Phố Nha Hương

Chương 7



An An sổ mũi đến ngày thứ ba thì lên cơn sốt, ho suốt cả đêm. Thằng bé có sức đề kháng tốt, hơn mười tháng tuổi chưa từng hắt hơi nhảy mũi lấy một cái. Nửa đêm sốt hầm hập, trong nhà Đình Hoa lại không có sẵn nhiệt kế, ruột gan rối bời đành chạy sang nhà gõ cửa. Huệ Mẫn đang ngủ chập chờn thì bị tiếng ồn đánh thức, nghe thấy Đình Hoa gọi anh dưới lầu chỉ biết thở dài, lay Đình Phương hãy còn đang say giấc.

Đình Phương dễ ngủ. Người cầm dao phẫu thuật, nếu không dễ ngủ chắc chắn không trụ được nổi mấy năm. Mỗi lần anh bị đánh thức, làm xong việc cái liền có thể ngủ lại ngay. Một đêm mười mấy lần đều như thế, cứ như trời sinh để làm bác sĩ trực đêm.

Đình Phương đang say giấc nồng, bị lay tỉnh bèn quay đầu sang bên định ngủ tiếp. Huệ Mẫn lên tiếng: “Đình Hoa đang gọi cửa dưới lầu, có phải An An bị làm sao rồi không?”

Đình Phương choàng tỉnh, khoác tạm áo ngoài xuống lầu mở cửa.

Tiết trời mùa xuân nóng lạnh thất thường. Rõ ràng đã là tuần cuối tháng hai âm lịch rồi, vậy mà một đợt không khí lạnh bất ngờ kéo đến khiến nhiệt đột tụt xuống chóng vánh, đêm đến lại càng lạnh đến cắt da cắt thịt. Đình Phương mở cửa, thấy Đình Hoa đang bế An An đứng đấy, vẻ mặt sốt sắng.

“Sao thế?” Đình Phương bế lấy An An. Đứa nhỏ nhắm mắt, rên rấm rứt, người nóng như lò đốt. Đình Phương thử sờ tay nhóc thấy lạnh ngắt, trong khi trán lại nóng phừng phừng.

“Vừa ho vừa sốt. Anh ơi, phải làm sao đây?”

“Sốt bao nhiêu độ?”

“Nhà em không có nhiệt kế.”

Đình Phương lên lầu lấy nhiệt kế, là loại nhiệt kế thủy ngân lành lạnh dễ gây khó chịu. Vừa kẹp nhiệt kế vào nách, An An liền giãy giụa, quấy khóc inh ỏi. Đình Phương ôm đứa nhỏ vào lòng, giữ chặt cánh tay, miệng ngâm nga hát ru, đi tới đi lui dỗ dành một hồi nhóc mới chịu ngoan ngoãn trở lại.

“Trần Khánh đâu?”

Sắc mặt Đình Hoa trở nên khó coi: “Chẳng biết tay bạn học nào đó lại rủ đi ăn cơm, nửa đêm rồi còn chưa vác mặt về.”

Trần Khánh tính tình hời hợt vô tâm, ham vui quá trớn. Trước giờ chưa từng chăm con, toàn là vứt cho Đình Hoa. Kể cả một mình Đình Hoa không lo xuể được thì đằng nào chả có nhà mẹ đẻ phụ giúp.

Ba mẹ nghe thấy động tĩnh đều thức giấc. Mẹ bồn chồn lo lắng, bảo Đình Phương mau mau lái xe đưa An An đến bệnh viện Bác Ái khám xem thế nào. Đình Phương đáp: “Xem sốt bao nhiêu độ trước đã.”

Buổi tối là lúc bác sĩ khoa nhi bận rộn nhất, nói không chừng xếp hàng đến sáng mai cũng chẳng tới lượt. Thân nhiệt đứa nhỏ nóng đến 40 độ C, trong nhà lại không có sẵn thuốc hạ sốt. Tình hình khẩn cấp, Đình Phương bảo Đình Hoa bế An An lên xe anh. Trước khi đi, anh lên lầu hai báo với Huệ Mẫn phải đưa An An đi khám bệnh. Huệ Mẫn buồn bực nói: “Ngày mai anh không trực sao?”

“Hết cách rồi.” Đình Phương ngừng lại một chút rồi tiếp: “Anh không dám để em khám cho thằng bé. Hơn nữa ở nhà cũng không có thuốc dành cho trẻ em.”

“Ba nó đâu?” Huệ Mẫn vẫn tỏ vẻ không vui.

“Không liên lạc được.”

Huệ Mẫn chỉ thở dài rồi xoay người đi ngủ. Đình Phương xuống tới dưới lầu thì thấy mẹ anh quấn thêm một cái chăn lớn cho An An, làm thằng bé trông to ra gấp mấy lần, hệt như một quả bóng tròn vo.

