Cấp hai là bước ngoặt đầu tiên trong kế hoạch nghề nghiệp của mỗi một học sinh với ý nghĩa là kết thúc giáo dục bắt buộc. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ít nhất một nửa số học sinh sẽ học lên cấp ba; phần còn lại sẽ học cao đẳng 5 năm* hoặc trường nghề, học thành thạo một nghề để trang trải cho cuộc sống; và còn cả một bộ phận rất nhỏ những người không lựa chọn học tiếp vì lí do gia đình hoặc cá nhân.
*: Cao đẳng 5 năm: Nhận học sinh tốt nghiệp từ cấp hai, là một phần của giáo dục kĩ thuật và dạy nghề trong các trường cao đẳng ở Đài Loan. Sau khi tốt nghiệp có thể lấy bằng cao đẳng, là một trong những kênh quan trọng để đào tạo nhân lực kĩ thuật trong nước. Đây là cái nôi tốt nhất để ươm mầm những tài năng có tư duy sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tế.
Ngay từ đầu học kì, giáo viên chủ nhiệm đã lấy phiếu khảo sát nguyện vọng cho học sinh điền, yêu cầu học sinh về nhà thảo luận với phụ huynh trước khi nộp lại.
Học kì hai lớp 8 là then chốt để học sinh suy nghĩ trước về tương lai của mình, phiếu khảo sát cũng sẽ được sử dụng làm kế hoạch cho việc chia lớp trong suốt thời gian học lớp 9. Sau khi lên lớp 9, học sinh trong lớp sẽ được tách ra, xếp những học sinh muốn học cấp ba bình thường vào cùng một lớp, những học sinh học cao đẳng và trường dạy nghề vào một lớp, còn những học sinh không tiếp tục học lên vì lí do cá nhân, sau khi nhà trường đánh giá sẽ xếp bọn họ vào lớp nguồn. Nhà trường mở lớp nguồn nhằm phục vụ những học sinh gặp trở ngại trong học tập, sẽ có những giáo viên đặc biệt được mời từ ngoài về.
Quý Nghiễn cầm phiếu khảo sát nhưng mắt lại dán chặt vào lớp nguồn, nếu không có gì ngoài ý muốn thì chắc chắn Hướng Dương sẽ vào lớp nguồn.
Vừa nghĩ đến Hướng Dương, Quý Nghiễn không khỏi thở dài thườn thượt.
Đêm đó, sau khi bị Hướng Dương hôn, Quý Nghiễn không đến gặp hắn suốt nửa cuối kì nghỉ đông. Quý Nghiễn phát hiện bản thân mình càng muốn ngăn cản thì mọi chuyện càng vượt quá tầm kiểm soát, cậu không biết nên làm thế nào, chuyện này không thể nói với bất cứ ai cũng chẳng thể giải quyết được bằng sự cố gắng của cậu, chỉ có thể tạm thời tránh mặt. Không phải cậu ghét Hướng Dương và cũng không vì chuyện đó mà ghét bỏ hay hắt hủi hắn, thậm chí cậu còn cảm thấy bất ngờ, nhưng cậu lại lo sốt vó, lo lắng nhiều chuyện vô kể. Bởi vì cậu biết Hướng Dương đặc biệt và cũng biết thật ra hắn không quan tâm tới ánh mắt của người khác, nhưng chính vì lí do này mà Quý Nghiễn mới phải gánh vác gấp đôi nỗi lo âu thay hắn.
Suy cho cùng, sống trên đời này, không một ai thực sự có thể tự lực cánh sinh, người thân, họ hàng, bạn bè, hàng xóm, đủ loại áp lực về tình cảm, tất cả đều là gò bó và ràng buộc. Thành phố, thị trấn và xóm làng đều là những chiếc lồng giam nhân tạo nhưng ai ai cũng sẵn sàng nhốt mình trong chiếc lồng giam ấy, đặt ra vô vàn quy tắc tự trói buộc chính mình và tự nguyện chịu đựng gian khổ. Nhưng bản thân cậu cũng là một con thú trong lồng, không thể thoát ra khỏi chiếc lồng giam ấy. Điều cậu sợ chính là Hướng Dương không thể hòa nhập và tồn tại trong xã hội này.
