Nghe thấy vậy, thầy Lương quay mặt nhìn ra bên ngoài cửa quán. Đứng nép bên ngoài là một người đàn ông ăn mặc rách rưới, tóc tai rũ rượi, người ngợm bẩn thỉu. Chắc có lẽ người này là ăn xin, nhưng hình như có gì đó không đúng, thầy Lương nhận thấy người này không được bình thường. Mặc dù bị con chủ quán cầm cả chổi chạy ra khua khoắng đuổi đi nhưng người đàn ông kia vẫn cứ đứng đó cười hềnh hệch.
Bỗng chủ quán cơm quát lớn :
-- Dừng lại ngay, đừng đuổi nó.....Nói mày mấy lần mà mày không chịu hiểu à.
Cậu con trai chủ quán có phần bực tức nhưng không dám cãi lời bố. Kẻ ăn mày kia vẫn đứng bên mép cửa hướng đôi mắt ngây dại nhìn vào bên trong. Lát sau, chủ quán cơm đi từ trong bếp ra, trên tay ông ta là một tô cơm có cả rau lẫn thịt. Đi ra phía cửa, chủ quán đưa tô cơm cho kẻ ăn mày, không chỉ vậy, ông ta còn lấy một cái ghế rồi chỉ tay vào ghế rồi nói : -- Ngồi đây mà ăn, ăn từ từ thôi không nghẹn.
Chẳng biết kẻ ăn mày kia có hiểu hay không, nhưng vừa nhận được bát cơm, gã bỏ luôn đũa rồi dùng tay bốc lấy bốc để cho vào mồm nhai nhồm nhoàm. Chủ quán khẽ lắc đầu thở dài, ông ta rót cho gã ăn mày một cốc nước rồi đặt xuống dưới đất ngay chỗ gã ngồi, đi vào bên trong, cậu con trai chủ quán càu nhàu :
-- Đấy, bố nhìn xem, nó ăn uống bẩn thỉu thế kia. Khách người ta đi qua thấy sao ai dám vào. Ngày nào cũng cho nó ăn nên nó mới quen thân mò đến. Bảo đánh cho một trận, nó sợ là sau nó tự khắc biến khỏi đây.
Chủ quán cơm cau mày :
-- Ranh con, ở đây tao là chủ hay mày là chủ. Đi vào trong rửa bát, không nói nhiều. Dân ở đây người ta cũng quen nó rồi, có gì mà sợ.
Thầy Lương chứng kiến từ đầu, thấy chủ quán có phần lương thiện, lại đôn hậu, thầy Lương nói : -- Bác chủ quả là người có lòng tốt, nhưng tôi thấy người ăn mày kia có gì đó hơi lạ.
Chủ quán cơm nghe vậy thì trả lời luôn, kéo ghế ngồi xuống, rót thêm nước chè cho thầy Lương, ông ta chép miệng :
-- Khổ tội giời, ngày trước có bị thế đâu. Còn có vợ đàng hoàng nữa đấy, nhưng chẳng hiểu sao đi đâu một thời gian xong quay về. Lúc trở về thì điên điên dại dại, nhà cửa bán sạch để chữa bệnh, mà có khỏi đâu. Sau này vợ nó cũng bỏ đi, nghĩ cũng đúng thôi, nhìn nó thế kia có muốn trách người ta cũng khó. Từ đó đến nay nó lang thang như hồn ma vất vưởng. Tôi thấy tội nghiệp nên bán hàng, đồ ăn thừa của khách còn, tôi dồn lại, nó đến tôi lấy cho nó ăn. Khổ nỗi nó ăn bẩn, vương vãi, thằng con tôi phải dọn nên nó ghét. Nhưng thôi, đã cho nó ăn hơn 1 năm nay rồi, giờ mà đánh đuổi nó nghĩ phải tội chết. Đúng là đời người, chẳng biết thế nào mà lường. Vậy nên tôi cứ dạy thằng con tôi phải sống có tâm một chút, ấy mà trẻ con nông nổi, chúng nó có hiểu đâu cơ chứ. Thầy Lương hỏi tiếp :
-- Nhưng sao một người đang bình thường lại trở nên điên dại, bác chủ có biết nguyên nhân vì sao không...? Chẳng giấu gì bác, tôi cũng biết chút nghề thuốc, không biết chừng có khi tôi lại giúp được gì đó.
