Phù Đồ Tháp

Chương 17: Khổ nạn song



Cửa cung nằm giữa hai ngọn núi, từ cầu Thất Củng đi xuống còn phải qua một đoạn thần đạo dài, đi bộ thêm một khắc mới đến.

Đồng Vân đỡ Âm Lâu bước ra ngạch cửa, một chiếc xe ngựa sơn đen đang đứng chờ dưới những bậc thang cẩm thạch trắng, trước xe treo một cái đèn, ánh đèn mơ hồ trong đêm tối, chỉ soi tỏ một người mặc áo xanh đang ngồi đợi trước xe. Hẳn Tiêu Đạc không muốn ầm ĩ, cho nên chỉ mang theo duy nhất một người hầu đánh xe.

Hắn cầm đèn đi trước, quay lại thấp giọng dặn dò: “Bậc thang cao, cẩn thận kẻo ngã.”

Âm Lâu nâng váy đi phía sau hắn, rốt cuộc hắn đã quen hầu hạ người khác, không phải lo lắng chính mình. Hắn đi chậm lại, tuy không tới đỡ nàng, nhưng vẫn cẩn thận coi chừng. Đến trước cửa xe, hắn nâng mành lên, hiền hòa nói: “Trên người mặc áo tang, không khỏi khiến người ta chú ý. Thần đã chuẩn bị y phục mới ở trong xe cho nương nương, nương nương thay xong chúng ta sẽ đi.”

Âm Lâu nói cảm ơn, bước vào trong xe. Khoang xe rộng rãi, nương theo ánh đèn, nàng nhìn thấy một bộ xiêm y chỉnh tề đặt đó, áo ngoài màu mật điểm xuyết tơ vàng, bên dưới là chiếc váy mã diện màu xanh. Đồng Vân hầu hạ nàng thay áo, lại tháo búi tóc tang trên xuống, vì cây trâm làm bằng gỗ hoàng dương cài quá chặt, mất rất nhiều sức mới tháo xuống được, không khỏi mắng thầm: “Cuối cùng cũng được cởi thứ áo đen đủi này. Từ nay chúng ta sẽ không dính dáng đến chuyện trong cung nữa, sống khoan khoái ngày nào thì hay ngày ấy. Chủ tử chỉ mới tiến cung một tháng, còn em có lẽ đã 8 năm chưa rời Từ Cấm Thành rồi. Em bảy tuổi ứng tuyển cung nữ, ban đầu được đưa tới Thượng Cung Cục, bởi vì không lanh lợi nên phải đi vẩy nước quét nhà hai năm. Sau này phân công chủ tử, đông một người tây một người, rốt cuộc cũng từng hầu hạ mười vị. Em nói chủ tử nghe, những chủ tử em đi theo đều được phong quý nhân phong tần, nhưng lại chẳng có lấy một người xem trọng em, chỉ cho em làm việc cầm đèn châm dầu suốt đêm. Em còn nghĩ có lẽ cả đời này sẽ vĩnh viễn vùi lại nơi đây, không ngờ gặp được chủ tử, lại còn được cùng chủ tử xuất cung, đúng là vận khí đổi thay. Đợi sau này chủ tử phát tài rồi, ngàn vạn lần đừng giống như những vị kia nhé, cả tấm lòng em đều đặt hết lên người chủ tử rồi đó!”

Âm Lâu cũng rất khoan khoái, vui vẻ trêu ghẹo nàng: “Các nàng không thích em là phải rồi, đâu thể trách các nàng được, ai bảo em là cái đồ hay nói nhảm! Nhưng phúc khí em cũng không tồi, đi theo chủ tử ta, cho dù tương lai không phát tài thì cũng không lo bị đói. Em không nghe Tiêu hán thần nói sao, hắn đều lo được hết!”

Đồng Vân muôn vàn cảm thán: “Nhất định là Tiêu Chưởng ấn rất giàu!”