Nhưng dù Quý Nghiễn có tránh mặt thế nào đi chăng nữa thì cũng không tài nào bỏ rơi hắn để hắn tự đi học được. Vì vậy khi học kì mới vừa bắt đầu, Quý Nghiễn vẫn đợi trước cửa.
Nhưng cậu không còn kéo tay áo hay cánh tay của Hướng Dương nữa, cũng không hề tán gẫu những chuyện gần đây cùng hắn. Suốt cả quãng đường cậu đi trong im lặng, né tránh ánh mắt Hướng Dương nhìn mình. Quý Nghiễn rất sợ khi phải đối diện với ánh mắt của hắn lần nữa, rất sợ mình lại mềm lòng, rất sợ mình mềm lòng rồi sẽ khiến Hướng Dương bước trên con đường sai lầm -- chuyện này đáng nhẽ không nên xảy ra.
Quý Nghiễn nhìn chằm chằm vào phiếu khảo sát ngẩn người một hồi lâu. Lại một năm trôi qua, cậu cứ ngỡ rằng mình đã trưởng thành ở một mức độ nào đó nhưng lại cảm giác như chẳng có gì thay đổi.
Con người luôn luôn mâu thuẫn, khi còn nhỏ cứ mãi mong chờ mình lớn lên thật nhanh là có thể tự đưa ra quyết định; nhưng trưởng thành rồi chẳng những không có ý tưởng gì mà còn gặp nhiều phiền muộn vô kể, lại mong quay trở về thuở ấu thơ vô tư lự. Ít nhất Quý Nghiễn của hiện tại rất mơ hồ về tương lai, cậu vẫn không biết sau khi lớn lên mình cần làm gì, có thể làm gì và muốn làm gì.
Cậu tự hỏi lại chính mình câu đã từng hỏi mẹ, thi đỗ cấp ba, thi đỗ đại học rồi phải làm gì?
Khi ấy cậu không hề có bất cứ ý tưởng nào nhưng dường như bây giờ đã có một đáp án mơ hồ, một cảnh tượng chậm rãi hình thành trong đầu, cậu muốn rời khỏi nơi này, đưa Hướng Dương theo cùng.
Cậu vẫn còn nhỏ, không có khả năng tự lập, có lẽ bây giờ cậu không làm được. Nhưng sau này... sau này nhất định sẽ làm được.
Sau khi về nhà, Quý Nghiễn đưa phiếu khảo sát nguyện vọng cho mẹ xem, không có gì bất ngờ, bố mẹ cậu vẫn hi vọng cậu học lên cấp ba. Gần ngôi làng này nhất có hai trường trung học phổ thông, đều ở ngoài làng, cách nhà gần một tiếng đi xe. Một trường có điểm đầu vào rất cao, trường còn lại được đánh giá là chẳng ra gì, tuy đều là trường cấp ba nhưng có thể thấy sự khác biệt từ tỉ lệ đỗ đại học. Cạnh tranh vào cấp ba không khốc liệt như đại học, phần lớn là học sinh các vùng lân cận tham gia cạnh tranh thi cử, nhất là vùng nông thôn như chỗ bọn họ thì hoàn toàn không có học sinh từ thành thị xuống học, tỉ lệ chọi có thể coi là thấp. Với điểm số bình bình của Quý Nghiễn, muốn thi vào cấp ba không khó, mấu chốt nằm ở chất lượng trường học.
Trước nay Quý Nghiễn không có lí do gì để chăm chỉ học tập nên thành tích tốt hay không cũng không quan trọng, nhưng bây giờ sau khi đã có chuyện muốn làm, đương nhiên cậu sẽ muốn học trường tốt.
Nhà Quý Nghiễn không dư dả tiền bạc cho cậu đi học thêm, trẻ con làng này đứa nào cũng vậy, hầu hết điểm số chỉ có thể dựa vào sự nỗ lực của bản thân, nếu có bất cứ câu hỏi nào cũng chỉ có thể hỏi giáo viên trong trường. Những trường hợp giống Tiểu Bội không nhiều, thông thường gia đình khá giả mới đưa con đến lớp học thêm hoặc mời sinh viên trường danh tiếng hay giáo viên về nhà hướng dẫn làm bài tập.
