Tấn Châu lắm núi non, nhiều ngọn nổi tiếng đã được văn nhân mặc khách đưa vào thơ họa. Xa xôi không kể đến, chỉ nói gần đây thì hai năm về trước, một trong Tứ nho thiên hạ là Phó Vị Phó Hi Như đã viếng thăm Tấn Châu sau khi từ quan. Lúc lên núi Lư, ông đã viết một câu thơ để lại rằng: “Sương dài tiễn khách hồi hương, tinh mơ khí núi đón đường sóng mây1.”
Vì được bao quanh bởi những rặng núi nên Tấn Châu chưa bao giờ là nơi thuận tiện cho việc xuất hành. Nửa năm trước, hoàng đế có ý định xây một con đường quan nối liền Thục Châu và Tấn Châu. Con đường này không hề dễ xây hơn ba con đường quan từ Thịnh Kinh lên miền Bắc năm xưa, thế nên quan bộ Công và thợ thủ công trong thiên hạ ùn ùn đổ về Tấn Châu, tất bật với việc làm đường, quyết tâm hoàn thiện trong vòng hai năm.
Ngoài thành phủ Tấn Châu, một cỗ xe ngựa chầm chậm lăn bánh trên lối nhỏ giữa núi. Lính thủ thành tiến tới kiểm tra, phu xe bèn đưa cho người ấy một vật. Trông thấy nó, người lính tái mặt, tức khắc quỳ xuống hành lễ. Có tiếng nói ôn hòa khoan thai cất lên từ trong xe: “Không cần đa lễ, vào thành được chưa?”
Người lính hết hồn, gật đầu lia lịa: “Kính mời ngài, kính mời ngài.”
Sau khi vào thành, xe ngựa đến nha môn phủ doãn ngay. Khoảng một lúc lâu sau, có chàng công tử tuấn tú mặc bào gấm xanh bước ra từ nha môn. Chàng dẫn theo thư đồng của riêng mình, cùng đi đến nơi phụ trách việc làm đường của bộ Công. Giữa chừng, họ tình cờ đi ngang qua Ngân khế trang Đại Tống ở Tấn Châu.
Đường Thận dừng bước, nhìn về tòa Ngân khế trang ấy.
Cậu thấy hai người đàn ông mặc áo vải thô đi từ trong đó ra, vừa cười vừa nói. Họ cầm trên tay giấy bạc được cấp bởi Ngân khế trang.
“Ngân khế trang đúng là tiện ghê, rút tiền đồng cũng thật dễ dàng. Giờ sau khi bán lương thực, tôi không phải mang hết xâu tiền nặng về thôn nữa mà gửi phần lớn vào Ngân khế trang. Khi nào cần thì tới rút là được.”
Hai người đó vừa trò chuyện vừa đi xa dần.
Phụng Bút đồng tử thấy Đường Thận chăm chú dõi theo hai người ấy. Theo hầu Đường Thận đã bao năm nay, Phụng Bút vô cùng hiểu suy nghĩ của Đường Thận. Nó nói: “Vương tướng công làm tốt quá. Công tử, chúng ta đến phủ thành nào cũng thấy Ngân khế trang Đại Tống. Hơn nửa năm trở lại đây, càng ngày càng có nhiều người dân bắt đầu sử dụng Ngân khế trang, ai cũng khen là tốt.”
Đường Thận: “Ngươi cảm thấy có tốt không?”
Phụng Bút: “Dĩ nhiên là tốt rồi.”
Đường Thận vừa cười vừa lắc đầu: “Chưa đủ đâu, đây không phải điều sư huynh muốn.”
“Ơ?”
Thư đồng Phụng Bút ngơ ngác gãi đầu. Nó chỉ là một thư đồng nhỏ nhoi, biết chút chữ nghĩa, làm sao mà hiểu những thứ này.
Kể từ đầu năm, Vương Trăn đã bận bịu lo việc Ngân khế trang Đại Tống. Chàng đi khắp ba mươi sáu châu trong suốt một năm qua. Trên từng châu phủ, Ngân khế trang Đại Tống dần dần mọc lên. Ban đầu, dân chúng hoàn toàn không hiểu gì về Ngân khế trang Đại Tống, không dám tùy tiện lại gần. Tuy nhiên, Vương Trăn không cần phải nhọc lòng vì việc ấy. Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hậu nghĩ ra một kế, anh ta ra lệnh cho Ngân khế trang phát tiền lương của bộ Binh vào cùng một ngày.