Lý tưởng sống của nàng chỉ gói gọn trong chuyện không bị đói, cũng không thể trách nàng, sống trong cung chính là như vậy. Khi mới kiến quốc, Hoàng cung của Đại Nghiệp cũng không lớn tới vậy, sau này dời đô mới xây nên Tử Cấm Thành huy hoàng. Cung điện quá rộng lớn, số lượng cung nhân cần thiết cũng tăng lên theo, cứ ba năm lại tuyển cung nữ một lần, chỉ có vào chứ không có ra, dần dần chồng chất từng lớp bế tắc. Khắp Tử Cấm Thành mấy vạn cung nhân, để ý một chút là sẽ nghe thấy tin tức điện này sở kia có người chết đói. Đương nhiên cung điện các phi tần sẽ không xảy ra những chuyện này. Cũng chỉ có những người luôn phải phục tùng người khác như các nàng mới phải lo lắng kế sinh nhai.

Hai người đều đã yên vị trong xe, Đồng Vân bò lại dựa lên người nàng: “Chủ tử, khi nào chúng ta lại hồi cung?”

Âm Lâu mông lung nhìn lên nóc xe: “Sao thế? Mới thoát ra lại muốn trở về?”

Đồng Vân lắc đầu: “Chúng ta phải tính kế cho tốt, nếu phải hồi cung, Hoàng Thượng sẽ an bài chủ tử như thế nào? Nếu nhất định phải trở về, chẳng phải chủ tử sẽ phải đến Thọ An Cung sống với cái danh Thái phi suốt đời sao? Đến lúc đó hàng xóm của chúng ta không còn là Quan Lão Gia, là Vinh An Hoàng Hậu đó.” Thấy vẻ mặt nàng vẫn mê mang, Đồng Vân nghĩ mình càng phải làm rõ vấn đề này: “Chủ tử nói xem trong hậu cung ai là người quyền lực nhất?”

Âm Lâu cân nhắc: “Hoàng Thượng?”

“Hoàng Thượng quản triều chính, hậu cung là việc nhà, người ta chỉ cần tận hưởng lạc thú, chắc gì đã để tâm mấy chuyện cỏn con.”

“Vậy thì là Hoàng Hậu.” Nàng tự tin nói: “Chuyện nước cũng giống chuyện nhà, Hoàng Hậu là mẫu nghi thiên hạ, là nội đương gia.”

Đồng Vân chậm rãi gật đầu: “Lời thì là vậy, nhưng Hoàng Hậu cũng có người nọ người kia, có người thì hô mưa gọi gió, có người thì mặt xám mày tro.” Nàng vẫn trưng ra vẻ mờ mịt, rốt cuộc Đồng Vân không kiên nhẫn được nữa, con người nàng khi thì thanh tỉnh khi lại hồ đồ, cho dù nàng ngốc, những thời điểm quan trọng nàng vẫn khôn ra.

Đồng Vân đành ghé vào tai nàng nói nhỏ: “Em nói chủ tử nghe, dù sao chủ tử cũng phải đi theo Hoàng Thượng, nhưng chúng ta sao có thể không tính tới chuyện giữ gìn thể diện được? Mẹ hai với con dâu, chúng ta từ thái lăng trở về, sẽ không thể nào tấn phong được. Trước mắt chủ tử phải nịnh bợ vị bên ngoài kia đã, ngày trước Tiêu chưởng ấn dựa vào Vinh An Hoàng Hậu mà lập nghiệp, không thể làm gì được nàng ta. Nhưng nay căn cơ hắn đã được củng cố, Tân Hoàng Hậu không thể không nể mặt hắn ba phần. Chủ tử dùng thủ đoạn ôm chặt chân hắn, nếu có thể khiến hắn nhìn chủ tử bằng con mắt khác, sau này trong cung sẽ không còn ai dám gây khó dễ choa chúng ta. Đừng nói là ăn sung mặc sướng, có đi ngang qua trước mặt cũng chẳng ai dám nói gì. Chủ tử nghĩ mà xem, tất cả mọi người ngồi cùng một bàn tiệc, con cua được chia cho chủ tử lại to hơn của những người khác, có phải là rất vui sướng không?”