Sau khi đến bệnh viện, Đình Phương nhận được tin nhắn của Huệ Mẫn, nói đã liên hệ được với bác sĩ khoa nhi trực ban ở khu hai, bảo anh đưa An An thẳng sang khu điều trị nội trú mà khám. Đình Phương vốn không muốn gây thêm rắc rối cho đồng nghiệp đang rất bận rộn ở khoa nhi, nhưng thấy người xếp hàng chờ ở khu vực cấp cứu đã đến tận số bảy mươi rồi, dám chắc đến sáng mai cũng chẳng khám nổi. Thế là anh đành phải đưa An An sang khoa nhi khu hai.

Đã hơn mười hai giờ đêm, khu khám bệnh khoa nhi lại chẳng hề yên tĩnh. Huệ Mẫn trước lúc mang thai trực ở đây, cũng bởi lý do này mà cô đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, mãi đến giờ vẫn không được thăng lên chức phó khoa, cũng không có đội ngũ riêng, chỉ là bác sĩ nội trú. Người mà cô cậy nhờ cũng là một bác sĩ phụ trách điều trị chính ở khoa nhi.

Bác sĩ trực ban tất bật ra vào bốn năm bận, cuối cùng cũng ngơi tay được một lát để ngồi xuống khám cho An An. An An không chịu để cho bác sĩ khám họng, nghe nhịp tim phổi lẫn kiểm tra tay chân. Đình Phương và Đình Hoa phải hợp sức giữ yên đứa nhỏ.

“Cho uống thuốc hạ sốt trước đã rồi chích máu ngón tay kiểm tra xem sao.”

An An khám bệnh xong xuôi thì đã là hai giờ sáng. Từ đầu đến cuối, Trần Khánh không hề trả lời điện thoại. Đình Hoa tay bế An An, thường ngày lắm lời là thế, lúc này đây lại chẳng nói một câu.

Khoảng hai rưỡi sáng thì về tới nhà, mẹ lo lắng cho An An nên bảo Đình Hoa ngủ lại, để còn tiện bề chăm sóc. Đình Phương lên lầu, sợ mùi bệnh tật khắp người sẽ lây sang Huệ Mẫn, bèn đi tắm rửa, thay quần áo ngủ xong mới dám vào phòng. Huệ Mẫn dường như chưa hề chợp mắt, nhưng cũng chẳng nói gì với Đình Phương.

Đình Phương nằm thiêm thiếp, chưa đầy năm phút đã ngủ mất. Huệ Mẫn mở mắt. Ánh trăng bên ngoài cửa sổ hắt vào trong. Trăng mười chín là trăng khuyết, nhưng hãy còn rực sáng vẹn nguyên.

Chủ nhiệm Lê – bác sĩ chuyên khoa đường ruột trẻ em nói với Đình Phương rằng, triệu chứng của Phùng Sinh có thể là do dị ứng đạm sữa bò (CMPA) gây ra, nên đổi sang sữa bột đạm thủy phân thử xem thế nào. Đình Phương thấy mừng vì anh đã không mua quá nhiều sữa bột cùng một lúc cho Phùng Sinh, tan ca đêm xong thì xách theo một hộp sữa bột đạm thủy phân đến phố Nha Hương. Hơn mười một giờ trưa, Trần Tắc ngồi trên ghế đá trước cửa, tay ôm Phùng Sinh ngủ gà ngủ gật. Phùng Sinh ngủ ngoan trong vòng tay hắn, thế nhưng trên mặt còn vương lại vệt nước mắt. Dường như vì khóc quá nhiều mà hai má đỏ ửng cả lên, còn có dấu hiệu bị nẻ da.

Đình Phương nhìn mà trong lòng vô cùng áy náy. Anh bận rộn suốt ba bốn ngày liền, người lớn trẻ nhỏ cũng phải chịu vạ lây từng ấy thời gian. Trông bộ dạng Trần Tắc còn tiều tụy hơn cả bác sĩ ca đêm là anh. Thế nhưng Trần Tắc chẳng than phiền gì. Hắn chưa từng nói ra mấy câu kiểu như chăm trẻ con thật vất vả. Nếu Đình Phương không hỏi, hắn cũng chẳng nói với anh rằng hễ đến đêm là Phùng Sinh sẽ quấy khóc.

Đình Phương chợt nhớ đến lời Huệ Mẫn. Góa vợ, góa chồng, mồ côi, độc thân, tàn tật. Trần Tắc mồ côi lại đơn độc một mình, giờ đã có Phùng Sinh ở bên, khi về già phải chăng sẽ không còn cô đơn nữa?

Nắng rải rác trước hiên nhà, người lớn tay ôm đứa nhỏ ngồi ngủ ngon lành. Tóc của Trần Tắc không phải đen tuyền mà hơi ngả sang màu nâu sẫm. Dưới ánh nắng dường như trở nên trong suốt, còn phát sáng nữa. Đình Phương đặt hộp sữa sang bên, không kiềm được đưa tay sờ lên mái tóc của “thần tiên”.

Liệu có được hưởng ké chút khí tiên nào không nhỉ?

Trần Tắc bị sờ giật mình tỉnh dậy. Hắn chậm chạp ngẩng đầu, có hơi ngạc nhiên nhìn Đình Phương. Đình Phương rụt tay lại, chỉ vào hộp sữa nói với hắn: “Đổi sang loại này thử xem, bác sĩ bảo có thể là do bị dị ứng với sữa bột.”

