Tam Luân

Chương 70: Kế hoạch tìm chết



Đằng Nguyên nhìn một lượt những nô lệ đang chăm chú hướng về phía hắn, bóng tối khiến hắn không thể trông rõ biểu tình trên mặt từng người. Hắn khẽ thở dài:

- Thám thính cái gì? Chính là dò la xem tên tướng nào của Bạch Đà quân nhân nghĩa nhất, cánh quân nào của chúng thèm khát hán tử khoẻ mạnh xung quân nhất, thậm chí cánh quân nào bắt lính ồ ạt nhất… Sau đó xông qua chỗ bọn chúng để bị bắt xung quân. Nếu không dò ra, xông bừa xông bãi sẽ mất mạng như chơi. Trong khi đang do thám mà bị quan phủ bắt cũng xác định lành ít dữ nhiều. Sau khi vào Bạch Đà quân, phải giống như con chó mà bò lên, tiến vào kỵ binh, trèo được lên lưng ngựa may ra mới thấy ngày mai. Bằng không…

- Nếu một trong các bước trên thất bại, có phải sẽ chỉ còn nước chết? – Điền Đông trầm giọng hỏi.

Đằng Nguyên gật đầu chắc nịch:

- Chỉ có chết! Cho nên thời gian ẩn nấp trong rừng núi rất dài, thời gian do thám cũng không ngắn, con đường phía trước vừa gian nan vừa nguy hiểm mà chẳng biết có thể báo được thù không. Các huynh đệ tự mình nghĩ xem so với việc trở về Sa Lục Châu tòng quân cho Khâu Vệ Hầu, đường nào khả thi hơn?

Đằng Nguyên ra hiệu cho Trình Hạ, y từ tốn tiếp lời:

- Từ đây về Sa Lục Châu không hề qua bất cứ ải nào, thành nào… Đây chính là địa phận thành Huỳnh Tương nhưng bản thân toà thành đó nằm ở phía bắc, chúng ta đi về hướng tây, rất ít trạm dịch và chốt canh. Chỉ cần an toàn đến được biên giới tiếp giáp Tập thành là có thể về đến nhà. Bìa rừng này đã không còn nhiều dã thú, men theo hướng tây vô cùng thuận lợi. Bạch Đà quân truy quét nô lệ trốn từ mỏ Dạ Cổ ra, nghe rất nguy hiểm nhưng chúng sẽ phải mất ít ngày để bắt hết những kẻ chạy tán loạn. Ít ngày đó chúng ta cũng đi được rất xa rồi…

Thông Lực cộc cằn hỏi:

- Sau khi về Sa Lục Châu thì thế nào? Chạy lên phía bắc tòng quân?

- Không! Nếu chiến sự kéo dài, trực tiếp tòng quân ở Hồi thành, Luyện thành gần biên giới Vạn Tư quốc. Thay vì chạy qua chạy lại mông lung, ở yên một chỗ rèn luyện võ nghệ, trèo lên vị trí cao mưu sự báo thù tốt hơn.

Còn nếu lực bất tòng tâm, giữ được mạng cũng hơn phơi thây nơi đất khách quê người lạnh lẽo này.

Trình Hạ không nói vế sau, ai cảm thấy bản thân kém cỏi thì tự hiểu, ai nghĩ mình bản lĩnh vượt trội thì mơ về tương lai rực rỡ, có thể xông pha giết địch báo thù. — QUẢNG CÁO —

Các huynh đệ mỗi người một suy nghĩ.

Hồi lâu, từ trong đám đông có hán tử Tập thành lên tiếng:



- Đằng Nguyên, nói như vậy ngày mai ngươi sẽ bỏ các huynh đệ lại, nhất nhất tiến về phía bắc? Nếu biết về Sa Lục Châu là đường sáng, tại sao không trở về mà nhất định phải chọn lối tắt xuống hoàng tuyền?

Có một người thắc mắc lập tức kẻ khác chất vấn:

- Có phải ngươi chê bọn ta bản lĩnh kém cỏi, muốn vứt bỏ để một mình rảnh tay báo thù?

- Đằng Nguyên, huynh đưa mọi người ra khỏi mỏ Dạ Cổ rồi mang con bỏ chợ ư? Cùng về Sa Lục Châu đi.