Vì đã có gương Tiểu Bội đi trước, vì môi trường trưởng thành khép kín và bức bối, vì không hợp với quan niệm của bố mẹ, Quý Nghiễn càng kiên quyết muốn rời nơi chôn rau cắt rốn.
Dù gia đình không dư dả tiền bạc nhưng vẫn có thể đăng kí lớp phụ đạo ngoài giờ ở trường.
Lần đầu tiên khi Quý Nghiễn xin mẹ tiền, Lâm Nguyệt Cầm còn cười cậu: "Sao tự dưng lại muốn học hành chăm chỉ thế? Chắc không lừa mẹ cầm tiền đi chơi điện tử đâu nhỉ."
Có lẽ phụ huynh có tư tưởng truyền thống là như vậy, không hề khen ngợi con cái mà chỉ dùng đủ loại câu hỏi để phủ nhận chúng, muốn biết có phải con cái lừa tiền mình hay không. Quý Nghiễn cũng coi là hiểu mẹ mình từ rất lâu nhưng vẫn thấy khó chịu trong lòng, cậu biết dù bao nhiêu năm trôi qua đi nữa, dù mình lớn chừng nào đi nữa thì bố mẹ mình cũng chẳng tiến bộ chút nào: "Không, mẹ có thể hỏi giáo viên trong trường."
Lâm Nguyệt Cầm vẫn lấy tiền đưa cậu: "Nếu đã tốn tiền rồi thì phải học hành chăm chỉ, đừng lãng phí tiền bạc."
Quý Nghiễn cầm lấy, không nói thêm bất cứ lời nào với bà nữa.
Quý Nghiễn nộp phiếu khảo sát nguyện vọng và đăng kí lớp phụ đạo ngoài giờ. Sau khi làm xong xuôi tất cả, cậu mới chợt nhớ ra thời gian của lớp phụ đạo bao gồm cả tiết tự học buổi sáng và tầm chiều tối sau khi tan học, hay nói cách khác là thời gian đi học và tan học xen kẽ với những học sinh khác, sau này cậu không thể đến trường và về nhà cùng Hướng Dương được nữa.
Lớp học phụ đạo sẽ bắt đầu vào tuần sau, Quý Nghiễn nhìn thời khóa biểu nhưng lại chẳng biết nên giải thích với Hướng Dương như thế nào. Hướng Dương có hiểu được không? Có phải sẽ nghĩ mình lại bỏ rơi cậu ấy không?
Trên đường từ trường về nhà, mấy lần Quý Nghiễn ngập ngừng muốn nói nhưng cuối cùng lại không nói ra được. Cậu sợ mình lại mềm lòng và cũng sợ thấy Hướng Dương buồn.
Cuối cùng cậu vẫn giữ im lặng.
Về đến nhà rồi, Quý Nghiễn nói giờ giấc lớp phụ đạo cho Lâm Nguyệt Cầm và cả chuyện về Hướng Dương.
Ban đầu Lâm Nguyệt Cầm thật lòng không đồng ý việc Quý Nghiễn cứ kè kè bên cạnh Hướng Dương vậy, nếu không phải ngại làm hàng xóm phật lòng cộng thêm việc Quý Nghiễn làm rồi mới nói, chắc chắn bà sẽ từ chối ngay từ đầu. Hai mẹ con đã từng cãi nhau vì chuyện này, bây giờ bà đã tìm được cơ hội nói lại Quý Nghiễn một trận: "Đã bảo mày đừng chơi với Hướng Dương rồi mà mày nhất quyết không nghe, bây giờ không bỏ được rồi chứ gì, xem mày làm thế nào. Sau này còn phải học cấp ba, đại học, mày có cuộc sống của riêng mình, không thể đưa Hướng Dương theo mãi được, đúng không..."
Quý Nghiễn không phản bác nổi dù chỉ là một câu, siết chặt lòng bàn tay lại.
