Vào tháng cuối của kì nghỉ hè lên lớp 11, Quý Nghiễn đã có một cuộc cãi vã nhỏ với bố mẹ. Nguyên nhân là chọn ban, trường bọn họ áp dụng chọn ban phân lớp vào năm lớp 11, đã đến lúc lên kế hoạch đại học nên học ngành nào trước rồi.
Quý Nghiễn muốn học ban xã hội, với tính cách và sở thích của cậu thì thực sự không hợp học những thứ như nghiên cứu khoa học công nghệ một chút nào nhưng bố mẹ lại cậu lại thấy không ổn, thấy học ban tự nhiên thì tương lai sẽ có cơ hội việc làm cao hơn và cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Vì vậy hai bên tạm thời cứ giằng co như vậy, không ai chịu nhượng bộ.
Thực ra ngay từ đầu Lâm Nguyệt Cầm đã không biết vấn đề này lắm, miệng nói kệ cậu muốn học ban nào cũng được nhưng vì lo lắng cho con trai, bà lại bắt đầu đi hỏi thăm xung quanh. Ngôi làng nhỏ vô cùng hẻo lánh, cộng với giao thông công cộng đi lại không thuận tiện, hiện tượng thanh niên ra ở riêng rất nghiêm trọng, nhà nào có con cái học đại học hoặc ra xã hội làm ăn thì sau khi rời khỏi đây, hầu như không ai quay lại ở nữa.
Lâm Nguyệt Cầm nghe ngóng được mấy năm trước trong làng có một đứa nhỏ vừa lên đại học, điểm số khá cao và đỗ vào một trường giỏi, bà bèn đến tận nhà hỏi xem con người ta học ngành nào, trước đây chọn ban gì. Dường như con cái là chủ đề chung của cha mẹ nên người vốn chẳng quen biết gì nhau cứ thế trò chuyện rất rôm rả.
Đứa con nhà vợ chồng kia là con gái, thường thì con gái sẽ chọn ban xã hội nhiều hơn, cô bé này cũng không ngoại lệ. Bố mẹ cô bé nói mới đầu cô bé học cũng khá giỏi nhưng năm tới sắp tốt nghiệp rồi mà lại bắt đầu lo không tìm được việc. Trong ấn tượng của người bình thường, dường như đầu ra của ban xã hội chỉ là những công việc liên quan đến giấy tờ, nếu không phải là thư kí thì sẽ là trợ lí, tốt hơn một chút thì sẽ là giáo viên, kế toán hoặc luật sư, nếu học ngoại ngữ thì có thể làm dịch giả. Nhưng cô bé lại học khoa tiếng Trung, trong mắt những bậc phụ huynh đều có chung một thắc mắc là tiếng Trung mà cũng cần học sao?
Sau khi cha mẹ trải nghiệm về sự trưởng thành của con cái một lần, dường như họ cho rằng bản thân hiểu rất rõ, nói đến là rõ ràng mạch lạc: "Ban đầu tôi đã bảo nó đừng học khoa tiếng Trung rồi nhưng nó lại không nghe, tôi nghĩ là cứ kệ đi để nó học cái nó thích, không thì lại nói tôi can thiệp sâu quá. Kết quả bây giờ là hối hận rồi chứ sao..."
Lâm Nguyệt Cầm không được học hành nhiều nên đây cũng là lần đầu tiên biết chuyện này, nhưng bà cho rằng nghe nhiều xem nhiều lựa chọn của người khác thì chính là tiếp thu được nhiều kinh nghiệm hơn. Vì vậy bà lại lần lượt đến hỏi thăm vài phụ huynh về đầu ra của con cái họ. Những bậc cha mẹ ấy gần như đều nói giống nhau, nói thực tế một chút thì đều cân nhắc về nghề nghiệp tương lai. Một số phàn nàn con trai hoặc con gái mình làm nhân viên quèn trong công ti với mức lương ít ỏi mà ngày nào cũng tăng ca; một số phụ huynh tư tưởng thoáng hơn sẽ nói rằng con cái làm gì không quan trọng, nuôi được bản thân là tốt rồi.