- Đúng đấy, cùng về đi. Nếu ngươi đi rồi, ai sẽ bảo vệ bọn ta?

Một đám người nhao nhao nói hăng tiết vịt. Khi không ai lên tiếng thì thôi, lúc có người khởi xướng lập tức những kẻ khác hùa theo, tuôn hết ra bất mãn của chính mình.

Đằng Nguyên nhíu mày lắng nghe một hồi, nộ khí ẩn ẩn bốc lên trong ngực. Khi những thanh âm chói tai dịu bớt hắn mới lạnh giọng tuyên bố:

- Ta không tin Khương Vệ, quan lại Sa Lục Châu, Khâu Vệ Hầu hay bất luận kẻ nào ở mảnh đất đó; càng không thể dựa vào sự mông lung, yếu hèn của bọn chúng để mưu cầu báo thù. Ta chỉ tin chính mình… Cho nên dù các ngươi có nói gì ta cũng không về Sa Lục Châu. Đường lên phía bắc là đường cùng chết chóc, kẻ nào theo thì theo, không theo ta không ép. Với những kẻ sẽ theo ta… nói để các ngươi biết, hán tử đầu đội trời chân đạp đất đã có gan mưu đại sự báo thù cho gia quyến thì đừng mong kẻ khác bảo vệ. Nếu không thể tự bảo vệ chính mình, lập tức quay về Sa Lục Châu làm ruộng đi, báo thù cái tổ mẫu gì?

Sự căng thẳng nặng nề chụp lên cả đội, không kẻ nào dám thở mạnh vì những câu cuối chứa đựng cơn thịnh nộ đang cố kìm nén của Đằng Nguyên. — QUẢNG CÁO —

Hắn không bắt ai phải chọn đường nào, tự họ làm chủ.

Hắn không có nghĩa vụ phải bảo vệ họ và đã nói rõ ngay trước khi ra khỏi mỏ Dạ Cổ là đi tìm chết, họ tự theo. Nếu những người này trông mong một kẻ cầm đầu có thể bảo vệ họ an toàn, dẫn dắt họ báo thù thì Đằng Nguyên không phải kẻ đó; họ buộc phải theo Trình Hạ dù có phục hay không. Đằng Nguyên có lối đi của riêng mình, không phải đấng cứu thế phổ độ chúng sinh cũng không phải một vị tướng tài ba lỗi lạc dẫn dắt nô lệ Sa Lục Châu trốn khỏi mỏ Dạ Cổ, an toàn trở về cố hương.

Thù là do tự hắn muốn báo, đường hắn hắn đi. Mạng ai người ấy giữ, hắn không có nghĩa vụ phải lo cho bất luận kẻ nào.

Đều là hán tử sức dài vai rộng sao có thể không biết xấu hổ mà bắt kẻ khác bảo hộ mình? Báo thù cái gì chứ? Những kẻ yếu hèn như vậy đi theo chỉ tổ vướng chân hắn.

- Chỉ sợ chẳng về được đến Sa Lục Châu… - Thông Lực hừ lạnh bất mãn.

Đằng Nguyên cười gằn:



- Đó không phải chuyện của ta. Khi ở mỏ Dạ Cổ, cai nô bức chết nô lệ, ta hạ độc trả thù liên lụy không ít người bỏ mạng, một đám nô lệ oán trách ta… nhưng đám người đó không thử nghĩ ngược nghĩ xuôi một chút, nếu các nô lệ không thừa nước đục thả câu sát hại cai nô sẽ chẳng cần phải rơi đầu. Nếu cứ đứng im đó nhìn bọn cai nô thổ huyết ồ ạt thì chuyện gì cũng không xảy ra. Hành động của ai, kẻ đó chịu trách nhiệm. Sao không oán hận lũ cai nô chặt đầu nô lệ mà lại oán ta? Còn chỉ điểm ta để giữ mạng… Còn đứng im nhìn ta bị lôi tới cọc hành hình, không xông tới cứu…

Đằng Nguyên nhìn chằm chằm Thông Lực, mặc dù sơn động tối lắm, chẳng thấy rõ cái gì nhưng sự uy hiếp của hắn rất kinh khủng, khiến Thông Lực nghẹn lời.