Âm Lâu vốn là kiểu người tản mạn thích ra sao thì ra, nhưng tình hình trước mắt cấp bách, có thể thấy lời của Đồng Vân chính là những lời vàng ngọc. Nàng gật đầu không ngừng: “Ta hiểu ý em rồi, nhưng những việc ta biết làm không nhiều. Nấu ăn thì không được, ta chỉ biết ăn thôi. Thơ từ ca phú thì ta cũng biết một chút, nhưng người ta hẳn là rất bận rộn, lấy đâu ra thời gian mà thưởng nguyệt ngâm thơ. Hay là đẩy bài cửu(*)? Khi còn ở nhà ta vẫn thường chơi, lần nào cũng đại sát tám phương, tạm coi là có tay nghề.”

(*) Bài cửu (Pai Gow): còn gọi là Domino Trung Hoa, xuất hiện từ đời Tống

Đồng Vân không nhịn được mà thở dài: “Chủ tử không còn sở trường gì sao? Ngoại trừ bài bạc ra, chẳng nhẽ đến nữ công công gia chánh cũng không?”

Nàng lúng túng đáp: “Ta cũng biết may vá, nhưng mà ta làm rất tốn thời gian. Đã thế tay áo cổ áo hắn nạm vàng nạm bạc, thêu chim loan thêu kim mãng, em bảo ta phải may đến bao giờ?”

Quả thực quá tốn thời gian, có khi đến lúc hồi cung rồi vẫn còn chưa thêu xong, chẳng phải mọi công sức đều đổ sông đổ bể sao. Đồng Vân không biết nói sao cho phải, thực ra hoạn quan những đời trước đều bị quản thúc rất nghiêm ngặt, nhưng trong những đời vua gần đây, bởi vì quyền lực của Tư Lễ Giám, Ngự Mã Giám càng ngày càng lớn, đám thái giám dần dần ương ngạnh hơn, thậm chí còn xảy ra chuyện thái giám trong cung cướp vợ người khác. Cả hai người đều phải nể nang lẫn nhau, không ai thua kém ai, vậy mới là sự bảo đảm vững chắc nhất… Thôi bỏ đi, dù sao cũng là thuộc hạ, thuộc hạ mà xúi giục chủ tử làm chuyện xấu quả thật không hay. Thuyền vào bến ắt sẽ thẳng, cả hai dựa dẫm vào nhau, đâu sẽ có đó.

Thái lăng cách kinh thành 30 dặm, đường đêm khó đi, đi rất chậm. Bánh xe kêu lộc cộc trên đường, thi thoảng gặp hòn đá to lại nảy lên thật mạnh. Âm Lâu không thể ngồi yên, đành mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Trăng đã lên cao, Tiêu Đạc giục ngựa đi đằng trước, dáng ngồi hắn thẳng tắp như cây tùng. Nàng dựa bên cửa sổ nhìn một hồi, cảnh đẹp ý vui trước mắt khiến tim nàng thoáng bàng hoàng.

“Hán thần,” nàng gọi hắn, thanh âm thâm thấp, e sợ phá hỏng bầu không khí yên bình kia, “Đêm nay chúng ta có kịp vào thành không?”

Tiêu Đạc thả cương đi chậm lại, song hành với thân xe, tầm mắt vừa vặn ngang với mặt nàng, bình đạm nói: “Nếu cứ đi như hiện tại, hừng đông chúng ta sẽ đến nơi. Chỉ là khiến nương nương chịu khổ, đi đường đêm không giống như ban ngày, sẽ tốn sức hơn một chút. Nếu nương nương mệt mỏi thì cứ chợp mắt, hai ba canh giờ nữa là đến rồi.”

“Sáng sớm mai ngài vẫn phải tiến cung sao? Một đêm không ngủ, quá vất vả cho ngài.”

Tựa như có cơn hoảng hốt thoáng qua, nhìn mặt hắn cũng chẳng ra thần sắc gì, chỉ nói: “Không vất vả, thần đây là sống nhờ bổng lộc của Hoàng Thượng. Dạo này Hoàng Thượng bận rộn, chưa có thời gian quan tâm nương nương, mong nương nương đừng sốt ruột, cứ yên ổn ở trong phủ thần. Chờ hai ba tháng nữa, khi thời cơ đến, thần sẽ nhắc nhở Hoàng Thượng, chuyện nương nương tiến cung nháy mắt là xong.”