Dù Lâm Nguyệt Cầm mắng Quý Nghiễn như tát nước vào mặt nhưng thái độ của bà lại rất tích cực, rắc rối nhà người khác thì vẫn phải quẳng về lại. Không biết bà đã nói với mẹ Hướng Dương kiểu gì, chỉ biết Lý Lệ Liên đã đồng ý.
Quý Nghiễn nhớ hình như hôm đó là lần cuối cùng cậu đi học và về nhà cùng hắn. Mấy năm sau khi hồi tưởng lại ngày này, cậu vô cùng hối hận vì khi ấy đã không nói rõ ràng với Hướng Dương.
Khi lớp phụ đạo bắt đầu, ngày nào Quý Nghiễn cũng phải dậy lúc sáu giờ và ra ngoài lúc sáu rưỡi, lúc lần đầu đi học một mình, cậu đã đứng đực trước cửa nhà Hướng Dương một hồi. Sau ngày hôm nay, cậu hoàn toàn không biết Hướng Dương còn đứng đây đợi cậu hay không, khi tan học cậu sẽ không thể tới lớp Bốn đón hắn về nhà được nữa. Trên con đường dẫn đến cuộc sống của mỗi người đã bắt đầu có ngã rẽ.
Quý Nghiễn không hiểu sao mũi hơi cay cay, mắt đỏ hoe đi xuống tầng.
Cậu tự an ủi mình rằng xa nhau một thời gian cũng tốt. Có phải sau khi không gặp nữa thì Hướng Dương sẽ từ bỏ những ý nghĩ ấy không?
Cậu lại tự an ủi mình tiếp rằng xa nhau chỉ là tạm thời vì sau này cả hai có thể cùng nhau đi đoạn đường dài hơn xa hơn nữa.
Quý Nghiễn vừa đi vừa lau nước mắt, thổn thức đầy kìm nén. Sau khi khóc xong, cậu không nghĩ đến những chuyện phiền muộn đó nữa mà dồn hết tâm trí vào việc học, lấp đầy tất cả khoảng trống thời gian.
Đầu năm lớp 9, toàn bộ học sinh trong lớp đã chia tay xếp lớp. Những người bạn đã học cùng nhau hai năm đang lưu luyến không nỡ chia tay, cũng vì ngày tốt nghiệp sắp đến gần nên bầu không khí bao trùm một nỗi buồn sâu sắc.
Quý Nghiễn cúi đầu nhìn bài thi của mình, nhớ ra Hướng Dương đã được xếp vào lớp nguồn.
Lớp nguồn cách chỗ này rất xa, ở một góc của trường, có lẽ để không làm phiền đến những học sinh chăm chỉ tiến lên như bọn họ, biệt lập với tất cả các lớp học, không đi con đường bọn họ thường hay đến lớp hay về nhà.
Đã mấy lần Quý Nghiễn muốn đi xem Hướng Dương nhưng lại dằn xuống. Cậu không biết liệu Hướng Dương có hận mình không, gặp mặt rồi cũng không biết phải nói gì.
Cậu có thể bảo Hướng Dương đợi mình được không? Cậu không thể.
Cậu có thể nói với Hướng Dương rằng sau này sẽ đưa hắn đi, vậy nên những nỗ lực bây giờ của cậu đều là vì muốn thi đỗ trường tốt được không? Cậu cũng không thể.
Bởi vì ngay cả tương lai của mình cậu cũng không tài nào nắm chắc được, cậu phải làm thế nào để chăm lo cho Hướng Dương đây. Nếu trước mắt cậu không thể hay không làm được bất cứ điều gì thì tốt hơn hết là đừng gieo hi vọng ngay từ đầu. Cậu chỉ có thể duy trì tình trạng hiện tại. Cậu tự nhủ với lòng rằng đừng vội, cứ duy trì tình trạng hiện tại là ổn rồi.
Quý Nghiễn hạ quyết tâm rồi lại khiến bản thân vùi đầu vào thi cử.