- Đứng trên cọc hành hình, ta chợt nhận ra thế gian rộng lớn nhưng ta chỉ có một mình. Không ai vì cảm kích ta độc chết cai nô mà chạy tới cứu. Do đó không cần phải vì bất luận kẻ nào mà báo thù rửa hận, mạo hiểm chính mình… Không cần làm ơn mắc oán rồi tự nhận hậu quả. Không cần phải suy tính thiệt hơn cho ngoại nhân. Ta quay lại mỏ Dạ Cổ hạ thuốc cai nô là để báo thù cho mình, không phải vì giải phóng nô lệ Sa Lục Châu. Vì cái gì mà ta phải nhận trách nhiệm bảo hộ tính mạng kẻ khác? Trong khi các ngươi cũng đã thấy đám nô lệ khu Trung đói khát xin xỏ không được thì đuổi theo muốn cướp bóc, oán trách, nguyền rủa chúng ta còn gì… Chính các ngươi cũng đang nảy sinh oán thán khi ta không làm theo những gì các ngươi muốn. Vì cái gì mà ta phải chạy theo lợi ích và mong muốn của các ngươi?

Không ai trả lời được.

Trình Hạ chờ một lát cho không khí đỡ căng thẳng mới lên tiếng: — QUẢNG CÁO —

- Đằng Nguyên huynh nói rất đúng. Ai hối hận vì đã rời khỏi mỏ Dạ Cổ, muốn giữ mạng, có thể quay lại; ai muốn trở về Sa Lục Châu thì ngày mai theo ta; ai muốn đi tìm chết như Đằng huynh thì theo huynh ấy. Các huynh đệ đều có sự lựa chọn riêng mình, không ai ép các ngươi làm điều các ngươi không muốn, cho nên thay vì nghĩ ngược nghĩ xuôi, hãy nghĩ xem ngày mai đi lối nào thì hơn…

- Vậy khi nào thì tách đội? – Lưu Tống hỏi với giọng giống như người kiệt sức.

- Chúng ta vẫn sẽ giữ đội đi về phía tây bắc cho đến khi đụng độ Bạch Đà quân hoặc đụng phải một cuộc truy quét. – Đằng Nguyên thông báo, giọng dịu xuống. – Nếu cứ an toàn di chuyển, ra đến sát bìa rừng thì tách đôi. Các ngươi phải nghĩ cho kỹ…



Ngày đào tẩu thứ tư, cả đội theo hướng tây bắc băng rừng vượt suối mà đi. Đường rừng so với đường mòn khó đi vạn phần, cây cối dày đặc, rắn rết, độc trùng nhiều vô kể. Điền Đông mất nguyên nửa buổi sáng mới tìm đủ cỏ đuổi côn trùng cho cả đội, tốc độ rất chậm.

Thỉnh thoảng Đằng Nguyên nghe thấy một vài tiếng hét thất thanh theo gió vọng lại. Đôi khi đường mòn cắt ngang qua trước mặt họ khiến họ phải rình rập cả canh giờ, xác định rõ đã an toàn mới băng qua, mất rất nhiều thời gian. Vậy nên hết ngày thứ tư, Đằng Nguyên cảm giác họ chẳng đi được bao xa, còn cách bìa rừng mấy ngày đường.

Đêm đến, khi cả đội nghỉ chân, bốn bề tĩnh lặng, những tiếng la hét trở nên rõ nét.

Bạch Đà quân đã bắt đầu truy quét nô lệ bỏ trốn, dường như không phải chỉ để bắt lại vì những tiếng hét nghe rất khủng khiếp, chứa đựng đau đớn, thống khổ, thanh âm kéo dài phẫn uất… Giống như bị tra tấn đến chết.

Đằng Nguyên biết đường mòn uốn lượn qua rừng cũng chếch một chút về phía tây bắc nên không lo lắng lắm nhưng các huynh đệ khác tỏ ra vô cùng căng thẳng. Hắn nhận ca gác thứ hai, thấy Lưu Tống, Lưu Ngọc Lâm, Điền Đông và Điền Vỹ Thái cũng nhận như vậy thì biết họ muốn nói chuyện riêng.
— QUẢNG CÁO —