Dù là lần cận kề cái chết ở sân tập bắn hay hôm nay, dù là bất cứ hôm nào khác, chỉ cần được bệ hạ ôm lấy, ta sẽ không sợ gì cả.
Bên ngoài tí tách tiếng mưa, không khí ẩm lạnh, bàn tay ấm áp của bệ hạ vén tóc mái của ta lên. Cánh tay của người rất cứng cáp, vòng qua bả vai ta, ôm ta vào lòng. Bệ hạ nhìn ta chằm chằm, vẻ mặt rất dịu dàng, khe khẽ thủ thỉ.
- Về sau, nàng đừng cúi đầu khi gặp trẫm.
- Đừng mỗi ngày thà đứng ngoài ngóng trông chứ không dám vào gặp trẫm.
- Gặp chuyện đau buồn không cần lén lút ra ngoài khóc thầm.
- Có trẫm che chở cho Từ thường tại, trẫm che chở Ý Tùy của trẫm.
...
Hôm sau, thái giám đến cung Đường Lê tuyên chỉ.
Từ lúc ta tiến cung cũng lĩnh chỉ vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên có tin vui.
Ta vui mừng không phải vì được thăng từ Thường tại lên Quý nhân.
Mà vì ta đã thuộc về người trong lòng ta.
Từ lúc bệ hạ cho ta kẹo hoa quế.
Từ lúc nệ hạ mạo hiểm cứu ta.
Từ lúc bệ hạ gọi ta Ý Tùy.
Từ khi ta mong ngóng ngày đêm muốn gặp bệ hạ. Khi thấy người ủ rũ, ta cũng ưu sầu. Ta đã biết, dù có được bệ hạ triệu hạnh hay không, dù bệ hạ có cho ta vinh sủng hơn người khác hay không, quãng đời này của ta không chỉ ở trong cung, mà đã nằm lại trong lòng Hoàng thượng.
Hoàng thượng vẫn ngày ngày cần lao, ta không đến điện Cần Chính ngóng bệ hạ nữa. Có lúc Hoàng thượng sai tiểu thái giám mang đến một bức tranh vẽ vội, đôi lúc là vài câu thơ, ta đều rất yên tâm.
Ngày mồng hai tháng bảy, trời đổ mưa to, Tiểu Trịnh Tử đội mưa chạy tới cung Đường Lê, thưa rằng Hoàng thượng viết thư cho ta, ta mở ra, bên trong viết hai câu thơ.
Thanh thanh tử khâm
Du du ngã tâm
Túng ngã bất vãng,
Tử ninh bất tự âm? (1)
Thanh thanh tử bội.
Du du ngã tâm.
Túng ngã bất lai vãng,
Tử ninh bất lai? (2)
Ta đọc xong liền phì cười, đường đường là vua một nước cũng có lúc nhõng nhẽo như vậy.
Ta nhìn thời tiết bên ngoài, thôi, dù sao cũng phải đi một lần.
- Tiểu Trịnh Tử, ngươi chờ ta một lát.
Ta bảo Mịch Nhi đi lấy giấy, mài mực, ta viết vài chữ xong thì theo Tiểu Trịnh Tử đến điện Cần Chính.
Lúc ta đến, bệ hạ đang đọc tấu chương, nghe thấy tiếng của ta mới ngẩng đầu, trên gương mặt uể oải của người lộ ra nụ cười:
- Trẫm biết nàng sẽ đến mà.
- Thư của Hoàng thượng u oán như vậy, sao thần thiếp dám không đến chứ?
Hoàng thượng thấy cuộn giấy trong tay ta, bảo ta cầm đến cho người xem, bệ hạ vừa nhìn vừa đọc:
Phong vũ như hối,
Kê minh bất dĩ.
Ký kiến quân tử,
Vân hồ bất hỉ? (3)
Rồi cầm bút son khoanh tròn vào chữ “hối”:
- Chữ của nàng xấu quá, trẫm phải dạy lại mới được.