Bất kể nhà nào có người đi lính đều có thể đến Ngân khế trang Đại Tống nhận lương của người nhà. Chẳng sợ anh không lấy, chỉ sợ anh không dám vào thôi.
Chả mấy chốc, dân chúng cũng đón nhận nha môn kì lạ này; họ hiểu rằng đây thực sự là chốn “cửa quan” mà mọi người dân thường đều có thể đặt chân.
Thế là người dân bắt đầu gửi tiền vào Ngân khế trang Đại Tống, việc mà nhất định sẽ làm thế gia chao đảo.
Mặc dù vậy, tiền của dân chúng có nhiều đến mấy đi chăng nữa cũng không thể nhiều bằng các thế gia đại tộc được. Trên đời này, vào bất cứ lúc nào, chín mươi phần trăm của cải luôn tụ vào túi của nhóm nhỏ mười phần trăm. Những dòng tộc quyền thế không muốn thấy Ngân khế trang Đại Tống thành công, nhưng án mạng ty Độ Chi năm xưa không thể tái diễn được. Vì thế vào một ngày nọ, Tần Châu bỗng dưng có mấy nghìn người dân đến rút tiền ở Ngân khế trang cùng một lúc.
Ngân khế trang Đại Tống không phải là nhà kho đơn thuần để người dân bỏ tiền vào rồi giữ nguyên ở đó. Hiển nhiên tiền phải được vận hành luân chuyển, chỉ chừa một lượng đủ cho nhu cầu hàng ngày thôi.
Chuyện này vừa phát sinh, phủ doãn Tần Châu Phùng Nghiễm rầu bạc tóc, bởi về cơ bản, Ngân khế trang Đại Tống không bói đâu ra số tiền ấy ngay tức thì!
Thế là Tần Châu bỗng loạn to. Chuyện này ầm ĩ đến tận Thịnh Kinh, Triệu Phụ tức tối ném quyển tấu đó vào người Vương Trăn.
“Đây cũng là việc hay mà ngươi làm vì trẫm đấy hả?”
Do vậy, tháng trước, Vương Trăn phải đến Tần Châu chỉ để giải quyết sự việc này. Sau đó, chàng lại xuôi nam xuống phủ Kim Lăng, trở về Lang Gia Vương thị.
Đến lúc Vương Trăn rời nhà đã là chuyện của ba ngày sau.
Tứ lão gia nhà họ Vương Vương Tuệ tiễn chàng ra cổng. Nhìn dáng dấp như ngọn gió lành của cậu cháu trai, Vương Tuệ gượng cười, chắp tay nói: “Người ta làm quan toàn gom góp tiền cho gia đình, làm lợi cho gia đình, để người nhà cậy oai ngang ngược, còn con với nhị ca thì trái ngược hoàn toàn. Như thế này khác nào khoét rỗng gốc rễ thế gia!
Vương Trăn vái ông, giọng chàng dõng dạc như thấu suốt nghìn đời xưa nay: “Thuở còn tấm bé, tứ thúc thúc từng hỏi Phong rằng, vì sao Lang Gia Vương thị chúng ta có thể kéo dài suốt ba trăm năm, trường tồn cùng miền đất Thần Lục này, không ngày một suy tàn như họ Tạ.”
Vương Tuệ cười lớn: “Trên cõi đời này không có người khổng lồ nào đứng sừng sững mãi! Trông gió bỏ buồm, trụ cửa không mọt, đó chính là lời răn dạy của tổ tiên họ Vương chúng ta.”
Vương Trăn vái dài: “Đa tạ tứ thúc thúc.”
“Con nhé, và cả nhị ca nữa, đích thực là hai tên phá của ghê gớm nhất nhà họ Vương này suốt ba trăm năm qua!”
Ngoài miện thì trách vậy, nhưng gương mặt Vương Tuệ rạng rỡ nụ cười.
Vương Trăn làm gì đương nhiên Đường Thận không biết, nhưng cậu biết khát khao thực sự của chàng không phải tạo dựng một nơi “giúp người dân rút tiền, đổi tiền thuận lợi”, mà là “dùng giấy làm tiền”!
Nguyên nhân của nạn khan hiếm tiền của Đại Tống không nằm ngoài hai điều sau.