Một năm sau, Quý Nghiễn đạt điểm cao như mong muốn. Khi điền vào đơn tự nguyện học trung học phổ thông, thực ra cậu có thể ghi tên trường tốt hơn nhưng nếu vậy thì sẽ phải rời nhà ở trong trường.
Trong thâm tâm Quý Nghiễn muốn học trường cấp ba gần nhà là được, cậu không muốn xa Hướng Dương quá. Mà Lâm Nguyệt Cầm cũng lo Quý Nghiễn chưa từng trải, bà sẽ lo lắng khi con trai sống ở ngoài một mình. Hai mẹ con nhất trí chọn học ở trường cấp ba gần đây, Quý Thu Viễn không phản đối.
Suốt một năm này Quý Nghiễn chỉ vùi đầu vào học, cố ý phớt lờ rất nhiều chuyện, chủ yếu là liên quan đến Hướng Dương. Đến khi cậu muốn tìm Hướng Dương báo cho hắn tin vui này thì lại đứng ngẩn người trước cửa, chậm chạp không dám bấm chuông như người xa xứ gần về quê lại phấp phỏng.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, đúng là Hướng Dương không học lên nữa, nhưng có vẻ không đứng ở ngoài ngắm hoa như hồi trước mà chỉ ở trong nhà.
Vào kì nghỉ hè lên cấp ba, có vài lần Quý Nghiễn đứng ngoài chung cư muốn gặp hắn nhưng mãi không gặp được.
Bây giờ thái độ của Lý Lệ Liên với cậu cũng rất khó đoán, không còn thân thiện như trước mà thậm chí còn hơi lạnh nhạt. Bà bận chăm sóc Hướng Kiệt đã hơn hai tuổi, mỗi khi ra ngoài hay đi về đều mang nhóc theo. Quý Nghiễn thực sự không tìm được cơ hội hỏi bà về tình hình của Hướng Dương, chỉ có thể giương mắt nhìn hai mẹ con họ rời đi vô số lần.
Quý Nghiễn không phải loại người mặt dày, bị người khác lạnh nhạt rồi vẫn còn bám lấy. Cậu đoán đại khái chắc là lúc từ chối Lâm Nguyệt Cầm đã nói gì đó không hay cho lắm, bây giờ cậu đã vào một trường cấp ba tốt nên Lý Lệ Liên mới chẳng mặn mà gì, cứ nghĩ là không muốn cho cậu gặp Hướng Dương nữa.
Cứ dây dưa mãi như vậy, Quý Nghiễn không gặp được Hướng Dương dù chỉ là một lần, kì nghỉ hè cứ thế trôi qua.
Sau khi lên cấp ba, áp lực tập ngày càng nặng, Quý Nghiễn thoải mái suốt kì nghỉ hè nhưng vẫn không hề lơ là. Chỉ là mấy ngày gần đây cậu mới tinh ý nhận ra hình như bố mẹ mình cãi nhau vì một vài chuyện. Ban đầu còn đóng cửa phòng không để cho Quý Nghiễn biết nhưng sau đó càng ngày càng to tiếng.
Lúc đầu cậu cũng không để ý lắm, chỉ cảm thấy hai người lại cãi nhau vì những chuyện vặt vãnh lông gà vỏ tỏi. Cậu đã quá quen rồi.
Mãi cho đến một ngày, cuối cùng Quý Nghiễn cũng biết bọn họ đang cãi nhau chuyện gì. Lúc đi đường cậu nghe thấy có người nói cân nhắc về môi trường và địa điểm nên nhà máy chế biến thực phẩm ngoài làng sắp di dời, rất nhiều công nhân phản đối sau khi nhận được tin tức. Nhà máy này đã duy trì sinh kế của hàng nghìn hàng vạn công nhân, đột nhiên nói dời là dời, không hề báo trước gì hết.
Một khi di dời nhà máy thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người sắp thất nghiệp. Và bố cậu cũng là một trong số đó.
Lời tác giả:
Đây là thiết lập truyện, cấp ba và đại học đều thi trực tiếp, không được miễn thi hay đặc cách gì hết, vì điều này có liên quan tới nội dung tôi sẽ viết sau này, với cả viết thế này sẽ kịch tính hơn.