“Vậy thì thử xem sao”. Trần Tắc mới vừa nhúc nhích, Phùng Sinh liền tỉnh giấc, ú ớ kêu mấy tiếng, nghe có vẻ không vui. Tầm một phút sau thì bắt đầu khóc lớn.

Đình Phương bế Phùng Sinh qua, đi đi lại lại dỗ dành, từ từ rồi đứa bé mới chịu nín. Trần Tắc vào trong cửa hàng lấy bộ dụng cụ thưởng trà, định pha trà mời Đình Phương, nhưng anh lại bảo: “Không cần đâu, tôi đưa con bé đi tản bộ chút.”

Trần Tắc đóng cửa hàng, Đình Phương lấy làm lạ nhìn hắn.

“Cùng đi đi.”

“Anh không phải trông tiệm à?”

“Đâu có làm ăn gì nhiều.” Trần Tắc lười biếng đáp.

“Ban ngày đóng cửa có vẻ không ổn cho lắm?”

Đình Phương nghe nói tiệm bói toán này chưa từng đóng cửa ban ngày, ngoại trừ dịp tết. Còn có cả lần trước bị A Ba lôi đi giam lỏng trong bệnh viện nữa, mà khi đó cũng đúng vào dịp tết.

“Có gì đâu mà không ổn, cũng chẳng có việc gì gấp.”

Trần Tắc là người vùng khác nhưng cũng biết nói tiếng Quảng, còn cụ thể hắn từ đâu đến thì không ai rõ. Hai mươi năm trước, hắn đến đây nương nhờ người thân duy nhất, cậu của hắn, cũng chính là chủ cũ của cửa hàng bạch mộc hương. Người cậu đó hình như cũng một thân một mình, không kết hôn, không con cái, lặng lẽ mở cửa hàng buôn bán ở phố Nha Hương suốt hơn hai mươi năm, bán mấy loại trầm hương thông thường, gắng gượng sống qua ngày. Còn Trần Tắc khoảng tầm mười lăm mười sáu tuổi gì đấy thì đến đây. Cuộc sống trước đó ra sao chẳng ai biết, chỉ biết hắn đến ở chưa đầy năm năm thì cậu của hắn qua đời. Suốt mười mấy năm, cửa hàng bạch mộc hương vẫn chẳng có gì thay đổi. Sáng tám rưỡi mở cửa đến năm giờ chiều, hiu hắt tĩnh lặng. Thế nhưng khách tìm đến cửa giờ đã không còn như lúc trước nữa.

Đình Phương và Trần Tắc hiếm khi nói với nhau chuyện gì ngoài những thứ liên quan đến Phùng Sinh. Đình Phương cảm thấy như thế không thoải mái. Mặc dù Trần Tắc bảo rằng hắn lấy giá coi bói rất cao, không bao giờ xem miễn phí cho ai. Thế nhưng Đình Phương cũng nhận ra, bản thân anh hình như cũng từng nói sẽ không khám bệnh miễn phí giúp ai, nhưng rồi lại thường xuyên bị bắt phải cung cấp các loại dịch vụ tư vấn không thu phí khác nhau.

Phải rồi. Lúc An An làm lễ đăng tửu, mấy thứ mê tín linh tinh mà mẹ và Đình Hoa đến phố Nha Hương hỏi xin về kia, không phải đều miễn phí cả đấy chứ?

Trần Tắc cũng không nhiều lời. Với hắn, tản bộ chính là tản bộ đúng nghĩa đen. Chân đi, miệng không nói. Còn bí mật giấu kín trong lòng Đình Phương lại khiến anh trở nên lơ đễnh.

Bọn họ người trước kẻ sau đi đến cuối phố Nha Hương. Đình Phương nhìn bé gái anh đang bế trong tay, mắt nhắm mắt mở, cái miệng nhỏ chu chu, đột nhiên hỏi Trần Tắc: “Số Phùng Sinh có tốt không?”

Trần Tắc dừng bước. Hai ngày nay tiết trời đã ấm dần lên, mặt trời cũng ló dạng. Qua được đợt không khí lạnh này có lẽ sẽ không còn rét nữa, mà mùa nồm ẩm khiến con người ta phải rầu rĩ kia hẳn cũng sắp đến rồi.

Đình Phương quay đầu lại nhìn hắn, không biết hắn đang nghĩ gì mà không trả lời câu hỏi của mình.

Lát sau, Trần Tắc hỏi anh: “Anh có tin không?”

Câu nói này dường như giống với câu Đình Phương hay hỏi người khác: “Anh tin tôi có thể chữa khỏi bệnh cho anh không?”

Đình Phương thật không biết nên gật đầu hay lắc đầu nữa.

“Nếu không tin, hỏi cũng vô ích. Nếu đã tin, không hỏi cũng vậy.”

“Tôi tin sáu phần.”

Trần Tắc cười đáp: “Tôi bói không chuẩn.”

Đình Phương nhớ Trần Tắc từng nói không bói chuẩn được cho anh, bèn hỏi lại: “Những người anh không bói chuẩn được thường là người thế nào?”

Trần Tắc chỉ cười không đáp.