Nhưng tóm lại kết luận tương tự nhau là con trai học ban tự nhiên thì đầu ra sau này sẽ tốt hơn.
Lâm Nguyệt Cầm chưa từng suy xét về nơi mình ở, trong vòng tròn xã giao chỉ có vài người đó, đối mặt với toàn phụ huynh có trình độ như mình. Bà nhận được những lời khuyên đều là: "Quý Nghiễn nhà bà học được thế thì bây giờ phải chọn ngành cẩn thận để sau này không phải hối hận."
Trong quan niệm của Lâm Nguyệt Cầm và những người tầm tuổi bà, học được thì đồng nghĩa với thông minh. Dĩ nhiên là Lâm Nguyệt Cầm khá tự hào nhưng cũng bắt đầu nghiêm túc nghĩ cho Quý Nghiễn.
Vì vậy sau khi về nhà, bà lại bắt đầu giảng đạo với Quý Nghiễn, kể về gương con cái nhà này nhà kia trong làng, đã có nhiều kinh nghiệm đi trước thế rồi, bây giờ không nghe bà nhất định sau này sẽ hối hận. Bà lại bắt đầu cương quyết, can thiệp vào lựa chọn của con cái, chỉ sợ Quý Nghiễn chệch hướng: "Mày học ban xã hội thì có đầu ra kiểu gì? Nếu như làm giáo viên thì được."
Quý Nghiễn là người hướng nội, không thể làm giáo viên được, ngay cả bị giáo viên gọi đứng dậy phát biểu còn cực kì căng thẳng chứ đừng nói là đứng trên bục giảng bài: "Chưa chắc làm giáo viên đã tốt."
"Thế mày nói xem mày muốn làm cái gì?"
Quý Nghiễn bị hỏi mà câm nín không nói nên lời. Cậu chỉ biết mình học ban xã hội hợp hơn, thực tế muốn làm gì thì thật sự cậu chưa từng nghĩ tới.
Chắc hẳn đứa trẻ nào cũng từng mông lung về hành trình cuộc đời mình, đặc biệt là trên con đường lựa chọn nghề nghiệp. Bởi vì đã được nhồi nhét tư tưởng 'Đặt việc học lên hàng đầu' suốt từ nhỏ đến lớn nên kết quả là bỗng một ngày nào đó bất thình lình bị hỏi 'Sau này con muốn làm gì' thì ai mà không mông lung được chứ. Không phải đứa trẻ nào cũng biết mình thích gì, sở thích là gì ngay từ khi còn nhỏ, dù có hứng thú với bất cứ thứ gì đi nữa thì trong mắt cha mẹ cũng có thể là không ra gì, sẽ bị người lớn dội gáo nước lạnh với lí do 'Sở thích không mài ra ăn được'.
Mà Quý Nghiễn bị ràng buộc từ nhỏ đến lớn, chưa từng được học một môn năng khiếu nào, gần như không có món đồ chơi dư thừa nào. Bảo cậu nhận ra sau này bản thân mình muốn làm gì ngay lập tức thì đây là chuyện vượt quá khả năng của cậu.
Thậm chí cậu còn chưa bao giờ làm bất cứ một chuyện gì thì sao có thể đánh giá được bản thân mình có thích hay không?
Quý Nghiễn nhượng bộ một bước nhưng không hề nóng vội. Thậm chí cậu còn hơi lung lay, có phải học ban xã hội tốt hơn thật hay không?
Quý Nghiễn hết sức phiền não nhưng cũng không biết phải làm thế nào mới tốt đây.
Chiều đó cậu đi tìm Hướng Dương. Tay cậu xoay xoay bút ngẩn người nhìn sách vở, sau một hồi cố gắng tập trung mà vẫn không năng suất, cậu bèn dứt khoát ngồi lên giường xem Hướng Dương gấp giấy.
Hướng Dương ngồi dưới đất ở đuôi giường, đầu hơi cúi, để lộ chiếc gáy với đường cong rất đẹp, những ngón tay thon dài gập tờ giấy, nhìn đăm đăm không chớp mắt, rất lâu mới chớp mắt một lần.
