Sau Khi Ta Trọng Sinh, Di Nương Cũng Không Cần Thể Diện Nữa

Chương 6



Chưa qua ba ngày mà đã không chịu nổi. Bà khóc lóc cầu xin quản trang gửi thư về Hầu phủ, nhưng đã bị người của ta chặn lại.

Ba ngày cũng chịu không nổi, nói gì đến “phong thái như hoa cúc”? Chỉ là giả bộ thanh cao mà thôi. Đã muốn giả, vậy thì phải giả đến cùng. Cuộc sống ấy ta đã phải chịu suốt mười ba năm đấy!

“Người mà ta nhờ các ngươi để mắt đến thế nào rồi?” Ta hỏi một tên tiểu đồng, người này do tổ mẫu sắp xếp hầu hạ ta, khế ước nắm trong tay ta, nên dù ta chỉ mới năm tuổi, hắn cũng không dám qua loa.

“Bẩm tiểu thư, sau khi bị Hầu phủ đuổi đi, hắn uống rượu rồi trượt ngã gãy chân, giờ chẳng đi đâu được nữa.”

Gãy chân sao? Làm gì có chuyện trùng hợp đến thế. Chỉ là bọn hạ nhân đoán được ý ta mà thôi. Ta thích kiểu người thông minh như vậy:

“Tốt lắm, đi lĩnh thưởng từ Lý ma ma. Nhân tiện, mang miếng ngọc bội này gửi đến trang viên.”

Cho bà ta chút ngọt ngào, không thì chưa qua vài ngày đã chec, chẳng phải dễ dàng cho bà ta quá sao?

Quả nhiên, Cố Nhu Gia sau khi nhận ngọc bội, cả người như được khai thông kinh mạch, thiếu niên ấy vẫn còn nhớ đến bà. Lập tức bà trở nên khôn ngoan hơn đôi chút, thậm chí còn vay bạc của hàng xóm, sai người lên trấn mua kim chỉ, định thêu khăn tay đem bán.

Hạ nhân không chỉ báo tin về, còn mua được một chiếc khăn tay bà thêu mang về cho ta xem. Thấy trên đó được thêu hoa tử đằng vừa tỉ mỉ vừa tinh xảo, trong lòng ta càng thêm căm hận.

Thấy không, bà vốn có khả năng mưu sinh, chỉ cần bà cùng chúng ta cố gắng, chịu dùng tay nghề thêu thùa để kiếm chút thu nhập phụ giúp gia đình, ta và Tâm Nhi đã không phải ngày ngày giặt đồ kiếm sống. Tâm Nhi đã không chec sớm và ta đã không phải gả cho một tên ngốc chịu khổ nhục.

Bà không biết nước sông mùa đông lạnh đến cỡ nào, không biết quần áo của dân làng khó giặt ra sao, càng không biết c.h.ó hoang cắn đau đến nhường nào. Không, có lẽ bà biết, nhưng vẫn thản nhiên hưởng thụ sự chăm sóc của chúng ta. Bà là đích nữ của nhà họ Cố, là người trong lòng của Hầu gia, tất nhiên bà là chim hoàng yến trên trời, sao phải hạ mình vì ai.

“Hừ, di nương có động lực sống là chuyện tốt, ngươi đi tìm người đặt một ngàn chiếc khăn tay dưới danh nghĩa người khác, nói là để làm quà Tết, rất gấp, nhất quyết không được chậm trễ.”

Di nương à, nữ nhi phải khéo léo tìm cách chuyển bạc cho người, chỉ mong người có thể đón Tết an lành, người phải cảm ơn ta nhiều lắm đấy.

Còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết, nếu muốn thêu xong một ngàn chiếc khăn tay, phải thức suốt cả ngày lẫn đêm, đôi mắt của bà chắc cũng phải chịu khổ không ít đấy.

Dựa vào việc thêu khăn tay, Cố Nhu Gia kiếm được không ít tiền, không chỉ sửa sang lại ngôi nhà mà còn mua được hai con gà để nuôi. Dọc theo hàng rào, bà còn trồng hoa tử đằng, đến mùa xuân nở rộ thật đẹp mắt.

“Ồ, cuộc sống cũng sung túc nhỉ.”

Trong thôn có nhiều tên lưu manh, mà một người phụ nữ cô độc như Cố Nhu Gia lại trở thành đối tượng chúng nhắm vào. Mỗi tháng chúng đều đến một lần, không đòi được tiền thì lấy đồ thế chấp. Vườn nhà bà vốn đã khó khăn lắm mới trang trí được, chẳng mấy chốc đã bị phá tan tành.

“Lần sau nếu chỉ có từng ấy tiền, thì không chỉ đơn giản là đập đồ đâu đấy.” Tên lưu manh vừa xoa má Cố Nhu Gia vừa cười nham hiểm, rồi nghênh ngang bỏ đi.

Một di nương mắc tội mà bị đưa đến đây, đã lâu chẳng có ai đến đón, có vẻ thật sự bị chủ nhân ruồng bỏ rồi. Nếu tình hình cứ thế kéo dài, không chừng còn…

“Đứng lại! Các ngươi là lũ cặn bã, ức hiếp một người phụ nữ yếu đuối thì ra thể thống gì? Mau trả tiền lại đây!”

Nghe thấy giọng nói, ánh mắt Cố Nhu Gia lóe lên tia hy vọng: “Dịch đại ca!”

“Ồ! Ngươi là ai? Chẳng lẽ là nhân tình của bà ta? Cũng chẳng ra làm sao, ha ha!”

“Ngươi… ngươi… đừng nói xằng bậy, mau trả lại tiền!” Dịch Cẩn Dương dù đã gãy chân nhưng vẫn giữ được vài phần võ công ngày trước, mặc dù chật vật, nhưng cuối cùng cũng đuổi được đám lưu manh:

“Tiểu thư, tiền của người đây.”

Dịch Cẩn Dương mình đầy thương tích, vẫn cười và trao lại tiền cho Cố Nhu Gia. Bà ta cảm thấy mùa xuân của mình đã đến, đến mức khi Tâm Nhi chec, bà ấy cũng chẳng khóc, lúc ngoại tổ phụ qua đời cũng không rơi nước mắt, nay chỉ vì thấy Dịch Cẩn Dương gãy chân mà lệ rơi đầm đìa: “Dịch đại ca, đều là do ta làm liên lụy đến huynh.”

“Không, là ta tình nguyện.”

Hai người vẫn cố tỏ ra dè chừng vì đây là chốn đông người, nói vài câu rồi Dịch Cẩn Dương bỏ đi. Nhưng cũng không đi xa, chỉ dựng một cái lều ở đầu thôn, trú ngụ tại đó.

Mọi người trong thôn đều biết Cố Nhu Gia là di nương của Hầu phủ, đến trang viên là để ăn năn hối cải. Nay lại xuất hiện một nam nhân hàng ngày giúp bà chẻ củi gánh nước, tuy không có cử chỉ thân mật, nhưng ánh mắt tình tứ của họ, ai cũng dễ dàng nhận ra mối quan hệ giữa họ không đơn giản.