Nàng đâu muốn tiến cung, ngập ngừng định nói, rốt cuộc vẫn không thể thốt ra.

Hắn vội vàng thoáng nhìn biểu cảm của nàng, ánh trăng nhàn nhạt bao trùm ngũ quan tinh xảo, không biết lời hắn vừa nói có đọng lại trong đầu nàng được tí nào không. Trông nàng dường như không mong đợi gì chuyện tiến cung, hắn thử hỏi: “Nương nương có tâm sự, không ngại giãi bày với thần xem sao, tuy thần năng lực có hạn, nhưng biết đâu có thể giúp đỡ nương nương.”

Nàng cười, lắc đầu: “Hán thần đã giúp ta mấy lần, nay ta lại tới quấy rầy phủ ngài, lòng ta băn khoăn, không biết phải làm sao mới bớt được phiền toái cho ngài. Chuyện tiến cung đã không còn gì bàn cãi, nếu như bình tĩnh xem xét, ta thấy cũng không có gì phải vội. Hán thần không cần góp lời cho Vạn Tuế Gia đâu, ta nghĩ…” Nàng cau mày trầm ngâm, “Nếu Vạn Tuế Gia nhớ ra, đó là tốt nhất; nếu không nhớ đến, ta có thể mai danh ẩn tích tự mình mưu sinh, cũng không có gì quan trọng.”

Tiêu Đạc minh bạch trong lòng, câu “nhớ ra là tốt nhất” của nàng chỉ là lấp liếm ngoài mặt, trong lòng nàng nhất định là nghiêng về vế sau. Hắn không khỏi bật cười, một nữ nhân muốn tự mưu sinh, dựa vào cái gì mà sống sót?

“Phố phường hung hiểm không kém gì trong cung, nếu thật sự thả nương nương đi, chỉ e còn chẳng có đất cắm dùi.” Gió cát thổi tới, hắn hơi nheo mắt lại, uyển chuyển cười nói: “Hơn nữa nương nương còn luôn miệng nói muốn báo ơn thần, nếu cứ như vậy mà đi, thần biết phải đòi nợ thế nào? Thần vẫn đang chờ nương nương nhất minh kinh nhân(*), sau này dìu dắt thần trên con đường làm quan đây! Đã tới nước này rồi, buông tay chẳng phải rất đáng tiếc sao? Nương nương không hiểu, nương nương sinh ra trong phú hộ, không nhìn thấu khổ đau ngoài kia, thần lớn hơn nương nương vài tuổi, từng phải trải qua nạn đói, cả đời này không thể nào quên.”

(*) Nhất minh kinh nhân: Bình thường không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng một khi đã làm thì sẽ đạt được thành tích khiến người người kinh ngạc.

Âm Lâu tò mò, gặng hỏi hắn: “Hán thần hiểu biết nhiều, không ngại nói cho ta nghe một chút?”

Hắn trầm ngâm, phảng phất như vết thương cũ hé miệng, xương sườn nhói đau, một hồi lâu sau mới bắt đầu nói: “Năm Thiên Hữu thứ 8, quê nhà thần gặp nạn châu chấu, khi đó thần mới 10 tuổi, trong một đêm hoa màu đều bị ăn sạch, mặt đất trơ trọi, người người khóc không ra tiếng. Tất cả đều trắng tay, nhưng địa tô thì vẫn phải nộp, chuyện này vẫn chưa đáng nói, quan trọng là cả nhà đều thiếu ăn. Châu chấu càn quét đến đâu, nơi đó liền trơ trọi đến nỗi vỏ cây cũng bị gặm trắng, dân chúng chẳng kiếm ra nổi một hạt gạo, ai cũng đói đến váng đầu hoa mắt. Nương nương có biết cơm châu chấu có vị gì không? Nướng lên ăn, luộc lên ăn, hầm lên ăn…ăn nhiều đến nỗi nhìn thôi đã cảm thấy buồn nôn, dạ dày quặn thắt. Nhưng chẳng còn cách nào, nôn ra cũng phải ăn, không ăn thì không sống nổi. Sau này cha mẹ thần đều lần lượt chết hết, khi đó thần cùng huynh đệ vào kinh làm ăn xin bên đường.”