Thứ nhất, kim loại quý hiếm rất thưa thớt. Khi tài nguyên đã thiếu thốn thì không thể đúc nhiều tiền được.
Thứ hai, chính là sự lũng đoạn của thế gia đại tộc. Những dòng tộc quyền thế tàng trữ vàng bạc hàng loạt, về lâu về dài dẫn đến cảnh người giàu càng thêm giàu, kẻ nghèo càng thêm nghèo, tạo thành một vòng tuần hoàn ác tính.
Điều Vương Trăn muốn làm là thu hồi tiền tài từ tay thế gia đại tộc, tích lũy dần qua từng năm, mượn căn cơ sung túc ấy để làm dồi dào quốc khố. Chỉ khi đó, việc dùng giấy thay tiền mới tiến hành được. Người dân sẽ không chỉ biết đến tiền đồng mà sẽ còn quen thuộc hơn với tiền giấy của Ngân khế trang Đại Tống nữa.
Nhưng tất cả những điều ấy vẫn là con đường dài đằng đẵng.
Hôm nay Đường Thận thấy Ngân khế trang Đại tống ở Tấn Châu thì vừa mừng rỡ, vừa an tâm, nhưng cũng thấy Vương Trăn cực nhọc quá đỗi.
“Sư huynh vất vả thật!”
Thầm cảm khái một hồi, Đường Thận lại nghĩ: Mình cũng có nhàn hạ đâu?
Cậu cười một tiếng, không nói thêm nữa, đi đến bộ Công.
Tháng Chạp, Đường Thận về kinh. Thịnh Kinh khác với miền nam, nơi đây tuyết lớn đã bao trùm từ lâu. Mấy hôm nay chúng quan không vào triều vì bệnh đau đầu của Triệu Phụ tái phát. Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa đông giá lạnh là chứng đau đầu của Triệu Phụ thường xuyên phát tác. Những lúc nghiêm trọng, ông còn hôn mê bất tỉnh.
Chỉ có điều, không ai ngờ lần này bệnh tình lại dữ dội như thế.
Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân dẫn theo chín người đệ tử lên đài Đăng Tiên cầu phúc cho hoàng đế.
Mùng chín tháng chạp, từ Thịnh Kinh, ba con ngựa khỏe hướng về Cô Tô, Ký Châu và Lương Châu. Ba hoàng tử tiếp chỉ tại nhà, nghe xong đều choáng váng.
Điều đầu tiên ba hoàng tử nghĩ tới không phải là lo lắng cho an nguy long thể của Triệu Phụ, mà họ chợt ý thức rằng: chẳng lẽ, bọn họ sắp phải làm hoàng đế rồi ư?
Ba người về đến Thịnh Kinh, nhanh chóng hay tin hai người anh em khác của mình cũng đã trở lại.
Nếu là trước đây, tất nhiên bọn họ sẽ tự lo thân mình, toan tính sao cho mình thắng thế trong việc trở thành người nối ngôi. Thế nhưng, vụ đảo chính trong cung hai năm về trước đã khiến tất cả bọn họ sợ hãi. Họ vô cùng sợ rằng Triệu Phụ nổi hứng thêm lần nữa, sợ rằng đây lại là một âm mưu khác của vua cha mình.
Đến nay, bọn họ vẫn không biết toàn bộ chân tướng vụ cung biến tháng giêng hai năm trước, nhưng từ vụ việc đó, họ đã thấu hiểu một đạo lí…
Vị vua cha ấy của họ, đích thực là người cực kì máu lạnh vô tình!
Ba người vừa lo âu vừa khấp khởi mừng thầm. Lo lần này liệu có phải một âm mưu khác, lo hai người anh em của mình liệu có thành Thái tử, thậm chí là thành hoàng đế không? Còn khấp khởi mừng thầm vì… sao người lên ngôi hoàng đế lại không thể là mình chứ?
Thấm thoắt đã hai mươi ba ngày trôi qua. Ngày hai ba tháng chạp, tầm này năm ngoái trăm quan đã chuẩn bị nghỉ lễ. Tuy nhiên, vì năm nay hoàng đế bệnh nặng mê man, tất cả quần thần đều lên Đàn Trời cầu phúc cho nhà vua. Tuyết rơi ngày một lớn, thời tiết ngày một lạnh, vậy mà hoàng đế vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại. Rất nhiều viên quan lặng lẽ nhận ra, có lẽ hoàng đế không thể vượt qua mùa đông này.