Quý Nghiễn không biết sao Hướng Dương lại khẳng định mình thích gấp giấy, hình như sau khi biết thì hắn đã thích rồi, giống khi trước cậu cũng ở trong tình huống hết sức đột ngột mới hiểu ra tình cảm của Hướng Dương. Quý Nghiễn đã từng hoài nghi, luôn cho rằng mình hiểu nhầm, nhưng sau khi vượt qua ranh giới đó, cậu mới cảm nhận một cách rõ ràng rằng Hướng Dương đối xử với mình hoàn toàn không giống với những người khác, đó là niềm yêu mến vô cùng trong sáng. Niềm yêu mến của Hướng Dương dường như là sự dâng hiến hết lòng, bất kể là lúc nào nơi đâu, chỉ cần có thể dành cả ngày để gấp như vậy thì nhìn ở một mức độ nào đó cũng rất đáng ngưỡng mộ.
Quý Nghiễn vốn đang ngồi nhưng ngắm một hồi lại biến thành nằm sấp, sau đó càng ghé mặt mình sát lại gần.
Động tác gấp giấy của Hướng Dương chậm lại và sau đó lộ vẻ mặt như hơi bị làm phiền, không phải là ghét bỏ mà thoạt trông giống bối rối hơn. Dù ai ngồi trước mặt đi nữa, hắn vẫn có thể làm việc của mình mà không để ai vào mắt, nhưng chỉ cần Quý Nghiễn lại gần, dường như hắn có thể nắm bắt được hết sức nhạy bén.
Quý Nghiễn thấy thú vị, muốn ăn hiếp hắn nên choàng cổ hắn thơm má hắn một cái, cố ý phát ra một tiếng 'pặc', sau khi thơm xong còn tự bật cười.
Hướng Dương sờ sờ má mình, đặt đồ trong tay xuống xáp lại gần nhưng Quý Nghiễn lại cố tình lùi về, sờ cằm và tóc Hướng Dương như đã thực hiện được ý đồ.
Đầu tóc Hướng Dương bị cậu xoa loạn cả lên nhưng vẫn đẹp trai như cũ, đờ đẫn để mặc Quý Nghiễn hành động.
Quý Nghiễn không nhịn được lại hôn hắn, lần này không trêu hắn nữa mà ngậm môi hắn mút một hồi. Là một nụ hôn dịu dàng.
Hai người đùa một lúc, Hướng Dương không thể nào tập trung gấp giấy được nữa.
Nhìn những tác phẩm rải rác trên sàn nhà, Quý Nghiễn chợt nhớ đến hôm nhìn thấy sách dạy origami ở hiệu sách. Trình độ đó cũng có thể xuất bản sách được mà tác phẩm của Hướng Dương cũng không tệ, hắn gấp đẹp như vậy, sao mà lại không có người thích cơ chứ.
Quý Nghiễn bò từ giường dậy, cầm một chú thỏ con dưới đất lên đi đến bên cửa sổ chụp ảnh. Cậu muốn chụp tác phẩm của Hướng Dương đẹp hơn chút xíu để đăng lên mạng nhưng phát hiện ra chụp ảnh không phải là chuyện dễ dàng gì, chụp tới chụp lui một lúc lâu mà ảnh không toát lên cảm giác đặc biệt nào. Sau khi thay đổi vô số góc độ và tư thế, cuối cùng Quý Nghiễn cũng chụp được một bức khá đẹp, cậu đăng ảnh lên trang mạng xã hội của mình mà không viết gì, chỉ kí tên bé đáng yêu nhà bên.
Bức ảnh này được vài người bạn cậu nhấn thích, không ai đăng lại, sau khi tải lại trang đã bị những bài viết mới khác đẩy xuống.
Quý Nghiễn chụp bức ảnh này cũng không muốn làm gì hết, đại khái chỉ muốn lưu lại kỉ niệm. Hơn nữa kĩ năng chụp ảnh của cậu còn tệ như vậy, không thể tạo ấn tượng sâu sắc với mọi người.
Nhưng lúc Quý Nghiễn đưa ảnh mình chụp cho Hướng Dương xem, hắn lại xem rất nghiêm túc.
