Phế Đô

Chương 14



Trang Chi Điệp nói:

- Bà ấy bảo, kiếp sau còn làm người sẽ không bao giờ làm vợ nhà văn nữa.

Đường Uyển Nhi dường như hết sức ngạc nhiên, lặng đi một lúc, buồn buồn, nói:

- Vậy thì sống trong hạnh phúc chị ấy không biết sướng chị ấy đâu được nếm trải nỗi khổ của người vợ lấy phải người chồng thô tục!

Tự nhiên Đường Uyển Nhi sụt sịt khóc. Trang Chi Điệp liền nghĩ đến thân thế chị ta. Anh không biết người chồng kia của chị ta, song có thể tưởng tượng ra người đàn ông kia thế nào. Thế là Trang Chi Điệp an ủi:

- Là người có phúc, dáng vóc em thế này cũng không phải là người bạc mệnh đâu, chuyện đã qua thì cho qua, hiện giờ chẳng phải rất tốt đó sao.

Đường Uyển Nhi nói:

- Thế này mà gọi là cuộc sống ư? Tây Kinh tuy tốt nhưng đâu phải là nơi em ăn ở lâu dài! Thầy Điệp coi biết xem tướng, thầy thử xem cho em xem nào.

Đường Uyển Nhi liền đưa bàn tay nhỏ nhắn trắng trẻo ra, đặt lên đầu gối Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp cầm bàn tay, trong lòng có cảm giác khác lạ, nói lung tung một hơi, liền giảng giải những đặc trưng về sang hèn của đàn bà trong sách tướng, người trán phẳng như thế nào thì sang, người gồ ghề thì hèn, người mũi thẳng cao thì sang, tẹt thì hèn, tóc mượt thì sang, tóc khô ráp thì hèn, người có mu bàn chân cao thì sang, bẹt mỏng thì hèn. Đường Uyển Nhi lắng nghe, đối chiếu từng thứ với bản thân, tỏ ra dương dương tự đắc. Chỉ có điều không rò chân thế nào thì coi là mu bàn chân cao, Trang Chi Điệp đưa tay bóp vào chỗ mắt cá chân, tay đã chạm vào nhưng dừng lại, chỉ vào chỗ trống. Đường Uyển Nhi liền tụt giày ra, duỗi thẳng chân, gần như sát mặt Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp ngạc nhiên, sức bàn chân của chị ta dẻo đến thế, bàn chân nhỏ nhắn xinh xinh, mu bàn chân cao gần như bằng cẳng chân, còn lòng bàn chân thì lõm hẳn vào, có thể nhét vừa một quả mơ, mà đầu ngón chân thì nõn nà như những búp măng, ngón chân cái rất dài, tiếp theo lần lượt ngắn dần lại, ngón chân út thì cứ động đậy, khép khép mở mở. Trang Chi Điệp chưa hề thấy bàn chân nào xinh đẹp như thế, gần như muốn thốt lên. Đường Uyển Nhi lại đi tất và giày vào. Trang Chi Điệp hỏi:

- Em đi giày số bao nhiêu?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Số ba mươi lăm. Dáng em to thế này, chân nhỏ quá, có phần mất cân đối.

Trang Chi Điệp chợt mỉm cười đứng lên bảo:

- Thế thì cái này xứng đáng là giày của em – liền móc từ trong túi ra một đôi giày da đưa cho Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi nói:

- Đẹp quá, bao nhiêu tiền?

Trang Chi Điệp nói:

- Em định trả tiền sao? Thôi nhé, tặng em đấy!

Đường Uyển Nhi nhìn Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp giục:

- Đi vào xem nào?

Đường Uyển Nhi không nói cám ơn nữa, đi giày mới vào, quẳng luôn đôi giày cũ vào gầm giường đánh xoạch một tiếng.

Trang Chi Điệp về đến nhà hàng, trong lòng hớn hở vô cùng. Thấy Trang Chi Điệp lâu lắm mới quay về, mà người quen cũng chẳng thấy đâu, Triệu Kinh Ngũ và giám đốc Hoàng có phần cụt hứng. Bảo bụng đói lép kẹp vào rồi, hỏi Trang Chi Điệp không thấy đói hay sao? Trang Chi Điệp bảo:

- Chỉ muốn uống rượu.