Âm Lâu nghe hắn kể mà sửng sốt, không ngờ hắn lại có xuất thân đau khổ tới vậy. Cơm châu chấu ư, chỉ nghe hắn miêu tả thôi đã khiến lông tóc người ta muốn dựng đứng. Nàng không thể tưởng tượng nổi một người ung dung như hắn lại phải cúi đầu ăn côn trùng. Nàng nuốt nước bọt, miễn cưỡng nói: “Hèn chi ngày đó ta hỏi chuyện trong phủ, ngài nói đều không còn nữa! Hán thần rời xa quê như vậy, ngày sau sẽ phải lo liệu thế nào?”

Lo liệu thế nào ư? Ai ai cũng than hắn quyền thế ngập trời, lại không ai thấu khổ ải hắn từng chịu. Cũng không biết tại sao, hôm nay hắn lại có tâm trạng nói chuyện cùng nàng, ai cũng có nhu cầu tâm sự, hắn cũng thế. Chỉ là ngày thường hắn lạnh như cục sắt, hôm nay bị nứt một vết, những thứ chồng chất bao lâu đều tuôn ra như Hoàng Hà vỡ đê.

Tiền tài hạnh phúc không tiện khoe ra, nhưng khổ đau thì chẳng việc gì phải giấu giếm. Hắn hơi ngẩng đầu, ánh trăng chiếu sáng kim quan trên tóc, hắn lẩm bẩm nói, giọng đều đều chẳng buồn chẳng vui: “Khi ấy huynh đệ thần không thân không thích, chỉ còn nước đi làm ăn mày, bám theo dòng người tị nạn phiêu bạt tứ phương. Ban ngày thì đi gõ bát khắp nơi xin ăn, ban đêm thì chui vào một cái hẻm nào đấy ngủ tạm, có một manh chiếu che đầu đã thấy thật thỏa mãn. Cứ lưu lạc như vậy hai năm, có một ngày ở đầu phố xuất hiện một thái giám đi lựa trẻ con, nói muốn mua chúng thần…” Hắn nhẹ nhàng cười, tựa hồ chẳng chút oán giận, việc tịnh thân chỉ như vệt nước thoáng qua, chẳng mấy chốc đều bay hơi sạch. “Tuy vào cung bị người ta khi dễ, nhưng rốt cuộc vẫn tốt hơn so với bên ngoài. Đã làm thái giám, lúc nào cũng phải thật cẩn trọng. Một đám người sau này đều đã chết gần hết, chỉ còn mình thần lảo đảo bò lên được vị trí này…Bởi vì sao? Bởi vì thần chịu dụng tâm hơn những người khác. Càn Thanh Cung, Dưỡng Tâm Điện, thần quỳ rạp trên nền gạch vàng, viên nào rỗng, viên nào đầy, thần đều biết.”

Một người luôn cẩn thận nhạy bén, hôm nay bỗng dưng thao thao bất tuyệt, đến tên tùy tùng đánh xe cũng thấy kinh ngạc. Hắn vẫn thản nhiên như không, quay sang nói với nàng: “Thần dông dài nửa ngày, cũng là muốn nương nương nhìn cho rõ, bên ngoài không dễ sống chút nào đâu. Người từng nếm phú quý khó mà chịu nổi nghèo đói, sống trong cung mới là lựa chọn tốt nhất.”

Âm Lâu chỉ biết ngây ngốc gật đầu, không nhớ nổi hắn đã khuyên nhủ những gì, cứ chìm đắm mãi trong câu chuyện của hắn. Dẫu tác phong của hắn bị bao người lên án, nghe qua những khổ ải kia, nàng cảm thấy hắn cũng đáng được cảm thông.