Bệ hạ kéo ta đến trước bàn đọc sách, nắm tay ta viết một chữ “Ý”, rồi viết thêm một chữ “Tùy“.
- Mỗi ngày trẫm đều luyện viết hai chữ này, nàng thấy có đẹp không?
- Thần thiếp thấy rất đẹp, đẹp hơn thần thiếp tự viết nhiều lắm.
- Vậy thì tốt, trẫm vẫn muốn biết tên nàng có nghĩa gì vậy?
- Ý, là suy nghĩ trong lòng, Tùy, là thuận theo. Cha của thần thiếp hi vọng thần thiếp có thể thuận theo lòng mình, không cần vì chuyện bên ngoài mà phiền não.
- Trẫm thấy không phải. Ý là tâm ý, Tùy là liền kề, nghĩa là nàng và trẫm tâm ý tương thông. Nàng nghĩ có đúng không?
Ta ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu.
Bệ hạ viết lên giấy một chữ “Dao”, rồi dạy ta viết lại một lần, người hỏi:
- Nàng có biết tại sao trẫm dạy nàng viết chữ “Dao” không?
Ta lắc đầu bảo không biết.
- Lúc trước trẫm không ban phong hào cho nàng bởi vì chưa nghĩ ra, bây giờ nghĩ ra rồi, là chữ “Dao” này.
Ta hỏi bệ hạ nó có nghĩa gì, người bèn đọc “ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao (4)“.
Ta vẫn không hiểu nhưng bệ hạ không chịu giải thích, chỉ bảo ta viết lại lần nữa.
Ta viết, nhìn lại thấy chữ mình xấu quá, bệ hạ muốn cầm lên xem, ta thấy xấu hổ nên không chịu lại không giật lại được. Hai bên giằng co, cuối cùng xé nát tờ giấy.
Bệ hạ không giận, chỉ có vẻ rất tiếc, trách ta không chịu giữ lại. Nhưng ta thấy chữ xấu như vậy, giữ lại thì mất mặt lắm.
Ta ăn cơm cùng Hoàng thượng xong mới về cung Đường Lê, sáng sớm hôm sau, có thái giám đến tuyên chỉ, ban phong hào “Dao” cho Quý nhân Từ thị ở cung Đường Lê.
Thấy Thất tịch sắp đến, Gia tần có thai không chịu được mệt nhọc, Hoàng hậu gọi ta đến giúp Cẩn phi thu xếp ban thưởng cho các cung. Ta không biết phải làm gì, bận bù đầu liền ba, bốn ngày.
Thất tịch, lại đến rồi.
Tất cả bài thơ trong chương này đều được trích trong Kinh Thi.
(1) Tử Khâm 1: Bản dịch của Tạ Quang Phát
Áo chàng bâu vải xanh xanh,
Nhớ chàng em lại nghĩ quanh xa vời,
Ví bằng em chẳng đến chơi,
Sao chàng chẳng gởi vài lời viếng thăm?
(2) Tử Khâm 2: Bản dịch của Tạ Quang Phát
Xanh xanh tua ngọc của chàng.
Nhớ ai em nghĩ xốn xang xa vời.
Ví bằng em chẳng đến chơi,
Sao chàng lại chẳng đến nơi em chờ?
Anh Hoàng viết hai bài này cho nữ chính ý đang trách sao bỏ mặc không chịu sang điện Cần Chính thăm anh. Chung quy là anh ta đang dỗi, đang làm nũng với nữ chính đấy.
(3) Phong Vũ 3: Bản dịch của Tạ Quang Phát
Gió mưa mù mịt tối tăm,
Tiếng gà chẳng dứt gáy rầm nghe vang.
Khi em đã gặp được chàng.
Rằng sao mà chẳng rộn ràng vui tươi?
Nữ chính đáp trả, em đến thăm rồi chàng có vui không.