Chủ quán cơm lắc đầu :
-- Tôi cũng nào có biết đâu, lúc nó quay về đây đã bị điên rồi. Sau này người ta đồn là nó cùng vài người nữa đi vào rừng đào vàng, đãi bạc gì đó. Người ta bảo bị thần rừng quở phạt, khiến cho điên loạn......Rồi có người thì lại bảo bị bỏ bùa mê, cho uống thuốc lú nên mới thành ra thế. Mỗi người nói một kiểu, đến vợ nó còn không biết nó bị làm sao thì tôi cũng chịu. Nhưng tôi nhớ có một lần, đó là hồi vợ nó còn sống với nó, cô ta có đến đây mua cơm. Khi tôi hỏi về bệnh tình của chồng, cô ta nói thi thoảng khi vào ban đêm, nó như biến thành con người khác. Cứ ôm mặt khóc lóc, gọi bố ơi, mẹ ơi rồi cả con ơi nữa. Vợ nó bảo nó gọi bố mẹ mà toàn đọc tên ai chứ không phải tên bố mẹ nó, bố mẹ nó cũng mất lâu rồi. Còn gọi cả con, mà hai vợ chồng nó đã làm gì có con đâu. Mỗi lúc như thế vợ nó sợ đến kinh hồn bạt vía, thế nên nhiều người chửi con vợ bạc bẽo, chồng bị điên đã vội bỏ đi. Nhưng tôi thì tôi lại nghĩ khác, vào tôi chắc tôi cũng chẳng dám ở cùng. Nhưng tôi nghĩ có khi nó bị bỏ bùa thật, bác chắc không biết chứ ở chỗ tôi có kể về chuyện bùa ngải chắc phải kể đến mấy ngày không hết. Thầy Lương im lặng không đáp, nãy giờ thầy Lương vẫn nhìn chăm chú vào người ăn mày đang dùng tay bốc cơm bên ngoài cửa.
Đúng lúc đó có khách đi vào, chủ quán vội đứng dậy mời chào, trước khi đi, chủ quán còn dặn dò thầy Lương :
-- Nãy tôi nói là thật đấy, bác không phải người ở đây nên phải cẩn thận. Đôi khi bị người khác bỏ bùa mà bản thân mình không biết được đâu. Dân ở đây tôi không nói, nhưng người nơi khác đến tốt nhất bác cứ đem theo trong người một vài nhánh tỏi.
Thầy Lương mỉm cười :
-- Cảm ơn bác chủ đã chỉ bảo, tôi sẽ chú ý cẩn thận. Giờ tôi phải đi đây, cảm ơn bác chủ đã chia sẻ câu chuyện. Chúc cho bác chủ luôn mạnh khỏe và công việc thuận lợi nhé.
Chủ quán cơm cũng cúi đầu cảm ơn rồi đưa tay tiễn thầy Lương. Bên ngoài cửa, người ăn mày kia cũng đã ăn xong tô cơm, uống hết cốc nước, để cốc với bát ngay tại vị trí, người ăn mày nhìn vào trong quán, miệng cười hềnh hệch rồi bỏ đi. Theo lời chỉ dẫn của chủ quán cơm, thầy Lương tìm được nơi nghỉ trọ cách đó không xa. Tối hôm đó, ngồi trong phòng đọc sách nhưng thầy Lương không thể nào tập trung nổi. Chẳng biết vì sao nhưng kể từ khi nhìn thấy gã ăn mày ở quán cơm chiều ngày hôm nay, có một cảm giác gì đó khiến thầy Lương bất an.
Trời chuyển dần về đêm, vừa lên giường thϊếp đi một lát thì thầy Lương đã phải giật mình tỉnh dậy. Mồ hôi mồ kê chảy ướt tấm áo, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt bần thần, thầy Lương thở dốc :
" Hộc...Hộc...Hộc "
-- Lại là giấc mơ đó, không chỉ vậy, lần này mọi thứ còn hiển hiện ra chân thật đến mức đáng sợ.