Quý Nghiễn hỏi: "Cậu thích ảnh tớ chụp không?"
Hướng Dương rất kiệm lời, ngay cả sau khi luyện tập nói chuyện thì hắn cũng không thích trò chuyện lắm. Nhưng khi kiên trì muốn bày tỏ điều gì đó, hắn sẽ mở miệng nói: "Thích."
Quý Nghiễn cũng bắt đầu nghiêm túc vì câu thích này của Hướng Dương, cậu đang suy nghĩ có nên lập cho Hướng Dương một tài khoản để đăng ảnh chụp tác phẩm của mình lên không.
Quý Nghiễn là kiểu người nghĩ sẽ làm ngay, hơn nữa đây cũng không phải chuyện phiền phức gì cho cam. Sau khi đăng kí một tài khoản mới cho Hướng Dương, cậu do dự một hồi lâu ở ô nickname không biết nên điền gì. Không thể điền tên thật, trên mạng có quá nhiều thông tin nhiễu loạn, các vụ lừa đảo cũng ngày càng tràn lan. Cậu nhớ tới nickname mình vừa đặt, mỉm cười và đăng kí tài khoản cho Hướng Dương là: Bé đáng yêu nhà bên.
Quý Nghiễn tự nhận mình thiên vị, lại còn mang filter bạn trai thật dày, Hướng Dương của cậu thực sự quá ư là đáng yêu.
Cậu dùng tài khoản mới của Hướng Dương để đăng ảnh lên lại lần nữa rồi cầm tay Hướng Dương để chính hắn nhấn nút xác nhận.
Sau khi đăng ảnh lên, trang chủ đã được làm mới với mô tả là ngày 22 tháng Tám.
Nhìn ngày này, Quý Nghiễn chợt nghĩ nhiều hơn, cậu nghĩ tới chuyện mình sắp chia ban rồi lại nghĩ đến hai năm nữa sẽ lên đại học, lúc đó sẽ phải xa Hướng Dương. Cậu xoay người lại ôm hắn, đột nhiên không biết phải giải thích với Hướng Dương thế nào mới ổn. Tuy vẫn còn sớm nhưng cậu không muốn rời đi không một lời tạm biệt như lần trước, cậu phải cho Hướng Dương thời gian chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, cậu muốn cho hắn biết thời gian hai người xa nhau chỉ rất ngắn ngủi: "Hướng Dương, sau này lúc tớ lên đại học... có thể sẽ đến một nơi rất xa."
Không biết Hướng Dương có thể hiểu được hay không, chỉ lẳng lặng nghe cậu nói. Quý Nghiễn siết chặt hắn nên Hướng Dương cũng ôm cậu thật chặt.
"Nhưng bây giờ vẫn sớm, không cần nghĩ nhiều đâu. Sau này tớ muốn đưa cậu rời khỏi đây, chúng mình ở bên nhau được không?"
Quý Nghiễn thật lòng thật dạ lo lắng về vấn đề này, trước giờ vẫn chưa bỏ thói quen kể khổ với Hướng Dương nên hoàn toàn không biết những gì mình nói y hệt tỏ tình. Đối với cậu thì những lời này kiểu gì cũng phải nói, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Có lẽ Hướng Dương không hiểu được nhiều lắm nhưng hắn nghe ra được một cụm từ mấu chốt chính là 'ở bên nhau'. Lần này Hướng Dương không tiếp tục giữ im lặng nữa mà mấp máy miệng vài cái mới trả lời: "Được, ở bên nhau..."
Lời Hướng Dương chỉ nói một lần nhưng đã nhẩm thầm trong lòng vài lần. Ý nghĩ này đã vùi sâu tận đáy lòng hắn, là cơ hội phát triển khỏe mạnh thành cây cổ thụ cao chót vót.
Lời tác giả:
Nói rõ trước: Hai người cần phải tách ra và sẽ có những cuộc gặp gỡ riêng, nhưng không có hiểu lầm và sẽ không có tình tiết máu chó
Thời gian xa nhau không dài, sẽ viết nhảy cóc khoảng thời gian này vì trọng tâm vẫn là hai người