Cả bữa cơm, ba người đều uống nhiều hơn ăn. Đầu tiên nửa chai rượu trắng vào bụng, còn ngọt ngào đường mật, uống cạn một chai thì trở nên hùng hồn với nhau, lại mua một phần tư lít nữa, thì nói vung tít mẹt, tiếp tục một phần tư lít nữa, thì chẳng nói năng gì nữa. Ngồi ở nhà hàng đến nửa buổi chiều, sau đó Trang Chi Điệp định đi. Triệu Kinh Ngũ nói:

- Em phải đưa anh về.

Trang Chi Điệp xua tay, ngất nga ngất ngưởng cưỡi xe máy "Mộc lan", dọc đường đi, vẫn còn phân biệt được chữ viết sai trên tấm biển quảng cáo ở trước cổng các cửa hàng trên đường phố. Vừa đi vào chiếc sân nhỏ ở phố Song Nhân Phủ, liền bước luôn vào cửa ngã lăn ra ngủ cho đến tối mịt. Ngưu Nguyệt Thanh nấu cơm xong đâu vào đấy mới thức dậy. Thức dậy ngồi thừ ra một lúc, rồi bảo không đói, cũng không ăn cơm, định đi xe về ngủ đêm ở căn hộ bên Hội văn học nghệ thuật. Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Tối nay ngủ đây không sang bên đó nữa.

Trang Chi Điệp ấp a ấp úng bảo, tối nay còn phải viết bài.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh đi thì đi, tối nay em không đi đâu.

Trang Chi Điệp hiểu ý vợ, nghĩ bụng anh muốn trốn đi để được yên tĩnh, song nét mặt lại nhăn nhó, thở dài đi ra cổng.

Ánh nắng cuối ngày trải dài đầu phố cuối ngõ. Trên gác trống bầy chim nháo nhác, dưới gác mấy chủ nhỏ bán hủ tiếu và xâu thịt dê nướng, căng đèn bắc bếp ở ngay cạnh cổng, một đám trẻ con vây quanh ông già vấn kẹo bông, nô đùa ầm ĩ. Trang Chi Điệp vừa mới đến xem vấn kẹo bông như thế nào, chỉ một thìa đường trắng mà quay kéo ra được những sợi như bông, khi ngẩng lên thì nhìn thấy chị Lưu bán sữa bò và con bò của chị đang từ phiá bên kia cổng đi đến. Sau khi đã cung ứng sữa bò cho các điểm đặt tuyệt vời,chị Lưu và con bò nghỉ hẳn cho đến lúc trời dịu mát mới đi ra ngoài thành. Vừa gặp mặt con bò đã rống lên một tiếng dài, khiến lũ trẻ giật mình, ù té chạy. Chị Lưu hỏi:

- Mấy hôm rồi anh Điệp đi đâu lại không thấy mua sữa, không ở Hội văn học nghệ thuật phải không?

Trang Chi Điệp nói:

- Ngày mai ở đó, tôi chờ chị.

Liền bước đến, vừa vỗ vỗ vào lưng con bò, vừa nói chuyện với chị Lưu về chất lượng và giá sữa. Chị Lưu liền phàn nàn mỗi cân thức ăn giá lại lên một hào, nhưng giá sữa thì vẫn không nâng lên được, trời nóng nực như thế này, chẳng bõ số tiền vất vả đi cả ngày vào thành phố. Trong khi nói chuyện con bò sữa đứng một bên, bốn vó không động đậy, ngó bên này ngó bên kia, cái lưỡi quẫy trong mồm, cái đuôi thong thả vẫy đi vẫy lại.

Trang Chi Điệp nói:

- Chị phải suy nghĩ thông thoáng đi một chút, nếu không dắt đi lại, chẳng phải một xu kiếm không ra, mà vẫn phải mua rau mua cám như thường đấy thôi. Ái chà, chị nhìn con bò này, nó cứ thong dong không sốt ruột, chẳng khác gì một triết gia.