Run run đưa hai bàn tay lên trước mặt, thầy Lương rùng mình khi ông vừa nhìn thấy trên tay mình là một quả tim đang bị ăn dở, đôi bàn tay ông dính đầy máu tươi. Nhưng chỉ một khoảnh khắc sau đó, nhìn lại, thầy Lương không còn thấy gì cả. Trong đầu thầy Lương liên tiếp vang lên giọng nói của lão thầy mo độc ác :
Thầy Lương hét lên, thầy vùng dậy mở cửa phòng toan chạy ra ngoài, nhưng ngay khi cánh cửa được mở ra, bên ngoài đã có một người với hình thù rũ rượi, mái tóc dài xõa kín khuôn mặt chỉ để lộ duy nhất khuôn miệng. Người này cứ đứng đó bất động, bỗng đột nhiên, người này đưa hai tay lên mặt, khẽ vén phần tóc che kín sang hai bên, nhìn thẳng vào mắt thầy Lương, người này nhoẻn miệng cười rồi nói :
" Cho....tôi....xin...bát...cơm..."
Lúc này thầy Lương mới nhận ra, người đang đứng trước mặt mình chính là kẻ ăn mày thầy nhìn thấy ban chiều tại quán cơm.
Đôi mắt mở trừng trừng, ánh đèn dầu lập lòe ngay phía trước, trên mặt bàn là quyển sách vẫn đang mở dở dang. Thầy Lương khẽ ngồi dậy, từ nãy đến giờ, tất cả chỉ là mơ. Thầy Lương chưa từng lên giường đi ngủ, thầy đọc sách ở bàn rồi thϊếp đi lúc nào không hay. Một giấc mơ đan xen quá nhiều những điều đáng sợ, quá khứ đau thương đến cùng cực vẫn luôn đeo bám người đàn ông đã sống hết hai phần ba cuộc đời nhưng không được mấy ngày vui vẻ. Nhưng đêm nay, giấc mơ ấy còn có thêm một thứ gì đó khiến trái tim của thầy Lương đang phải đập nhanh. Thứ đó chính là hình ảnh của gã ăn mày ở quán cơm buổi chiều. Lúc này đã là quá 1h đêm, thầy Lương thu dọn lại đồ đạc, cho tất cả gọn gàng vào trong tay nải. Thổi tắt ngọn đèn dầu, thầy Lương đeo tay nải lên rồi trả phòng trong sự thắc mắc, hoài nghi của chủ quán trọ :
-- Sao bác lại trả phòng giờ này, bác có việc gì vội phải đi ngay hay sao...? Đã quá nửa đêm, để sáng mai hãy đi.
-- Cảm ơn bà chủ, nhưng tôi có việc phải đi ngay bây giờ. À mà tiện đây bà chủ cho tôi hỏi, tôi muốn tìm người này.
Nói rồi thầy Lương tả lại hình dáng, quần áo của người ăn mày thầy nhìn thấy chiều nay. Cũng phải một lúc sau, khi kể về hoàn cảnh giống như lời chủ quán cơm đã nói, bà chủ quán mới nhận ra, bà ta đáp :
-- À, thằng đó thì tôi biết......Bác đi đến đây thì chắc chắn phải đi qua một cái chợ cóc. Giờ bác quay lại cái chợ cóc đó, đi vào bên trong. Mấy lần tôi đi chợ thấy nó nằm co ro ngay trong góc chợ cạnh chỗ người ta đổ rác. Muốn tìm nó thì bác cứ đến đó.....Mà vội vã thế này bác là họ hàng xa của nó à....? Thầy Lương cảm ơn chủ quán trọ, ông nói :
-- Tôi cũng chỉ mới nhìn thấy anh ta một lần thôi. Cảm ơn bà chủ nhé, tôi đi đây.
Thầy Lương bước ra khỏi quán trọ, bên ngoài trời tối đen như hũ nút, không có lấy một bóng người. Cũng phải thôi, nếu không phải ma, không phải quỷ thì chẳng ai lại ra đường vào khoảng thời gian này cả.