghi số thứ tự, vào trong tìm gian riêng của mình trong trường thi.

Quan giám khảo kiểm tra đến Tiêu Lâm, thấy hắn nghèo đến mức cả vải dầu cũng không có, vốn định nhắc nhở một câu. Nhưng thấy tất cả mọi người đều tránh xa hắn mấy mét, giống như không được nhân sĩ kinh thành coi trọng, quan giám khảo nghĩ dù sao ba ngày cũng không làm hắn ướt mưa chết được, thế là xua tay bảo hắn vào trong.

Tiêu Lâm đến gian riêng của mình, bày bút mực giấy nghiên ra, đợi đến lúc thi.

Vì bệnh nghề nghiệp, hắn quan sát gian riêng một lượt. Mặc dù nơi này đơn giản nhưng không sơ sài, gạch xây gian riêng dùng vôi vữa gạo nếp dán dính với nhau.

Vôi vữa gạo nếp là thợ xây dùng gạo nếp nấu lên trộn với vôi vữa, sau đó đổ hỗn hợp vào thùng đựng, khuấy cùng nhựa cây khế. Gạch tạo thành như vậy che được mưa gió mấy trăm năm, có thể gọi là xi măng thời cổ đại.

Ở thời cổ đại chỉ có hoàng lăng, hoàng cung mới có thể dùng thứ cao cấp như vậy. Bây giờ trường thi Hương lại dùng vật liệu cao cấp thế này, đủ để thấy mức độ coi trọng nhân tài của đương kim hoàng đế.

Trong khi Tiêu Lâm đang nghiên cứu bức tường, một người đi ngang qua hành lễ với hắn.

“Ồ?”, đó là một chàng trai trẻ tuổi, nhìn gian riêng của Tiêu Lâm trống trơn bèn nói: “Huynh đài có khó khăn gì không?”.

Tiêu Lâm nhíu mày, không hiểu ý người đó: “Ta vẫn ổn”.

“Cuộc thi kéo dài ba ngày liên tục, huynh đài không ăn không ngủ sao? Ta thấy hôm nay trời âm u, chắc là sẽ có mưa rào, vải dầu của huynh đài đâu?”.

Lời nói của người đó không có ý khinh thường giễu cợt, giữa hai hàng lông mày nhíu chặt toát ra sự nghi hoặc và chân thành quan tâm.

Thế nên Tiêu Lâm trả lời: “Không sao, đói cũng không chết, mà ta cũng không sợ mưa. Không phải huynh cũng không có sao?”.

“Đồ của ta đều ở chỗ nô bộc”, người đó quan sát Tiêu Lâm, không ngờ kinh thành lại có người nghèo như vậy, hắn ta hỏi: “Không biết huynh đài là quý tử nhà ai?”.

“Quý tử?”, Tiêu Lâm cười nói: “Huynh từng gặp quý tử nhà quan nào nghèo như ta chưa?”.

“A…”, người trẻ tuổi lắc đầu: “Nhưng thi tận ba ngày, ba ngày này huynh đài phải làm sao?”.

“Nửa ngày là ta đi rồi, không cần đến ba ngày, không cần thiết mang theo nhiều thứ như vậy”. Trên ống tay áo của Tiêu Lâm còn có mảnh vá, bộ quần áo này đã mặc ba năm. Năm nào Tiêu Hình đi thi cũng mặc bộ này, trên tay áo còn dính vết mực của năm trước.