Ngày hai bốn tháng chạp, đến phiên Đường Thận vào cung trực. Ngay cả khi Triệu Phụ bất tỉnh thì mỗi ngày điện Cần Chính vẫn cử một vị đại thần tam phẩm đến túc trực ngoài cung Phúc Ninh.
Đường Thận mặc áo bông dày dặn, đứng ngoài cung Phúc Ninh suốt cả một ngày.
Đại thái giám Quý Phúc tự tay bưng một bát canh nóng ra ngoài cửa cho Đường Thận: “Đường đại nhân vất vả quá, nhấp miếng canh nóng đi.”
Đường Thận nhanh nhẹn giơ hai tay nhận lấy: “Cảm ơn công công nhiều lắm.”
Quý Phúc nói: “Từ sáng sớm hôm nay tuyết đã bắt đầu rơi, tuyết rơi liên tục cả ngày, trời còn lạnh hơn hôm qua.”
Đường Thận: “Tình hình bệ hạ có khá hơn chút nào không?”
Mặt Quý Phúc đanh lại, lão khẽ lắc đầu với Đường Thận, ra hiệu bằng ánh mắt: Chớ có hỏi nữa.
Thế nghĩa là tình hình nguy ngập lắm rồi.
Đường Thận lặng người đi. Ban đầu cậu còn phỏng đoán xem lần này Triệu Phụ ốm thật hay ốm giả, nhưng rồi từng ngày cứ thế trôi qua, hiển nhiên Triệu Phụ đã lâm trọng bệnh.
Thời gian của Triệu Phụ không còn nhiều…
Đường Thận chỉ thấy lòng buồn rười rượi, không thể cắt nghĩa được nỗi niềm này.
Bỗng nhiên, giữa làn tuyết mịt mờ, một bóng đen sải bước tiến lại gần trên con đường cung cấm dẫn vào điện Thùy Củng. Tấm áo choàng màu đen lạnh lẽo bay lật phật trong gió rét ù ù, người đàn ông ấy mặc giáp trụ, đeo trường kiếm đúc từ sắt đen, đặt một tay trên chuôi kiếm, bước những bước dài hiên ngang, thoăn thoắt đi tới. Người này tuy lớn tuổi những bước đi vô cùng vững chãi, chỉ thoáng chốc đã đến trước cung Phúc Ninh.
Người ấy dừng chân, ánh mắt như loài ưng cắt liếc Đường Thận một cái rồi nhanh chóng lia đi. Ở ông có thứ khí thế ngút trời, chỉ một đường nhìn bao quát chung quanh thôi mà tưởng như ập vào mắt là địa ngục bể máu ngồn ngộn xương trắng, khiến cho tất cả mọi người ở đây nghẹt thở.
Đường Thận mấp máy môi, nhìn vị tướng quân già tóc bạc phơ mà bén như lưỡi kiếm trước mặt, bỗng nhận ra ông là ai.
Trong hoàng cung, trừ quân Ngự Lâm thì không một ai có thể cầm kiếm vào cung.
Tuy nhiên, có một người được phép làm thế.
Quý Phúc cười nhũn nhặn bằng cái giọng the thé: “Nô tỳ bái kiến Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, Thái sư về kinh lúc nào thế ạ?”
Chu Thái sư cất lời, giọng ông lạnh buốt như hàn thiết, hệt như chính con người ông: “Ngựa khỏe dồn roi2, ta vừa mới đến kinh thành. Thánh thượng sao rồi?”
Quý Phúc thì thào đáp lại.
Chu Thái sư lặng thinh trong thoáng chốc, thân hình cao ngất của ông cứ như một quả núi khổng lồ. “Dẫn lão phu vào đi.”
“Vâng.”
Chu Thái sư sải bước vào trong cung Phúc Ninh. Khi ông đi qua Đường Thận, cậu lập tức khom người chắp tay hành lễ. Chu Thái sư nhìn cậu một lần, không nói tiếng nào, cứ thế đi vào.
Cổng điện kin kít khép lại. Hai tay Đường Thận bưng bát canh nóng đã nguội.
Cậu ngẩng đầu nhìn tuyết trắng ngút ngàn tuôn rơi giữa bầu trời, lòng nghĩ: Sau hai mươi lăm ngày, đây là vị quan đầu tiên vào cung Phúc Ninh nhỉ. Chu Thái sư có phải là quan không?